Bài 4. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới thiện (kāmāvacara _ kusalacitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 15.7.2021

Bài 4. Chương I (tiếp theo) _ Tâm dục giới thiện (kāmāvacara _ kusalacitta) _ Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 15.7.2021

Thứ năm, 15/07/2021, 08:46 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 15.7.2021


Bài 4. Chương I (tiếp theo)

Tâm dục giới thiện (kāmāvacara _ kusalacitta)

Tâm thiện dục giới có tám thứ:

1. Tâm thiện câu hành hỷ tương ưng trí vô trợ (Somanassasahagataṃ ñaṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

2. Tâm thiện câu hành hỷ tương ưng trí hữu trợ (Somanassasahagataṃ ñaṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

3. Tâm thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí vô trợ (Somanassasahagataṃ ñaṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

4. Tâm thiện câu hành hỷ bất tương ưng trí hữu trợ (Somanassasahagataṃ ñaṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

5. Tâm thiện câu hành xả tương ưng trí vô trợ (Upekkhāsahagataṃ ñaṇasampayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

6. Tâm thiện câu hành xả tương ứng trí hữu trợ (Upekkhāsahagataṃ ñaṇasampayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

7. Tâm thiện câu hành xả bất tương ưng trí vô trợ (Upekkhāsahagataṃ ñaṇavippayuttaṃ asaṅkhārikaṃ)

8. Tâm thiện câu hành xả bất tương ưng trí hữu trợ (Upekkhāsahagataṃ ñaṇavippayuttaṃ sasaṅkhārikaṃ)

Giải thích:

Tâm thiện dục giới thuộc loại tâm tịnh hảo (sobhanacitta). 121 tâm trừ ra 12 tâm bất thiện và 18 tâm vô nhân, 91 tâm còn lại là tâm tịnh hảo, trong đó có 8 tâm thiện dục giới.

- Tâm thiện dục giới là nhân lành tạo quả tốt trong lãnh vực dục giới.

- Tâm thiện dục giới có 8 thứ vì phân loại theo ba khía cạnh: cảm thọ, tương ưng và trợ năng.

Về cảm thọ (vedanā). Tâm thiện dục giới có tâm câu hành hỷ (somanassasahagataṃ), có tâm câu hành xả ((upekkhāsahagataṃ).

- Tâm thiện câu hành hỷ là tâm đồng sanh với thọ hỷ, cảm giác hân hoan, vui thích.

- Tâm thiện câu hành xả là tâm đồng sanh với thọ xả, cảm giác thản nhiên, bình thường.

- Tâm thiện câu hành hỷ có 4 tâm, câu hành xả có 4 tâm.

Về tương ưng (sampayutta). Có hai cách: tương ưng trí và bất tương ưng trí.

- Tâm thiện dục giới tương ưng trí (ñāṇasampayutta) là tâm tương ưng ba nhân tịnh hảo: vô tham, vô sân và vô si. Cũng gọi là ba căn thiện; Căn vô si là trí tuệ.

- Tâm thiện dục giới bất tương ưng trí (ñāṇavippayutta) là tâm không tương ưng căn vô si (trí tuệ), mà chỉ tương ưng hai căn vô tham và vô sân.

- Căn vô tham (alobhamūla) là đặc tính không dính mắc đối tượng. Căn vô sân (adosamūla) là đặc tính không bực bội với đối tượng. Căn vô si (amohamūla) là đặc tính sáng suốt không tăm tối tức là trí tuệ.

- Tâm thiện hợp trí (tương ưng trí) là tâm biết cảnh, xử lý cảnh, có sự hiểu biết, khéo tác ý.

- Tâm thiện ly trí (bất tương ưng trí) là tâm biết cảnh, xử lý cảnh không có sự hiểu biết, không khéo tác ý.

- Tâm thiện dục giới hợp trí có 4 tâm: 2 tâm hợp trí câu hành hỷ và hai tâm hợp trí câu hành xả.

- Tâm thiện dục giới ly trí có 4 tâm: 2 tâm ly trí câu hành hỷ và 2 tâm ly trí câu hành xả.

Về trợ năng (saṅkhārika). Tâm thiện dục giới có tâm vô trợ, có tâm hữu trợ.

- Tâm thiện vô trợ (asaṅkhārikaṃ) là tâm sanh một cách tự nhiên, không cần động cơ thúc đẩy. Có 4 thứ tâm thiện dục giới vô trợ: một tâm vô trợ thọ hỷ hợp trí, một tâm vô trợ thọ hỷ ly trí, một tâm vô trợ thọ xả hợp trí, một tâm vô trợ thọ xả ly trí.

- Tâm thiện hữu trợ (sasaṅkhārikaṃ) là tâm sanh có động cơ thúc giục, do động lực khách quan hay nội tại tác động. Tâm thiện dục giới hữu trợ có 4 thứ: một tâm hữu trợ thọ hỷ hợp trí, một tâm hữu trợ thọ hỷ ly trí, một tâm hữu trợ thọ xả hợp trí và một tâm hữu trợ thọ xả ly trí.

Tâm thiện dục giới còn gọi là tâm đại thiện (mahākusalacitta). Nếu xét về nội lực thì tâm thiện dục giới chỉ là pháp hy thiểu (parittā dhammā), trong khi đó tâm thiện sắc giới và tâm thiện vô sắc giới là pháp đáo đại (mahaggatā dhammā), thiện siêu thế là pháp vô lượng (appamānā dhammā); Nhưng tâm thiện dục giới là tâm đại thiện, bởi sự ảnh hưởng của tâm thiện dục giới rộng lớn hơn các loại thiện khác, như:

(1) Tâm thiện dục giới làm được nhiều việc lành là bố thí, trì giới, tu tiến, cung kính, phục vụ, thính pháp, thuyết pháp, hồi hướng phước, tuỳ hỷ phước, tạo chánh kiến …

(2) Tâm thiện dục giới tạo được nhiều công đức là phước vật, phước đức và phước trí.

(3) Tâm thiện dục giới tạo được nhiều thứ tâm quả; Một tâm thiện có thể tạo ra 8 hoặc 12 hoặc 16 tâm quả là quả thiện vô nhân và quả thiện hữu nhân.

(4) Tâm thiện dục giới thành tựu ba thời nghiệp là hiện báo nghiệp (diṭṭhadhammavedanīyakamma) , sanh báo nghiệp (upapajjavedanīyakamma) , hậu báo nghiệp (aparāpariyavedanīyakamma).

(5) Tâm thiện dục giới hoạt động ba hành là thân hành (kāyasamācāra) tức thân thiện hạnh (kāyasucarita), khẩu hành (vacīsamācāra) tức là khẩu thiện hạnh (vacīsucarita), ý hành (manosamācāra) tức ý thiện hạnh (manosucaritā).

(6) Tâm thiện dục giới là nền tảng tu tiến thiền chỉ và thiền quán; là tâm sơ khởi trong diễn trình chứng thiền, nhập thiền, hiện thông, đắc đạo quả… với cái tên sát na chuẩn bị (parikamma), cận hành (upacāra), thuận thứ (anuloma), chuyển tộc (gotrabhū).

(7) Tâm thiện dục giới biết nhiều cảnh hơn các loại tâm thiện địa vức khác, tức là biết cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp…

(8) Tâm thiện dục giới xuất hiện trong nhiều lộ trình tâm là lộ nhãn môn, lộ nhĩ môn, lộ tỷ môn, lộ thiệt môn, lộ thân môn, lộ ý môn thông thường và lộ ý môn đặc biệt.

(9) Tâm thiện dục giới sanh theo cơ tánh nhiều hạng người là 4 hạng phàm nhân và 3 hạng thánh quả hữu học.

(10) Tâm thiện dục giới hiện khởi trong nhiều cõi. Có trong 30 cõi, trừ cõi vô tưởng.

Về trú căn (vatthu). Tâm thiện dục giới là ý thức giới (manoviññāṇadhātu) nên có trú căn là ý vật (hadayavatthu). Nhưng trường hợp tâm thiện dục giới hiện khởi trong cõi vô sắc thì không có trú căn, chỉ hiện khởi trong các cõi ngũ uẩn thì mới có trú căn sắc ý vật.

Một điểm khác cần phải biết là chư thánh Lậu tận (A la hán thinh văn, Độc Giác, Toàn Giác) các Ngài không có tám thứ tâm thiện dục giới nầy bởi vì các Ngài không còn tích trữ nghiệp mới, có năng lực tái tạo quả luân hồi. Các Ngài đã tận diệt mọi kiết sử trói buộc chúng sanh vào vòng sanh tử. Thay vì có tâm thiện, các Ngài có tâm tố hay tâm duy tác (kiriyācitta) là những loại tâm không có năng lực tái tạo.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc