- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 16.5.2021
Bài 72
DIỄN TRÌNH TÂM QUA NGŨ MÔN - Phần I
Phân loại diễn trình tâm
Thắng Pháp đơn cử nhiều diễn trình tâm. Sự phân tích tỉ mỉ giúp rất nhiều cho người học để hiểu thêm về duyên hệ sau nầy nhưng chính những phân chia nầy cũng khiến người học rối trí và khó nhớ. Nói tổng quát thì diễn trình tâm thức có thể phân làm hai:
A. Diễn trình tâm qua ngũ môn (pañcadvāracittavīthi) là diễn tiến tâm thức qua năm môn: nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn trực tiếp nhận biết năm cảnh sắc, thinh, khí, vị xúc.
B. Diễn trình tâm qua ý môn (manodvāracittavīthi) là diễn tiến tâm thức ngoài năm môn kể trên. Trong phần nầy đề cập đến nhiều trường hợp đặc biệt như chứng thiền, đắc đạo, hiện thông…
Nên nhắc lại đây là khi một cảnh tượng xuất hiện thí dụ như cầu vòng ngũ sắc hiện ra trên bầu trời thì một người nhìn thấy không phải chỉ có diễn trình tâm nhãn môn mà còn có rất nhiều diễn trình tâm ý môn. Nói cách khác là nhiều thứ diễn trình tâm sanh khởi liên hệ tới cảnh tượng chứ không phải chỉ có 17 sát na hay ít hơn của một chập tâm thức.
Có sự phân loại diễn trình tâm y cứ trên thời gian như diễn trình tâm trong đời sống hằng ngày, lúc lâm chung, lúc tái sanh … nhưng có lẽ nên xếp vào “diễn trình tâm trong trường hợp đặc biệt” để không làm rối trí cho người học.
Những yếu tố cần thiết của năm giác quan
Để hiểu về sự phân loại của diễn trình tâm qua ngũ môn trước nhất cần biết về những yếu tố tạo thành các giác quan. Những điểm nầy được nói tới trong nhiều phần khác nhau của giáo trình Thắng Pháp để đây chỉ sơ lược.
Bốn yếu tố của thị giác:
1) Thần kinh nhãn - cakkhupasāda.
2) Cảnh sắc - rūpārammaṇa.
3) Ánh sáng - āloka.
4) Sự chú ý - manasikāra.
Bốn yếu tố của thính giác:
1) Thần kinh nhĩ - sotapasāda.
2) Cảnh thinh - saddārammaṇa.
3) Khoảng trống - ākāsa.
4) Sự chú ý - manasikāra.
Bốn yếu tố của khứu giác:
1) Thần kinh tỷ - ghānapasāda.
2) Cảnh khí - gandhārammaṇa.
3) Gió - vāya.
4) Sự chú ý - manasikāra.
Bốn yếu tố của vị giác:
1) Thần kinh thiệt - jhāpasāda.
2) Cảnh vị - rasārammaṇa.
3) Nước - āpo.
4) Sự chú ý - manasikāra.
Bốn yếu tố của xúc giác:
1) Thần kinh thân - kāyapasāda.
2) Cảnh xúc - phoṭṭhabbārammaṇa.
3) Tánh thô phù của địa đại - pathavī.
4) Sự chú ý - manasikāra.
Những yếu tố nầy nói lên đặc tính hỗn hợp của các pháp hữu vi (saṅkhāra) cũng cho tánh cách khách quan của ngũ song thức đối với thực tại. Người học cũng cần lưu ý là trong cách nói chung chung thì có thể nói mắt, tai, mũi, lưỡi, thân nhưng nói chính xác thì các căn – hay vật – là những “thần kinh” thí dụ nhĩ căn hay nhĩ vật là thân kinh nhĩ có hình dạng như lông con cừu nằm ở màng nhĩ chứ không phải là “lỗ tai” thấy ở bên ngoài (…)
Bốn thứ ấn tượng
Khi phân chia diễn trình tâm qua ngũ môn có bốn trường hợp được đề cập tới:
1. Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất mạnh (atimahantārammaṇa) là khi cả bốn yếu tố căn, cảnh, môi sinh và sự chú ý đều đầy đủ.
2. Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng mạnh (mahantārammaṇa) là khi một trong bốn yếu tố bị thiếu kém.
3. Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng yếu (parittārammaṇa) là khi nhiều trong bốn yếu tố bị thiếu kém.
4. Diễn trình tâm ngũ môn ấn tượng rất yếu (atiparittārammaṇa) là khi cả bốn yếu tố đều thiếu kém.
Trong những giáo trình quen thuộc thường gọi 4 ấn tượng trên là: cảnh rất lớn, cảnh lớn, cảnh nhỏ, cảnh rất nhỏ. Trong giáo trình nầy dùng chữ “ấn tượng” thay vì “cảnh” vì người học có thể nhầm lẫn cảnh chỉ là một trong bốn yếu tố của giác quan.
Chữ lớn hay nhỏ trong tiếng Việt thường chỉ cho kích thước thuộc cảnh sắc nên ở đây dùng ấn tượng mạnh hay yếu.
Khi học thì nên lưu tâm nhiều đến diễn trình tâm với ấn tượng rất mạnh vì có đầy đủ chức năng các sát na liên hệ.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng