Bài 8. Chương I (tiếp theo) _ Tâm Vô Sắc Giới Thiện, Quả và Tố (Arūpāvacarakusala_vipāka_kiriyācitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 29.7.2021

Bài 8. Chương I (tiếp theo) _ Tâm Vô Sắc Giới Thiện, Quả và Tố (Arūpāvacarakusala_vipāka_kiriyācitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 29.7.2021

Thứ năm, 29/07/2021, 09:34 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 29.7.2021


Bài 8. Chương I (tiếp theo)

Tâm vô sắc giới Thiện, Quả và Tố

(Arūpāvacarakusala_vipāka_kiriyācitta)

· Tâm thiện vô sắc giới có 4 thứ:

1. Tâm thiện không vô biên xứ

(Ākāsānañcāyatanakusalacittaṃ)

2. Tâm thiện thức vô biên xứ

(Viññāṇañcāyatanakusalacittaṃ)

3. Tâm thiện vô sở hữu xứ

(Ākiñcaññāyatanakusalacittaṃ)

4. Tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ

(Nevasaññānāsaññāyatanakusalacittaṃ)

Giải thích:

- Tâm thiện vô sắc giới là tâm thiền chứng do tu tập đề mục chỉ tịnh bốn án xứ là không vô biên (ākāsānañca), thức vô biên (viññānañca), vô sở hữu (ākiñcaññā), phi tưởng phi phi tưởng (nevasaññānāsaññā), gọi là 4 đề mục vô sắc (arūpakammaṭṭhāna).

- Tâm thiện vô sắc thuộc ngũ thiền (pañcamajjhāna) vì cả bốn bậc thiền vô sắc đều có hai chi thiền: xả và định. Do đó mới nói rằng tâm thiền vô sắc phân thứ bậc theo cảnh đề mục (ārammaṇato), không phải như tâm thiền sắc giới phân thứ bậc theo chi thiền (jhānaṅgato). [Nói theo hệ thống bốn thiền của Kinh Tạng thì thiền vô sắc thuộc tứ thiền].

· Giải về thiền không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana), đệ nhất thiền vô sắc (arūpajhāna).

- Đề mục “không gian vô tận” (ākāso ananto), là một khái niệm lấy ra từ biến xứ hư không của thiền sắc giới (kasiṇugghāṭimākāso).

- Sau khi hành giả chứng nhập thiền sắc giới (rūpajhāna) với đề mục hư không biến xứ (ākāsakasiṇa) đến bậc ngũ thiền, hành giả vượt khỏi phạm trù không gian còn giới hạn của hư không biến xứ bằng cách tác ý “hư không vô tận, hư không vô biên”, khi ấy một trạng thái định an chỉ (appanāsamādhi) khởi lên với hai thiền chi “xả và nhất hành”, gọi là đệ nhất thiền vô sắc, vì là thiền vô sắc thứ nhất; Và thiền nầy sanh lên do đề mục khái niệm hư không cùng tận, nên gọi là thiền không vô biên xứ; Bởi thiền nầy được chứng nơi hành giả thánh hữu học và phàm tam nhân nên gọi là thiền thiện không vô biên xứ.

· Giải về ba án xứ thiền vô sắc tiếp theo:

- Thiền thức vô biên xứ (viññānañcāyatana). “Thức vô biên” là tên gọi cho đệ nhất tâm thiền vô sắc (Tâm không vô biên xứ), vì chính tâm làm cảnh đề mục để chứng đệ nhị thiền vô sắc. Sau khi chứng tâm thiền không vô biên xứ, vị hành giả tác ý đến tâm không vô biên xứ như sau: “ Thức nầy mới là không cùng tận” (Idaṃ viññāṇaṃ anantaṃ) tác ý tưởng như vậy đến khi nhập tâm thì một trạng định an chỉ (appanāsamādhi) khác khởi lên nơi hành giả; Vì định nầy lấy thức đệ nhất thiền vô sắc làm đề mục chứng nên gọi là tâm thiền thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana). Và bởi thiền nầy được chứng nơi hành giả thánh hữu học và phàm tam nhân nên gọi là thiền thiện thức vô biên xứ.

- Thiền vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana). “Vô sở hữu” là một khái niệm phủ nhận không có gì cả (natthi kiñci = akiñci), phủ nhận cái gọi là thức vô biên. Hành giả giữ quan niệm không có gì là vô biên, rồi một trạng thái an chỉ khởi lên do quan niệm ấy làm đề mục. Định thứ ba nầy gọi là thiền vô sở hữu xứ. Vì được chứng nơi hành giả thánh hữu học và phàm tam nhân nên đó là thiền thiện vô sở hữu xứ.

- Thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ (nevasaññānāsaññāyatana). “phi tưởng phi phi tưởng” (n'eva saññā n'āsaññā) không phải tưởng, cũng không phải phi tưởng. Tưởng (saññā) ở đây ám chỉ tâm (citta). Phi tưởng phi phi tưởng là tên gọi cho tâm thiền vô sắc thứ ba, mặc dù tên thiền chứng thứ ba là tâm vô sở hữu xứ; Nhưng vì hành giả nhìn tâm thiền thứ ba cảm nhận rằng “Tâm nầy tinh vi ! tâm nầy tinh vi ! Phi tưởng phi phi tưởng !”, nên tâm thứ ba trở tành đề mục phi tưởng phi tưởng cho thiền chứng thứ tư.

- Bốn tâm thiền vô sắc có tên gọi là không vô biên xứ hay thức vô biên xứ …v.v… là đặt tên theo đề mục mà thiền ấy được đắc chứng.

- Thiền vô sắc được phân thứ bậc là căn cứ vào cảnh đề mục; Thiền sắc giới thì phân thứ bậc căn cứ theo chi thiền.

- Thiền vô sắc khác nhau về đề mục nhưng giống nhau về chi thiền, cũng đều có 2 chi thiền là xả (upekkhā) và nhất hành (ekaggatā), nên gọi đây là tâm ngũ thiền gồm chung với tâm ngũ thiền sắc giới.

- Tâm thiện vô sắc giới, gọi như vậy vì là tâm thiền chứng của bậc hành giả thánh hữu học và phàm tam nhân.

- Lại nữa, vì tâm thiền vô sắc nầy thành nhân tốt tạo ra tâm quả tái tục cõi phạm thiên vô sắc nên gọi là tâm thiện vô sắc.

· Tâm quả vô sắc giới có 4 thứ:

1. Tâm quả không vô biên xứ

(Ākāsānañcāyatanavipākacittaṃ)

2. Tâm quả thức vô biên xứ

(Viññāṇañcāyatanavipākacittaṃ)

3. Tâm quả vô sở hữu xứ

(Ākiñcaññāyatanavipākacittaṃ)

4. Tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ

(Nevasaññānāsaññāyatanavipākacittaṃ)

Giải thích:

- Tâm quả vô sắc giới là quả dị thục của bốn tâm thiện vô sắc thành sanh báo nghiệp tạo ra.

- Tâm quả không vô biên xứ là quả của tâm thiện không vô biên xứ.

- Tâm quả thức vô biên xứ là quả của tâm thiện thức vô biên xứ.

- Tâm quả vô sở hữu xứ là quả của tâm thiện vô sở hữu xứ.

- Tâm quả phi tưởng phi phi tưởng xứ là quả của tâm thiện phi tưởng phi phi tưởng xứ.

- Khi hành giả đắc chứng thiền vô sắc mà không hoại thiền thì sau khi mệnh chung, thiền thiện vô sắc ấy tạo ra tâm quả vô sắc theo thiền ấy tục sinh cõi vô sắc tương ứng.

- Nếu ngay trong một kiếp sống mà hành giả chứng nhiều bậc thiền thì lúc mệnh chung thiền thiện cao nhất sẽ tạo ra quả tục sinh, các thiền thiện thấp trở thành vô hiệu nghiệp (ahosikamma) không tạo quả.

- Tâm quả vô sắc có chức năng làm việc tái tục (paṭisandhi), hữu phần (bhavaṅga) và tử (cuti) cho chúng sanh phạm thiên bốn cõi vô sắc, tâm nào cõi ấy.

· Tâm tố vô sắc giới có 4 thứ:

1. Tâm tố không vô biên xứ

(Ākāsānañcāyatanakiriyācittaṃ)

2. Tâm tố thức vô biên xứ

(Viññāṇañcāyatanakiriyācittaṃ)

3. Tâm tố vô sở hữu xứ

(Ākiñcaññāyatanakiriyācittaṃ)

4. Tâm tố phi tưởng phi phi tưởng xứ

(Nevasaññānāsaññāyatanakiriyācittaṃ)

Giải thích:

- Tâm tố vô sắc giới là tâm thiền chứng của bậc A la hán tu tiến thiền vô sắc. Nếu Ngài đã đắc thiền thiện sắc hay vô sắc trước rồi mới đắc đạo quả A la hán thì các tâm thiền thiện (kusalajhāna) sẽ trở thành tâm thiền tố (kiriyājhāna), vì là tâm kiên cố (appaṇā) nên từ tâm thiền thiện trở thành tâm thiền tố do tháp tùng theo mãnh lực quả lậu tận.

- Về cách thức tu tiến bốn đề mục vô sắc và bốn thiền chứng vô sắc tố cũng giống như thiền thiện vô sắc; Chỉ khác là tâm tố vô sắc sinh diễn nơi cơ tánh bậc đoạn lậu, tâm thiện vô sắc thì sinh diễn ở cơ tánh ba hạng hữu học và phàm tam nhân; Điểm khác nữa là tâm tố vố sắc không tạo ra quả dị thục, tâm thiện vô sắc thì còn tạo ra quả dị thục.

Tóm tắt: 4 tâm thiện vô sắc, 4 tâm quả vô sắc và 4 tâm tố vô sắc gọi chung là 12 tâm vô sắc giới.

- Tâm sắc giới và tâm vô sắc giới, gọi chung là tâm đáo đại (mahaggatacitta) cũng gọi là tâm thiền hiệp thế (lokiyajhānacitta).

- Tâm dục giới và tâm đáo đại, gọi chung là tâm hiệp thế (lokiyacitta).

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc