Bài 64. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức : 3. CHỨC NĂNG (KICCA) "tiếp theo" _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ 28.3.2021

Bài 64. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức : 3. CHỨC NĂNG (KICCA) "tiếp theo" _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ 28.3.2021

Chủ nhật, 28/03/2021, 19:35 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 28.3.2021

Bài 64

Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức:

3. CHỨC NĂNG (KICCA) "tiếp theo"

Năm chức năng của ngũ quan là thấy (dassana), nghe (savana), ngửi (ghāyana), nếm (sāyana), xúc chạm (phusana) được gom chung một phần vì những đặc tính giống nhau.

Theo Thắng Pháp thì ngũ quan (thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác) nhận biết năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc ở giai đoạn nguyên sơ chứ chưa có xử lý hay phản ứng. Nói cách khác những cái gọi là sắc đẹp, tiếng hay, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc hay năm cảnh xấu ngược lại đã định dạng ở ngay khi căn tiếp xúc với cảnh chứ không cần chờ tới sự xử lý nhồi nặn sau đó của tâm thức. Ở mức độ nầy thì cảnh tốt xấu không là sản phẩm của tâm hay có sự khác biệt giữa phàm thánh, ngu nhân trí giả.

Bởi vì năm cảnh của ngũ quan trong giai đoạn nguyên sơ đã định hình cảnh tốt xấu nên ngũ qua theo Thắng pháp luôn luôn là chiêu cảm nghiệp lực: hoặc là quả bất thiện trong trường hợp cảnh xấu hoặc là quả thiện trong trường hợp cảnh tốt hay cảnh không xấu. Không có trường hợp không bị chi phối bởi nghiệp và cũng không có trường hợp không thuộc về quả thiện hay quả bất thiện.

Ngũ quan tuy muội lược nhưng mở ra thế giới ngoại tại của tâm thức nên có chi phối lớn trong đời sống chúng sanh. Năm cảnh ngoại nầy tạo thành căn tánh cố hữu của chúng sanh trong đời. Rất ít người có khả năng tu và chứng thiền vượt khỏi sự chi phối và lệ thuộc đối với năm cảnh sắc, thinh, khí, vị, xúc do vậy năm cảnh của ngũ quan trong Phật học gọi là năm dục trưởng dưỡng (kàmaguna) hay ngũ dục; có khi cũng gọi là ngũ trần có nghĩa là năm thứ bụi là nhơ tâm.

Nên phân biệt rõ năm cảnh ngoại (hay năm cảnh ngũ) với cảnh pháp. Đây là trường hợp thường bị nhầm lẫn. Khi cảnh ngũ trở thành quá khứ thì là cảnh pháp thí dụ như cụm từ lấy từ một câu thơ: hương gây mùi nhớ. Thí dụ khác khi nghe một bản nhạc bolero thì thính giác chỉ nhận biết âm thanh lớn nhỏ, êm dịu... còn thể loại nhạc gì được nhận biết qua ý thức thuộc về sự nhận định của ý thức lúc đó âm thanh đã trở thành cảnh pháp.

Trong bảng liệt kê 14 chức năm của tâm thì năm chức năng thấy, nghe, ngữi, nếm, đụng xếp thứ tự từ số 4 đến số 8 năm sau khai môn (āvajjana). Nhưng trong giáo trình nầy để trước chức năng khai môn vì chức năng nầy và những chức năng còn lại cần được giảng chung để hiểu về diễn trình của tâm thức (…)

(còn tiếp)

Link nội dung bài ôn : https://chuaphapluan.com/vn/bai-64-sau-khia-canh-quan-trong-cua-tam-thuc-3-chuc-nang-kicca-tiep-theo-giao-trinh-thang-phap-abhidhamma-21-3-2021.html

Ý kiến bạn đọc