Bài 79. DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH _ Phần I: Những ngộ nhận về hiện tượng sanh tử _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 13.6.2021

Bài 79. DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH _ Phần I: Những ngộ nhận về hiện tượng sanh tử _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 13.6.2021

Chủ nhật, 13/06/2021, 20:52 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 13.6.2021


Bài 79. DIỄN TRÌNH TÂM NỐI KẾT TỬ SANH

Phần I: Những ngộ nhận về hiện tượng sanh tử

Sinh tử là đề tài quan trọng trong Phật học. Mặc dù hầu hết người Phật tử tin có kiếp trước và kiếp sau nhưng tin là một chuyện mà hiểu biết Phật Pháp dạy về hiện tượng nầy ra sao là chuyện hoàn toàn khác. Thắng Pháp Abhidhamma với giải thích về diễn trình tâm cận tử và tục sanh có nhiều điểm khiến ngay cả người học Phật Pháp lâu năm cũng ít biết đến. Chính ở lãnh vực nầy cho thấy sự cần thiết của sự trình bày vĩ mô: ngay cả một sát na cực vi cũng phải được nói đến.

Trong các giáo trình Thắng Pháp truyền thống thường có sự chia tách: Lộ tâm cận tử ngũ môn, lộ tâm cận tử ý môn, lộ tâm tục sinh thành ba phần riêng biệt. Trong giáo trình nầy cả ba được gom lại trong bài “diễn trình tâm kết nối tử sanh”. Người học nên hiểu sự gom chung nầy có mục đích giúp cho đề tài bị không bị rời rạc.

Phần I: Những ngộ nhận về hiện tượng sanh tử

Phần II: Cận tử và tục sinh

Phần III: Diễn trình tâm cận tử và diễn trình tâm tục sinh

Phần I: Những ngộ nhận về hiện tượng sanh tử

Bên cạnh những thiếu hiểu biết về Phật Pháp tạo nên nhiều ngộ nhận cho người Phật tử còn có một nguyên nhân gây ngộ nhận quan trọng khác là nghi thức cúng kiếng cho người quá vãng. Lễ cầu siêu rất phổ biến trong sinh hoạt tín ngưỡng. Không may là phần lớn mang nặng màu sắc tín ngưỡng dân gian hơn là y cứ trên kinh điển. Chỉ cần đọc thẳng vào Kinh Tạng và đặt câu hỏi: thời Đức Thế Tôn tại thế khi có một người mất, dù tu sĩ hay cư sĩ, sự cầu nguyện ra sao? trả lời thích đáng câu hỏi đó sẽ cho thấy ngày nay người Phật tử chịu ảnh hưởng niềm tin thiếu cơ sở Phật Pháp như thế nào. Phần nầy không thuần tuý thuộc Thắng Pháp Abhidhamma nhưng cần thiết để hiểu về hiện tượng sanh tử theo Phật Pháp nói chung.

Sanh tử không thể phán đoán qua cuộc sống hằng ngày

Nghiệp duyên luôn mang hai tánh cách cố định và bất định. Với cái nhìn bình thường người ta nghĩ rằng ai có đời sống tốt sẽ chết với cái chết nhẹ nhàng rồi sanh vào cõi an lạc. Trái lại những người hung ác chắc chắn khi chết sẽ đoạ vào địa ngục. Theo Phật Pháp thì có những nghiệp cố định như ngũ nghịch đại tội nhưng đa phần đều bất định. Trong Kinh Pháp Cú có Phật ngôn: Khi ác nghiệp chưa chín mùi người ác chư thấy là ác. Đến khi ác nghiệp chín mùi người ác mới thấy là ác. Khi thiện nghiệp chưa chín mùi người thiện chưa thấy là thiện. Đến khi thiện nghiệp chín mùi người thiện mới thấy là thiện. Trong Đại Kinh Phân Tích Nghiệp, Trung Bộ ghi lại lời Phật dạy về sự võ đoán phiến diện khi đoan chắc là người hiền lành sanh về cõi an lạc hay người ác sanh vào khổ cảnh. Có nhiều ngoại lệ cần được biết về điểm nầy.

Thường nghiệp không hẳn trở thành cận tử nghiệp

Đời sống hằng ngày với thiện nghiệp hay ác nghiệp quen làm thường có một ảnh hưởng sâu sắc tới giây phút lâm chung. Nhưng cũng có thể có những can thiệp vào phút chót. Người ít phước duyên có thể nhờ thấy nghe những điều tốt là mà giây phúc cận tử được tốt lành. Trái lại người hiền thiện có thể khởi sanh tâm phiền não tham luyến hay bực tức vào giây phút cuối. Trạng thái tâm lúc lâm chung có thể tác động do nghiệp thường làm trong đời sống mà cũng có thể do những sự việc xẩy ra vào phút chót không nói trước được. Dù thế nào thì giây phút cận tử vô cùng quan trọng như thí dụ trong Sớ giải: một đàn bò hằng ngàn con khi mở cửa con nào gần cửa nhất thì ra trước.

Địa ngục không là trạm trung chuyển

Do sự suy nghĩ dựa theo luật pháp hiện hành thêm vào tác động của các thầy cúng nhiều Phật tử tin rằng sau khi chết tất cả mọi chúng sanh sẽ vào địa ngục để gạn lọc. Sau sự phán quyết của Diêm Vương thì tái sanh. Những quyển sách như Hồi Dương Nhân Quả, Ngọc Lịch Minh Kinh.. đầu độc sự hiểu biết của một số lớn Phật tử. Những chủ chương về một trạm trung chuyển như vậy bắt nguồn từ Lão giáo và Phật giáo Trung Hoa hoàn toàn không có trong kinh điển Phật giáo nguyên thuỷ. Địa Ngục theo Tam Tạng Pali chỉ là một trong những cảnh giới tái sanh. Đó là khổ cảnh chứ không phải là trạm trung chuyển cho tất cả.

Duyên nghiệp là hiện tượng tự nhiên không qua sự phán quyết

Người ta thường trộn lẫn giữa giáo lý nhân quả và sự phán xét của thần linh. Có nghĩa là những hành vi thiện ác của con người được “lưu vào hồ sơ” (như “như hai bên vai giác”) đến khi chết sẽ được quỷ sứ dẫn vào gặp “thập điện phán quan” để “hầu toà”. Thực tế thì không có cơ quan nào đủ khả năng “lưu giữ hồ sơ” của tất cả chúng sanh. Cũng không có toà án nào có khả năng phán quyết với cuộc sống cực kỳ phức tạp. Thế giới đại tự nhiên như một khu rừng nhiệt đới có muôn ngàn cây cỏ chen nhau sống. Quan sát kỹ thì có trình tự, luật định nhưng hoàn toàn tự nhiên không có sự can thiệp của phán quyết. Phật pháp dạy sau khi chết lập tức tái sanh. Nghiệp lực hiển hiện cực kỳ nhanh chóng không qua thủ tục phán xét.

Thế giới cực kỳ bao la phức tạp cho khả năng tìm kiếm

Rất nhiều Phật tử mang quan niệm sau khi chết linh hồn sẽ vất vưởng tìm chỗ thọ sanh. Kỳ thật thì theo Phật học khả năng tìm kiếm đó “quá chậm” và “vô cùng bất hợp lý” cho một thế giới mênh mông. Có thể nói giống như câu mò kim đáy biển. Thắng Pháp không nói sự có mặt của “thân trung ấm” mất bảy tuần lễ để tìm nơi đầu thai. Có thể hiểu đơn giản hiện tượng nầy theo cách: hễ quăng lên hư không một cục đất thì chắc chắn phải rơi xuống và có chỗ nằm. Nhưng để lý giải tại sao nằm ở đó không phải cách đó năm phân, mười phân thì không là chuyện dễ mặc dù tất nhiên là có những lý do khiến cục đất nằm ở đó không phải chỗ khác.

Tâm thức không nằm trong hạn cuộc của không gian

Hạn cuộc không gian là khoảng cách dài, ngắn, cao, thấp ... Một người đi từ Sài Gòn qua Bangkok bằng phi cơ thì khoảng cách ngắn hơn so với bay từ Sài Gòn qua New York. Đó là sự di chuyển của thân hay hiện tượng vật chất. Tâm thức không nằm trong hạn cuộc của không gian. Đây là điều rất khó hiểu. Khi nói một người mất đi sanh vào thiên giới và tại sanh vào một gia đình trong làng không có nghĩa là tâm thức phải làm một hành trình dài hay ngắn. Ngày nay khoa học khám phá ra những hiện tượng vật chất cực nhanh như vận tốc ánh sáng nhưng tốc độ đó không so được với tâm thức. Khi chúng ta nói về hiện tượng sanh tử như xem một khúc phim chiếu chậm. Thực tế không phải vậy. Còn chuyện “hồn lìa khỏi xác” như một bóng mờ là một tưởng tượng nghèo nàn về tâm theo Phật học.

Nên sợ luân hồi hơn là sợ không đầu thai được

Do tín ngưỡng dân gian, một số người tin rằng nếu không khéo tu thì chết rồi không đầu thai được mà làm “oan hồn vất vưởng” như những người vô gia cư. Thật ra theo Phật học thì ở bất cứ thời khắc nào chúng sanh luôn là chúng sanh chứ không “chỉ có thân trung ấm”. Có thể là thuộc loại chúng sanh nầy hay chúng sanh khác. Là chúng sanh thì luôn có cảnh giới sanh tử hay cõi. Một Phật tử có hiểu biết Phật Pháp thì có khả năng ngán ngẫm, kinh hãi với chuyến đi bất định vui ít khổ nhiều của luân hồi sanh tử hơn là đơn thuần sợ mình sẽ không đầu thai được.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc