Bài 7. Chương I (tiếp theo) _ Tâm sắc giới Thiện, Quả và Tố (Rūpāvacarakusala_vipāka_kiriyācitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 25.7.2021

Bài 7. Chương I (tiếp theo) _ Tâm sắc giới Thiện, Quả và Tố (Rūpāvacarakusala_vipāka_kiriyācitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 25.7.2021

Chủ nhật, 25/07/2021, 08:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 25.7.2021


Bài 7. Chương I (tiếp theo)

Tâm sắc giới Thiện, Quả và Tố (Rūpāvacarakusala_vipāka_kiriyācitta)

Tâm sắc giới thiện (Rūpāvacarakusalacitta)

· Tâm thiện sắc giới có 5 thứ:

1. Tâm thiện sơ thiền câu hữu tầm_tứ_hỷ_lạc_định

(Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānakusalacittaṃ).

2. Tâm thiện nhị thiền câu hữu tứ_hỷ_lạc_định

(Vicārapītisukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānakusalacittaṃ)

3. Tâm thiện tam thiền câu hữu hỷ_lạc_định

(Pītisukhekaggatāsahitaṃ tatiyajjhānakusalacittaṃ)

4. Tâm thiện tứ thiền câu hữu lạc và định

(Sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānakusalacittaṃ)

5. Tâm thiện ngũ thiền câu hữu xả và định

(Upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānakusalacittaṃ)

Giải thích:

- Tâm thiện sắc giới là những tâm thiền chứng do tu tập đề mục chỉ (samathabhāvanā). Đề mục chỉ tịnh đắc thiền sắc giới, là hai mươi sáu trong bốn mươi đề mục (kammaṭṭhāna) trừ 10 đề mục tuỳ niệm và 4 đề mục vô sắc.

- Có hai loại thiện: một loại thiện cần phải tu tập (bhāvetabbaṃ), một loại thiện cần phải đắc chứng (sacchikātabbaṃ). Thiện dục giới là thiện phải được tu tập; thiện sắc giới, thiện vô sắc giới và thiện siêu thế là thiện phải được đắc chứng.

- Những chúng sanh có hành động bất thiện bằng tâm bất thiện sẽ gặt hái quả dị thục đau khổ; Những chúng sanh có hành động thiện bằng tâm thiện dục giới sẽ gặt hái quả dị thục an lạc ở cõi trời người; có người tiến bộ hơn, thích thú trong sự phát triển nội tâm cao thượng để chứng đắc thiền định, một trạng thái an lạc thanh khiết, vượt xa hạnh phúc dục lạc cõi trời người do làm các phước thiện bố thí, trì giới …v.v… Đó là sự tu tập thiền định, cũng bằng loại tâm thiện dục giới.

- Do tu tập thiền định, người ấy chứng thiền sắc giới (rūpajhāna), rồi thiền vô sắc giới (arūpajhāna) …v.v…

- Sự chứng đắc thiền của hạng hành giả là phàm tam nhân và các vị thánh hữu học, gọi là thiền thiện (kusalajhāna). Đang nói về thiện sắc giới tức là tâm sắc giới thiện, hay tâm thiện sắc giới.

· Tâm thiện sắc giới có 5 thứ do phân theo chi thiền (jhānaṅga).

- Năm thứ tâm thiện sắc giới là thiện sơ thiền (paṭhamajjhānakusala), thiện nhị thiền (dutiyajjhānakusala), thiện tam thiền (tatiyajjhānakusala), thiện tứ thiền (catutthajjhānakusala), thiện ngũ thiền (pañcamajjhānakusala).

- Năm chi thiền là tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha), nhất hành (ekaggatā). Tầm là tìm kiếm cảnh hay hướng tâm đến cảnh; Tứ là bám sát cảnh; Hỷ là no vui, hưng phấn; Lạc là thọ lạc, cảm giác dễ chịu; Nhất hành là trụ yên trên đối tượng, hay định.

- Tâm sở tầm, tâm sở tứ, tâm sở hỷ, tâm sở lạc thọ, tâm sở nhất hành, phối hợp với các tâm dục giới thì có tính chất tốt hoặc xấu, nhưng khi trở thành chi thiền trong tâm thiền thì chúng có tính năng đặc biệt. Chi thiền tầm (vitakka) chế ngự hôn thuỵ (thīnamiddha), chi tứ (vicāra) chế ngự hoài nghi (vicikicchā), chi thiền hỷ (pīti) chế ngự sân độc (paṭigha), chi thiền lạc (sukha) chế ngự trạo hối (uddhaccakukkucca), chi thiền nhất hành (ekaggatā) chế ngự dục vọng (kāmachanda).

· Năm thiền sắc giới do phân theo chi thiền:

(1) Sơ thiền, có đủ năm chi thiền là tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất hành.

(2) Nhị thiền, bỏ tầm, còn lại bốn chi thiền là tứ, hỷ, lạc và nhất hành.

(3) Tam thiền, bỏ tầm và tứ, còn lại ba chi thiền là hỷ, lạc và nhất hành.

(4) Tứ thiền, chỉ có hai chi thiền là lạc và nhất hành. Ly hỷ trú lạc (lạc thọ).

(5) Ngũ thiền, có hai chi thiền là xả và nhất hành. Bỏ hỷ bỏ lạc, trú xả (xả thọ).

- Trong A tỳ đàm thì phân theo hệ thống năm thiền (pañcakajhāna) vì nói theo định: Định hữu tầm hữu tứ, định vô tầm hữu tứ và định vô tầm vô tứ.

- Trong kinh tạng thì phân theo hệ thống bốn thiền (catukkajhāna) vì nói theo cõi thiền sắc giới: cõi sơ thiền, cõi nhị thiền, cõi tam thiền và cõi tứ thiền.

- 25 đề mục đắc sơ thiền là 10 biến xứ, 10 bất mỹ, số tức niệm, thân hành niệm, 3 phạm trú (từ, bi, hỷ).

- 14 đề mục đắc nhị thiền là 10 biến xứ, số tức niệm, 3 phạm trú (từ, bi, hỷ).

- Đề mục đắc tam thiền và tứ thiền cũng 14 đề mục như nhị thiền.

- 12 đề mục đắc ngũ thiền là 10 biến xứ, số tức niệm và xả phạm trú.

- Tâm thiện sắc giới có thể tu chứng trong 22 cõi vui ngũ uẩn (7 cõi vui dục giới và 15 cõi sắc giới hữu tưởng).

Tâm sắc giới quả (Rūpāvacaravipākacitta)

· Tâm quả sắc giới có 5 thứ:

1. Tâm quả sơ thiền câu hữu tầm_tứ_hỷ_lạc_định

(Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānavipākacittaṃ)

2. Tâm quả nhị thiền câu hữu tứ_hỷ_lạc_định

(Vicārapītisukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānavipākacittaṃ)

3. Tâm quả tam thiền câu hữu hỷ_lạc_định

(Pītisukhekaggatasahitaṃ tatiyajjhānavipākacittaṃ)

4. Tâm quả tứ thiền câu hữu lạc và định

(Sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānavipākacittaṃ)

5. Tâm quả ngũ thiền câu hữu xả và định

(Upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānavipākacittaṃ)

Giải thích:

- Tâm quả sắc giới là quả dị thục của tâm thiện sắc giới, do thiện sắc giới tạo ra bằng mãnh lực dị thời nghiệp duyên.

- Một người đã chứng thiền trong kiếp sống nầy chỉ có thể sanh quả thiền ở kiếp khác sau khi mạng chung (Thiền thiện chỉ là sanh báo nghiệp _ upapajjavedanīyakamma).

- Tâm quả sắc giới cũng có 5 thứ tâm và tương ưng các chi thiền giống như tâm thiện sắc giới.

· Mỗi tâm thiền thiện chỉ tạo ra một tâm quả:

(1) Tâm thiện sơ thiền tạo ra tâm quả sơ thiền cũng tương ưng 5 chi thiền (tầm, tứ, hỷ, lạc, định).

(2) Tâm thiện nhị thiền tạo ra tâm quả nhị thiền cũng tương ưng 4 chi thiền (tứ, hỷ, lạc, định).

(3) Tâm thiện tam thiền tạo ra tâm quả tam thiền cũng tương ưng 3 chi thiền (hỷ, lạc, định).

(4) Tâm thiện tứ thiền tạo ra tâm quả tứ thiền cũng tương ưng 2 chi thiền (lạc và định).

(5) Tâm thiện ngũ thiền tạo ra tâm quả ngũ thiền cũng tương ưng 2 chi thiền (xả và định).

- Một tâm thiện có thể tạo ra nhiều thứ tâm quả, nhưng một tâm thiền thiện chỉ tạo ra một thứ tâm quả tương ứng. Bởi tâm thiện dục giới làm nhiều việc, biết nhiều cảnh; còn tâm thiền chỉ làm mỗi việc là định tâm trên mỗi một đề mục thôi.

[Lại nữa, thiền chi (jhānaṅga) trong tâm thiền thiện có chức năng đổng lực (javana) nên có tính năng khắc chế năm triền cái (nīvaraṇa); Thiền chi trong tâm quả thiền thì không có tính năng khắc chế triền cái, chỉ vì tâm quả tương ứng tâm thiền thiện nên cũng có chi thiền tương đương vậy thôi]

- Tâm quả sơ thiền là thức tái tục cho các phạm thiên ba cõi sơ thiền (Phạm phụ thiên, Phạm chúng thiên, Đại phạm thiên).

- Tâm quả nhị thiền là thức tái tục cho các vị phạm thiên ba cõi nhị thiền (Thiểu Quang thiên, Vô lượng quang thiên, Quang âm thiên).

- Tâm quả tam thiền cũng là thức tái tục cho phạm thiên cõi nhị thiền. Quả nhị thiền và quả tam thiền làm việc tái tục đồng cõi phạm thiên nên phạm thiên cõi nhị thiền mới được gọi là một hữu tình cư thân đồng tưởng dị (ekattakāyanānattasaññino sattāvāsā).

- Tâm quả tứ thiền là thức tái tục cho phạm thiên ba cõi tam thiền (Thiểu tịnh thiên, Vô lượng tịnh thiên, Biến tịnh thiên).

- Tâm quả ngũ thiền là thức tái tục cho phạm thiên cõi tứ thiền hữu tưởng (Quảng quả thiên, Vô phiền thiên, Vô nhiệt thiên, Thiện hiện thiên, Thiện kiến thiên, Sắc cứu cánh thiên).

- Tâm quả sắc giới có ba chức năng: Làm việc tái tục (paṭisandhi), làm việc hữu phần (bhavaṅga) và làm việc tử (cuti).

- Tâm quả sắc giới làm việc tái tục cho các phạm thiên phàm tam nhân và ba thánh hữu học; làm việc hữu phần và tử cho phạm thiên phàm tam nhân và bốn bậc thánh. Sau khi tái sanh vào cõi phạm thiên ấy chứng đắc A la hán, tâm quả sắc giới làm việc hữu phần và tử cho vị A la hán là như vậy.

Tâm sắc giới tố (Rūpāvacarakiriyācitta)

· Tâm tố sắc giới có năm thứ:

1. Tâm tố sơ thiền câu hữu tầm_tứ_hỷ_lạc_định

(Vitakkavicārapītisukhekaggatāsahitaṃ paṭhamajjhānakiriyācittaṃ)

2. Tâm tố sơ thiền câu hữu tứ_hỷ_lạc_định

(Vicārapītisukhekaggatāsahitaṃ dutiyajjhānakiriyācittaṃ)

3. Tâm tố tam thiền câu hữu hỷ_lạc_định

(Pītisukhekaggatasahitaṃ tatiyajjhānakiriyācittaṃ)

4. Tâm tố tứ thiền câu hữu lạc và định

(Sukhekaggatāsahitaṃ catutthajjhānakiriyācittaṃ)

5. Tâm tố ngũ thiền câu hữu xả và định

(Upekkhekaggatāsahitaṃ pañcamajjhānakiriyācittaṃ)

Giải thích:

- Tâm tố sắc giới là tâm thiền tố, cũng là tâm thiền chứng do tu tập đề mục chỉ tịnh (samatha) nhưng đây là tâm thiền chứng của bậc A la hán.

- Các vị A la hán đã hoàn toàn đoạn trừ phiền não nên không có việc tu tiến thiền định để chế ngự các triền cái (tham dục, sân hận …v.v…), các Ngài tu tiến thiền định chỉ để nhập định (samāpatti) hưởng lạc trú, tịnh trú.

[Chứng nhập thiền sắc giới gọi là lạc trú (sukhavihāra), chứng nhập thiền vô sắc giới gọi là tịnh trú (santivihāra). M.I, Sallekhasutta Kinh Đoạn Giảm].

- Việc tu tiến thiền định của vị A la hán còn có mục đích khác nữa, đó là để hiện thông (abhiññā), hiển hoá năng lực siêu nhiên để phục chúng khi cần.

- Tâm thiền tố không còn khả năng tạo quả dị thục dẫn tái sanh luân hồi nữa, vì hữu ái (bhavataṇhā) đã được vị A la hán nhổ bỏ rồi.

· Tâm tố sắc giới cũng có 5 thứ do phân theo chi thiền:

(1) Tố sơ thiền có 5 chi thiền là tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất hành.

(2) Tố nhị thiền bỏ tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất hành.

(3) Tố tam thiền bỏ tầm tứ còn lại chi hỷ, lạc và nhất hành.

(4) Tố tứ thiền chỉ còn hai chi thiền nhưng là lạc và nhất hành.

(5) Tố ngũ thiền cũng có hai chi thiền nhưng là xả và nhất hành.

- Như đã nói, vị A la hán đã đoạn trừ mọi phiền não, không dư sót, nên các thiền chi trong tâm tố sắc giới không có tác dụng khắc chế năm triền cái; chi thiền có mặt trong tâm thiền tố chỉ có tác dụng khiết hoá, làm cho tâm của vị A la hán đã thanh tịnh càng thanh tịnh hơn.

- Tâm tố sắc giới nầy sinh diễn cho bậc thánh Tứ quả trong 22 cõi vui ngũ uẩn.

Tóm tắt: 5 tâm thiện sắc giới, 5 tâm quả sắc giới, 5 tâm tố sắc giới, gọi chung là 15 tâm sắc giới.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc