Bài 5. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới quả (kāmāvacara _ vipākacitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 18.7.2021

Bài 5. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới quả (kāmāvacara _ vipākacitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 18.7.2021

Chủ nhật, 18/07/2021, 08:58 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 18.7.2021


Bài 5. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới quả (kāmāvacara _ vipākacitta)

Tâm quả dục giới có 23 thứ: Quả bất thiện 7 thứ, quả thiện vô nhân 8 thứ và quả thiện hữu nhân 8 thứ.


Bảy thứ tâm quả bất thiện (Akusalavipākacitta):

1. Nhãn thức câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ)

2. Nhĩ thức câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ sotaviññāṇaṃ)

3. Tỷ thức câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ ghāṇaviññāṇaṃ)

4. Thiệt thức câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ jivhāviññāṇaṃ)

5. Thân thức câu hành khổ (Dukkhasahagataṃ kāyaviññāṇaṃ)

6. Tâm tiếp thâu câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ sampaṭicchanacittaṃ)

7. Tâm thẩm tra câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ santīraṇacittaṃ)


Tám tâm quả thiện vô nhân (Kusalavipākāhetukacittaṃ):

1. Nhãn thức câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ)

2. Nhĩ thức câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ sotaviññāṇaṃ)

3. Tỷ thức câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ ghāṇaviññāṇaṃ)

4. Thiệt thức câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ jivhāviññāṇaṃ)

5. Thân thức câu hành lạc (Sukhasahagataṃ kāyaviññāṇaṃ)

6. Tâm tiếp thâu câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ sampaṭicchanacittaṃ)

7. Tâm thẩm tra câu hành xả (Upekkhāsahagataṃ santīraṇacittaṃ)

8. Tâm thẩm tra câu hành hỷ (Somanassasahagataṃ santīraṇacittaṃ)


Tám tâm quả thiện hữu nhân (Kusalavipākasahetukacittaṃ):

1. Một tâm câu hành hỷ tương ưng trí vô trợ (Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

2. Một tâm câu hành hỷ tương ưng trí hữu trợ (Somanassasahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

3. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng trí vô trợ (Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

4. Một tâm câu hành hỷ bất tương ưng trí hữu trợ (Somanassasahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

5. Một tâm câu hành xả tương ưng trí vô trợ (Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

6. Một tâm câu hành xả tương ứng trí hữu trợ (Upekkhāsahagataṃ ñāṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

7. Một tâm câu hành xả bất tương ưng trí vô trợ (Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

8. Một tâm câu hành xả bất tương ưng trí hữu trợ (Upekkhāsahagataṃ ñāṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)


Giải thích:

- Tâm quả là tâm được tạo ra bởi nghiệp dị thời thiện (tâm thiện) hay nghiệp dị thời bất thiện (tâm bất thiện).

- Tâm quả bất thiện là quả dị thục của tâm bất thiện trợ tạo.

- Tâm quả thiện là quả dị thục của tâm thiện trợ tạo.

- Tâm quả bất thiện chỉ là tâm vô nhân. Tâm quả thiện dục giới thì có cả tâm quả vô nhân và tâm quả hữu nhân. Do đó, gọi tâm quả bất thiện, không cần nói tâm quả bất thiện vô nhân; còn tâm quả thiện thì phải nói rõ là quả thiện vô nhân hay hữu nhân.

- Nhân (hetu) ở đây chỉ cho nhân tương ưng (sampayuttakahetu), có 6 nhân là nhân tham (căn tham), nhân sân (căn sân), nhân si (căn si), nhân vô tham (căn vô tham), nhân vô sân (căn vô sân), nhân vô si (căn vô si). Ba nhân bất thiện (tham, sân, si) chỉ tương ưng với tâm bất thiện; Ba nhân tịnh hảo (vô tham, vô sân, vô si) thì tương ưng được với tâm thiện, tâm quả và tâm duy tác.


Tâm quả bất thiện và tâm quả thiện vô nhân, gọi chung là tâm quả vô nhân (vipākahetukacitta) vì chúng không có các nhân tương ưng đồng sanh. Tâm quả thiện dục giới hữu nhân, gọi như vậy vì chúng có nhân tương ưng (vô tham, vô sân và vô si) đồng sanh.

- Tâm quả bất thiện và tâm quả thiện vô nhân trùng tên thứ tâm là nhãn thức (cakkhuviññāṇaṃ), nhĩ thức (sotaviññāṇaṃ), tỷ thức (ghāṇaviññāṇaṃ), thiệt thức (jivhāviññāṇaṃ), thân thức (kāyaviññāṇaṃ), tâm tiếp thâu (sampaṭicchanacittaṃ) và tâm thẩm tra (santīraṇacittaṃ).

- Nhãn thức (cakkhuviññāṇaṃ) là tâm nương nhãn vật, chỉ biết cảnh sắc; Do duyên con mắt và cảnh sắc phát sanh nhãn thức. Có hai nhãn thức, một quả bất thiện và một quả thiện. Nhãn thức quả bất thiện bất cảnh sắc xấu; Nhãn thức quả thiện bắt cảnh sắc tốt. Hai nhãn thức đều đồng sanh thọ xả (câu hành xả: upekkhāsahagataṃ).

- Nhĩ thức (sotaviññāṇaṃ) là tâm nương nhĩ vật, chỉ biết cảnh thinh; Do duyên lỗ tai và cảnh thinh phát sanh nhĩ thức. Có hai nhĩ thức, một quả bất thiện và một quả thiện. Nhĩ thức quả bất thiện bắt cảnh thinh xấu; Nhĩ thức quả thiện bắt cảnh thinh tốt. Hai nhĩ thức đều đồng sanh thọ xả.

- Tỷ thức (ghāṇaviññāṇaṃ) là tâm nương tỷ vật, chỉ biết cảnh khí; Do duyên mũi và cảnh khí phát sanh tỷ thức. Có hai tỷ thức, một quả bất thiện và một quả thiện. Tỷ thức quả bất thiện bắt cảnh khí xấu; Tỷ thức quả thiện bắt cảnh khí tốt. Hai tỷ thức đều đồng sanh thọ xả.

- Thiệt thức (jivhāviññāṇaṃ) là tâm nương thiệt vật, chỉ biết cảnh vị; Do duyên lưỡi và cảnh vị phát sanh thiệt thức. Có hai thiệt thức, một quả bất thiện và một quả thiện. Thiệt thức quả bất thiện bắt cảnh vị xấu; Thiệt thức quả thiện bắt cảnh vị tốt. Hai thiệt thức đều đồng sanh thọ xả.

- Thân thức (kāyaviññāṇaṃ) là tâm nương thân vật, chỉ biết cảnh xúc; Do duyên thân mà cảnh xúc phát sanh thân thức. Có hai thân thức một quả bất thiện và một quả thiện. Thân thức quả bất thiện bắt cảnh xúc xấu và đồng sanh thọ khổ (dukkhasahagataṃ); Thân thức quả thiện bắt cảnh xúc tốt và đồng sanh thọ lạc (sukhasahagataṃ).

[Lý do nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức chỉ là thọ xả, bởi thần kinh nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt là sắc y sinh (upādārūpa) đối chiếu cảnh sắc, thinh, khí, vị cũng là sắc y sinh (upādārūpa); Còn về thân thức là thọ khổ và thọ lạc, lý do bởi thần kinh thân là sắc y sinh (upādārūpa) đối chiếu với cảnh xúc là sắc đại hiển (mahābhūtarūpa). Cảnh xúc là đất, lửa, gió của bốn đại].

- Tâm tiếp thâu (sampaṭicchanacittaṃ) thuộc ý giới (manodhātu) có nhiệm vụ tiếp nhận năm cảnh do năm thức vừa bắt, do đó tâm tiếp thâu biết cả năm cảnh (sắc, thinh, khí, vị, xúc), sanh tiếp theo sau nhãn thức, nhĩ thức …v.v… Có hai tâm tiếp thâu, một quả bất thiện và một quả thiện. Tâm tiếp thâu quả bất thiện sanh tiếp theo năm thức quả bất thiện và biết năm cảnh xấu; Tâm tiếp thâu quả thiện thì sanh tiếp theo năm thức quả thiện và biết năm cảnh tốt. Hai tâm tiếp thâu đều đồng sanh thọ xả.

- Tâm quan sát (santīraṇacittaṃ) có chỗ gọi là tâm thẩm tấn, tâm suy đạt …v.v… Tâm quan sát thuộc ý thức giới (manoviññānadhātu), có phận sự xem xét đối tượng; Nếu sanh tiếp nối sau tâm tiếp thâu thì biết năm cảnh nếu làm việc hưởng cảnh dư thì biết thêm cảnh pháp. Tâm quan sát có ba thứ, một tâm quả bất thiện và hai quả thiện. Tâm quan sát quả bất thiện biết cảnh xấu, đồng sanh thọ xả; Tâm quan sát quả thiện biết cảnh tốt thường thì đồng sanh thọ xả; Tâm quan sát quả thiện biết cảnh rất tốt thì đồng sanh thọ hỷ.

[Tâm quan sát quả bất thiện và tâm quan sát quả thiện thọ xả có năm chức năng: làm việc quan sát (quan sát cảnh), làm việc hưởng dư cảnh (na cảnh), làm việc tái tục, hữu phần và tử; tâm quan sát quả bất thiện làm việc tục sinh, hữu phần và tử cho người lạc vô nhân cõi nhân loại và cõi tứ thiên vương. Còn về tâm quan sát quả thiện thọ hỷ chỉ có hai chức năng: làm việc quan sát và hưởng dư cảnh, không có chức năng làm việc tái tục, hữu phần và tử].


Giải về tâm quả dục giới hữu nhân (sahetukakāmāvacaravipākacitta)

- Tâm quả dục giới hữu nhân là quả thiện, thành tựu do nghiệp dị thời thiện dục giới. Tâm thiện dục giới tạo ra 16 quả: 8 quả thiện vô nhân đã trình bày xong và 8 quả dục với hữu nhân.

- Gọi là quả hữu nhân vì chúng tương ưng với các nhân tịnh hảo vô tham, vô sân và vô si.

- Trong đó, 4 tâm tương ưng tam nhân, có vô si là trí tuệ, nên gọi là 4 tâm quả dục giới tương ưng trí (ñāṇasampayutta), 4 tâm tương ưng nhị nhân vô tham và vô sân, không hợp trí tuệ nên gọi là 4 tâm quả dục giới bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta).

- Tâm quả dục giới hữu nhân đồng sanh với hai cảm thọ hỷ và xả, gọi là 4 tâm câu hành hỷ (somanassasahagataṃ) và 4 tâm câu hành xả (upekkhāsahagataṃ). 4 tâm câu hành hỷ có 2 tâm tương ưng trí và 2 tâm bất tương ưng trí. 4 tâm câu hành xả có 2 tâm tương ưng trí và 2 tâm bất tương ưng trí.

- Tâm quả dục giới hữu nhân về trợ năng có hai là tâm vô trợ (asaṅkhārikaṃ) và tâm hữu trợ (sasaṅkhārikaṃ). Tâm vô trợ có 4 thứ là một tâm vô trợ thọ hỷ hợp trí, một tâm vô trợ thọ hỷ ly trí, một tâm vô trợ thọ xả hợp trí, một tâm vô trợ thọ xả ly trí. Tâm hữu trợ có 4 thứ là một tâm hữu trợ thọ hỷ hợp trí, một tâm hữu trợ thọ hỷ ly trí, một tâm hữu trợ thọ xả hợp trí, một tâm hữu trợ thọ xả ly trí.

- Như vậy tâm quả dục giới hữu nhân có 8 thứ do tính theo cảm thọ (vedanā), theo tương ưng (payutta), theo trợ năng (saṅkhārika).

- Tâm quả dục giới hữu nhân còn gọi là tâm đại quả (mahāvipākacitta) vì được tạo ra bởi tâm đại thiện (thiện dục giới).

- Tâm quả dục giới hữu nhân có 4 chức năng: làm việc mót cảnh (tadālambana), việc tái tục (paṭisandhi), việc hữu phần (bhavaṅga), việc tử (cuti).

- Tâm quả dục giới hữu nhân làm việc na cảnh trong lộ trình tâm ngũ môn, sanh tiếp nối đổng lực dục giới, biết năm cảnh dư; Làm việc na cảnh trong lộ trình tâm ý môn thông thường, sanh tiếp nối đổng lực dục giới, biết cảnh pháp dư.

- Tâm quả dục giới hữu nhân làm việc tục sinh cho 4 hạng người: phàm nhị nhân, phàm tam nhân, thánh sơ quả và thánh nhị quả, ở 7 cõi vui dục giới.

- Tâm quả dục giới hữu nhân làm việc hữu phần và tử ở cõi vui dục giới, sanh nơi cơ tánh của 6 hạng người là phàm nhị nhân, phàm tam nhân và 4 bậc thánh quả.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc