Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 21.2.2021 _ Bài 60  Tương Hợp Thuộc Tánh  Đối Với Tâm  _ 6  Thuộc Tánh Tợ Tha Biệt Cảnh

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 21.2.2021 _ Bài 60 Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm _ 6  Thuộc Tánh Tợ Tha Biệt Cảnh

Chủ nhật, 21/02/2021, 20:17 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 21.2.2021

Bài 60

Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm

"6 Thuộc Tánh Tợ Tha Biệt Cảnh"

(lưu ý: phần nầy sẽ được giảng trong nhiều bài học)

Sự tương hợp giữa tâm và tánh trong bài học học trước là “mỗi tâm có bao nhiêu thuộc tánh tương hợp”. Bài học nầy nhắm vào “mỗi thuộc tánh tương hợp bao nhiêu tâm”. Cái nhìn đối ngược nầy giúp người học hiểu rõ hơn về tâm và các thuộc tánh.

6 THUỘC TÁNH TỢ THA BIỆT CẢNH

THUỘC TÁNH

TÂM

CHÚ THÍCH

Thuộc tánh tầm (Vitakka)

Tương hợp được 44 Dục giới (trừ ngũ song thức) và 11 tâm Sơ Thiền.

Sự giao thoa giữa căn, cảnh, thức tạo nên ngũ song thức không có tầm, tứ. Hơn thế nữa ngũ song thức là sự tiếp xúc tiên khởi của tâm đối với năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc giống như vai trò đơn giản của người gác cổng một công ty khi gặp khách đến nên ngũ song thức là thứ tâm ít thuộc tánh nhất (chỉ có 7 thuộc tánh tợ tha biến hành)

Tầm là một trong năm thiền chi nến đối với những tâm thiền từ nhị thiền tới ngũ thiền không có thuộc tánh tầm.

Thuộc tánh tứ (Vicāra)

Tương hợp được 44 tâm dục giới (trừ ngũ song thức) và 22 tâm Sơ và Nhị Thiền

Thuộc tánh tứ không có mặt ở những tâm tam thiền, tứ thiền, ngũ thiền bởi vị đây là thiền chi chỉ có trong tâm sơ và nhị thiền.

Thuộc tánh thắng giải (Adhimokkha)

Tương hợp với 110 tâm (trừ ngũ song thức và si hoài nghi)

Trạng thái của thuộc tánh thắng giải là sự khẳng định nên tự nhiên không thể có mặt trong tâm si hoài nghi.

Thuộc tánh cần (Viriya)

Tương hợp được 105 tâm (trừ 15 tâm quả vô nhân và 1 khai ngũ môn)

Thuộc tánh cần tức trạng thái tinh cần hay năng lượng không có trong những tâm quá muội lược vì có vai trò cơ năng như 15 tâm quả vô nhân. Tâm khai ngũ môn cũng là một thứ tâm cơ năng muội lược khác không có thuộc tánh cần.

Thuộc tánh hỷ (Pīti)

Tương hợp với 51 tâm thọ Hỷ (trừ Tứ Thiền)

Thuộc tánh hỷ khác với thọ hỷ. Tuy vậy thuộc tánh hỷ chỉ có mặt trong những tâm thọ hỷ.

 

Các tâm thiền chỉ có hai thọ là thọ hỷ và thọ xả. Tâm ngũ thiền thọ xả nên không có thuộc tánh hỷ. Các tâm tứ thiền được kể là thọ hỷ nhưng chỉ có hai thiền chi là lạc và định nên thuộc tánh hỷ không tương hợp.

Thuộc tánh dục (Chanda)

Tương hợp được 101 tâm (trừ 18 tâm vô nhân và 2 tâm si)

Trạng thái của thuộc tánh dục là sự mong muốn. Do bản chất tự nhiên nên không có trong 18 tâm cơ năng và 2 tâm si.

Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm _ Thuộc Tánh Tầm

 

Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm _ Thuộc Tánh Tứ

 

Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm _ Thuộc Tánh Thắng Giải

 

Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm _ Thuộc Tánh Cần

 

Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm _ Thuộc Tánh Hỷ

 

Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm _ Thuộc Tánh Dục

Bài học trước là: Tương Hợp Giữa Tâm và Thuộc tánh

Bài học tiếp theo sẽ là: Tương Hợp Thuộc Tánh Đối Với Tâm (tiếp theo)

Thảo luận 1.  Tại sao theo Thắng Pháp thì ngũ song thức muội lược nhưng sự chi phối của năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc lại thường được đề cập là “lớn chuyện”?

 

Thảo luận 2. Tại sao Thắng Pháp Abhidhamma thường giải thích về các thuộc tánh theo cách vĩ mô quá vi tế trong từng sát na như tầm, tứ… thoạt nghe như rất khó can thiệp hay chi phối nhưng rõ ràng theo Phật học thì tại sao những trạng thái nầy có thể được tu tập?

 

Thảo luận 3. Sự phân chia tạo nên tầng thiền hữu tứ vô tầm có cần thiết chăng? Tại sao Thắng Pháp Abhidhamma không phân 4 thiền như Kinh Tạng?

 

Thảo luận 4. Hai tâm si không có thuộc tánh dục thì dễ hiểu nhưng tại sao 2 tâm sân lại có thuộc tánh dục?

 

 

Ý kiến bạn đọc