Giáo Trình Trung Bộ Kinh _ Majjhima Nikāya  _ Bài học ngày 02.2.2021  _ 101. Kinh Devadaha (Devadaha Sutta) _ "Nghiệp Báo khác với tiền định"

Giáo Trình Trung Bộ Kinh _ Majjhima Nikāya _ Bài học ngày 02.2.2021 _ 101. Kinh Devadaha (Devadaha Sutta) _ "Nghiệp Báo khác với tiền định"

Thứ ba, 02/02/2021, 11:58 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo Trình Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikāya

Bài học ngày 2.2.2021

101. Kinh Devadaha (Devadaha Sutta)

Đây là bài kinh khởi đầu phẩm Devadahavagga. Tên kinh, Devadaha, lấy từ tên một thị trấn lớn trong vương quốc của giòng tộc Sakka (Thích Ca). Bài kinh nầy là một pháp thoại của Đức Phật dạy cho chư tỳ kheo mà trong đó Ngài dạy về những khiếm khuyết khi nếp tín ngưỡng hay sự hành trì dựa trên giáo thuyết định mệnh. Thật ra ngày nay có rất nhiều Phật tử thuộc cả hai giới xuất gia và tại gia hiểu giáo lý nghiệp báo như định mệnh. Điều đó sai lầm từ trong căn bản. Phải đọc bài kinh nầy thật kỷ để hiểu rõ tại sao.

485. Quan điểm dựa trên chủ thuyết tiền định

Đức Phật nhân một pháp thoại hằng ngày cho chư tỳ kheo đã đề cập đến quan niệm phổ thông của ngoại đạo cho rằng tất cả vui khổ đều do nghiệp quá khứ, như chủ thuyết tiền định

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở giữa các Sakka (Thích ca). Devadaha là một thị trấn các Sakka. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các Tỷ-kheo".

"--Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, có một số Sa-môn, Bà-la-môn có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ diệt tận".

Nầy các Tỷ-kheo, lý thuyết các Nigaṇṭha (Ni kiền tử) là vậy. Nầy các Tỷ-kheo, Ta nói như vậy, Ta đi đến các Nigaṇṭha và nói như sau:

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, có đúng sự thật chăng, các Ông có lý thuyết như sau, có tri kiến như sau: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt, do nghiệp đoạn diệt khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận?"

486. Cho dù nói tất cả do quá khứ nhưng không biết gì về quá khứ

Người ta thường nói về tiền định trong lúc không nhớ biết gì về những đời trước

Này các Tỷ-kheo, nếu các Nigaṇṭha ấy, khi được Ta hỏi, tự nhận có nói như vậy, Ta liền nói như sau:

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ông có biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu?"

"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ông có biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp?"

"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các ông có biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này hay như thế kia?"

"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.

487. Ngay cả hiện tại vẫn mù mờ

Khoan nói về những đau khổ do nghiệp quá khứ ngay cả khổ vui do hiện tại cũng không biết rõ

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các ông có biết: "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận?"

"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ông có biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp?"

"-- Thưa Hiền giả, không như vậy.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, như các Ông đã nói, các Ông không biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông không biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp"; các Ông không biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này, hay như thế kia"; các Ông không biết: "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận, khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông không biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời có hợp lý chăng, khi các Tôn giả Nigaṇṭha lại trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ, với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp được đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt tất cả khổ thọ sẽ được diệt tận?".

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, nếu các Ông được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp"; các Ông được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này, hay như thế kia"; các Ông được biết: "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông được biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ; với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt, do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

488. Nếu quá khứ không biết, hiện tại thì mù mờ mà nói chuyện tương lai là điều phi thực tế

Nên khiêm tốn chấp nhận sự hiểu biết hữu hạn đối với quá khứ, hiện tại và mù mở hơn nữa là tương lai.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, ví như một người bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Người ấy do nhân cảm xúc mũi tên, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Bạn bè, bà con huyết thống của người ấy mời một y sĩ giải phẫu đến. Vị y sĩ giải phẫu lấy dao cắt rộng miệng vết thương. Người ấy do nhân dao cắt miệng vết thương, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm. Người ấy do nhân bị dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu rút mũi tên ra khỏi người ấy. Người ấy do nhân được rút mũi tên, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy cho đốt miệng vết thương với than đỏ (hay đắp miệng vết thương với vải nóng như than đỏ). Người ấy do nhân miệng vết thương bị than đỏ đốt, thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Sau một thời gian, khi da đã bắt đầu lành trên miệng vết thương, người ấy không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, và đi vào chỗ nào người ấy muốn. Người ấy suy nghĩ như sau: "Trước kia ta bị mũi tên bắn, mũi tên được tẩm thuốc độc rất dày. Do nhân cảm xúc mũi tên, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Bạn bè bà con huyết thống của ta có mời một y sĩ giải phẩu đến. Vị y sĩ giải phẫu ấy lấy dao cắt rộng miệng vết thương. Ta do nhân dao cắt rộng miệng vết thương thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẩu ấy dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm. Do nhân bị dò tìm mũi tên với vật dụng dò tìm ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy rút mũi tên ra khỏi ta. Do nhân được rút mũi tên, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Vị y sĩ giải phẫu ấy cho đốt miệng vết thương với than đỏ (hay đắp miệng vết thương với vải nóng như than đỏ?). Do nhân miệng vết thương bị than đỏ đốt, ta thọ lãnh các cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ. Nay da đã bắt đầu lành trên miệng vết thương, ta không bệnh, an lạc, tự do, tự tại, và đi chỗ nào ta muốn".

"Như vậy, này chư Hiền Nigaṇṭha, nếu các Ông được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp", các Ông được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp, như thế này hay như thế kia", các Ông được biết: "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận; hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông được biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp"; sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

"Chư Hiền Nigaṇṭha, và vì rằng các Ông không được biết: "Trong quá khứ, chúng tôi có hiện hữu, chúng tôi không hiện hữu"; các Ông không được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp, chúng tôi không tạo ác nghiệp"; các Ông không được biết: "Chúng tôi có tạo ác nghiệp như thế này, hay như thế kia"; các Ông không được biết: "Khổ mức độ như thế này đã được diệt tận, hay khổ mức độ như thế này cần phải được diệt tận, hay với sự diệt tận khổ mức độ như thế này, tất cả khổ sẽ được diệt tận"; các Ông không được biết: "Sự đoạn tận các bất thiện pháp ngay trong hiện tại hay sự thành tựu các thiện pháp"; thời thật là không hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ; với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

489. Năm cơ sở của tri kiến

Hiểu biết phải có y cứ hẳn hòi

Này các Tỷ-kheo, khi được nói vậy, các Nigantha ấy nói với Ta:

"-- Thưa Hiền giả, Nigaṇṭha Nātaputta là bậc toàn tri, toàn kiến, tự xưng là có tri kiến toàn diện như sau: "Dầu ta có đi, có đứng, có ngủ và có thức, tri kiến luôn luôn được tồn tại liên tục ở nơi ta". Vị ấy nói như sau: "Này các Nigaṇṭha, nếu xưa kia các Ông có làm ác nghiệp, hãy làm cho nghiệp ấy tiêu mòn bằng khổ hạnh thống khổ này. Chính do hộ trì thân, hộ trì lời nói, hộ trì ý ở đây, ngay trong hiện tại nên không làm các nghiệp trong tương lai. Với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận". Và vì chúng tôi chấp nhận và chúng tôi kham nhẫn điều ấy, nên chúng tôi được hoan hỷ".

Khi được nói vậy, này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị Nigaṇṭha ấy:

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, có năm pháp này, ngay trong hiện tại có hai quả báo. Thế nào là năm? Tín, hỷ, tùy văn, thẩm định lý do (ākāraparivitakka), kham nhẫn chấp thọ (tà) kiến. Này chư Hiền Nigaṇṭha, năm pháp này ngay trong hiện tại có hai quả báo. Ở đây, thế nào là lòng tin các Tôn giả Nigaṇṭha ấy đối với bậc Ðạo sư trong quá khứ? Thế nào là sự hoan hỷ, thế nào là sự tùy văn, thế nào là thẩm định lý do, thế nào là kham nhẫn chấp thọ (tà) kiến các vị ấy?"

Này các Tỷ-kheo, nói như vậy, Ta không thấy một câu trả lời hợp pháp nào giữa các vị Nigaṇṭha. Và lại nữa này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị Nigaṇṭha ấy như sau:

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ông nghĩ thế nào? Khi các Ông tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy có phải các Ông thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ? Còn trong khi các Ông không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy có phải các Ông không thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ?

"-- Thưa Hiền giả Gotama, khi chúng tôi tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy chúng tôi thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Còn trong khi chúng tôi không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy chúng tôi không thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ.

"-- Như vậy, này chư Hiền Nigaṇṭha, khi các Ông tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy các Ông thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Còn trong khi các Ông không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy các Ông không thọ lãnh những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp được đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ đoạn diệt, cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

"Này chư Hiền Nigaṇṭha, nếu trong khi các Ông tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy các cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ được tồn tại. Còn trong khi các Ông không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy các cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ cũng được tồn tại. Sự tình là như vậy, thời thật là hợp lý khi các Tôn giả Nigantha trả lời: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ, với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ... (như trên)... tất cả khổ được diệt tận".

"Và vì rằng, chư Hiền Nigaṇṭha, trong khi các Ông tha thiết tinh tấn, tha thiết tinh cần, khi ấy các Ông lãnh thọ những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ thống khổ, còn trong khi các Ông không tha thiết tinh tấn, không tha thiết tinh cần, khi ấy các Ông không lãnh thọ những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ. Như vậy, thật chính các Ông trong khi lãnh thọ những cảm giác thống khổ, đột khởi, đau đớn, cực khổ, thống khổ, tự bị lừa dối bởi vô minh, vô trí, ngu muội, khi các Ông nói: "Phàm cảm giác gì con người này lãnh thọ, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, tất cả đều do nhân các nghiệp quá khứ; với sự đốt cháy, đoạn diệt các nghiệp quá khứ, với sự không tạo tác các nghiệp mới, sẽ không có diễn tiến đến tương lai. Do không có diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt; do nghiệp được đoạn diệt, khổ được đoạn diệt; do khổ được đoạn diệt; cảm thọ được đoạn diệt; do cảm thọ được đoạn diệt, tất cả khổ sẽ được diệt tận".

490. Không thể quan niệm giáo thuyết tiền định quá tổng quát

Có nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ kiếp quá khứ nhưng không phải tất cả đều do nghiệp từ kiếp quá khứ

Này các Tỷ-kheo, nói như vậy, Ta không thấy một câu trả lời hợp lý nào giữa các vị Nigaṇṭha. Và lại nữa, này các Tỷ-kheo, Ta nói với các vị Nigaṇṭha ấy như sau:

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn, hay do tinh cần có thể khiến được thọ quả tương lai?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp được thọ quả tương lai này do tinh tấn hay do tinh cần có thể khiến được thọ quả hiện tại?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp được lãnh lạc thọ này, do tinh tấn hay tinh cần có thể được lãnh khổ thọ?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp được lãnh khổ thọ này, do tinh tấn hay tinh cần có thể được lãnh lạc thọ?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ đã được thuần thục này do tinh tấn hay tinh cần, có thể trở thành không thuần thục?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ chưa được thuần thục này, do tinh tấn hay tinh cần, có thể trở thành thuần thục?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp đa sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần trở thành thiểu sở thọ?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Có thể nói được chăng: "Mong rằng nghiệp thiểu sở thọ này do tinh tấn hay do tinh cần trở thành đã sở thọ?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Chư Hiền Nigaṇṭha, các Ông nghĩ thế nào? Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp có sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp không có sở thọ?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Có thể được chăng: "Mong rằng nghiệp không có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp có sở thọ?"

"-- Thưa không vậy, Hiền giả.

"-- Như vậy, này chư Hiền Nigaṇṭha, không thể được: "Mong rằng nghiệp được thọ quả hiện tại này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được thọ quả tương lai". Không thể được: "Mong rằng nghiệp được thọ quả tương lai này, do tinh tấn hay do tinh cần, trở thành nghiệp được thọ quả hiện tại". Không thể được: "Mong rằng nghiệp được lãnh lạc thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được lãnh khổ thọ". Không thể được: "Mong rằng nghiệp được lãnh khổ thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành nghiệp được lãnh lạc thọ". Không thể được: "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ đã được thành thục này, do tinh tấn hay tinh cần có thể trở thành không thành thục". Không thể được: "Mong rằng nghiệp mà quả lãnh thọ không thành thục này, do tinh tấn hay tinh cần có trở thành thành thục". Không thể được: "Mong rằng nghiệp đa sở thọ này do tinh tấn hay tinh cần, trở thành thiểu sở thọ". Không thể được: "Mong rằng nghiệp thiểu sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành đa sở thọ". Không thể được: "Mong rằng nghiệp không có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành có sở thọ". Không thể được: "Mong rằng nghiệp có sở thọ này, do tinh tấn hay tinh cần trở thành không có sở thọ". Sự tình là như vậy, thời sự tinh tấn của các Tôn giả Nigantha là không có kết quả, sự tinh cần của họ là không có kết quả".

491. Nếu mười tùy thuyết là đúng thì sự tu khổ hạnh của Đạo Jain đáng chỉ trích

Đức Thế Tôn đã đưa ra mười giả thuyết (vādānuvādā) mà qua đó nếu những giả thuyết nầy đúng với sự thật thì sự hành trì khổ hạnh của Nigaṇṭha đáng chỉ trích:

Này các Tỷ-kheo, các Nigaṇṭha nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết (Tùy thuận thuyết: Vādānuvādā) hợp pháp do các Nigaṇṭha đã nói như vậy đưa đến sự chỉ trích:

(1) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân các việc làm quá khứ, lãnh thọ lạc khổ, thời này các Tỷ- kheo, các Nigaṇṭha thật sự đã làm những ác hạnh trong thời quá khứ, nên nay họ phải lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.

(2) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân một vị Tạo hóa tạo ra lãnh thọ những cảm giác lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigaṇṭha a thật sự được tạo ra bởi một vị Tạo hóa ác độc, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ.

(3) Như vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện (saṅgātibhāva), thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigaṇṭha thật sự bị ác kết hợp, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.

(4) Này các Tỷ-kheo, nếu các loài hữu tình do nhân sanh loại (ahbijāti) lãnh thọ những cảm giác lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigaṇṭha thật sự bị ác sinh loại, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ như vậy.

(5) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh tấn hiện tại, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, các Nigantha thật sự đã tạo ác tinh tấn hiện tại, vì rằng nay họ lãnh thọ những cảm giác đau đớn, cực khổ, thống khổ.

(6) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân việc làm quá khứ thọ lãnh lạc khổ, các Nigaṇṭha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân việc làm quá khứ thọ lãnh lạc khổ, các Nigaṇṭha đáng bị chỉ trích.

(7) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra thọ lãnh lạc khổ, các Nigaṇṭha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra thọ lãnh lạc khổ, các Nigaṇṭha đáng bị chỉ trích.

(8) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc khổ các Nigaṇṭha đáng bị chỉ trích.

(9) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, các Nigaṇṭha đáng bị chỉ trích.

(10) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh cần hiện tại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích. Nếu các hữu tình không do nhân tinh cần hiện tại thọ lãnh lạc khổ, các Nigantha đáng bị chỉ trích.

Này các Tỷ-kheo, các Nigaṇṭha nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết hợp pháp các Nigaṇṭha đã nói như vậy đưa đến sự chỉ trích. Như vậy, này các Tỷ-kheo, sự tinh tấn của các Nigaṇṭha là không có kết quả, sự tinh cần của họ là không có kết quả.

492. Sự nỗ lực hiện tại có lợi lạc

Phải thấy được giá trị của sự cải thiện cuộc sống bằng ý chí. Chỉ cần vài thí dụ có thể thấy điều đó:

-- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự tinh tấn có kết quả? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy chi phối. Vị ấy biết như sau: "Trong khi ta tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ này, do chống lại nguyên nhân đau khổ, ta không có tham dục. Nhưng trong khi ta xả đối với nguyên nhân đau khổ này, trong khi tu tập xả, ta không có tham dục". Khi (vị Tỷ-kheo) tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, do tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tinh cần chống lại (nguyên nhân đau khổ). Nhưng trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tu tập xả. Trong khi vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ ấy, do tinh cần chống lại nguyên nhân, vị ấy không có tham dục. Như vậy sự đau khổ ấy đối với vị ấy được diệt tận. Trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ ấy, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Như vậy sự đau khổ ấy đối với vị ấy được diệt tân.

Này các Tỷ-kheo, ví như một người luyến ái một nữ nhân, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Người ấy thấy nữ nhân này đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy, khi thấy nữ nhân này đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, có sanh sầu, bi, khổ, ưu, não không?

-- Thưa có vậy, bạch Thế Tôn. Vì sao vậy? Vì rằng người ấy luyến ái nữ nhân kia, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Do vậy, người ấy khi thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, nên sanh sầu, bi, khổ, ưu, não.

-- Nhưng này các Tỷ-kheo, người ấy có thể suy nghĩ như sau: "Ta luyến ái nữ nhân

này, tâm tư say đắm, nhiệt tình ái mộ, nhiệt tình luyến mộ. Khi ta thấy nữ nhân này đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện đùa giỡn và cười cợt, ta sanh sầu, bi, khổ, ưu, não. Vậy ta hãy bỏ lòng tham luyến đối với nữ nhân này". Rồi người ấy bỏ lòng tham luyến đối với nữ nhân kia. Sau một thời gian, người ấy thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt. Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Người ấy khi thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, có sanh sầu, bi, khổ, ưu não, không?

-- Bạch Thế Tôn không. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn vì rằng, người này đối với nữ nhân kia không còn tham luyến. Do vậy, khi thấy nữ nhân kia đứng với một người đàn ông khác, nói chuyện, đùa giỡn và cười cợt, người ấy không sanh sầu bi, khổ, ưu, não.

-- Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, (một người) không để cho tự ngã chưa bị nhiếp phục, bị đau khổ nhiếp phục và không từ bỏ lạc thọ hợp pháp, và không để lạc thọ ấy chi phối. Vị ấy biết như sau: "Trong khi ta tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ này, do chống lại nguyên nhân đau khổ, ta không có tham dục. Nhưng trong khi ta xả đối với nguyên nhân đau khổ này, trong khi tu tập xả, ta không có tham dục". Khi (vị ấy) tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, do tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tinh cần chống lại (nguyên nhân đau khổ). Nhưng trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Do vậy, ở đây, vị ấy tu tập xả. Trong khi vị ấy tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ ấy, do tinh cần chống lại nguyên nhân, vị ấy không có tham dục. Như vậy, sự đau khổ đối với vị ấy được diệt tận. Trong khi vị ấy xả đối với nguyên nhân đau khổ ấy, trong khi tu tập xả, vị ấy không có tham dục. Như vậy, sự đau khổ đối với vị ấy được diệt tận. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, sự tinh cần có kết quả.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo lại suy nghĩ như sau: "Khi ta trú vào lạc, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu. Nhưng khi ta tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã, các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vậy ta hãy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã". Vị ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Do tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã, các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vị ấy sau một thời gian, không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Vì sao vậy? Vì mục đích vị Tỷ-kheo ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã đã thành tựu. Do vậy, sau một thời gian vị ấy không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã.

Ví như, này các Tỷ-kheo, một người làm tên, hơ nóng và đốt nóng thân tên giữa hai ngọn lửa, khiến thân tên được thẳng và dễ uốn nắn. Nhưng này các Tỷ-kheo, khi thân tên của người làm tên, đã được hơ nóng và đốt nóng giữa hai ngọn lửa trở thành thẳng và dễ uốn nắn, người ấy sau một thời gian không còn hơ nóng và đốt nóng thân tên giữa hai ngọn lửa, khiến thân tên được thẳng và dễ uốn nắn. Vì sao vậy? Vì mục đích người làm tên ấy hơ nóng và đốt nóng thân tên giữa hai ngọn lửa, khiến thân tên được thẳng và dễ uốn nắn đã được thành tựu. Do vậy, sau một thời gian, người ấy không còn hơ nóng, đốt nóng thân tên giữa hai ngọn lửa để trở thành thẳng và dễ uốn nắn.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy suy nghĩ như sau: "Khi ta trú vào lạc, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu. Nhưng khi ta tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã", các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vậy ta hãy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã". Vị ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Do tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã, các bất thiện pháp giảm thiểu, các thiện pháp tăng trưởng. Vị ấy sau một thời gian, không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Vì sao vậy? Vì mục đích vị Tỷ-kheo ấy tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã đã thành tựu. Do vậy, sau một thời gian, vị ấy không tinh cần dùng đau khổ chống với tự ngã. Như vậy, này các Tỷ-kheo là sự tinh cần có kết quả.

493. Con đường giới, định, tuệ

Con đường giải thoát được Đức Phật truyền dạy khởi sự với lòng tịnh tính và tiếp theo là sự tu tập giới uẩn, định uẩn và tuệ uẩn:

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, ở đây, Như Lai sanh ra ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi riêng tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này là Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa, Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh.

Người gia trưởng hay con người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nghe pháp ấy, sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tín ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng ấy, người ấy suy nghĩ: "Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Một thời gian sau, người ấy bỏ tài sản nhỏ, hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ, hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống các Tỷ-kheo, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết xấu hổ, sợ hãi, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Vị ấy từ bỏ đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt.

Vị ấy từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Vị ấy từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chuyện chia rẽ ở những người kia. Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy từ bỏ nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người; vị ấy nói những lời nói như vậy. Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói pháp, nói luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, hợp lý có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

Vị ấy từ bỏ không làm hại đến các hạt giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm; từ bỏ các món ăn phi thời; từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, các cuộc trình diễn; từ bỏ không dùng vòng hoa, hương liệu, dầu thoa, trang sức, và các thời trang; từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn; từ bỏ không nhận vàng và bạc; từ bỏ không nhận các hạt sống; từ bỏ không nhận thịt sống, từ bỏ không nhận đàn bà con gái; từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai; từ bỏ không nhận cừu và dê; từ bỏ không nhận gia cầm và heo; từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái; từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai; từ bỏ không dùng người làm môi giới hoặc tự mình làm môi giới; từ bỏ không buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo; từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

Vị ấy sống biết đủ, bằng lòng với tấm y để che thân với đồ ăn khất thực để nuôi sống, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh, cũng vậy, Tỷ- kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi sống, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, nội tâm hưởng lạc thọ không khuyết phạm.

Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, vì con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự các nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, những nguyên nhân gì, vì ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này nội tâm hưởng lạc thọ không uế nhiễm.

Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, thành tựu Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một trú xứ thanh vắng, như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây ngoài trời, đống rơm.

Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy từ bỏ dục tham ở đời, sống với tâm thoát ly dục tham, gột rửa tâm hết dục tham. Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng sanh hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Từ bỏ trạo cử, hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối quá. Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

Vị ấy, từ bỏ năm triền cái làm cho tâm ô uế, làm cho trí tuệ muội lược này, ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Như vậy, này các Tỷ- kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Và lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhứt tâm. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Và lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Và lại nữa này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến túc mạng trí. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, hai mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy vị ấy nhớ đến những đời sống quá khứ, cũng với các nét đại cương và các chi tiết. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến sanh tử trí của chúng sanh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Vị ấy nghĩ rằng: "Thật sự những vị chúng sanh này thành tựu những ác hạnh về thân, thành tựu những ác hạnh về lời nói, thành tựu những ác hạnh về ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này thành tựu những thiện hạnh về thân, thành tựu những thiện hạnh về lời nói, thành tựu những thiện hạnh về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, Thiên giới, trên đời này. Như vậy, vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Vị ấy tuệ tri rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ", tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ tập", tuệ tri như thật: "Ðây là Khổ diệt", tuệ tri như thật: "Ðây là con Ðường đưa đến khổ diệt" tuệ tri như thật: "Ðây là những lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là nguyên nhân của các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc", tuệ tri như thật: "Ðây là con Ðường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".

Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy tuệ tri: "Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; sau đời hiện tại, không có trở lui đời sống này nữa". Như vậy, này các Tỷ-kheo là sự tinh tấn có kết quả, là sự tinh cần có kết quả.

494. Mười tuỳ thuyết đối với Đức Như Lai

Nói với sự đối chứng, nếu 10 giả thuyết được đưa ra để nói về Đức Phật thì ở điểm nào cũng có thể tán thán:

Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết hợp pháp của Như Lai đã nói như vậy đưa đến sự tán thán:

(1) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân các việc đã làm trong quá khứ thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, Như Lai thật sự đã làm những thiện hạnh trong thời quá khứ nên nay mới thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy.

(2) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân một vị Tạo hóa tạo ra, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ- kheo, Như Lai thật sự được tạo ra bởi một vị Tạo hóa hiền thiện, nên nay mới thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy.

(3) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ- kheo, Như Lai thật sự được thiện kết hợp, nên nay mới thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy.

(4) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân sanh loại, thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo Như Lai thật sự được thiện sanh loại, nên nay thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy.

(5) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh tấn hiện tại thọ lãnh lạc khổ, thời này các Tỷ-kheo, Như Lai thật sư đã tạo thiện tinh tấn hiện tại, vì rằng nay thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy.

(6) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân hành động quá khứ thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Nếu các hữu tình không do nhân hành động quá khứ thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán.

(7) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra, thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Nếu các hữu tình không do nhân được một vị Tạo hóa tạo ra, thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán.

(8) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Nếu các hữu tình không do nhân các điều kiện kết hợp thọ lãnh lạc thọ khổ thọ, Như Lai đáng được tán thán.

(9) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán. Nếu các hữu tình, không do nhân sanh loại thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán.

(10) Này các Tỷ-kheo, nếu các hữu tình do nhân tinh cần hiện tại thọ lãnh lạc khổ, Như Lai đáng được tán thán.

Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói như vậy. Này các Tỷ-kheo, mười thuyết tùy thuyết hợp pháp này Như Lai đã nói như vậy đưa đến sự tán thán.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Phân đoạn & chú thích: Tỳ kheo Giác Đẳng

-ooOoo-

Kinh số 101 [tóm tắt]

Kinh Devadaha

(Devadaha Sutta)

(M.ii, 214)

Nigaṇṭha (Ni-kiền-tử) có chủ trương như sau: “Tất cả cảm giác hiện tại như khổ, lạc, không khổ không lạc, đều do nhân các nghiệp quá khứ. Nếu đoạn diệt các nghiệp ấy thì không có sự diễn tiến đến tương lai. Do không diễn tiến đến tương lai, nghiệp được đoạn diệt. Do nghiệp đoạn diệt, khổ được đoạn diệt. Do khổ đoạn diệt, cảm thọ đoạn diệt. Do cảm thọ diệt, tất cả khổ sẽ được đoạn tận”.

Đức Phật phân tích những sai lầm của chủ thuyết ấy và trình bày quan điểm của Ngài về vấn đề cảm thọ và sự tu tập liên hệ đến cảm thọ.

Ngài lấy ví dụ một người bị mũi tên độc bắn trúng, cảm thấy nhức nhối, phải nhờ một y sĩ giải phẫu. Trong khi bị giải phẫu, người ấy cảm thấy đau nhói, thống khổ. Khi được rút mũi tên ra, người ấy cũng cảm thấy đau nhói và khi được y sĩ đắp miệng vết thương, người ấy cũng rất đau đớn. Nhưng khi da trên miệng vết thương lành lại, thì người ấy được an lạc, không bệnh. Người ấy có thể nhớ lại các giai đoạn đau đớn trong quá khứ khi còn mũi tên trong da thịt, mức độ đau đớn của y lúc được giải phẫu khi rút mũi tên ra, lúc hơ nóng vết thương... so với sự an lạc hiện tại.

Nếu những người Nigaṇṭha cũng nhớ được các đời quá khứ của mình đã tạo những nghiệp gì (như người kia nhớ mình bị tên độc bắn) chịu đau khổ như thế nào v.v. thì chủ trương trên kia là hợp lý. Nhưng sự thật là các vị Nigaṇṭha không biết được rằng:

1. Trong quá khứ họ có hiện hữu hay không?

2. Có tạo ác nghiệp hay không?

3. Có tạo ác nghiệp như thế này hay như thế kia không?

4. Đã diệt được khổ đến mức độ nào? Còn bao nhiêu khổ phải diệt? Và đến mức độ

nào thì gọi là tất cả khổ sẽ diệt tận?
5. Sự đoạn tận các bất thiện hay thành tựu các thiện pháp?

Vì các Nigaṇṭha không thể biết năm điều trên, cho nên chủ trương của họ không hợp lý.

Khi nghe Phật bác, các Nigaṇṭha nói rằng Nigaṇṭha là bậc toàn tri toàn kiến đã nói lên lời ấy và nhắc lại sự cần thiết phải khổ hạnh để cho ác nghiệp quá khứ tiêu mòn.

Đức Phật bảo các Nigaṇṭha về năm pháp: Tín, hỷ, tùy văn, thẩm định lý do, và kham nhẫn chấp thọ. Năm pháp ấy có thể đúng và cũng có thể sai. Như lòng tin của các Nigaṇṭha đối với Đạo sư của họ, sự hoan hỷ, sự tùy văn..., sau khi hỏi về năm pháp ấy, đức Thế Tôn không thấy một câu trả lời nào hợp pháp ở các vị Nigaṇṭha. Đức Phật lại hỏi các Nigaṇṭha, có phải trong lúc thống thiết tinh cần, họ cảm giác khổ thọ, còn lúc ng thống thiết tinh cần, không có cảm giác khổ thọ? Các Nigaṇṭha chấp nhận. Do đó Phật dạy chủ trương Nigaṇṭha rằng: “Cảm thọ là do nghiệp quá khứ không hợp lý”. Rồi Ngài chỉ rõ mọi việc mà khổ hạnh không làm được:

1. Làm cho nghiệp được thọ quả hiện tại trở thành nghiệp thọ quả tương lai.

2. Làm cho nghiệp thọ quả tương lai trở thành nghiệp thọ quả hiện tại,

3. Làm cho nghiệp được lãnh lạc thọ, trở thành nghiệp lãnh khổ thọ,

4. Làm cho nghiệp được lãnh khổ thọ trở thành nghiệp lãnh lạc thọ,

5. Làm cho nghiệp mà quả được thành thục trở thành không thành thục,

6. Làm cho nghiệp mà quả không thành thục trở nên thành thục,

7. Làm cho nghiệp đa sở thọ (được thọ nhiều quả báo),

8. Làm cho nghiệp ít quả trở thành nhiều quả,

9. Làm cho nghiệp không thọ báo trở thành có thọ báo,

10. Làm cho nghiệp có thọ báo trở thành nghiệp không thọ báo. Do vậy, sự tinh tấn của các Nigaṇṭha không có kết quả.

Lại nữa, nếu các hữu tình do nhân việc làm quá khứ, thọ lãnh lạc khổ, thời các Nigaṇṭha thật đã làm ác hạnh nên nay mới phải khổ hạnh như vậy. Nếu các hữu tình do nhân một Tạo hóa sinh ra, thời các Nigaṇṭha đã được tạo ra bởi một Tạo hóa ác độc. Nếu do nhân kết hợp các điều kiện mà sinh ra, thì Nigaṇṭha đã bị ác kết hợp. Nếu do nhân sanh loại, thì Nigaṇṭha đã bị ác sanh loài. Nếu do tinh tấn sinh ra, thì Nigaṇṭha đã tạo ác tinh tấn nên mới chịu đựng những cảm thọ thống khổ trong hiện tại. Do vậy sự tinh tấn của chúng là vô hiệu quả.

Rồi đức Phật giảng cho các Tỷ-kheo thế nào là sự tinh tấn có kết quả. Đó là sự tinh tấn chống lại nguyên nhân đau khổ. Vị Tỷ-kheo nghĩ: “Trong khi ta tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ, ta không có tham dục. Trong khi tu tập xả đối với nguyên nhân đau khổ, ta cũng không có tham dục. Như vậy sự đau khổ được diệt tận nhờ tinh cần chống lại nguyên nhân đau khổ và nhờ tu tập xả”. Đó là sự tinh cần có kết quả.

Lại nữa, vị Tỷ-kheo suy nghĩ như sau: “Khi ta trú vào lạc, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp giảm thiểu. Nhưng khi ta tinh cần dùng đau khổ chống lại tự ngã, thì các bất thiện pháp giảm thiểu, thiện pháp tăng trưởng. Vậy ta hãy tinh cần, dùng đau khổ chống lại tự ngã”. Vị ấy sau một thời gian không cần dùng đau khổ chống với tự ngã, vì mục đích đã đạt, các thiện pháp tăng trưởng, bất thiện pháp giảm thiểu. Đó là sự tinh cần có kết quả.

Lại nữa, sự tinh cần có kết quả là khi vị Tỷ-kheo tu tập trừ bỏ năm triền cái, chứng năm thiền chi ở Sơ thiền, chứng và trú Nhị thiền sau khi diệt tầm tứ, chứng và trú Tam thiền, Tứ thiền cho đến Túc mạng minh. Như vậy là sự tinh cần có kết quả.

Rồi đức Thế Tôn kết luận, mười tùy thuyết hợp pháp theo đó Nigaṇṭha đáng bị chỉ trích thì Như Lai đáng được tán thán, ấy là:

1. Nếu các hữu tình do nhân các nghiệp quá khứ thọ lãnh lạc khổ thì Như Lai chứng tỏ đã làm những thiện nghiệp mới thọ lãnh vô lậu lạc thọ như vậy.

2. Dù không do nhân quá khứ, Như Lai cũng đáng được tán thán.

3. Nếu các hữu tình do nhân một vị Tạo hóa sinh ra, thì Như Lai thật đã được tạo bởi một vị Tạo hóa hiền thiện, nên nay mới thọ vô lậu lạc. Như Lai đáng được tán thán.

4. Nếu các hữu tình không do nhân một vị Tạo hóa sinh ra mà thọ lãnh lạc khổ. Như Lai cũng đáng được tán thán.

5. Nếu các hữu tình do nhân kết hợp các điều kiện mà thọ lạc khổ, thì Như Lai thật đã được thiện kết hợp mới được vô lậu lạc như vậy. Như Lai đáng tán thán.

6. Nếu các hữu tình không do nhân kết hợp, Như Lai cũng đáng được tán thán.

7. Nếu các hữu tình do nhân sanh loại mà thọ khổ lạc, Như Lai thật đã được thiện sanh loại mới thọ vô lậu lạc. Như Lai đáng được tán thán.

8. Nếu không do nhân sanh loại, Như Lai cũng đáng được tán thán.

9. Nếu các hữu tình do nhân tinh tấn, hiện tại thọ lãnh lạc khổ, Như Lai thật đã tạo thiện tinh tấn nên mới thọ vô lậu lạc, đáng được tán thán.

10. Nếu không do nhân tinh cần, tinh tấn mà hiện tại thọ lạc khổ, Như Lai cũng đáng được tán thán.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, các vị Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

-ooOoo-

Kinh số 101 [dàn ý]

Kinh Devadaha

(Devadaha Sutta)

(M.ii, 214)

A. Duyên khởi:

Thế Tôn gọi các Thích-ca và thuyết giảng.

B. Chánh kinh:

I. Thế Tôn trình bày quan điểm các Ni-kiền-tử về các cảm thọ và phê bình quan điểm ấy.

II. Thế Tôn trình bày quan điểm của Nātaputta về Nhất thiết trí và làm tiêu diệt các nghiệp quá khứ bằng khổ hạnh để đoạn tận khổ đau. Thế Tôn phê bình quan điểm ấy.

III. Thế Tôn phê bình sự tinh cần của các Ni-kiền-tử không có kết quả.

IV. Thế Tôn phê bình 10 thuyết tùy thuyết của các Ni-kiền-tử đưa đến chỉ trích.

V. Thế Tôn đề cao 10 sự tinh cần đưa đến kết quả của Như Lai.

VI. Thế Tôn đề cập đến 10 thuyết tùy thuyết của Như Lai đưa đến tán thán.

C. Kết luận:

Các Tỷ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

 

Biên soạn: Hoà Thượng Thích Minh Châu

-ooOoo-

Kinh số 101 [toát yếu]

Kinh Devadaha

(Devadaha Sutta)

(M.ii, 214)

I. TOÁT YẾU

Devadaha Sutta.

At Devadaha. The Buddha examines the Jain thesis that liberation is to be attained by self-mortification, proposing a different account of how striving becomes fruitful.

Tại thị trấn Devadaha

Phật xem xét chủ trương của Kỳ-na giáo cho cần khổ hạnh mới đạt giải thoát, và đề nghị một giải thích khác, làm thế nào để tinh cần đem lại kết quả.

II. TÓM TẮT

Tại thị trấn Devadaha của bộ tộc Sakya (Thích Ca), Phật thuật lại cho chúng tỳ kheo việc Ngài luận bại chủ trương của lõa thể ngoại đạo Nigantha (Ni-kiền Tử).

1. Ngoại đạo Ni-kiền Tử chủ trương: Tất cả cảm thọ vui, khổ, trung tính đều do nghiệp quá khứ [1]. Nếu diệt nghiệp quá khứ (bằng khổ hạnh), không tạo nghiệp mới, thì tất cả nghiệp chấm dứt.

Do nghiệp đoạn, khổ đoạn; do khổ đoạn, cảm thọ đoạn; do cảm thọ đoạn, tất cả khổ sẽ chấm dứt [2]. Phật dạy, vì họ không biết gì về đời quá khứ, không biết thiện pháp hiện tại; nên thật không hợp lý chủ trương như vậy [3]. Ví như người bị trúng tên độc cảm thọ đau đớn lúc y sĩ mổ xẻ, lúc vật dụng dò tìm chạm da thịt, lúc mũi tên được rút ra, lúc đốt miệng vết thương, lúc đắp thuốc. Khi vết thương lành, người ấy phải nhớ đã trải qua những đau khổ như thế nào, và cũng biết hiện tại mình đã khỏi bệnh, an vui.

2. Các Ni-kiền Tử nói: Nigaṇṭha tự xưng có tri kiến toàn diện luôn tồn tại khi đi đứng ngủ thức. Ông đã dạy tu khổ hạnh để làm mòn ác nghiệp cũ, hộ trì thân khẩu ý để tương lai không tạo ác nghiệp. Chúng tôi hoan hỉ tin nhận lý thuyết ấy. Phật dạy những gì ta tin tưởng, hoan hỉ chấp thuận, nghe đồn, xét thấy có lý, chấp nhận một quan điểm - cả năm điều ấy có thể đúng hoặc sai.

3. Vì chỉ có đau đớn khốc liệt khi có tha thiết tinh cần, không tinh cần thì không khổ, nên nói cảm thọ do nhân các nghiệp quá khứ là sai. Lại nữa, khổ hạnh không thể làm cho nghiệp hiện báo [4] thành sanh báo và ngược lại; nghiệp có khổ báo thành nghiệp lạc báo và ngược lại; nghiệp đã chín [5] thành chưa chín và ngược lại; nghiệp nhiều báo thành ít báo và ngược lại; nghiệp có báo thành nghiệp không báo [6] và ngược lại.

4. Phật kết luận: Ni-kiền Tửđáng bị chỉ trích vì mười điểm: Nếu cảm giác khổ vui do nghiệp quá khứ, thì quá khứ họ đã làm nhiều phi pháp; nếu do tạo hóa [7] họ đã có một tạo hóa hung ác; nếu do kết hợp các điều kiện [8], họ đã kết hợp ác duyên; nếu do sinh loại [9], họ bị ác sinh loại; nếu do tinh tấn hiện tại, họ đang thực hành tà tinh tấn. Nếu khổ vui không do năm nguyên nhân ấy, Ni- kiền Tử vẫn đáng bị chỉ trích, vì vô cớ tự chuốc khổ.

5. Tinh tấn có kết quả là khi vị tỷ kheo không để tự ngã bị khổ thắng lướt, không từ bỏ lạc thọ hợp pháp nhưng cũng không bị nó chi phối [10]. Vị ấy biết hai cách diệt trừ tham dục (nhân khổ) là tinh cần và xả [11]. Vì khi tinh cần thì không có tham dục; cũng thế khi tu xả. Ví như có người sầu khổ vì nhiệt tình ái mộ một cô gái, khi biết vậy bèn xả tâm luyến ái và từ đấy đâm ra dửng dưng dù thấy nàng nói cười với bất cứ ai. Sự tinh cần chống lại ái dục trong trường hợp ấy được gọi là tinh tấn hợp pháp. Lại nữa nếu tự thấy lạc thọ khiến bất thiện tăng, thiện giảm, ngược lại tinh cần khiến thiện tăng [12], bất thiện giảm; vị tỷ kheo sẽ khổ hạnh vừa đủ để nhiếp phục tự ngã, như thợ làm tên nung tên cho dễ uốn. Sự tinh cần có kết quả là như cuộc đời Phật từ khi xuất gia đến lúc thành đạo.

6. Và Phật kết luận có mười trường hợp Như Lai đáng được tán thán, ngược lại với mười điều đáng chỉ trích của Ni-kiền Tử: Nếu lạc khổ do nghiệp quá khứ, Như Lai đã làm thiện hành nên nay được tối thắng lạc; nếu do tạo hóa, Như Lai đã được sinh bởi một tạo hóa toàn thiện; nếu do duyên hợp, Như Lai đã kết thiện duyên; nếu do sinh loại, Như Lai đã được thiện sinh; do tinh cần hiện tại, Như Lai đã thiện tinh tấn. Với năm giả thuyết ngược lại Như Lai cũng đáng được tán thán.

III. CHÚ GIẢI

1. Trong Tương ưng 36, 21 và Tăng chi 3, 61, Phật cũng bác bỏ thuyết này của Kỳ-na giáo, cho cảm thọ vui khổ là do nghiệp quá khứ. Giáo lý Phật thừa nhận có thứ cảm thọ không do nghiệp quá khứ mà do nghiệp hiện tại, và còn có thứ cảm thọ không có tác dụng nghiệp và cũng không phải là hậu quả nghiệp.

2. Ðây là chủ trương của Ni-kiền Tử, như trong kinh số 14.

3. Thuyết Ni-kiền Tử không hợp lý vì chính sự tha thiết tinh cần (khổ hạnh) khiến cảm thọ đau đớn không phải là nghiệp quá khứ.

4. Nghiệp hiện báo là hành động có hậu quả ngay trong đời này.

5. Nghiệp hiện báo đã chín cũng đồng nghĩa với nghiệp hiện báo, nghĩa là phải chịu hậu quả ngay bây giờ. Nghiệp chưa chín đồng nghĩa với nghiệp sanh báo nghĩa là phải chịu hậu quả ở đời kế tiếp. Nhưng có sự phân biệt như sau. Tất cả nghiệp nào có quả báo trong cùng một đời đều được gọi là hiện báo, song chỉ có những nghiệp đem lại quả báo trong vòng bảy ngày mới được gọi là nghiệp đã chín.

6. Nghĩa là một nghiệp không có cơ hội đem lại quả báo.

7. Issaranimmānehetu. Thuyết này của hữu thần giáo bị Phật bác bỏ trong kinh Tăng chi 3, 61.

8. Sangatibhāvahetu, ám chỉ học thuyết của Makkhali Gosāla (Mạt già lê), bị bác bỏ dông dài trong kinh Trung 60 và Tăng chi 3.

9. Abhijātihetu, một tín điều của Makkhali Gosàla.

10. Thuyết Trung đạo của Phật, tránh cực đoan khổ hạnh ép xác và cực đoan say đắm nhục lạc.

11. Kinh sớ giải thích nguồn gốc khổ là tham ái, được gọi thế vì đấy là gốc rễ của khổ bao hàm trong năm uẩn. Ðoạn kinh này đưa ra hai cách diệt tham ái là nỗ lực tinh cần và buông xả. Sự tàn tạ của nguồn gốc, theo Kinh sớ, là đạo lộ siêu thế. Ðoạn kinh này muốn ám chỉ cách tu tập của một vị lợi tuệ đi trên con đường vui (sukhapatipadā khippābhinnā).

12. Ðoạn này hiển thị lý do Phật cho phép chư tỷ kheo tu khổ hạnh đầu đà một cách vừa phải để vượt qua những nhiễm ô. Những khổ hạnh trong đạo Phật không phải để làm tiêu mòn nghiệp cũ và thanh luyện tâm hồn như Kỳ- na giáo và ngoại đạo chủ trương. Theo Kinh sớ, đoạn này hiển thị sự tu hành của một tỷ kheo có tuệ chậm lụt đi trên con đường gian nan (dukkhapatipadā dandhābhinnā).

IV. PHÁP SỐ

(không có)

V. KỆ TỤNG

1. Ở De-va-da-ha
Thị trấn tộc Sa-kya

Phật thuật lại tỏ tường

Luận bại Ni-kiền Tử.

Pháp này nói khổ vui
Ðều do nghiệp quá khứ

Nghiệp đoạn cảm thọ đoạn

Thọ đoạn, dứt khổ đau.

Nhưng vì không thể biết

Ðời quá khứ ra sao
Ðã tạo nghiệp thế nào

Ðến mức nào hết khổ?

Làm sao trong hiện tại

Thành tựu các hạnh lành?

Không biết những việc ấy

Thuyết họ thành vô căn.

Như người trúng tên độc

Chịu đau lúc mổ xẻ
Lúc dò tìm tên độc,
Lúc rút mũi tên ra,

Lúc đốt nung, đắp thuốc

Khỏi bệnh phải nhớ ra

Khổ đau càng cay đắng

An vui thêm mặn mà.

2. "Ni-kiền Tử toàn trí
Có tri kiến toàn diện
Lúc đi đứng ngủ thức.

Dạy khổ hạnh nghiệp tiêu.

Hộ trì thân khẩu ý,

Tương lai khỏi tạo ác

Nghiệp đoạn sẽ dứt khổ

Tôi hoan hỉ lời này."

Phật dạy điều ta tin
Hoặc hoan hỉ chấp thuận,

Hoặc nghe nhiều người nói,

Hoặc xét thấy hay ho,

Hoặc chấp nhận quan điểm

Ðều có thể lầm to.
Và Ngài bác chủ trương

Thọ do nghiệp quá khứ.

Vì ngay trong hiện tại
Họ chịu khổ khốc liệt
Khi tha thiết tinh cần,

Không tinh cần không khổ.

3. Khổ hạnh không thể chuyển

Hiện báo thành sanh báo
Khổ báo thành lạc báo
Ðã chín thành chưa chín

Nhiều báo thành ít báo

Có báo thành không báo

Vì không chuyển được gì

Nên Khổ hạnh vô ích.

4. Nếu cảm giác khổ vui

Là do nghiệp quá khứ

Thì chắc Ni-kiền Tử

Ðã làm nhiều phi pháp

Nếu do một tạo hóa
Tạo hóa ấy hung ác
Nếu do nhiều duyên hợp,

Ni Kiền bị ác duyên

Nếu do sáu sinh loại

Họ thuộc ác sinh loài

Nếu do nghiệp hiện tại,

Ni Kiền nỗ lực sai.

Nếu cảm giác khổ vui

Không do năm nhân ấy,

Ni Kiền vẫn đáng chê

(Vì vô cớ chuốc khổ).

5. Tinh tấn có kết quả

Là khi vị tỷ kheo
Nhận lạc thọ hợp pháp

Bất động trước khổ vui.

Vị ấy biết rõ rằng
Tham dục không khởi lên

Khi tinh cần nỗ lực
Hoặc khi tu tập xả

Ví như có một người

Say đắm một nữ nhân

Do nhiệt tình ái mộ

Nên mất ngủ mất ăn

Ðau khổ vì hờn ghen

Trái tim chàng tan nát

Những khi thấy cô nàng

Vui đùa cùng kẻ khác.

Sau thấy sự tai hại

Bèn dứt bỏ mê say

Tâm an nhiên tự tại

Mặc ai cười với ai.

Phật đưa ví dụ này
Hiển thị có hai cách
Ðể trừ diệt tham ái

Nguyên nhân của khổ sầu:

Một là tu tập xả
Không ái luyến tham cầu

Hai tinh cần nỗ lực
Khi vướng lụy mắc câu.

Tinh cần tiêu ái dục
(Nguyên nhân của khổ đau)

Là tinh cần hợp lý
Trong pháp Phật nhiệm mầu.

Lại nữa nếu trú lạc
Mà ác tăng, thiện giảm

Nên khổ hạnh hợp lý

Ðể nhiếp phục bản thân.

6. Như Lai đáng tán thán

Vì cả mười trường hợp:

Dù khổ vui hữu tình
Do nghiệp cũ hay không.

Như Lai đã thiện hành

Nay gặt Niết-bàn lạc

Không như ai làm ác

Khiến nay phải hành xác;

Dù khổ vui hữu tình

Do, không do tạo hóa:

Như Lai đã được tạo

Bởi tạo hóa thiện hiền.

Dù khổ vui hữu tình
Do, không do các duyên:

Như Lai thiện kết hợp

Tối thắng lạc hiện tiền.

Dù khổ vui hữu tình

Do, không do sinh loại:

Như Lai sinh loại lành

Nay được Niết-bàn lạc.

Dù khổ vui hữu tình

Do, không do tinh tấn:

Như Lai khéo tinh tấn

Nay được Niết-bàn vui.

Dịch giả: Hoà Thượng Thích Minh Châu

Tóm tắt & chú giải: Thích Nữ Trí Hải

-ooOoo-

101. Devadahasuttaṃ [Mūla]

1. Evaṃ me sutaṃ : ekaṃ samayaṃ Bhagavā sakkesu viharati devadahaṃ nāma sakyānaṃ nigamo. Tatra kho Bhagavā bhikkhū āmantesi : ''bhikkhavoti. ''Bhadanteti te bhikkhū bhagavato paccassosuṃ. Bhagavā etadavoca : ''santi, bhikkhave, eke samaṇabrāhmaṇā evaṃvādino evaṃdiṭṭhino : 'yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti. Evaṃvādino, bhikkhave, nigaṇṭhā. ''Evaṃvādāhaṃ , bhikkhave, nigaṇṭhe upasaṅkamitvā evaṃ vadāmi : 'saccaṃ kira tumhe, āvuso nigaṇṭhā, evaṃvādino evaṃdiṭṭhino : yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti? te ca me, bhikkhave, nigaṇṭhā evaṃ puṭṭhā 'āmāti paṭijānanti. ''Tyāhaṃ evaṃ vadāmi : 'kiṃ pana tumhe, āvuso nigaṇṭhā, jānātha : ahuvamheva mayaṃ pubbe, na nāhuvamhāti? 'no hidaṃ, āvuso. '''Kiṃ pana tumhe, āvuso nigaṇṭhā, jānātha : akaramheva mayaṃ pubbe pāpakammaṃ, na nākaramhāti? 'no hidaṃ, āvuso. '''Kiṃ pana tumhe, āvuso nigaṇṭhā, jānātha : evarūpaṃ vā evarūpaṃ vā pāpakammaṃ akaramhāti? 'no hidaṃ, āvuso. '''Kiṃ pana tumhe, āvuso nigaṇṭhā, jānātha : ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ, ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjīretabbaṃ, ettakamhi vā dukkhe nijjiṇṇe sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti? 'no hidaṃ, āvuso. '''Kiṃ pana tumhe, āvuso nigaṇṭhā, jānātha : diṭṭheva dhamme akusalānaṃ dhammānaṃ pahānaṃ, kusalānaṃ dhammānaṃ upasampadanti? 'no hidaṃ, āvuso.

2. ''Iti kira tumhe, āvuso nigaṇṭhā, na jānātha : ahuvamheva mayaṃ pubbe, na nāhuvamhāti , na jānātha : akaramheva mayaṃ pubbe pāpakammaṃ, na nākaramhāti, na jānātha : evarūpaṃ vā evarūpaṃ vā pāpakammaṃ akaramhāti, na jānātha : ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ, ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjīretabbaṃ, ettakamhi vā dukkhe nijjiṇṇe sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti, na jānātha : diṭṭheva dhamme akusalānaṃ dhammānaṃ pahānaṃ, kusalānaṃ dhammānaṃ upasampadaṃ evaṃ sante āyasmantānaṃ nigaṇṭhānaṃ na kallamassa veyyākaraṇāya : yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti. ''Sace pana tumhe, āvuso nigaṇṭhā, jāneyyātha : ahuvamheva mayaṃ pubbe, na nāhuvamhāti, jāneyyātha : akaramheva mayaṃ pubbe pāpakammaṃ, na nākaramhāti, jāneyyātha : evarūpaṃ vā evarūpaṃ vā pāpakammaṃ akaramhāti, jāneyyātha : ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ, ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjīretabbaṃ, ettakamhi vā dukkhe nijjiṇṇe sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti, jāneyyātha : diṭṭheva dhamme akusalānaṃ dhammānaṃ pahānaṃ, kusalānaṃ dhammānaṃ upasampadaṃ evaṃ sante āyasmantānaṃ nigaṇṭhānaṃ kallamassa veyyākaraṇāya : yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti.

3. ''Seyyathāpi, āvuso nigaṇṭhā, puriso sallena viddho assa savisena gāḷhūpalepanena [gāḷhapalepanena (ka.)] so sallassapi vedhanahetu [vedanāhetu (sī. pī. ka.)] dukkhā tibbā [tippā (sī. syā. kaṃ. pī.)] kaṭukā vedanā vediyeyya. Tassa mittāmaccā ñātisālohitā bhisakkaṃ sallakattaṃ upaṭṭhāpeyyuṃ. Tassa so bhisakko sallakatto satthena vaṇamukhaṃ parikanteyya so satthenapi vaṇamukhassa parikantanahetu dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyeyya. Tassa so bhisakko sallakatto esaniyā sallaṃ eseyya so esaniyāpi sallassa esanāhetu dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyeyya . Tassa so bhisakko sallakatto sallaṃ abbuheyya [abbuyheyya (sī.), abbhūṇheyya (syā. kaṃ.)] so sallassapi abbuhanahetu [abbuyhanahetu (sī.), abbhūṇhanahetu (syā. kaṃ.)] dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyeyya. Tassa so bhisakko sallakatto agadaṅgāraṃ vaṇamukhe odaheyya so agadaṅgārassapi vaṇamukhe odahanahetu dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyeyya. So aparena samayena rūḷhena vaṇena sañchavinā arogo assa sukhī serī sayaṃvasī yena kāmaṅgamo. Tassa evamassa : ahaṃ kho pubbe sallena viddho ahosiṃ savisena gāḷhūpalepanena. Sohaṃ sallassapi vedhanahetu dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyiṃ. Tassa me mittāmaccā ñātisālohitā bhisakkaṃ sallakattaṃ upaṭṭhapesuṃ. Tassa me so bhisakko sallakatto satthena vaṇamukhaṃ parikanti sohaṃ satthenapi vaṇamukhassa parikantanahetu dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyiṃ. Tassa me so bhisakko sallakatto esaniyā sallaṃ esi so ahaṃ esaniyāpi sallassa esanāhetu dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyiṃ. Tassa me so bhisakko sallakatto sallaṃ abbuhi [abbuyhi (sī.), abbhūṇhi (syā. kaṃ.)] sohaṃ sallassapi abbuhanahetu dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyiṃ. Tassa me so bhisakko sallakatto agadaṅgāraṃ vaṇamukhe odahi sohaṃ agadaṅgārassapi vaṇamukhe odahanahetu dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyiṃ. Somhi etarahi rūḷhena vaṇena sañchavinā arogo sukhī serī sayaṃvasī yena kāmaṅgamoti. ''Evameva kho, āvuso nigaṇṭhā, sace tumhe jāneyyātha : ahuvamheva mayaṃ pubbe, na nāhuvamhāti, jāneyyātha : akaramheva mayaṃ pubbe pāpakammaṃ, na nākaramhāti, jāneyyātha : evarūpaṃ vā evarūpaṃ vā pāpakammaṃ akaramhāti, jāneyyātha : ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ, ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjīretabbaṃ, ettakamhi vā dukkhe nijjiṇṇe sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti, jāneyyātha : diṭṭheva dhamme akusalānaṃ dhammānaṃ pahānaṃ, kusalānaṃ dhammānaṃ upasampadaṃ evaṃ sante āyasmantānaṃ nigaṇṭhānaṃ kallamassa veyyākaraṇāya : yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti. ''Yasmā ca kho tumhe, āvuso nigaṇṭhā, na jānātha : ahuvamheva mayaṃ pubbe, na nāhuvamhāti, na jānātha : akaramheva mayaṃ pubbe pāpakammaṃ, na nākaramhāti, na jānātha : evarūpaṃ vā evarūpaṃ vā pāpakammaṃ akaramhāti, na jānātha : ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ, ettakaṃ vā dukkhaṃ nijjīretabbaṃ, ettakamhi vā dukkhe nijjiṇṇe sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti, na jānātha : diṭṭheva dhamme akusalānaṃ dhammānaṃ pahānaṃ, kusalānaṃ dhammānaṃ upasampadaṃ tasmā āyasmantānaṃ nigaṇṭhānaṃ na kallamassa veyyākaraṇāya : yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti.

4. ''Evaṃ vutte, bhikkhave, te nigaṇṭhā maṃ etadavocuṃ : 'nigaṇṭho , āvuso, nāṭaputto [nāthaputto (sī.)] sabbaññū sabbadassāvī, aparisesaṃ ñāṇadassanaṃ paṭijānāti . Carato ca me tiṭṭhato ca suttassa ca jāgarassa ca satataṃ samitaṃ ñāṇadassanaṃ paccupaṭṭhitanti. So evamāha : 'atthi kho vo, āvuso nigaṇṭhā, pubbeva pāpakammaṃ kataṃ, taṃ imāya kaṭukāya dukkarakārikāya nijjīretha, yaṃ panettha etarahi kāyena saṃvutā vācāya saṃvutā manasā saṃvutā taṃ āyatiṃ pāpakammassa akaraṇaṃ. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti. Tañca panamhākaṃ ruccati ceva khamati ca, tena camhā attamanāti.

5. ''Evaṃ vutte ahaṃ, bhikkhave, te nigaṇṭhe etadavocaṃ : 'pañca kho ime, āvuso nigaṇṭhā, dhammā diṭṭheva dhamme dvidhāvipākā. Katame pañca? saddhā, ruci, anussavo, ākāraparivitakko, diṭṭhinijjhānakkhanti : ime kho, āvuso nigaṇṭhā, pañca dhammā diṭṭheva dhamme dvidhāvipākā. Tatrāyasmantānaṃ nigaṇṭhānaṃ kā atītaṃse satthari saddhā, kā ruci, ko anussavo, ko ākāraparivitakko, kā diṭṭhinijjhānakkhantīti. Evaṃvādī [evaṃvādīsu (ka.)] kho ahaṃ, bhikkhave, nigaṇṭhesu na kañci [kiñci (sī. pī. ka.)] sahadhammikaṃ vādapaṭihāraṃ samanupassāmi. ''Puna caparāhaṃ [puna ca panāhaṃ (sī. pī. ka.)], bhikkhave, te nigaṇṭhe evaṃ vadāmi : 'taṃ kiṃ maññatha, āvuso nigaṇṭhā. Yasmiṃ vo samaye tibbo [tippo (pī.)] upakkamo hoti tibbaṃ padhānaṃ, tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyetha yasmiṃ pana vo samaye na tibbo upakkamo hoti na tibbaṃ padhānaṃ, na tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyethāti? 'yasmiṃ no, āvuso gotama, samaye tibbo upakkamo hoti tibbaṃ padhānaṃ, tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyāma yasmiṃ pana no samaye na tibbo upakkamo hoti na tibbaṃ padhānaṃ, na tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyāmāti.

6. ''Iti kira, āvuso nigaṇṭhā, yasmiṃ vo samaye tibbo upakkamo hoti tibbaṃ padhānaṃ, tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyetha yasmiṃ pana vo samaye na tibbo upakkamo hoti na tibbaṃ padhānaṃ, na tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyetha. Evaṃ sante āyasmantānaṃ nigaṇṭhānaṃ na kallamassa veyyākaraṇāya : yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti. Sace, āvuso nigaṇṭhā, yasmiṃ vo samaye tibbo upakkamo hoti tibbaṃ padhānaṃ, na tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyetha yasmiṃ pana vo samaye na tibbo upakkamo hoti na tibbaṃ padhānaṃ, tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyetha [padhānaṃ, tiṭṭheyyeva tasmiṃ samaye... vedanā (sī. syā. kaṃ. pī.)] evaṃ sante āyasmantānaṃ nigaṇṭhānaṃ kallamassa veyyākaraṇāya : yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti. '''Yasmā ca kho, āvuso nigaṇṭhā, yasmiṃ vo samaye tibbo upakkamo hoti tibbaṃ padhānaṃ, tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyetha yasmiṃ pana vo samaye na tibbo upakkamo hoti na tibbaṃ padhānaṃ, na tibbā tasmiṃ samaye opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyetha te tumhe sāmaṃyeva opakkamikā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vedayamānā avijjā aññāṇā sammohā vipaccetha : yaṃ kiñcāyaṃ purisapuggalo paṭisaṃvedeti sukhaṃ vā dukkhaṃ vā adukkhamasukhaṃ vā, sabbaṃ taṃ pubbekatahetu. Iti purāṇānaṃ kammānaṃ tapasā byantībhāvā, navānaṃ kammānaṃ akaraṇā, āyatiṃ anavassavo āyatiṃ anavassavā kammakkhayo kammakkhayā dukkhakkhayo dukkhakkhayā vedanākkhayo vedanākkhayā sabbaṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissatīti. Evaṃvādīpi [evaṃvādīsupi (ka.)] kho ahaṃ, bhikkhave, nigaṇṭhesu na kañci sahadhammikaṃ vādapaṭihāraṃ samanupassāmi.

7. ''Puna caparāhaṃ, bhikkhave, te nigaṇṭhe evaṃ vadāmi : 'taṃ kiṃ maññathāvuso nigaṇṭhā, yamidaṃ kammaṃ diṭṭhadhammavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā samparāyavedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Yaṃ panidaṃ kammaṃ samparāyavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā diṭṭhadhammavedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Taṃ kiṃ maññathāvuso nigaṇṭhā, yamidaṃ kammaṃ sukhavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā dukkhavedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Yaṃ panidaṃ kammaṃ dukkhavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā sukhavedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Taṃ kiṃ maññathāvuso nigaṇṭhā, yamidaṃ kammaṃ paripakkavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā aparipakkavedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Yaṃ panidaṃ kammaṃ aparipakkavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā paripakkavedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Taṃ kiṃ maññathāvuso nigaṇṭhā, yamidaṃ kammaṃ bahuvedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā appavedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Yaṃ panidaṃ kammaṃ appavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā bahuvedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Taṃ kiṃ maññathāvuso nigaṇṭhā, yamidaṃ kammaṃ savedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā avedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso. 'Yaṃ panidaṃ kammaṃ avedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā savedanīyaṃ hotūti labbhametanti? 'no hidaṃ, āvuso.

8. ''Iti kira, āvuso nigaṇṭhā, yamidaṃ kammaṃ diṭṭhadhammavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā samparāyavedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yaṃ panidaṃ kammaṃ samparāyavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā diṭṭhadhammavedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yamidaṃ kammaṃ sukhavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā dukkhavedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yamidaṃ kammaṃ dukkhavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā sukhavedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yamidaṃ kammaṃ paripakkavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā aparipakkavedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yamidaṃ kammaṃ aparipakkavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā paripakkavedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yamidaṃ kammaṃ bahuvedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā appavedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yamidaṃ kammaṃ appavedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā bahuvedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yamidaṃ kammaṃ savedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā avedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ, yamidaṃ kammaṃ avedanīyaṃ taṃ upakkamena vā padhānena vā savedanīyaṃ hotūti alabbhametaṃ evaṃ sante āyasmantānaṃ nigaṇṭhānaṃ aphalo upakkamo hoti, aphalaṃ padhānaṃ. ''Evaṃvādī, bhikkhave, nigaṇṭhā. Evaṃvādīnaṃ, bhikkhave, nigaṇṭhānaṃ dasa sahadhammikā vādānuvādā gārayhaṃ ṭhānaṃ āgacchanti.

9. ''Sace, bhikkhave, sattā pubbekatahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, nigaṇṭhā pubbe dukkaṭakammakārino yaṃ etarahi evarūpā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyanti. Sace, bhikkhave, sattā issaranimmānahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, nigaṇṭhā pāpakena issarena nimmitā yaṃ etarahi evarūpā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyanti. Sace, bhikkhave, sattā saṅgatibhāvahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, nigaṇṭhā pāpasaṅgatikā yaṃ etarahi evarūpā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyanti. Sace, bhikkhave, sattā abhijātihetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, nigaṇṭhā pāpābhijātikā yaṃ etarahi evarūpā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyanti. Sace, bhikkhave, sattā diṭṭhadhammūpakkamahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, nigaṇṭhā evarūpā diṭṭhadhammūpakkamā yaṃ etarahi evarūpā dukkhā tibbā kaṭukā vedanā vediyanti. ''Sace, bhikkhave, sattā pubbekatahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā no ce sattā pubbekatahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā. Sace, bhikkhave, sattā issaranimmānahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā no ce sattā issaranimmānahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā. Sace, bhikkhave, sattā saṅgatibhāvahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā no ce sattā saṅgatibhāvahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā. Sace, bhikkhave, sattā abhijātihetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā no ce sattā abhijātihetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā. Sace, bhikkhave, sattā diṭṭhadhammūpakkamahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā no ce sattā diṭṭhadhammūpakkamahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, gārayhā nigaṇṭhā. Evaṃvādī, bhikkhave, nigaṇṭhā. Evaṃvādīnaṃ, bhikkhave, nigaṇṭhānaṃ ime dasa sahadhammikā vādānuvādā gārayhaṃ ṭhānaṃ āgacchanti. Evaṃ kho, bhikkhave, aphalo upakkamo hoti, aphalaṃ padhānaṃ.

10. ''Kathañca, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ? idha, bhikkhave, bhikkhu na heva anaddhabhūtaṃ attānaṃ dukkhena addhabhāveti, dhammikañca sukhaṃ na pariccajati, tasmiñca sukhe anadhimucchito hoti. So evaṃ pajānāti : 'imassa kho me dukkhanidānassa saṅkhāraṃ padahato saṅkhārappadhānā virāgo hoti, imassa pana me dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekkhaṃ bhāvayato virāgo hotīti. So yassa hi khvāssa [yassa kho panassa (sī.), yassa khvāssa (pī.)] dukkhanidānassa saṅkhāraṃ padahato saṅkhārappadhānā virāgo hoti, saṅkhāraṃ tattha padahati. Yassa panassa dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekkhaṃ bhāvayato virāgo hoti, upekkhaṃ tattha bhāveti. Tassa tassa dukkhanidānassa saṅkhāraṃ padahato saṅkhārappadhānā virāgo hoti : evampissa taṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ hoti. Tassa tassa dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekkhaṃ bhāvayato virāgo hoti : evampissa taṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ hoti.

11. ''Seyyathāpi, bhikkhave, puriso itthiyā sāratto paṭibaddhacitto tibbacchando tibbāpekkho. So taṃ itthiṃ passeyya aññena purisena saddhiṃ santiṭṭhantiṃ sallapantiṃ sañjagghantiṃ saṃhasantiṃ. Taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, api nu tassa purisassa amuṃ itthiṃ disvā aññena purisena saddhiṃ santiṭṭhantiṃ sallapantiṃ sañjagghantiṃ saṃhasantiṃ uppajjeyyuṃ sokaparidevadukkhadomanassūpāyāsāti? ''evaṃ, bhante. ''Taṃ kissa hetu? ''amu hi, bhante, puriso amussā itthiyā sāratto paṭibaddhacitto tibbacchando tibbāpekkho . Tasmā taṃ itthiṃ disvā aññena purisena saddhiṃ santiṭṭhantiṃ sallapantiṃ sañjagghantiṃ saṃhasantiṃ uppajjeyyuṃ sokaparidevadukkhadomanassūpāyāsāti. ''Atha kho, bhikkhave, tassa purisassa evamassa : 'ahaṃ kho amussā itthiyā sāratto paṭibaddhacitto tibbacchando tibbāpekkho. Tassa me amuṃ itthiṃ disvā aññena purisena saddhiṃ santiṭṭhantiṃ sallapantiṃ sañjagghantiṃ saṃhasantiṃ uppajjanti sokaparidevadukkhadomanassūpāyāsā. Yaṃnūnāhaṃ yo me amussā itthiyā chandarāgo taṃ pajaheyyanti. So yo amussā itthiyā chandarāgo taṃ pajaheyya. So taṃ itthiṃ passeyya aparena samayena aññena purisena saddhiṃ santiṭṭhantiṃ sallapantiṃ sañjagghantiṃ saṃhasantiṃ. Taṃ kiṃ maññatha, bhikkhave, api nu tassa purisassa amuṃ itthiṃ disvā aññena purisena saddhiṃ santiṭṭhantiṃ sallapantiṃ sañjagghantiṃ saṃhasantiṃ uppajjeyyuṃ

sokaparidevadukkhadomanassūpāyāsāti? ''no hetaṃ, bhante. ''Taṃ kissa hetu? ''amu hi, bhante, puriso amussā itthiyā virāgo. Tasmā taṃ itthiṃ disvā aññena purisena saddhiṃ santiṭṭhantiṃ sallapantiṃ sañjagghantiṃ saṃhasantiṃ na uppajjeyyuṃ sokaparidevadukkhadomanassūpāyāsāti. ''Evameva kho, bhikkhave, bhikkhu na heva anaddhabhūtaṃ attānaṃ dukkhena addhabhāveti, dhammikañca sukhaṃ na pariccajati, tasmiñca sukhe anadhimucchito hoti. So evaṃ pajānāti : 'imassa kho me dukkhanidānassa saṅkhāraṃ padahato saṅkhārappadhānā virāgo hoti, imassa pana me dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekkhaṃ bhāvayato virāgo hotīti. So yassa hi khvāssa dukkhanidānassa saṅkhāraṃ padahato saṅkhārappadhānā virāgo hoti, saṅkhāraṃ tattha padahati yassa panassa dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekkhaṃ bhāvayato virāgo hoti, upekkhaṃ tattha bhāveti. Tassa tassa dukkhanidānassa saṅkhāraṃ padahato saṅkhārappadhānā virāgo hoti : evampissa taṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ hoti . Tassa tassa dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekkhaṃ bhāvayato virāgo hoti : evampissa taṃ dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ hoti. Evampi, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ.

12. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu iti paṭisañcikkhati : 'yathāsukhaṃ kho me viharato akusalā dhammā abhivaḍḍhanti, kusalā dhammā parihāyanti dukkhāya pana me attānaṃ padahato akusalā dhammā parihāyanti, kusalā dhammā abhivaḍḍhanti. Yaṃnūnāhaṃ dukkhāya attānaṃ padaheyyanti. So dukkhāya attānaṃ padahati. Tassa dukkhāya attānaṃ padahato akusalā dhammā parihāyanti kusalā dhammā abhivaḍḍhanti. So na aparena samayena dukkhāya attānaṃ padahati. Taṃ kissa hetu? yassa hi so, bhikkhave, bhikkhu atthāya dukkhāya attānaṃ padaheyya svāssa attho abhinipphanno hoti. Tasmā na aparena samayena dukkhāya attānaṃ padahati. Seyyathāpi, bhikkhave, usukāro tejanaṃ dvīsu alātesu ātāpeti paritāpeti ujuṃ karoti kammaniyaṃ. Yato kho, bhikkhave, usukārassa tejanaṃ dvīsu alātesu ātāpitaṃ hoti paritāpitaṃ ujuṃ kataṃ [ujuṃ kataṃ hoti (sī.)] kammaniyaṃ, na so taṃ aparena samayena usukāro tejanaṃ dvīsu alātesu ātāpeti paritāpeti ujuṃ karoti kammaniyaṃ. Taṃ kissa hetu? yassa hi so, bhikkhave, atthāya usukāro tejanaṃ dvīsu alātesu ātāpeyya paritāpeyya ujuṃ kareyya kammaniyaṃ svāssa attho abhinipphanno hoti. Tasmā na aparena samayena usukāro tejanaṃ dvīsu alātesu ātāpeti paritāpeti ujuṃ karoti kammaniyaṃ. Evameva kho, bhikkhave, bhikkhu iti paṭisañcikkhati : 'yathāsukhaṃ kho me viharato akusalā dhammā abhivaḍḍhanti, kusalā dhammā parihāyanti dukkhāya pana me attānaṃ padahato akusalā dhammā parihāyanti, kusalā dhammā abhivaḍḍhanti. Yaṃnūnāhaṃ dukkhāya attānaṃ padaheyyanti. So dukkhāya attānaṃ padahati. Tassa dukkhāya attānaṃ padahato akusalā dhammā parihāyanti, kusalā dhammā abhivaḍḍhanti. So na aparena samayena dukkhāya attānaṃ padahati. Taṃ kissa hetu? yassa hi so, bhikkhave, bhikkhu atthāya dukkhāya attānaṃ padaheyya svāssa attho abhinipphanno hoti. Tasmā na aparena samayena dukkhāya attānaṃ padahati. Evampi, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ.

13. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, idha tathāgato loke uppajjati arahaṃ sammāsambuddho vijjācaraṇasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathi satthā devamanussānaṃ buddho Bhagavā. So imaṃ lokaṃ sadevakaṃ samārakaṃ sabrahmakaṃ sassamaṇabrāhmaṇiṃ pajaṃ sadevamanussaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedeti. So dhammaṃ deseti ādikalyāṇaṃ majjhekalyāṇaṃ pariyosānakalyāṇaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ, kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti. Taṃ dhammaṃ suṇāti gahapati vā gahapatiputto vā aññatarasmiṃ vā kule paccājāto. So taṃ dhammaṃ sutvā tathāgate saddhaṃ paṭilabhati. So tena saddhāpaṭilābhena samannāgato iti paṭisañcikkhati : 'sambādho gharāvāso rajāpatho, abbhokāso pabbajjā. Nayidaṃ sukaraṃ agāraṃ ajjhāvasatā ekantaparipuṇṇaṃ ekantaparisuddhaṃ saṅkhalikhitaṃ brahmacariyaṃ carituṃ. Yaṃnūnāhaṃ kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajeyyanti. So aparena samayena appaṃ vā bhogakkhandhaṃ pahāya mahantaṃ vā bhogakkhandhaṃ pahāya, appaṃ vā ñātiparivaṭṭaṃ pahāya mahantaṃ vā ñātiparivaṭṭaṃ pahāya kesamassuṃ ohāretvā kāsāyāni vatthāni acchādetvā agārasmā anagāriyaṃ pabbajati.

14. ''So evaṃ pabbajito samāno bhikkhūnaṃ sikkhāsājīvasamāpanno pāṇātipātaṃ pahāya pāṇātipātā paṭivirato hoti nihitadaṇḍo nihitasattho, lajjī dayāpanno sabbapāṇabhūtahitānukampī viharati. Adinnādānaṃ pahāya adinnādānā paṭivirato hoti dinnādāyī dinnapāṭikaṅkhī, athenena sucibhūtena attanā viharati. Abrahmacariyaṃ pahāya brahmacārī hoti ārācārī virato methunā gāmadhammā. Musāvādaṃ pahāya musāvādā paṭivirato hoti saccavādī saccasandho theto paccayiko avisaṃvādako lokassa. Pisuṇaṃ vācaṃ pahāya pisuṇāya vācāya paṭivirato hoti ito sutvā na amutra akkhātā imesaṃ bhedāya, amutra vā sutvā na imesaṃ akkhātā amūsaṃ bhedāya : iti bhinnānaṃ vā sandhātā sahitānaṃ vā anuppadātā samaggārāmo samaggarato samagganandī samaggakaraṇiṃ vācaṃ bhāsitā hoti. Pharusaṃ vācaṃ pahāya pharusāya vācāya paṭivirato hoti yā sā vācā nelā kaṇṇasukhā pemanīyā hadayaṅgamā porī bahujanakantā bahujanamanāpā tathārūpiṃ vācaṃ bhāsitā hoti. Samphappalāpaṃ pahāya samphappalāpā paṭivirato hoti kālavādī bhūtavādī atthavādī dhammavādī vinayavādī, nidhānavatiṃ vācaṃ bhāsitā kālena sāpadesaṃ pariyantavatiṃ atthasaṃhitaṃ. So bījagāmabhūtagāmasamārambhā paṭivirato hoti. Ekabhattiko hoti rattūparato virato vikālabhojanā. Naccagītavāditavisūkadassanā paṭivirato hoti. Mālāgandhavilepanadhāraṇamaṇḍanavibhūsanaṭṭhānā paṭivirato hoti. Uccāsayanamahāsayanā paṭivirato hoti. Jātarūparajatapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Āmakadhaññapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Āmakamaṃsapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Itthikumārikapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Dāsidāsapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Ajeḷakapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Kukkuṭasūkarapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Hatthigavassavaḷavapaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Khettavatthupaṭiggahaṇā paṭivirato hoti. Dūteyyapahiṇagamanānuyogā paṭivirato hoti. Kayavikkayā paṭivirato hoti. Tulākūṭakaṃsakūṭamānakūṭā paṭivirato hoti. Ukkoṭanavañcananikatisāciyogā [sāviyogā (syā. kaṃ. ka.) ettha sācisaddo kuṭilapariyāyo] paṭivirato hoti. Chedanavadhabandhanaviparāmosaālopasahasākārā paṭivirato hoti [passa mAnguttara Nikāye 1.293 cūḷahatthipadopame]. ''So santuṭṭho hoti kāyaparihārikena cīvarena, kucchiparihārikena piṇḍapātena. So yena yeneva pakkamati samādāyeva pakkamati. Seyyathāpi nāma pakkhī sakuṇo yena yeneva ḍeti sapattabhārova ḍeti, evameva bhikkhu santuṭṭho hoti kāyaparihārikena cīvarena, kucchiparihārikena piṇḍapātena so yena yeneva pakkamati samādāyeva pakkamati. So iminā ariyena sīlakkhandhena samannāgato ajjhattaṃ anavajjasukhaṃ paṭisaṃvedeti.

15. ''So cakkhunā rūpaṃ disvā na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī. Yatvādhikaraṇamenaṃ cakkhundriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ tassa saṃvarāya paṭipajjati, rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvaraṃ āpajjati. Sotena saddaṃ sutvā - pe - ghānena gandhaṃ ghāyitvā - pe - jivhāya rasaṃ sāyitvā - pe - kāyena phoṭṭhabbaṃ phusitvā - pe - manasā dhammaṃ viññāya na nimittaggāhī hoti nānubyañjanaggāhī. Yatvādhikaraṇamenaṃ manindriyaṃ asaṃvutaṃ viharantaṃ abhijjhādomanassā pāpakā akusalā dhammā anvāssaveyyuṃ tassa saṃvarāya paṭipajjati, rakkhati manindriyaṃ, manindriye saṃvaraṃ āpajjati. So iminā ariyena indriyasaṃvarena samannāgato ajjhattaṃ abyāsekasukhaṃ paṭisaṃvedeti. ''So abhikkante paṭikkante sampajānakārī hoti, ālokite vilokite sampajānakārī hoti, samiñjite [sammiñjite (sī. syā. kaṃ. pī.)] pasārite sampajānakārī hoti, saṅghāṭipattacīvaradhāraṇe sampajānakārī hoti , asite pīte khāyite sāyite sampajānakārī hoti, uccārapassāvakamme sampajānakārī hoti, gate ṭhite nisinne sutte jāgarite bhāsite tuṇhībhāve sampajānakārī hoti.

16. ''So iminā ca ariyena sīlakkhandhena samannāgato, (imāya ca ariyāya santuṭṭhiyā samannāgato,) [passa mAnguttara Nikāye 1.296 cūḷahatthipadopame] iminā ca ariyena indriyasaṃvarena samannāgato, iminā ca ariyena satisampajaññena samannāgato vivittaṃ senāsanaṃ bhajati araññaṃ rukkhamūlaṃ pabbataṃ kandaraṃ giriguhaṃ susānaṃ vanapatthaṃ abbhokāsaṃ palālapuñjaṃ. So pacchābhattaṃ piṇḍapātapaṭikkanto nisīdati pallaṅkaṃ ābhujitvā, ujuṃ kāyaṃ paṇidhāya, parimukhaṃ satiṃ upaṭṭhapetvā. So abhijjhaṃ loke pahāya vigatābhijjhena cetasā viharati, abhijjhāya cittaṃ parisodheti. Byāpādapadosaṃ pahāya abyāpannacitto viharati sabbapāṇabhūtahitānukampī, byāpādapadosā cittaṃ parisodheti. Thinamiddhaṃ pahāya vigatathinamiddho viharati ālokasaññī sato sampajāno, thinamiddhā cittaṃ parisodheti. Uddhaccakukkuccaṃ pahāya anuddhato viharati ajjhattaṃ vūpasantacitto , uddhaccakukkuccā cittaṃ parisodheti. Vicikicchaṃ pahāya tiṇṇavicikiccho viharati akathaṃkathī kusalesu dhammesu, vicikicchāya cittaṃ parisodheti. ''So ime pañca nīvaraṇe pahāya cetaso upakkilese paññāya dubbalīkaraṇe vivicceva kāmehi vivicca akusalehi dhammehi savitakkaṃ savicāraṃ vivekajaṃ pītisukhaṃ paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Evampi , bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu vitakkavicārānaṃ vūpasamā ajjhattaṃ sampasādanaṃ cetaso ekodibhāvaṃ avitakkaṃ avicāraṃ samādhijaṃ pītisukhaṃ dutiyaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Evampi, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu pītiyā ca virāgā upekkhako ca viharati sato ca sampajāno, sukhañca kāyena paṭisaṃvedeti. Yaṃ taṃ ariyā ācikkhanti : 'upekkhako satimā sukhavihārīti tatiyaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Evampi, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ. ''Puna caparaṃ, bhikkhave, bhikkhu sukhassa ca pahānā dukkhassa ca pahānā, pubbeva somanassadomanassānaṃ atthaṅgamā, adukkhamasukhaṃ upekkhāsatipārisuddhiṃ catutthaṃ jhānaṃ upasampajja viharati. Evampi, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ.

17. ''So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte pubbenivāsānussatiñāṇāya cittaṃ abhininnāmeti. So anekavihitaṃ pubbenivāsaṃ anussarati, seyyathidaṃ [seyyathīdaṃ (sī. syā. kaṃ. pī.)] : ekampi jātiṃ dvepi jātiyo tissopi jātiyo catassopi jātiyo pañcapi jātiyo dasapi jātiyo vīsampi jātiyo tiṃsampi jātiyo cattālīsampi jātiyo paññāsampi jātiyo jātisatampi jātisahassampi jātisatasahassampi anekepi saṃvaṭṭakappe anekepi vivaṭṭakappe anekepi saṃvaṭṭavivaṭṭakappe : 'amutrāsiṃ evaṃnāmo evaṃgotto evaṃvaṇṇo evamāhāro evaṃsukhadukkhappaṭisaṃvedī evamāyupariyanto, so tato cuto amutra udapādiṃ tatrāpāsiṃ evaṃnāmo evaṃgotto evaṃvaṇṇo evamāhāro evaṃsukhadukkhappaṭisaṃvedī evamāyupariyanto, so tato cuto idhūpapannoti. Iti sākāraṃ sauddesaṃ anekavihitaṃ pubbenivāsaṃ anussarati. Evampi, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ.

18. ''So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte sattānaṃ cutūpapātañāṇāya cittaṃ abhininnāmeti. So dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passati cavamāne upapajjamāne hīne paṇīte suvaṇṇe dubbaṇṇe, sugate duggate yathākammūpage satte pajānāti : 'ime vata bhonto sattā kāyaduccaritena samannāgatā vacīduccaritena samannāgatā manoduccaritena samannāgatā ariyānaṃ upavādakā micchādiṭṭhikā micchādiṭṭhikammasamādānā, te kāyassa bhedā paraṃ maraṇā apāyaṃ duggatiṃ vinipātaṃ nirayaṃ upapannā. Ime vā pana bhonto sattā kāyasucaritena samannāgatā vacīsucaritena samannāgatā manosucaritena samannāgatā ariyānaṃ anupavādakā sammādiṭṭhikā sammādiṭṭhikammasamādānā, te kāyassa bhedā paraṃ maraṇā sugatiṃ saggaṃ lokaṃ upapannāti. Iti dibbena cakkhunā visuddhena atikkantamānusakena satte passati cavamāne upapajjamāne hīne paṇīte suvaṇṇe dubbaṇṇe, sugate duggate yathākammūpage satte pajānāti. Evampi, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ.

19. ''So evaṃ samāhite citte parisuddhe pariyodāte anaṅgaṇe vigatūpakkilese mudubhūte kammaniye ṭhite āneñjappatte āsavānaṃ khayañāṇāya cittaṃ abhininnāmeti. So 'idaṃ dukkhanti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ dukkhasamudayoti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ dukkhanirodhoti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ dukkhanirodhagāminī paṭipadāti yathābhūtaṃ pajānāti 'ime āsavāti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ āsavasamudayoti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ āsavanirodhoti yathābhūtaṃ pajānāti, 'ayaṃ āsavanirodhagāminī paṭipadāti yathābhūtaṃ pajānāti. Tassa evaṃ jānato evaṃ passato kāmāsavāpi cittaṃ vimuccati, bhavāsavāpi cittaṃ vimuccati, avijjāsavāpi cittaṃ vimuccati. Vimuttasmiṃ vimuttamiti ñāṇaṃ hoti. 'Khīṇā jāti, vusitaṃ brahmacariyaṃ, kataṃ karaṇīyaṃ, nāparaṃ itthattāyāti pajānāti. Evampi kho, bhikkhave, saphalo upakkamo hoti, saphalaṃ padhānaṃ. Evaṃvādī, bhikkhave, tathāgatā. Evaṃvādīnaṃ, bhikkhave, tathāgatānaṃ [tathāgato, evaṃvādiṃ bhikkhave tathāgataṃ (sī. syā. kaṃ. pī.)] dasa sahadhammikā pāsaṃsaṭṭhānā āgacchanti.

20. ''Sace , bhikkhave, sattā pubbekatahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, tathāgato pubbe sukatakammakārī yaṃ etarahi evarūpā anāsavā sukhā vedanā vedeti. Sace, bhikkhave, sattā issaranimmānahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, tathāgato bhaddakena issarena nimmito yaṃ etarahi evarūpā anāsavā sukhā vedanā vedeti. Sace, bhikkhave, sattā saṅgatibhāvahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, tathāgato kalyāṇasaṅgatiko yaṃ etarahi evarūpā anāsavā sukhā vedanā vedeti. Sace, bhikkhave, sattā abhijātihetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, tathāgato kalyāṇābhijātiko yaṃ etarahi evarūpā anāsavā sukhā vedanā vedeti. Sace, bhikkhave, sattā diṭṭhadhammūpakkamahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti addhā, bhikkhave, tathāgato kalyāṇadiṭṭhadhammūpakkamo yaṃ etarahi evarūpā anāsavā sukhā vedanā vedeti.

''Sace, bhikkhave, sattā pubbekatahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato no ce sattā pubbekatahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato. Sace, bhikkhave, sattā issaranimmānahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato no ce sattā issaranimmānahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato. Sace, bhikkhave, sattā saṅgatibhāvahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato no ce sattā saṅgatibhāvahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato. Sace, bhikkhave, sattā abhijātihetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato no ce sattā abhijātihetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato. Sace, bhikkhave, sattā diṭṭhadhammūpakkamahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato no ce sattā diṭṭhadhammūpakkamahetu sukhadukkhaṃ paṭisaṃvedenti, pāsaṃso tathāgato. Evaṃvādī, bhikkhave, tathāgatā. Evaṃvādīnaṃ, bhikkhave, tathāgatānaṃ ime dasa sahadhammikā pāsaṃsaṭṭhānā āgacchantīti. Idamavoca Bhagavā. Attamanā te bhikkhū bhagavato bhāsitaṃ abhinandunti.

Devadahasuttaṃ niṭṭhitaṃ paṭhamaṃ.

101. Devadahasuttavaṇṇanā [Atthakathā]

1. Evaṃ me sutanti devadahasuttaṃ. Tattha devadahaṃ nāmāti devā vuccanti rājāno, tattha ca sakyarājūnaṃ maṅgalapokkharaṇī ahosi pāsādikā ārakkhasampannā, sā devānaṃ dahattā ‘‘devadaha’’nti paññāyittha. Tadupādāya sopi nigamo devadahantveva saṅkhaṃ gato. Bhagavā taṃ nigamaṃ nissāya lumbinivane viharati. Sabbaṃ taṃ pubbekatahetūti pubbe katakammapaccayā. Iminā kammavedanañca kiriyavedanañca paṭikkhipitvā ekaṃ vipākavedanameva sampaṭicchantīti dasseti. Evaṃ vādino, bhikkhave, nigaṇṭhāti iminā pubbe aniyametvā vuttaṃ niyametvā dasseti.

Ahuvamheva mayanti idaṃ bhagavā tesaṃ ajānanabhāvaṃ jānantova kevalaṃ kalisāsanaṃ āropetukāmo pucchati. Ye hi ‘‘mayaṃ ahuvamhā’’tipi na jānanti, te kathaṃ kammassa katabhāvaṃ vā akatabhāvaṃ vā jānissanti. Uttaripucchāyapi eseva nayo.

2. Evaṃ santeti cūḷadukkhakkhandhe (ma. ni. 1.179-180) mahānigaṇṭhassa vacane sacce santeti attho, idha pana ettakassa ṭhānassa tumhākaṃ ajānanabhāve santeti attho. Na kallanti na yuttaṃ.

3. Gāḷhūpalepanenāti bahalūpalepanena, punappunaṃ visarañjitena, na pana khaliyā littena viya. Esaniyāti esanisalākāya antamaso nantakavaṭṭiyāpi. Eseyyāti gambhīraṃ vā uttānaṃ vāti vīmaṃseyya. Agadaṅgāranti jhāmaharītakassa vā āmalakassa vā cuṇṇaṃ. Odaheyyāti pakkhipeyya. Arogotiādi māgaṇḍiyasutte (ma. ni. 2.213) vuttameva.

Evameva khoti ettha idaṃ opammasaṃsandanaṃ, sallena viddhassa hi viddhakāle vedanāya pākaṭakālo viya imesaṃ ‘‘mayaṃ pubbe ahuvamhā vā no vā, pāpakammaṃ akaramhā vā no vā, evarūpaṃ vā pāpaṃ karamhā’’ti jānanakālo siyā. Vaṇamukhassa parikantanādīsu catūsu kālesu vedanāya pākaṭakālo viya ‘‘ettakaṃ vā no dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ, ettake vā nijjiṇṇe sabbameva dukkhaṃ nijjiṇṇaṃ bhavissati, suddhante patiṭṭhitā nāma bhavissāmā’’ti jānanakālo siyā. Aparabhāge phāsubhāvajānanakālo viya diṭṭheva dhamme akusalānaṃ dhammānaṃ pahānāya kusalānaṃ dhammānaṃ upasampadāya jānanakālo siyā. Evamettha ekāya upamāya tayo atthā, catūhi upamāhi eko attho paridīpito.

4. Ime pana tato ekampi na jānanti, virajjhitvā gate salle aviddhova ‘‘viddhosi mayā’’ti paccatthikassa vacanappamāṇeneva ‘‘viddhosmī’’ti saññaṃ uppādetvā dukkhappattapuriso viya kevalaṃ mahānigaṇṭhassa vacanappamāṇena sabbametaṃ saddahantā evaṃ sallopamāya bhagavatā niggahitā paccāharituṃ asakkontā yathā nāma dubbalo sunakho migaṃ uṭṭhāpetvā sāmikassa abhimukhaṃ karitvā attanā osakkati, evaṃ mahānigaṇṭhassa matthake vādaṃ pakkhipantā nigaṇṭho, āvusotiādīmāhaṃsu.

5. Atha ne bhagavā sācariyake niggaṇhanto pañca kho imetiādimāha. Tatrāyasmantānanti tesu pañcasu dhammesu āyasmantānaṃ. Kā atītaṃse satthari saddhāti atītaṃsavādimhi satthari kā saddhā. Yā atītavādaṃ saddahantānaṃ tumhākaṃ mahānigaṇṭhassa saddhā, sā katamā? Kiṃ bhūtatthā abhūtatthā, bhūtavipākā abhūtavipākāti pucchati. Sesapadesupi eseva nayo. Sahadhammikanti sahetukaṃ sakāraṇaṃ. Vādapaṭihāranti paccāgamanakavādaṃ. Ettāvatā tesaṃ ‘‘apanetha saddhaṃ, sabbadubbalā esā’’ti saddhāchedakavādaṃ nāma dasseti.

6. Avijjā aññāṇāti avijjāya aññāṇena. Sammohāti sammohena. Vipaccethāti viparītato saddahatha, vipallāsaggāhaṃ vā gaṇhathāti attho.

7. Diṭṭhadhammavedanīyanti imasmiṃyeva attabhāve vipākadāyakaṃ. Upakkamenāti payogena. Padhānenāti vīriyena. Samparāyavedanīyanti dutiye vā tatiye vā attabhāve vipākadāyakaṃ. Sukhavedanīyanti iṭṭhārammaṇavipākadāyakaṃ kusalakammaṃ. Viparītaṃ dukkhavedanīyaṃ. Paripakkavedanīyanti paripakke nipphanne attabhāve vedanīyaṃ, diṭṭhadhammavedanīyassevetaṃ adhivacanaṃ. Aparipakkavedanīyanti aparipakke attabhāve vedanīyaṃ, samparāyavedanīyassevetaṃ adhivacanaṃ. Evaṃ santepi ayamettha viseso – yaṃ paṭhamavaye kataṃ paṭhamavaye vā majjhimavaye vā pacchimavaye vā vipākaṃ deti, majjhimavaye kataṃ majjhimavaye vā pacchimavaye vā vipākaṃ deti, pacchimavaye kataṃ tattheva vipākaṃ deti, taṃ diṭṭhadhammavedanīyaṃ nāma. Yaṃ pana sattadivasabbhantare vipākaṃ deti, taṃ paripakkavedanīyaṃ nāma. Taṃ kusalampi hoti akusalampi.

Tatrimāni vatthūni – puṇṇo nāma kira duggatamanusso rājagahe sumanaseṭṭhiṃ nissāya vasati. Tamenaṃ ekadivasaṃ nagaramhi nakkhatte saṅghuṭṭhe seṭṭhi āha – ‘‘sace ajja kasissasi, dve ca goṇe naṅgalañca labhissasi. Kiṃ nakkhattaṃ kīḷissasi, kasissasī’’ti. Kiṃ me nakkhattena, kasissāmīti? Tena hi ye goṇe icchasi, te gahetvā kasāhīti. So kasituṃ gato. Taṃ divasaṃ sāriputtatthero nirodhā vuṭṭhāya ‘‘kassa saṅgahaṃ karomī’’ti? Āvajjanto puṇṇaṃ disvā pattacīvaraṃ ādāya tassa kasanaṭṭhānaṃ gato. Puṇṇo kasiṃ ṭhapetvā therassa dantakaṭṭhaṃ datvā mukhodakaṃ adāsi. Thero sarīraṃ paṭijaggitvā kammantassa avidūre nisīdi bhattābhihāraṃ olokento. Athassa bhariyaṃ bhattaṃ āharantiṃ disvā antarāmaggeyeva attānaṃ dassesi.

Sā sāmikassa āhaṭabhattaṃ therassa patte pakkhipitvā puna gantvā aññaṃ bhattaṃ sampādetvā divā agamāsi. Puṇṇo ekavāraṃ kasitvā nisīdi. Sāpi bhattaṃ gahetvā āgacchantī āha – ‘‘sāmi pātova te bhattaṃ āhariyittha, antarāmagge pana sāriputtattheraṃ disvā taṃ tassa datvā aññaṃ pacitvā āharantiyā me ussūro jāto, mā kujjhi sāmī’’ti. Bhaddakaṃ te bhadde kataṃ, mayā therassa pātova dantakaṭṭhañca mukhodakañca dinnaṃ, amhākaṃyevānena piṇḍapātopi paribhutto, ajja therena katasamaṇadhammassa mayaṃ bhāgino jātāti cittaṃ pasādesi. Ekavāraṃ kasitaṭṭhānaṃ suvaṇṇameva ahosi. So bhuñjitvā kasitaṭṭhānaṃ olokento vijjotamānaṃ disvā uṭṭhāya yaṭṭhiyā paharitvā rattasuvaṇṇabhāvaṃ jānitvā ‘‘rañño akathetvā paribhuñjituṃ na sakkā’’ti gantvā rañño ārocesi. Rājā taṃ sabbaṃ sakaṭehi āharāpetvā rājaṅgaṇe rāsiṃ kāretvā ‘‘kassimasmiṃ nagare ettakaṃ suvaṇṇaṃ atthī’’ti pucchi. Kassaci natthīti ca vutte seṭṭhiṭṭhānamassa adāsi. So puṇṇaseṭṭhi nāma jāto.

Aparampi vatthu – tasmiṃyeva rājagahe kāḷaveḷiyo nāma duggato atthi. Tassa bhariyā paṇṇambilayāguṃ paci. Mahākassapatthero nirodhā vuṭṭhāya ‘‘kassa saṅgahaṃ karomī’’ti āvajjanto taṃ disvā gantvā gehadvāre aṭṭhāsi. Sā pattaṃ gahetvā sabbaṃ tattha pakkhipitvā therassa adāsi, thero vihāraṃ gantvā satthu upanāmesi. Satthā attano yāpanamattaṃ gaṇhi, sesaṃ pañcannaṃ bhikkhusatānaṃ pahosi. Kāḷavaḷiyopi taṃ ṭhānaṃ patto cūḷakaṃ labhi. Mahākassapo satthāraṃ kāḷavaḷiyassa vipākaṃ pucchi. Satthā ‘‘ito sattame divase seṭṭhicchattaṃ labhissatī’’ti āha. Kāḷavaḷiyo taṃ kathaṃ sutvā gantvā bhariyāya ārocesi.

Tadā ca rājā nagaraṃ anusañcaranto bahinagare jīvasūle nisinnaṃ purisaṃ addasa. Puriso rājānaṃ disvā uccāsaddaṃ akāsi ‘‘tumhākaṃ me bhuñjanabhattaṃ pahiṇatha devā’’ti. Rājā ‘‘pesessāmī’’ti vatvā sāyamāsabhatte upanīte saritvā ‘‘imaṃ harituṃ samatthaṃ jānāthā’’ti āha, nagare sahassabhaṇḍikaṃ cāresuṃ. Tatiyavāre kāḷavaḷiyassa bhariyā aggahesi. Atha naṃ rañño dassesuṃ, sā purisavesaṃ gahetvā pañcāvudhasannaddhā bhattapātiṃ gahetvā nagarā nikkhami. Bahinagare tāle adhivattho dīghatālo nāma yakkho taṃ rukkhamūlena gacchantiṃ disvā ‘‘tiṭṭha tiṭṭha bhakkhosi me’’ti āha. Nāhaṃ tava bhakkho, rājadūto ahanti. Kattha gacchasīti. Jīvasūle nisinnassa purisassa santikanti. Mamapi ekaṃ sāsanaṃ harituṃ sakkhissasīti. Āma sakkhissāmīti. ‘‘Dīghatālassa bhariyā sumanadevarājadhītā kāḷī puttaṃ vijātā’’ti āroceyyāsi. Imasmiṃ tālamūle satta nidhikumbhiyo atthi, tā tvaṃ gaṇheyyāsīti. Sā ‘‘dīghatālassa bhariyā sumanadevarājadhītā kāḷī puttaṃ vijātā’’ti ugghosentī agamāsi.

Sumanadevo yakkhasamāgame nisinno sutvā ‘‘eko manusso amhākaṃ piyapavattiṃ āharati, pakkosatha na’’nti sāsanaṃ sutvā pasanno ‘‘imassa rukkhassa parimaṇḍalacchāyāya pharaṇaṭṭhāne nidhikumbhiyo tuyhaṃ dammī’’ti āha. Jīvasūle nisinnapuriso bhattaṃ bhuñjitvā mukhapuñchanakāle itthiphassoti ñatvā cūḷāya ḍaṃsi, sā asinā attano cūḷaṃ chinditvā rañño santikaṃyeva gatā. Rājā bhattabhojitabhāvo kathaṃ jānitabboti? Cūḷasaññāyāti vatvā rañño ācikkhitvā taṃ dhanaṃ āharāpesi. Rājā aññassa ettakaṃ dhanaṃ nāma atthīti. Natthi devāti. Rājā tassā patiṃ tasmiṃ nagare dhanaseṭṭhiṃ akāsi. Mallikāyapi deviyā vatthu kathetabbaṃ. Imāni tāva kusalakamme vatthūni.

Nandamāṇavako pana uppalavaṇṇāya theriyā vippaṭipajji, tassa mañcato uṭṭhāya nikkhamitvā gacchantassa mahāpathavī bhijjitvā okāsamadāsi, tattheva mahānarakaṃ paviṭṭho. Nandopi goghātako paṇṇāsa vassāni goghātakakammaṃ katvā ekadivasaṃ bhojanakāle maṃsaṃ alabhanto ekassa jīvamānakagoṇassa jivhaṃ chinditvā aṅgāresu pacāpetvā khādituṃ āraddho. Athassa jivhā mūle chijjitvā bhattapātiyaṃyeva patitā, so viravanto kālaṃ katvā niraye nibbatti. Nandopi yakkho aññena yakkhena saddhiṃ ākāsena gacchanto sāriputtattheraṃ navoropitehi kesehi rattibhāge abbhokāse nisinnaṃ disvā sīse paharitukāmo itarassa yakkhassa ārocetvā tena vāriyamānopi pahāraṃ datvā ḍayhāmi ḍayhāmīti viravanto tasmiṃyeva ṭhāne bhūmiṃ pavisitvā mahāniraye nibbattoti imāni akusalakamme vatthūni.

Yaṃ pana antamaso maraṇasantikepi kataṃ kammaṃ bhavantare vipākaṃ deti, taṃ sabbaṃ samparāyavedanīyaṃ nāma. Tattha yo aparihīnassa jhānassa vipāko nibbattissati, so idha nibbattitavipākoti vutto. Tassa mūlabhūtaṃ kammaṃ neva diṭṭhadhammavedanīyaṃ na samparāyavedanīyanti, na vicāritaṃ, kiñcāpi na vicāritaṃ, samparāyavedanīyameva panetanti veditabbaṃ. Yo paṭhamamaggādīnaṃ bhavantare phalasamāpattivipāko, so idha nibbattitaguṇotveva vutto. Kiñcāpi evaṃ vutto, maggakammaṃ pana paripakkavedanīyanti veditabbaṃ. Maggacetanāyeva hi sabbalahuṃ phaladāyikā anantaraphalattāti.

8. Bahuvedanīyanti saññābhavūpagaṃ. Appavedanīyanti asaññābhavūpagaṃ. Savedanīyanti savipākaṃ kammaṃ. Avedanīyanti avipākaṃ kammaṃ. Evaṃ santeti imesaṃ diṭṭhadhammavedanīyādīnaṃ kammānaṃ upakkamena samparāyavedanīyādi bhāvakāraṇassa alābhe sati. Aphaloti nipphalo niratthakoti. Ettāvatā aniyyānikasāsane payogassa aphalataṃ dassetvā padhānacchedakavādo nāma dassitoti veditabbo. Sahadhammikā vādānuvādāti parehi vuttakāraṇena sakāraṇā hutvā nigaṇṭhānaṃ vādā ca anuvādā ca. Gārayhaṃ ṭhānaṃ āgacchantīti viññūhi garahitabbaṃ kāraṇaṃ āgacchanti. ‘‘Vādānuppattā gārayhaṭṭhānā’’tipi pāṭho. Tassattho – parehi vuttena kāraṇena sakāraṇā nigaṇṭhānaṃ vādaṃ anuppattā taṃ vādaṃ sosentā milāpentā dukkaṭakammakārinotiādayo dasa gārayhaṭṭhānā āgacchanti.

9. Saṅgatibhāvahetūti niyatibhāvakāraṇā. Pāpasaṅgatikāti pāpaniyatino. Abhijātihetūti chaḷabhijātihetu.

10. Evaṃ nigaṇṭhānaṃ upakkamassa aphalataṃ dassetvā idāni niyyānikasāsane upakkamassa vīriyassa ca saphalataṃ dassetuṃ kathañca, bhikkhavetiādimāha. Tattha anaddhabhūtanti anadhibhūtaṃ. Dukkhena anadhibhūto nāma manussattabhāvo vuccati, na taṃ addhabhāveti nābhibhavatīti attho. Tampi nānappakārāya dukkarakārikāya payojento dukkhena addhabhāveti nāma. Ye pana sāsane pabbajitvā āraññakā vā honti rukkhamūlikādayo vā, te dukkhena na addhabhāventi nāma. Niyyānikasāsanasmiñhi vīriyaṃ sammāvāyāmo nāma hoti.

Thero panāha – yo issarakule nibbatto sattavassiko hutvā alaṅkatappaṭiyatto pituaṅke nisinno ghare bhattakiccaṃ katvā nisinnena bhikkhusaṅghena anumodanāya kariyamānāya tisso sampattiyo dassetvā saccesu pakāsitesu arahattaṃ pāpuṇāti, mātāpitūhi vā ‘‘pabbajissasi tātā’’ti vutto ‘‘āma pabbajissāmī’’ti vatvā nhāpetvā alaṅkaritvā vihāraṃ nīto tacapañcakaṃ uggaṇhitvā nisinno kesesu ohāriyamānesu khuraggeyeva arahattaṃ pāpuṇāti, navapabbajito vā pana manosilātelamakkhitena sīsena punadivase mātāpitūhi pesitaṃ kājabhattaṃ bhuñjitvā vihāre nisinnova arahattaṃ pāpuṇāti, ayaṃ na dukkhena attānaṃ addhabhāveti nāma. Ayaṃ pana ukkaṭṭhasakkāro. Yo dāsikucchiyaṃ nibbatto antamaso rajatamuddikampi piḷandhitvā gorakapiyaṅgumattenāpi sarīraṃ vilimpetvā ‘‘pabbājetha na’’nti nīto khuragge vā punadivase vā arahattaṃ pāpuṇāti, ayampi na anaddhabhūtaṃ attānaṃ dukkhena addhabhāveti nāma.

Dhammikaṃ sukhaṃ nāma saṅghato vā gaṇato vā uppannaṃ catupaccayasukhaṃ. Anadhimucchitoti taṇhāmucchanāya amucchito. Dhammikañhi sukhaṃ na pariccajāmīti na tattha gedho kātabbo. Saṅghato hi uppannaṃ salākabhattaṃ vā vassāvāsikaṃ vā ‘‘idamatthaṃ eta’’nti paricchinditvā saṅghamajjhe bhikkhūnaṃ antare paribhuñjanto pattantare padumaṃ viya sīlasamādhivipassanāmaggaphalehi vaḍḍhati. Imassāti paccuppannānaṃ pañcannaṃ khandhānaṃ mūlabhūtassa. Dukkhanidānassāti taṇhāya. Sā hi pañcakkhandhadukkhassa nidānaṃ. Saṅkhāraṃ padahatoti sampayogavīriyaṃ karontassa. Virāgo hotīti maggena virāgo hoti. Idaṃ vuttaṃ hoti ‘‘saṅkhārapadhānena me imassa dukkhanidānassa virāgo hotī’’ti evaṃ pajānātīti iminā sukhāpaṭipadā khippābhiññā kathitā. Dutiyavārena tassa sampayogavīriyassa majjhattatākāro kathito. So yassa hi khvāssāti ettha ayaṃ saṅkhepattho – so puggalo yassa dukkhanidānassa saṅkhārapadhānena virāgo hoti, saṅkhāraṃ tattha padahati, maggapadhānena padahati. Yassa pana dukkhanidānassa ajjhupekkhato upekkhaṃ bhāventassa virāgo hoti, upekkhaṃ tattha bhāveti, maggabhāvanāya bhāveti. Tassāti tassa puggalassa.

11. Paṭibaddhacittoti chandarāgena baddhacitto. Tibbacchandoti bahalacchando. Tibbāpekkhoti bahalapatthano. Santiṭṭhantinti ekato tiṭṭhantiṃ. Sañjagghantinti mahāhasitaṃ hasamānaṃ. Saṃhasantinti sitaṃ kurumānaṃ.

Evameva kho, bhikkhaveti ettha idaṃ opammavibhāvanaṃ – eko hi puriso ekissā itthiyā sāratto ghāsacchādanamālālaṅkārādīni datvā ghare vāseti. Sā taṃ aticaritvā aññaṃ sevati. So ‘‘nūna ahaṃ assā anurūpaṃ sakkāraṃ na karomī’’ti sakkāraṃ vaḍḍhesi. Sā bhiyyosomattāya aticaratiyeva. So – ‘‘ayaṃ sakkariyamānāpi aticarateva, ghare me vasamānā anatthampi kareyya, nīharāmi na’’nti parisamajjhe alaṃvacanīyaṃ katvā ‘‘mā puna gehaṃ pāvisī’’ti vissajjesi. Sā kenaci upāyena tena saddhiṃ santhavaṃ kātuṃ asakkontī naṭanaccakādīhi saddhiṃ vicarati. Tassa purisassa taṃ disvā neva uppajjati domanassaṃ, somanassaṃ pana uppajjati.

Tattha purisassa itthiyā sārattakālo viya imassa bhikkhuno attabhāve ālayo. Ghāsacchādanādīni datvā ghare vasāpanakālo viya attabhāvassa paṭijagganakālo. Tassā aticaraṇakālo viya jaggiyamānasseva attabhāvassa pittapakopādīnaṃ vasena sābādhatā. ‘‘Attano anurūpaṃ sakkāraṃ alabhantī aticaratī’’ti sallakkhetvā sakkāravaḍḍhanaṃ viya ‘‘bhesajjaṃ alabhanto evaṃ hotī’’ti sallakkhetvā bhesajjakaraṇakālo. Sakkāre vaḍḍhitepi puna aticaraṇaṃ viya pittādīsu ekassa bhesajje kariyamāne sesānaṃ pakopavasena puna sābādhatā. Parisamajjhe alaṃvacanīyaṃ katvā gehā nikkaḍḍhanaṃ viya ‘‘idāni te nāhaṃ dāso na kammakaro, anamatagge saṃsāre taṃyeva upaṭṭhahanto vicariṃ, ko me tayā attho, chijja vā bhijja vā’’ti tasmiṃ anapekkhataṃ āpajjitvā vīriyaṃ thiraṃ katvā maggena kilesasamugghātanaṃ. Naṭanaccakādīhi naccamānaṃ vicarantiṃ disvā yathā tassa purisassa domanassaṃ na uppajjati, somanassameva uppajjati, evameva imassa bhikkhuno arahattaṃ pattassa pittapakopādīnaṃ vasena ābādhikaṃ attabhāvaṃ disvā domanassaṃ na uppajjati, ‘‘muccissāmi vata khandhaparihāradukkhato’’ti somanassameva uppajjatīti. Ayaṃ pana upamā ‘‘paṭibaddhacittassa domanassaṃ uppajjati, appaṭibaddhacittassa natthetanti ñatvā itthiyā chandarāgaṃ pajahati, evamayaṃ bhikkhu saṅkhāraṃ vā padahantassa upekkhaṃ vā bhāventassa dukkhanidānaṃ pahīyati, no aññathāti ñatvā tadubhayaṃ sampādento dukkhanidānaṃ pajahatī’’ti etamatthaṃ vibhāvetuṃ āgatāti veditabbā.

12. Yathā sukhaṃ kho me viharatoti yena sukhena viharituṃ icchāmi tena, me viharato. Padahatoti pesentassa. Ettha ca yassa sukhā paṭipadā asappāyā, sukhumacīvarāni dhārentassa pāsādike senāsane vasantassa cittaṃ vikkhipati, dukkhā paṭipadā sappāyā, chinnabhinnāni thūlacīvarāni dhārentassa susānarukkhamūlādīsu vasantassa cittaṃ ekaggaṃ hoti, taṃ sandhāyetaṃ vuttaṃ.

Evameva khoti ettha idaṃ opammasaṃsandanaṃ, usukāro viya hi jātijarāmaraṇabhīto yogī daṭṭhabbo, vaṅkakuṭilajimhatejanaṃ viya vaṅkakuṭilajimhacittaṃ, dve alātā viya kāyikacetasikavīriyaṃ, tejanaṃ ujuṃ karontassa kañjikatelaṃ viya saddhā, namanadaṇḍako viya lokuttaramaggo, ussukārassa vaṅkakuṭilajimhatejanaṃ kañjikatelena sinehetvā alātesu tāpetvā namanadaṇḍakena ujukaraṇaṃ viya imassa bhikkhuno vaṅkakuṭilajimhacittaṃ saddhāya sinehetvā kāyikacetasikavīriyena tāpetvā lokuttaramaggena ujukaraṇaṃ, usukārasseva evaṃ ujukatena tejanena sapattaṃ vijjhitvā sampattianubhavanaṃ viya imassa yogino tathā ujukatena cittena kilesagaṇaṃ vijjhitvā pāsādike senāsane nirodhavaratalagatassa phalasamāpattisukhānubhavanaṃ daṭṭhabbaṃ. Idha tathāgato sukhāpaṭipadākhippābhiññabhikkhuno, dukkhāpaṭipadādandhābhiññabhikkhuno ca paṭipattiyo kathitā, itaresaṃ dvinnaṃ na kathitā, tā kathetuṃ imaṃ desanaṃ ārabhi. Imāsu vā dvīsu kathitāsu itarāpi kathitāva honti, āgamanīyapaṭipadā pana na kathitā, taṃ kathetuṃ imaṃ desanaṃ ārabhi. Sahāgamanīyāpi vā paṭipadā kathitāva, adassitaṃ pana ekaṃ buddhuppādaṃ dassetvā ekassa kulaputtassa nikkhamanadesanaṃ arahattena vinivaṭṭessāmīti dassetuṃ imaṃ desanaṃ ārabhi. Sesaṃ sabbattha uttānamevāti.

Papañcasūdaniyā majjhimanikāyaṭṭhakathāya

Devadahasuttavaṇṇanā niṭṭhitā.

Ý kiến bạn đọc