Bài 65. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức: 4. MÔN (dvāra) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 15.4.2021

Bài 65. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức: 4. MÔN (dvāra) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 15.4.2021

Thứ năm, 15/04/2021, 19:15 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 15.4.2021

Bài 65

Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức:

4. MÔN (dvāra)

Chữ môn - (dvāra) - trong chữ Phạn và chũ Hán đều mang cả hai nghĩa: cánh cửa hay lối ra vào. Ngay cả trong nghĩa bóng cũng có nghĩa tương tự như Phật Môn. Chữ môn - (dvāra) - trong bài học nầy có nghĩa là đường đi lối về của tâm thức. Bởi vì khi nói đến 6 môn là nói đến 6 giác quan nên một số người học thường đọc thoáng qua với một vài ngộ nhận.

Trước hết không nên hiểu môn ở đây là lối ra vào chứ không phải là cánh cửa.

Sáu môn là nhãn môn, nhĩ môn, tỷ môn, thiệt môn, thân môn và ý môn; năm môn đầu tương đương với nhãn vật, nhĩ vật, tỷ vật, thiệt vật, thân vật nhưng ý môn thì lại không là sắc ý vật. Điều nầy có ý nghĩa quan trọng giải thích tại sao tâm thức có thể hoàn toàn độc lập với vật chất.

Khi nói đến nhãn vật thì hiểu là con mắt, nhĩ vật là lỗ tai… đó là cách nói chung chung nhưng nói chính xác thì nhãn vật là đồng tử nằm trong con ngươi (thần kinh nhãn) giống như chúng ta nói Vancouver B.C là cửa vào Hoa Kỳ ở phía tây của Canada. Nhưng nếu nói rõ thì phải nói cửa khẩu gì, nằm ở đâu.

Sự liên hệ giữa tâm và môn không giống như căn và thức. Nhãn căn chỉ có thể là nơi nương của nhãn thức nhưng là lối ra vào của 46 tâm. Như vậy thì phải phân biệt rõ nhãn môn là nhãn căn nhưng tâm sanh khởi xuyên qua nhãn môn không phải chỉ có nhãn thức.

Sáu môn gồm có:

1. Nhãn môn (cakkhudvāra) là lối ra vào qua thần kinh nhãn. Có 46 tâm sanh khởi qua nhãn môn là: 2 tâm nhãn thức, 2 tâm tiếp nhận, 3 tâm kiểm tra, 3 tâm duy tác vô nhân, 12 tâm bất thiện, 24 tâm dục giới tịnh hảo. (để dễ nhớ thì lấy 54 tâm dục giới trừ cặp nhĩ thức, cặp tỷ thức, cặp thiệt thức và cặp thân thức.

2. Nhĩ môn (sotadvāra) là lối ra vào qua thần kinh nhĩ. Có 46 tâm sanh khởi qua nhĩ môn là: 2 tâm nhĩ thức, 2 tâm tiếp nhận, 3 tâm kiểm tra, 3 tâm duy tác vô nhân, 12 tâm bất thiện, 24 tâm dục giới tịnh hảo.

3. Tỷ môn (ghānadvāra) là lối ra vào qua thần kinh tỷ. Có 46 tâm sanh khởi qua tỷ môn là: 2 tâm tỷ thức, 2 tâm tiếp nhận, 3 tâm kiểm tra, 3 tâm duy tác vô nhân, 12 tâm bất thiện, 24 tâm dục giới tịnh hảo.

4. Thiệt môn (jīvhādvāra) là lối ra vào qua thần kinh thiệt. Có 46 tâm sanh khởi qua thiệt môn là: 2 tâm nhĩ thức, 2 tâm tiếp nhận, 3 tâm kiểm tra, 3 tâm duy tác vô nhân, 12 tâm bất thiện, 24 tâm dục giới tịnh hảo.

5. Thân môn (kāyadvāra) là lối ra vào qua thần kinh thân. Có 46 tâm sanh khởi qua thân môn là: 2 tâm nhĩ thức, 2 tâm tiếp nhận, 3 tâm kiểm tra, 3 tâm duy tác vô nhân, 12 tâm bất thiện, 24 tâm dục giới tịnh hảo.

6. Ý môn (manodvāra) là lối ra vào không thuộc năm môn kể trên. Đây là trường hợp tương đối tế nhị phải được đặc biệt lưu ý.

Tâm sanh qua ngõ ý. Ý môn không được kể là ý vật (sắc nương của ý thức) mà là tiềm thức (bhavaṅga). Có quan điểm khác biệt từ những vị giảng dạy nổi danh trong quá khứ về điểm nầy. Một là ý môn là tiềm thức (bhavaṅga) nói chung. Hai là ý môn chỉ là tiềm thức gián đoạn (bhavaṅgupaccheda) (cũng gọi là hộ kiếp dứt dòng). Thuật ngữ nầy sẽ được đề cập rõ khi nói về diễn trình tâm thức. Theo cách nói của Thắng Pháp thì khi tâm nào là tiềm thức thì là ý môn mà tâm nào là ý môn thì kể là tâm không nương môn nào cả.

Để biết chính xác tâm nào nương ý môn cần trở lại chức năng của tâm thức. Những tâm nào có chức năng tiềm thức thì là ý môn chứ không là tâm sanh qua ý môn. Trường hợp của tâm kiểm tra (santīraṇa) khi là tiềm thức thì tâm nầy là ý môn nhưng khi làm việc kiểm tra thì là tâm sanh qua ý môn. Những tâm quả làm việc dư hưởng cũng là một thí dụ khác mang ý nghĩa tương tự. Có tổng cộng 67 tâm sanh qua ý môn

Để hiểu rõ hơn điều nầy về môn (dvāra) cần ghi nhận 5 trường hợp:

1. Tâm nương nhất môn gồm 68 tâm là ngũ song thức, 18 xữ lý đáo đại và 40 tâm siêu thế (2 tâm nhãn thức chỉ nương nhãn môn, 2 tâm nhĩ thức chỉ nương nhĩ môn, 2 tâm tỷ thức chỉ nương tỷ môn, 2 tâm thiệt thức chỉ nương thiệt môn, 2 tâm thân thức chỉ nương thân môn, 18 xữ lý đáo đại và 40 tâm siêu thế chỉ nương ý môn).

2. Tâm nương ngũ môn gồm 3 tâm là 2 tâm tiếp nhận và tâm khai ngũ môn.

3. Tâm nương lục môn cố định tâm kiểm tra thọ hỷ, tâm khai ý môn, tâm ứng cúng sinh tiếu, 8 tâm thiện dục giới, 8 tâm duy tác dục giới hữu nhân.

4. Tâm nương lục môn bất định gồm 10 tâm là 2 tâm kiểm tra thọ xả, 8 tâm quả dục giới tịnh hảo.

5. Tâm không nương môn là những tâm tiềm thức vì đã là ý môn nên không nương môn. Điểm nầy có sự khác biệt trong cách giải thích của những học giả là về quan điểm là chỉ có tiềm thức gián đoạn (hay cũng gọi là hộ kiếp dứt dòng) mới là ý môn.

Người học cần lưu ý là bài học nầy với nhiều con số chỉ đọc cho biết để tham khảo về sau không cần có nhớ khiến rối trí. Thắng Pháp Abhidhamma trình bày các pháp với sự tinh xác về ngữ, nghĩa và những con số nhưng nếu tự tạo áp lực quá lớn sẽ làm mất hứng thú trong việc học và tự mình khiến việc học trở nên khó hiểu, khó nhớ. Cần nắm rõ ý chính. Những con số có thể tra cứu lại. Và cũng nên nhớ chính những con số thoạt nhìn thì rắc rối nhưng lại cho chúng ta chính xác không ngờ.

Bài học trước là: Bài 64. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức: 3. Chức năng (kicca)

Bài học tiếp theo sẽ là: Bài 66. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức: 5. Cảnh

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

-ooOoo-

 

Ý kiến bạn đọc