Bài 81  DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH_Phần III: Diễn Trình Tâm Cận Tử và Tục Sinh _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 24.6.2021

Bài 81 DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH_Phần III: Diễn Trình Tâm Cận Tử và Tục Sinh _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 24.6.2021

Thứ năm, 24/06/2021, 19:11 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 24.6.2021


Bài 81. DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH

Phần III: Diễn Trình Tâm Cận Tử và Tục Sinh

Diễn trình tâm cận tử trong bài học nầy nói về những trường hợp của tử sanh của tất cả chúng sanh còn luân hồi. Tử hay sanh dù chỉ là một sát na nhưng lại mang ý nghĩa lớn.

2 trường hợp cận tử được phân định riêng biệt trong giáo trình truyền thống là:

a. Diễn trình tâm ngũ môn cận tử là trường hợp trong lúc lâm chung có các cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc tác động tâm thức qua ngũ môn thí dụ lúc mất nghe tụng kinh hay nghe tiếng khóc của thân nhân hoặc sự đau đớn của thân xác.

b. Diễn trình tâm ý môn cận tử là trường hợp cái chết xẩy ra không qua ngũ môn.

Trên thực tế thì rất khó cho một người quan sát bình thường biết được người mất với diễn trình tâm ngũ môn hay ý môn.

Sự liệt kê tỉ mỉ của diễn trình tâm cận tử đôi khi làm rối trí người học nên ở đây chỉ chú trọng đến những điểm quan trọng bằng cách đưa ra một diễn trình tâm cận tử và tục sinh tiêu biểu với những chú thích đáng ghi nhớ.

Lấy biểu đồ sau đây là dẫn chứng tiêu biểu:

THẮNG PHÁP ABHIDHAMMA _ DIỄN TRÌNH TÂM CẬN TỬ NGŨ MÔN - TỤC SINH

Diễn trình tâm cận tử luôn luôn chỉ có 5 sát na tâm xử lý.

Chính 5 sát na tâm xử lý nầy quyết định tâm tục sinh. Chỉ có 5 sát na bởi vì cuộc sống hiện tại sắp kết thúc nên tâm yếu nhưng cảnh vẫn có thể gây ấn tượng mạnh nên vẫn có trường hợp sanh khởi 2 tâm dư hưởng. Cảnh của 5 tâm xử lý nầy tạo thành cảnh của sát na tâm tục sinh và tiềm thức cho kiếp sống tiếp theo. Có những cảnh do sự trạng lại như sở hành (kamma) hay nghiệp tướng (kammanimitta). Cũng có cảnh ứng hợp với cảnh giới tái sanh (gatinimitta). Do sự yếu ớt của tâm lúc cận tử nên khoảnh khắc nầy rất dễ bị chi phối.

Giữa chặng tâm xử lý và tâm tử có thể có 2 tâm dư hưởng hay sát na tiềm thức, hoặc không có cả hai.

Điều nầy tạo nên sự liệt kê của nhiều diễn trình tâm cận tử khác nhau. Nhưng chỉ là ghi nhận những gì có thể xẩy ra. Không quá quan trọng để tạo nên những biểu đồ riêng biệt.

Tâm tử tuy có thể xem là “sát na tiềm thức (bhavaṅga) sau cùng” nhưng chức năng có khác.

Tâm tử chiêu cảm mãnh lực của nghiệp kết thúc đời sống hiện tại. Đời sống của chúng sanh thay đổi rất lớn từ kiếp nầy sang kiếp khác về chủng loại, tư chất, bản tánh…chính tâm tử là dấu chấm hết.

Tâm tục sinh khởi đầu kiếp sống với những yếu tố quyết định.

Theo Thắng Pháp, và Tam Tạng Pāli nói chung, đối chúng sanh còn luân hồi thì sau sát na tâm tử của kiếp nầy thì lập tức sanh khởi tâm tục sanh kiếp sau (trừ trường hợp sanh vào cõi vô tưởng) chứ không có giai đoạn trung ấm (không là bất cứ loại chúng sanh nào). Tâm tục sanh tuy chỉ là một sát na nhưng chiêu cảm trọng vẹn mãnh lực của sanh nghiệp. Sát na tâm nầy mang những yếu tố quyết định cho cả kiếp sống mới. Một người tục sanh bằng tâm quả ly trí thì trọn kiếp không thể đắc thiền hay đạo quả. Tiềm thức là phiên bản của tâm tục sanh nhưng không mang những yếu tố quyết định như tâm tục sanh.

14 sát na tiềm thức sanh khởi ngay sau tâm tục sinh

Tiềm thức (bhavaṅga) là tâm chiêu cảm mãnh lực của trì nghiệp nên Ngài Tịnh Sự dịch là tâm hộ kiếp (Hoà thượng Minh Châu dịch sát văn là tâm hữu phần có nghĩa là thành tố của sự tồn tại). Trạng thái giống như tâm tục sinh (paṭisandhiviññāṇa) nhưng tiềm thức có chức năng hoàn toàn khác biệt. Vì kiếp sống mới bắt đầu nên bắt buộc phải có 14 sát na tiềm thức sanh khởi như cách nói “mới dời về chỗ mới cần chút ổn định trước khi bắt tay làm việc. Đối với những cõi cảnh giới tục sinh ngũ uẩn (có cả vật chất và tâm thức) thì 14 sát na tiềm thức nối sau tâm tục sinh cần thiết cho sự tương thích giữa tâm và sắc uẩn (…)

Hoạt thức đầu tiên là tâm xữ lý (javana) chỉ với 5 sát na và là tâm tham

Tất cả chúng sanh còn luân hồi đều có sự chi phối của ái (taṇhā) nên hoạt thức đầu tiên hiện khởi là tâm tham dù là trong cảnh vui hay khổ. Có thể nói điều nầy là một trong những lý giải tại sao luân hồi sanh tử luôn có sự chi phối của vô minh và ái. Bởi vì “quá mới” nên tâm chưa đủ mạnh nên hoạt thức xử lý chỉ có 5 sát na.

Tái sanh trong cõi dục giới có 2 tâm dư hưởng tiếp theo 5 sát na tâm xử lý.

Vì tâm tham là hoạt thức đầu tiên sanh khởi nên trong khi tái sanh trong các cõi dục giới luôn được tiếp nối bằng tâm dư hưởng vì tánh cách thô thiển nhưng mạnh mẽ của dục giới.

Một số chi tiết quan trọng khác của diễn trình tâm tục sinh sẽ được nói tới khi sang phần: người, cõi, nghiệp.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc