Bài 64. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức : 3. CHỨC NĂNG (KICCA) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ 19.3.2021

Bài 64. Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức : 3. CHỨC NĂNG (KICCA) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ 19.3.2021

Thứ sáu, 19/03/2021, 19:31 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 19.3.2021

Bài 64

Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức:

3. CHỨC NĂNG (KICCA)

Chữ kicca có nghĩa là chức năng, phần hành hay phận sự. Đây là những vai trò của tâm thức. Hiểu được những chức năng nầy cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về hoạt động của tâm và những ảnh hưởng liên hệ. Chính những vai trò nầy phân định rõ ràng vị thế của các loại tâm trong diễn trình tâm thức. Đa số người học Thắng Pháp không tìm hiểu rõ ràng những vai trò của tâm thức - đặc biệt là vai trò của tiềm thức (bhavaṅga) – nên trong giáo trình nầy sẽ nhấn mạnh một số điểm cần lưu tâm.

Tất cả tâm đều có chức năng.

Có tất cả là 14 chức năng của tâm thức:

1. Kiết sanh thức (paṭisandhi)

2. Tiềm thức (bhavaṅga)

3. Khai môn (āvajjana)

4. Thấy (dassana)

5. Nghe (savana)

6. Ngửi (ghāyana)

7. Nếm (sāyana)

8. Xúc chạm (phusana)

9. Tiếp nhận (sampaṭicchana)

10. Kiểm tra (santīraṇa)

11. Xác định (votthapana)

12. Xử lý (javana)

13. Dư hưởng (tadālambana)

14. Mệnh chung (cuti)

Trong phần đầu sẽ nói về 3 chức năng: kiết sanh, tiềm thức và mệnh chung vi cả ba có liên hệ mật thiết với nhau mặc dù trong bảng liệt kê thì mệnh chung đặc ở cuối cùng. Cũng nên lưu ý là phần nầy nói về chức năng của tâm nên đúng ra không nên dùng chữ tâm hay thức mà chỉ nên nói về phần hành tuy nhiên đôi khi dùng chữ thức như kiết sanh thức hay tiềm thức để dễ nói.

Kiết sanh thức (paṭisandhi) kết nối giữa kiếp sống nầy và kiếp sống khác. Chữ kiết sanh dịch theo nguyên nghĩa chữ paṭisandhi mang ý nghĩa kết nối giữa hai đời. Ngài Tịnh Sự dịch là tục sanh có nghĩa là tâm kế tục dòng sanh tử.

Kiết sanh thức do nghiệp lực chiêu cảm nên rất nhanh chóng không có trường hợp “đi tìm chỗ thọ sanh”. Thắng Pháp nói riêng và Tam Tạng Pàli nói chung không nói về một trạng thái trung ấm hay trung hữu (majjhibhava) giữa hai kiếp sống.

Có 19 tâm làm việc kiết sanh là hai tâm kiểm tra, 8 tâm quả dục giới tịnh hảo, 5 tâm quả sắc giới và 4 tâm quả vô sắc.

Tâm kiết sanh chỉ có một sát na nhưng có ảnh hưởng toàn bộ kiếp sống. Tiếp sau đó những tâm tiềm thức và tâm mệnh chung cùng một loại tâm với phần hành khác biệt.

Tâm kiết sanh quyết định chủng loại, căn tánh, và đời sống vui khố do nghiệp quá khứ chi phối (…)

Chúng sanh cõi vô tưởng sanh không tục sanh bằng kiết sanh thức.

Tiềm thức (bhavaṅga) là tâm tiềm tàng của đời sống khi không có hoạt thức sanh khởi. Ngài Tịnh Sự dịch là tâm hộ kiếp nghĩa là gìn giữ đời sống do năng lực của nghiệp (trì nghiệp). Hoà thượng Thích Minh Châu dịch là tâm hữu phần lấy theo nguyên ngữ bhava + aṅga có nghĩa là thành tố của sanh hữu.

Tiềm thức cùng một loại tâm với kiết sanh thức. Nói cách khác kiết sanh thức bằng loại tâm nào thì tiềm thức bằng loại tâm đó.

Lúc ngủ thật sâu không chiêm bao là lúc tiềm thức hiện hữu liên tục. Trong đời sống hằng ngày thì sự chen lẫn giữa tiềm thức và hoạt thức rất khó phân biệt vì sự vi tế. Trong trường hợp tiềm thức là các tâm quả hữu nhân thì trạng thái giống như các tâm thiện nhưng cảnh muội lược hơn (…)

Tiềm thức có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống. Tiềm thức thọ hỷ thì bản tính vui vẻ, thọ xả thì bản tính điềm đạm. Tiềm thức ly trí thì không có bén nhạy trong thẩm định và không có khả năng chứng thiền, đắc đạo. Tiềm thức là tâm quả vô trợ thì nhậm lẹ; hữu trợ thì chậm lụt.

Có thứ tiềm thức trung giới làm việc như “trái độn” (ngài Tịnh Sự gọi là hộ kiếp khách) thì khác loại tâm (….)

Phật giáo Bắc Truyền không đề cập đến diễn trình tâm nên không nói về bhavaṅga nhưng nói về tàng thức hay a lại da thức với nhiều điểm tương đồng thú vị. Ở đây chỉ nói ngắn gọn là các tâm tiềm thức hữu nhân tuy là “một phiên bản” của tâm thiện trong quá khứ có lưu lại “một số dấu ấn của quá khứ” nhưng không là tất cả như tàng thức trong Duy Thức hay A Tỳ Đàm Câu Xá (….)

Mệnh chung (cuti) hay tâm tử là tâm sau cùng của kiếp sống nhưng không phải đơn thuần “xuất hiện sau cùng nên không làm gì cả” mặc dù đúng là loại tâm giống như tiềm thức và cũng chiêu cảm nghiệp lực.

Nên hiểu là theo kinh điển có ba hiện tượng chết như cây đèn tắt vì tim lụn được ví cho cái chết tự nhiên theo chủng loại (loại chúng sanh đó chỉ có thể sống lâu nhất chừng đó); đèn tắt vì hết dầu ví dụ cho chúng sanh chết vì hết phước hoặc hết ảnh hưởng của ác nghiệp; đèn tắt vì gió thổi ví dụ cho một thứ “đoạn nghiệp” mạnh cắt ngang mạng sống. Cần hiểu ba thí dụ trên để thấy rằng tâm tử hay tâm mệnh chung không đơn giản chỉ là thứ tiềm thức sau cùng.

Cũng nên hiểu rằng theo nghiệp báo thì không có cái chết gọi là “chết oan” và cũng không được quyết định bởi Diêm chúa. Nói một cách tổng quát thì cả ba kiết sanh thức, tiềm thức và tử thức đều là sự chiêu cảm rõ nét của nghiệp lực.

(Còn tiếp)

Biên soạn Giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

-ooOoo-

...

Bài học trước là: Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức_Phần 2 : NHÂN                                                                             

Bài học tiếp theo sẽ là: Sáu Khía Cạnh Quan Trọng Của Tâm Thức_Phần 3. CHỨC NĂNG (KICCA) “tiếp theo”

Ý kiến bạn đọc
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet