- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 3.6.2021
Bài 76. TỔNG QUAN DIỄN TRÌNH TÂM Ý MÔN
Nếu diễn trình tâm thức qua ngũ môn cho chúng ta biết ít nhiều về sự tương tác giữa 5 trần cảnh và tâm thức thì diễn trình tâm qua ý môn là mô tả rất nhiều trường hợp đặc biệt mang ý nghĩa tế nhị sâu sắc của Phật học đối với thế giới quan.
Một số điểm sau đây cần lưu ý khi học về phần nầy của Thắng Pháp Abhidhamma.
Nói về diễn trình tâm ý môn không hẳn hoàn toàn tách biệt với diễn trình tâm ngũ môn.
Một trong những điều rất dễ ngộ nhận khi học diễn trình tâm qua ý môn là ý nghĩ về sự tách biệt hoàn toàn đối với diễn trình tâm qua ngũ môn. Kỳ thật thì phần lớn diễn trình tâm ý môn nối tiếp ngũ môn. Khi chúng ta nói “tôi thấy một bông hoa đẹp” thì có rất nhiều diễn trình tâm xảy ra cả hai ngũ môn và ý môn. Cảnh thật của bông hoa trong ấn tượng nguyên sơ không đủ để gọi là đẹp theo quan niệm nào đó mà dù có thể là “cảnh tốt” mà còn là kéo theo nhiều khái niệm thi thiết thuộc về ý môn.
Bình thường và bình nhật
Chữ “bình nhật” là từ được Ngài Tịnh Sự dùng để chỉ cho “cái xẩy ra trong cuộc sống bình thường hằng ngày”. Giáo trình nầy phân định “thông thường” và “đặc biệt”. Diễn trình đặc biệt chỉ cho những trường hợp như chiêm bao, nhập thiền, đắc đạo… Cái đặc biệt không nhất thiết là không thuộc đời sống hằng ngày. Với người chứng thiền thì sự nhập thiền là cái gì rất “bình nhật”.
Cái xa vời không hẳn vô nghĩa đối với cuộc sống trước mắt
Những hiện tượng cận tử, tái sanh, chứng thiền, đắc đạo... có vẻ như “chuyện trên mây” với nhiều người học Phật. Tuy vậy lại có những ý nghĩa rất thực dụng trong cuộc sống. Thí dụ nên làm gì cho người sắp lâm chung hay những hướng dẫn của Phật pháp về tái sanh liên hệ gì cho nghi thức cầu siêu cho người quá vãng. Những mô tả về thiền chứng hay đạo quả cho chúng ta hiểu thêm về chỉ (samatha) và quán (vipassanā). Một người không để tâm tới khoa học thì ít khi nghĩ covid virus liên hệ tới protein như thế nào nhưng với những nghiên cứu về chủng ngừa và trị liệu thì là câu chuyện hoàn toàn khác.
Nên hiểu giới hạn của ngôn ngữ
Ngôn ngữ của Thắng Pháp Abhidhamma đôi khi khô khan và khó hiểu như lập trình tin học với người không chuyên môn. Không có nghĩa vì vậy mà vô bổ. Ngôn ngữ tuy đa dạng và thiết yếu nhưng không nói được tất cả. Người ta nói “một bức tranh hơn ngàn ngôn từ” bởi vì nhiều khi ngôn ngữ rất giới hạn để mô tả cái gì đó so với tận mắt mục kích. Mặc dù những minh hoạ về các hiện tượng tử sinh, chứng thiền, đắc đạo… trong phần diễn trình tâm thức rất lợi ích để nói chính xác điểm nào đó của Phật học nhưng không nên hiểu là tất cả. Điều nầy tương tự như câu câu “đạo khả đạo phi thường đạo” của Lão Trang.
Có những cái rất nhỏ mà không nhỏ
Càng hiểu về cuộc sống thì hố sâu giữa cái vĩ mô và quy mô nhỏ dần. Ngày nay con người càng lúc càng hiểu nhiều về DNA, nguyên tử, kỷ thuật số (digital) … thì cái vi tế không phải là lý thuyết xa xôi mà rất thực dụng. Diễn trình tâm thức nói về sát na tâm tục sinh, sát na đắc đạo. Tế nhị lắm. Một sát na thôi. Vậy mà định đặt cả cuộc sống. Thế mà gọi là người sơ đạo, người nhị đạo... Về mặt nầy Thắng Pháp có giá trị đặc biệt. Kinh Tạng không phải không nói về thế giới vĩ mô khi trình bày về “xúc duyên thọ, thọ duyên ái”... nhưng Thắng Pháp Tạng nói về thế giới vĩ mô một cách tinh xác có hệ thống. Về mặt nầy khó có bộ phận nào khác của Phật học có sự giải thích tương tự.
Sự phân chia bài học về diễn trình tâm ý môn trong giáo trình nầy
Một vấn đề thường gặp trong các giáo trình Thắng Pháp là cách trình bày làm rối trí. Thí dụ diễn trình tâm cận tử tách rời làm hai: một nằm trong phần diễn trình tâm qua ngũ môn; một nằm trong diễn trình tâm qua ý môn. Điểm chính là nói về diễn trình tâm cận tử. Giáo trình nầy gom chung lại trong một phần. Thay vì chia hai rồi từ đó chia thành nhiều danh mục chi lưu thì giáo trình liệt kê theo cách dưới đây để không làm phân tâm người học:
1. Diễn trình tâm ý môn thông thường
2. Diễn trình tâm chiêm bao
3. Diễn trình tâm nối kết tử sanh (…)
4. Diễn trình tâm chứng thiền và nhập thiền
5. Diễn trình tâm hiển hoá thần thông
6. Diễn trình tâm đắc đạo chứng quả
7. Diễn trình tâm nhập diệt thọ tưởng định
8. Diễn trình tâm viên tịch níp bàn
Phần nầy của giáo trình có một số cách dùng từ dễ tạo nên tranh luận, đặc biệt là đối với những vị chuyên về Thắng Pháp. Trong ngôn ngữ hằng ngày có những điều bất định dễ tạo nên chỉ trích. Ba thí dụ sau đây nên được nêu lên để tìm sự trung dung trong cách dùng từ:
a. Thí dụ 1: nhiều vị quan niệm là không nên nói “nhập niết bàn” vì nói như vậy thì có cái cá thể nhập vào niết bàn. Chỉ có niết bàn chứ không có ai nhập niết bàn. Quan niệm nầy không sai. Thế nhưng nếu nói vậy thì không nên nói “nhập thiền” hay “nhập diệt thọ tưởng định”. Một câu nói có chủ ngữ không hẳn là mang ý niệm ngã chấp.
b. Thí dụ 2. Nhiều người quan niệm không nên nói Phật đản sanh hay Phật thành đạo vì đã là Phật thì không còn tái sanh hay thành đạo Thế nhưng trong ngôn ngữ hằng ngày chúng ta vẫn nói “ngài tăng thống Tích Lan sanh ở Kandy năm …” mặc dù khi sanh ra chưa là tăng thống.
c. Thí dụ 3. Người ta nói sông Trường Giang chứ không nói sông Trường nhưng khi nói sông Cửu Long mà gọi là sông Cửu Long Giang nghe hơi kỳ. Nói chính xác thì “toàn giác” đã đủ nhưng vẫn có thể nói “Phật toàn giác” và chư vị thinh văn A la hán cũng là Phật nhưng nói “Phật thinh văn” thì nghe rất kỳ.
Trong ngôn ngữ sự tinh xác và cách nói phổ thông vẫn cần thoả hiệp ở mức độ tương đối như lời Phật dạy trong kinh Phân Tích Về Sự Vô Tranh: “chớ đi quá xa đối với ngôn ngữ địa phương”.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng