Môn Học: PĀLI PHÁP CÚ | XIII. Phẩm Đời (Lokavagga) - Kệ Số 10 (dhp 176)

Thứ năm, 31/08/2023, 20:37 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: PĀLI PHÁP CÚ

Bài học thứ năm 31.8.2023

XIII

PHẨM ĐỜI (Lokavagga)

XIII. Phẩm Đời_Kệ số 10 (dhp 176)

Duyên sự:

 

Bài kệ nầy đức Phật thuyết khi Ngài trú tại Jetavana thành Sāvatthi, nhân câu chuyện nàng Ciñcāmāṇavikā.

Khi đức Phật xuất hiện trong thế gian, Ngài đem lại ánh sáng chân lý cho vô số chư thiên và nhơn loại, dân chúng trong quốc độ đã theo về Phật Pháp nhiều không kể siết. Họ chỉ cúng dường Phật Pháp Tăng, các ngoại đạo bị bỏ quên ít có sanh lợi lộc. Việc nầy khiến bọn ngoại đạo tức tối đố kỵ với đức Phật, ngoại đạo tìm cách triệt hạ uy tín của Thế Tôn.

Cạnh chùa Jetavana có ngôi chùa của ngoại đạo. Chùa ngoại đạo ấy có một nữ đệ tử tên Ciñcāmāṇavikā.

Một hôm nữ đệ tử ngoại đạo nầy, đi đến chùa của các ngoại đạo. Chúng có việc lo âu, cô Ciñcā thấy thế bèn hỏi đôi ba lần, bọn ngoại đạo mới tâm sự với nữ đệ tử. Và thầy trò lên kế hoạch.

Nàng Ciñcā hằng ngày tay cầm hương hoa tháp tùng theo các cư sĩ đi đến chùa nghe pháp, như một cận sự nữ tịnh tín tam bảo vậy. Thời gian đầu, cô ta đến và đi theo các cư sĩ.

Sau đó, cô ta nán lại chờ mọi người nghe pháp ra về hết, mới lén về chùa ngoại đạo kế bên chùa Jetavana để ngủ qua đêm và cứ sáng sớm chờ lúc phật tử đi đến chùa Jetavana thì cô từ Jetavana đi ra. Và, cứ đến chiều khi các phật tử nghe pháp xong ra về thì cô ta lại đi vào Jetavana. Mọi người để ý thấy như vậy thắc mắc.

Có người thấy nàng ta đi vào Jetavana phi thời mới hỏi: “Cô đi làm gì  đến tịnh xá giờ nầy?” thì nàng Ciñcā xảo quyệt trả lời: “Tôi đi đâu mặc kệ tôi, mắc gì  mà quý vị hỏi chứ!”

Sáng sớm người ta thấy cô ta từ tịnh xá Jetavana đi ra về. Có người hỏi: “Đêm qua cô ngụ ở đâu mà về sớm thế?” Nàng Ciñcā vờ khó chịu, đáp: “Các người hỏi chổ ngụ của tôi để làm gì?”

Qua một vài tháng cứ như vậy. Lần nầy khi bị vặn hỏi, nàng ta tỏ vẻ thật thà nói rằng: “Bấy lâu nay tối nào tôi cũng vào tịnh xá Jetavana và ngụ chung hương thất với Sa môn Gotama”.

Những cư sĩ phàm phu nghe vật suy sụp niềm tin không muốn đi chùa nghe pháp nữa.

Ba bốn tháng sau nàng Ciñcā dùng vải độn bụng, giả dạng như người mang thai, bụng lớn dần theo ngày tháng, khiến cho những kẻ phàm nhân thiếu trí, nghĩ rằng: “Đây là thai bào do Sa mon Gotama tạo ra chắc chắn rồi!”

Khoảng tám chín tháng, nàng Ciñcā dùng khúc gỗ đẽo gọt tròn lẳn, giữa to, hai đầu dẹp, quấn vãi rồi cột trước bụng, mặc áo phũ bên ngoài trông giống như người mang bụng bầu, ả còn dùng cây đập vào tay cho sưng lên y như thai phụ sắp đến ngày sanh nỡ.

Một hôm, vào buổi chiều lúc đức Thế Tôn đang ngồi thuyết pháp giữa đại chúng nơi giãng đường, nàng Ciñcāmāṇavikā đi vào giữa giãng đường, đứng trước đức Thế Tôn, lớn tiếng nói cho hội chúng nghe rõ: “Nầy ông Sa môn, ông nói pháp giỏi, giọng của ông thanh tao, ngọt ngào, êm ái. Tôi cũng vì say mê giọng nói ngọt ngào ấy mà nay đã sắp đến ngày sanh nở rồi. Sao ông làm ngơ không chăm sóc tôi chứ! Ông chỉ biết hưởng lạc mà không có trách nhiệm”.

Nàng Ciñcamāṇāvikā ngay lúc ấy đã vu hoạ, phỉ báng đức Phật giữa hội chúng, cô ả như người cầm phẩn để bôi bẩn mặt trăng sáng.

Chờ cho cô ả dứt lời, đức Thế Tôn phán rằng: “Này Ciñcā, sự việc ngươi vừa nói, hư thực thế nào chỉ có ngươi tự biết và Như Lai biết thôi”.

“Đúng vậy, này Sa môn, việc nầy chỉ có ông và tôi biết thôi”.

Đức Thế Tôn im lặng an trú chánh định. Khi ấy trên thiên cung Đao Lợi, bảo toạ của thiên chủ Đế Thích bổng nhiên nóng ran. Thiên chủ tự nghĩ: “Có việc chi vậy?” Rồi thiên chủ Đế Thích dùng thiên nhãn quán sát thấy nàng Ciñcā đang vu cáo phỉ báng đức Phật, khiến hội chúng nghi ngờ phạm hạnh của Ngài.

Thiên chủ Đế Thích liền sai bốn vị thiên tử: “Chư thiên hãy đến Jetavana làm sáng tỏ việc nàng Ciñcāmāṇavikā vu cáo phạm hạnh đức Thế Tôn”.

Tứ đại thiên tử vâng lệnh Thiên chủ Đế Thích hiện xuống tại Jetavana hoá thành bốn con chuột nhắt, cắn đứt vải buộc khúc gỗ trong trước bụng của nàng Ciñcā, và tạo cơn gió mạnh thổi tung vạt áo của ả, khiến khúc gỗ rơi xuống bàn chân ả, ả đau đớn vô cùng.

Việc xãy ra đã phơi bày sự thật, làm sáng tỏ phạm hạnh thanh nghiêm của đức Phật và tố giác việc vu cáo của nàng Ciñcamāṇavikā. Đại chúng phẩn nộ hét lên: “Đồ ác nữ, ngươi đã phỉ báng đức Phật với những lời vu cáo không có”. Rồi đại chúng đã túm cổ cô ấy lôi ra khỏi tịnh xá Jetavana, đồng thời cho cô ta một trận đòn và hình phạt ô nhục. Nàng Ciñcamāṇavikā lủi trốn nhưng vừa khuất dạng thì mặt đất bổng nứt ra thành hố sâu, nàng rơi xuống mất tích, chết sanh vào địa ngục A tỳ.

Sau việc nầy, lợi đắc của ngoại đạo càng tổn giãm nặng nề.

Hôm sau chư tỳ kheo ngồi họp mặt trong giãng đường đã bàn tán về chuyện nàng Ciñcamāṇavikā vu cáo bôi nhọ đức Thế Tôn như thế phải bị hậu quả tổn thất nặng nề.

Đức Thế Tôn với thiên nhỉ Ngài nghe được câu chuyện giữa chúng tỳ kheo, từ hương thất đức Thế Tôn ngự đến giãng đường. Sau khi hỏi chư Tăng bàn luận đề tài gì? Và được trình bày. Đức Thế Tôn bèn thuyết bổn sanh Mahāpaduma (jāt. câu chuyện 472), thời quá khứ tiền thân nàng Ciñcā cũng đã từng vu cáo bậc Đại Sỉ và kết cuộc bị hậu quả thảm thương.

Sau khi thuyết bổn sanh, đức Thế Tôn phán dạy: “Này chư tỳ kheo, đối với những người từ bỏ một pháp là lời chân thật, sống vọng ngữ, bác bỏ đời sau, thì không có điều ác nào không dám làm”.

Rồi đức Thế Tôn đã nói lên bài kệ nầy: “Ekaṃ dhammaṃ atītassa…v.v…natthi pāpaṃ akāriyan’ ti”.

Cuối pháp thoại, có nhiều vị tỳ kheo đắc thánh quả.

 

Chánh văn:

10.  Ekaṃ dhammaṃ atītassa

musāvādissa jantuno

vitiṇṇaparalokassa

natthi pāpaṃ akāriyaṃ.

(dhp 176)

Thích Văn:

 

Ekaṃ [đối cách, số ít, số mục tính từ eka] một, số 1.

Dhammaṃ [đối cách, số ít, danh từ nam tính dhamma] pháp, sự kiện.

Atītassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, quá khứ phân từ của động từ acceti, accayati (ati + + a)] đã qua khỏi, đã vượt qua, đã vi phạm.

Musāvādissa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, hợp thể dành từ musāvādī (musā + vāda + ī)] đối với kẻ nói dối, vọng ngữ.

Jantuno [sở thuộc cách, số ít, danh từ nam tính jantu] chúng sanh, hạng người.

Vitiṇṇaparalokassa [sở thuộc cách, số ít, nam tính, hợp thể tính từ vitiṇṇaparaloka (vitiṇṇa + paraloka)] đối với người bác bỏ đời sau, phủ nhận đời sau.

Natthi [hợp âm na atthi]

Atthi [động từ tiến hành cách “as + a”. Ngôi III, số ít] có, hiện hửu. Natthi dùng như động từ phủ định, “ Không có”.

Pāpaṃ [chủ cách, số ít, danh từ trung tính pāpa] việc ác, tội ác.

Akāriyaṃ [chủ cách, số ít, trung tính, tính từ akāriya (na + kāriya)] không đáng làm, không làm.

 

Việt văn:

10. Đối với người nói dối,

người bỏ qua chân pháp,

người bác bỏ đời sau,

không ác nào không làm.

(pc 176)

Chuyển văn:

 

Jantuno ekaṃ dhammaṃ atītassa musāvādissa vitiṇṇaparalokassa akāriyaṃ pāpaṃ natthi.

Đối với người bỏ qua một pháp chân lý, xảo ngữ vọng ngôn, bác bỏ đời sau thì không có việc ác nào không dám làm.

 

Lý giải:

 

Gọi là bỏ qua một pháp, tức là bỏ chân thật (ekaṃ dhamman’ ti saccaṃ).

Gọi là kẻ nói dối, tức là với người nói mười lời, trong đó một lời thật cũng không có. Người như thế gọi là người vọng ngữ (Musāvādissa).

Gọi là người bác bỏ đời sau, nghĩa là phủ nhận đời sau, không tin có sự tái sanh.

Câu nói rằng, không ác nào không làm (natthi pāpaṃ akāriyaṃ), nghĩa là đối với người bỏ pháp chân thật, chỉ nói dối, phủ nhận đời sau, như vậy thì nơi người ấy không có ý nghĩ: “Việc ác nầy không nên làm” (tassa evarūpassa idaṃ nāma pāpaṃ akattabban’ ti natthi).

Người biết giữ lẻ phải, có nguyên tắc sống chân thật, không nói xảo trá, người ấy sẽ ngần ngại làm điều ác, họ có suy nghĩ: “điều ác nầy không nên làm”; Ngược lại người sống không cần lẻ phải, không tôn trọng sự thật, thì với người ấy sẽ không có lương tri từ bỏ việc ác.

Một hạng người nữa, là người tin có đời sau, tin lý nhân quả nghiệp báo, thì người ấy mới ngần ngại làm điều ác, người ấy mới có suy nghĩ “điều ác nầy không nên làm”; Còn đối với người vô thần đoạn kiến, không tin có đời sau, không tin nhân quả nghiệp báo thì kẻ ấy sẽ không ngần ngại làm việc ác, không có việc ác nào mà nó không dám làm.

 

 

Tỳ kheo Tuệ Siêu biên soạn

 

 

Ý kiến bạn đọc