- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 27.4.2021
Bài 68
Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức:
5. CẢNH (Ārammaṇa) – (Phần 3 của 4 phần)
TÂM VÀ CẢNH
Một trong những khía cạnh gây nhiều khó hiểu cho người học Thắng Pháp là đề tài cảnh của tâm. Nói cách khác là tâm biết bao nhiêu cảnh và mỗi cảnh có bao nhiêu tâm biết. Trước khi đưa ra những con số và giải thích thì những điểm sau đây nếu được lưu tâm sẽ khiến người học dễ hiểu hơn.
Tâm biết cảnh qua phương diện năng tri và sở tri
Có đôi lúc cùng là từ ngữ nhưng cái biết và cái được biết lại không tương đồng. Thí dụ: Tâm đáo đại và tâm biết cảnh đáo đại không phải là một. Tâm thiền không vô biên xứ, tâm thiền vô sở hữu xứ là tâm đáo đại nhưng không phải là tâm biết cánh đáo đại trong lúc hai tâm thiền thức vô biên xứ và tâm thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ là tâm biết cảnh đáo đại.
Tâm biết cảnh qua sáu môn
Cảnh sắc được biết trực tiếp qua con mắt thì chỉ có tâm nhãn thức. Thế nhưng cảnh sắc được biết qua nhãn môn thì có tới 48 tâm (2 tâm nhãn môn, 44 tâm dục giới trừ ngũ song thức và hai tâm diệu trí). Như vậy khi nói tới biết cảnh sắc thì cần nói tới những tâm sanh qua nhãn môn chứ không chỉ nói sanh qua nhãn vật.
Tâm biết cảnh qua chức năng
Đây là một trong những điểm rắc rối. Có những tâm biết cảnh đơn thuần chỉ do chức năng thí dụ tâm khai ý môn có thể biết cảnh niết bàn đơn thuần chỉ vì tâm nầy làm việc khai ý môn nên biết đồng cảnh với tâm xử lý mặc dù tâm nầy không có trí tuệ. Hay kiết sanh thức (và theo sau đó là tiềm thức và tử thức) biết cùng cảnh với tâm xử lý sau cùng của kiếp trước vì đó là luật tự nhiên của chức năng kiết sanh thức.
Tâm biết cảnh qua sự có mặt của trí tuệ
Có những thứ tâm không biết cảnh vì không có sự có mặt của trí tuệ. Thí dụ nói đến cảnh niết bàn thì ngoại trừ tâm khai ý môn thì những tâm thiện dục giới tịnh hảo và tâm duy tác dục giới tịnh hảo ly trí không biết được vì không có mặt của trí tuệ.
Tâm biết cảnh qua thiền chứng
Các thiền xứ (cũng gọi là đề mục) của thiền chứng (jhāna) ngoại trừ thiền xứ của 3 tâm thức vô biên và 3 tâm phi tưởng phi phi tưởng đều là cảnh thi thiết ngay cả hơi thở hay tử thi (…). Nên nhớ là những thiền xứ nầy không phải luôn luôn có khi hành giả đạt đến những thiền chứng cao hơn thí dụ từ các tâm nhị thiền trở lên không còn những đề mục bất mỹ (asubha) … hay đối với ngũ thiền thì không có từ, bi và hỷ mà chỉ có xả vô lượng tâm. Nên nhớ rằng đây là phần cần rất nhiều thì giờ để trình bày chi tiết. Ở đây chỉ đề cập như khái niệm chung chung.
Tâm biết cảnh qua năng lực siêu nhiên của tâm diệu trí
Tâm diệu trí là thứ tâm không có đề cập khi học về 121 tâm. Đây là hai tâm ngũ thiền sắc giới (tâm thiện ngũ thiền sắc giới và tâm duy tác ngũ thiền sắc giới). Chữ diệu trí -abhiññāna- chỉ cho tâm có khả năng nhiên như thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông… (Ngài Tịnh Sự còn gọi là tâm thông). Chữ diệu trí ở đây chỉ cho sự thiện xảo siêu nhiên của tâm định chứ không phải là tuệ giác. Người muốn có năng lực siêu nhiên nầy phải có trình độ của tâm ngũ thiền. Trên nguyên tắc tâm diệu trí có thể biết tất cả cảnh nhưng không phải không có ngoại lệ. Có người vì nghiệp lực quá khứ có thể chứng thiên nhãn mà không chứng được thiên nhĩ.
Tâm biết cảnh qua trình độ thánh trí
Mặc dù có những tâm biết được tất cả cảnh nhưng chữ tất cả lại có trường hợp không là tất cả. Tâm diệu trí của bậc thánh thấp không thể biết tâm của bậc thánh cao hơn một vị a na hàm không thể dùng tha tâm thông để đọc tâm của vị a la hán một cách hoàn toàn. Nên biết khi gọi là tha tâm thông có nghĩa là phải thật sự đọc được tâm của người khác chứ không phải là biết qua những dấu hiệu nào đó như thấy một người giận vì biểu lộ qua giọng nói thì không gọi là tha tâm thông.
Tâm biết cảnh thi thiết và thực tánh
Đây là một điểm thường hiểu tâm bởi người học Thắng Pháp. Cảnh thi thiết hay chế định không phải nói tới cảnh huyễn ảo do suy diễn và cảnh thực tánh không phải là cảnh của tuệ giác nhận biết như thật. Thí dụ cảnh của tâm thiền không vô biên và vô sở hữu là cảnh thi thiết trong lúc cảnh của tâm thiền thức vô biên và tâm thiền phi tưởng phi phi tưởng là cảnh của thực tánh vì tâm thức vô biên lấy tâm không biên là thiền cảnh; tâm thiền phi tưởng phi phi tưởng lấy tâm thiền vô sở hữu làm thiền cảnh. Hư không vô biên là khái niệm thi thiết. Nhưng tâm thiền không vô biên là sở tri thì là cảnh của pháp thực tính.
Tâm biết cảnh cố định và bất định
Khi đề cập đến tâm biết cảnh và cản được biết bởi tâm nào luôn luôn phải lưu ý là có trường hợp cố định và bất định. Tâm nhãn thức biết cảnh sắc là cố định nhưng tâm thiện dục giới biết cảnh sắc là bất định. Tâm siêu thế biết cảnh niết bàn là cố định nhưng tâm duy tác dục giới tịnh hảo biết cảnh niết bàn là bất định. Phải đặc biệt lưu ý tại sao bất định và tại sao cố định.
(Bài học tiếp theo sẽ là những con số cụ thể cảnh nào có bao nhiêu tâm biết mà tâm nào biết được bao nhiêu cảnh. Những điểm đề cập trong bài nẩy để chuẩn bị cho bài học tới mà không đào sâu phân tán tâm người học)