- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 22.7.2021
Bài 6. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới tố (kāmāvacara _ kiriyācitta)
· Tâm tố dục giới có 11 thứ: Tâm tố vô nhân 3 thứ, tâm tố dục giới hữu nhân 8 thứ.
- Ba thứ tâm tố vô nhân (Ahetukakiriyācitta):
1. Tâm khai ngũ môn câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ pañcadvārāvajjanacittaṃ)
2. Tâm khai ý môn câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ manodvārāvajjanacittaṃ)
3. Tâm sinh tiếu câu hành hỷ (Somanassasahagataṃ hasituppādacittaṃ)
- Tám tâm tố dục giới quả hữu nhân (Sahetukakāmāvacarakiriyācitta):
1. Một tâm câu hành hỷ tương ưng trí vô trợ (Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)
2. Một tâm câu hành hỷ tương ưng trí hữu trợ (Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)
3. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng trí vô trợ (Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)
4. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng trí hữu trợ (Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)
5. Một tâm câu hành xả tương ưng trí vô trợ (Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)
6. Một tâm câu hành xả tương ứng trí hữu trợ (Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)
7. Một tâm câu hành xả bất tương ưng trí vô trợ (Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)
8. Một tâm câu hành xả bất tương ưng trí hữu trợ (Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)
Giải thích:
- Tâm tố hay tâm duy tác (kiriyācitta) là thứ tâm phi nhân phi quả, tức là không thành nhân tạo ra quả cũng không là quả được tạo bởi nhân; Tâm tố có hoạt động nhưng không để lại hậu quả.
- Tâm tố vô nhân (ahetukakiriyācitta) là tâm không có những nhân tương ưng phối hợp.
[Ba tâm tố vô nhân với 15 tâm quả vô nhân gọi chung là 18 tâm vô nhân vì đều là những tâm không có nhân tương ưng; 18 tâm vô nhân và 12 tâm bất thiện gọi chung là 30 tâm vô tịnh hảo (asobhanacitta), nhưng 18 tâm vô nhân là tâm “không đẹp” chỉ vì không có nhân tịnh hảo tương ưng, còn 12 tâm bất thiện là tâm “không đẹp” vì chúng có nhân bất thiện tương ưng].
· Tâm tố vô nhân có ba thứ: hai tâm khai môn và một tâm sinh tiếu.
Hai tâm khai môn là tâm khai ngũ môn và tâm khai ý môn.
- Tâm khai ngũ môn (pañcadvārāvajjanacitta) là tâm hướng đến các đối tượng của ngũ quan, khai mở cho các lộ tâm ngũ môn diễn ra. Tâm khai ngũ môn thuộc về ý giới (manodhātu), nó với hai tâm tiếp thâu và ba ý giới. Tâm khai ngũ môn đồng sanh thọ xả (upekkhāsahagataṃ).
- Tâm khai ý môn (manodvārāvajjanacitta) là tâm hướng đến đối tượng nội tại, cảnh pháp, nó khai mở cho lộ tâm ý môn diễn ra; Tâm khai ý môn còn có chức năng khác là xác định cảnh (votthapana) trong lộ tâm ngũ môn, đễ chuyển qua tâm đổng lực xử lý cảnh (sẽ nói thêm ở chương sau giải về lộ trình tâm thức). Tâm khai ý môn thuộc ý thức giới (manoviññāṇadhātu), nó đồng sanh thọ xả.
- Mặc dù là tâm tố (kiriyā) nhưng hai tâm làm việc cơ năng nầy, khai ngũ môn và khai ý môn, vẫn có đối với phàm nhân và thánh nhân hữu học, không riêng cho vị A la hán.
- Tâm sinh tiếu (hasituppādacitta) là tâm có chức năng đổng lực (javana), làm việc cười cho vị A la hán, nụ cười hở răng (hasita) và do đó tâm nầy đồng sanh thọ hỷ.
[Có sáu cách cười (1) sita, cười mỉm, chỉ biểu hiện nhẹ trên nét mặt. (2) hasita, cười nhếch môi đủ hé thấy răng. (3) vihasita, nụ cười khẽ phát ra tiếng nhỏ. (4) upahasita, cười lớn tiếng làm rung động hai vai. (5) apahasita, cười lớn tiếng làm chảy nước mắt. (6) atihasita, cười sảng khoái đến độ là chuyển động cả thân mình, cười nghiêng ngửa].
- Trong sáu cách cười ấy bậc Chánh Đẳng Giác và bậc Độc Giác chỉ có một cách cười mỉm (sita); A la hán thinh văn thì có hai cách cười là cười mỉm (sita) và cười hé môi (hasita); Bậc thánh hữu học thì có bốn cách cười là cười mỉm (sita), cười hé môi (hasita), cười khẽ (vihasita) và cười rung vai (upahasita); Hạng phàm nhân thì cười đủ sáu cách (người có văn hoá cười hai cách cười mỉm và hé môi; hạng người bình thường thì cười khẽ và cười rung vai; hạng thấp kém mới cười chảy nước mắt và cười ngã nghiêng ngã ngữa).
Cười bằng tâm gì?
- Hạng phàm phu có thể cười bằng một trong tám thứ tâm là 4 tâm tham thọ hỷ và 4 tâm đại thiện thọ hỷ.
- Hạng thánh hữu học có thể cười bằng một trong sáu tâm là 2 tâm tham thọ hỷ ly tà kiến và 4 tâm đại thiện thọ hỷ.
- Bậc thinh văn A la hán có thể cười bằng một trong 5 thứ tâm là tâm sinh tiếu và 4 tâm đại tố thọ hỷ.
- Bậc Độc Giác có thể cười bằng một trong 4 thứ tâm đại tố thọ hỷ.
- Bậc Chánh Đẳng Giác chỉ cười bằng một trong hai tâm đại tố thọ hỷ tương ưng trí.
· Tâm tố dục giới hữu nhân là tâm đổng lực riêng biệt của bậc A la hán, làm việc xử lý cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc và cảnh pháp.
- Vị A la hán trong đời sống bình nhật cũng thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng và suy nghĩ nhưng các Ngài xử lý cảnh bằng tâm tố dục giới hữu nhân, cũng là loại tâm tịnh hảo như tâm đại thiện nhưng không có khả năng tạo quả luân hồi vì tâm tố không thành nghiệp dị thời (nānakkhaṇikakamma).
- Một số vị A la hán tu chứng thiền thông sau khi đã đắc tứ quả thì các vị ấy tu đề mục chỉ (samathakammaṭṭhāna) bằng tâm tố dục giới hữu nhân nầy.
- Tâm tố dục giới hữu nhân cũng là thứ tâm sơ khởi (parikamma: chuẩn bị, upacāra: cận hành , anuloma: thuận thứ , gotrabhū: chuyển tộc) trong lộ tâm chứng thiền tố, nhập thiền tố, hiện thông tố …v.v… của bậc A la hán.
- Và do vậy, tâm tố dục giới hữu nhân còn được gọi là tâm đại tố (mahākiriyācitta).
- Gọi là tâm tố dục giới hữu nhân: Để phân biệt với tâm tố sắc giới và tâm tố vô sắc giới, nên gọi đây là tâm tố dục giới; Để phân biệt với tố dục giới vô nhân, nên gọi đây là tố dục giới hữu nhân.
- Hữu nhân, vì các tâm tố dục giới nầy có nhân tịnh hảo (vô tham, vô sân, vô si) tương ưng. Nhưng trong 8 tâm, có 4 tâm tương ưng tam nhân gọi là 4 tâm đại tố hợp trí (tương ưng vô si, trí tuệ), có 4 tâm tương ưng nhị nhân, gọi là 4 tâm đại tố ly trí (bất tương ưng trí, hay vô si).
- Mặt khác, về cảm thọ (vedanā), tâm đại tố có 4 tâm đồng sanh thọ hỷ và 4 tâm đồng sanh thọ xả.
- Và về trợ năng (saṅkhārikaṃ), tâm đại tố có 4 tâm vô trợ và 4 tâm hữu trợ. Bốn tâm vô trợ là một tâm vô trợ câu hành hỷ tương ưng trí, một tâm vô trợ câu hành hỷ bất tương ưng trí, một tâm vô trợ câu hành xả tương ưng trí, một tâm vô trợ câu hành xả bất tương ưng trí. Bốn tâm hữu trợ là một tâm hữu trợ câu hành hỷ tương ưng trí, một tâm hữu trợ câu hành hỷ bất tương ưng trí, một tâm hữu trợ câu hành xả tương ưng trí, một tâm hữu trợ câu hành xả bất tương ưng trí.
- Như vậy tâm tố dục giới hữu nhân có 8 thứ vì tính theo ba khía cạnh: cảm thọ, tương ưng và trợ năng.
· 8 tâm đại thiện, 8 tâm đại quả và 8 tâm đại tố, gọi chung là 24 tâm tịnh hảo dục giới (kāmavacarasobhanacitta). 30 tâm vô tịnh hảo và 24 tâm dục giới tịnh hảo, gọi chung là 54 tâm dục giới (kāmavacaracitta).
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu