Bài 17. Chương III (tiếp theo) TOÁT YẾU CÁC KHÍA CẠNH TÂM SANH (Cittuppādapakiṇṇakasaṅgaha) _ 3. Toát yếu về sự (Kiccasaṅgaha) _ Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 2.9.2021

Bài 17. Chương III (tiếp theo) TOÁT YẾU CÁC KHÍA CẠNH TÂM SANH (Cittuppādapakiṇṇakasaṅgaha) _ 3. Toát yếu về sự (Kiccasaṅgaha) _ Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 2.9.2021

Thứ năm, 02/09/2021, 10:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 2.9.2021


Bài 17. Chương III (tiếp theo)

TOÁT YẾU CÁC KHÍA CẠNH TÂM SANH

(Cittuppādapakiṇṇakasaṅgaha)

3. Toát yếu về sự (Kiccasaṅgaha)

Sự (kicca) là công việc của tâm, nhiệm vụ của tâm, chức năng của tâm …v.v…

Có 14 sự là tái tục (paṭisandhi), hữu phần (bhavaṅga), khai môn (āvajjana), thấy (dassana), nghe (savana), ngửi (ghāyana), nếm (sāyana), đụng (phusana), tiếp thâu (sampaṭicchana), quan sát (santīrana), xác định (votthappana), đổng lực (javana), mót cảnh (tadālambana), tử biệt (cuti).

- Sự tái tục là việc nối lại kiếp sống mới.

- Sự hữu phần là việc duy trì sanh hữu không cho gián đoạn, nên còn gọi là hộ kiếp.

- Sự khai môn là việc hướng cảnh mới để khai mở lộ tâm khách quan.

- Sự thấy là việc biết cảnh sắc của mắt, gọi là thị giác.

- Sự nghe là sự việc biết cảnh thinh của tai, gọi là thính giác.

- Sự ngửi là việc biết cảnh khí của mũi, gọi là khứu giác.

- Sự nếm là việc biết cảnh vị của lưỡi, gọi là vị giác.

- Sự đụng là việc biết cảnh xúc của thân, gọi là xúc giác.

- Sự tiếp thâu là việc tiếp nhận cảnh từ năm thức giới chuyển qua ý thức giới.

- Sự quan sát là việc xem xét đối tượng trước khi xác định.

- Sự xác định là việc nhận định đối tượng trước khi xử lý.

- Sự đổng lực là việc xử lý cảnh, hưởng thụ cảnh, phải nhiều thời gian (sát na) mới hoàn tất.

- Sự mót cảnh là hưởng cảnh dư của tâm đổng lực.

- Sự tử biệt là việc chấm dứt kiếp sống củ, kết thúc cho một đời sống.

A. Việc có mấy tâm?

Việc tục sinh, hữu phần và tử do 19 thứ tâm là 2 tâm quan sát thọ xả, 8 tâm đại quả và 9 tâm quả đáo đại.

- Việc khai môn do 2 thứ tâm là tâm khai ngũ môn và tâm khai ý môn.

- Việc thấy do 2 tâm nhãn thức

- Việc nghe do 2 tâm nhĩ thức.

- Việc ngửi do 2 tâm tỷ thức.

- Việc nếm do 2 tâm thiệt thức.

- Việc đụng do 2 tâm thân thức.

- Việc tiếp thâu do 2 tâm ý giới quả thiện và quả bất thiện (tâm tiếp thâu).

- Việc quan sát do 3 tâm ý thức giới quả bất thiện và quả thiện vô nhân (tâm quan sát).

- Việc xác định do 1 tâm ý thức giới tố vô nhân thọ xả (tâm khai ý môn).

- Việc đổng lực do 87 tâm là 12 tâm bất thiện, 37 tâm thiện, 20 tâm quả siêu thế, 9 tâm tố đáo đại, 8 tâm đại tố và 1 tâm sinh tiếu.

- Việc mót cảnh do 11 tâm là 8 tâm đại quả và 3 tâm quan sát.

B. Tâm làm mấy việc?

Tâm làm một việc:

- Đôi nhãn thức làm một việc thấy .

- Đôi nhĩ thức làm một việc nghe.

- Đôi tỷ thức làm một việc ngửi.

- Đôi thiệt thức làm một việc nếm.

- Đôi thân thức làm một việc đụng.

- 2 tâm tiếp thâu làm một việc tiếp thâu.

- Tâm khai ngũ môn làm một việc khai môn.

- 12 Tâm bất thiện, 37 tâm thiện, 20 tâm quả siêu thế, 9 tâm tố đáo đại, 8 tâm đại tố và tâm sinh tiếu, tất cả tâm nầy chỉ làm một việc đổng lực.

Tâm làm hai việc:

- Tâm quan sát thọ hỷ làm việc quan sát và việc mót cảnh.

- Tâm khai ý môn làm việc khai môn và việc xác định.

Tâm làm ba việc:

- 9 tâm quả đáo đại làm việc tái tục, việc hữu phần và việc tử.

Tâm làm bốn việc:

- 8 tâm đại quả làm việc tái tục, việc hữu phần, việc tử và việc mót cảnh.

Tâm làm năm việc:

- 2 tâm quan sát thọ xả làm việc tái tục, việc hữu phần, việc tử, việc quan sát và việc mót cảnh.

C. Sở tâm (ṭhāna) là nói đến vị trí sanh diễn thứ lớp của tâm trong dòng tư tưởng của đời sống.

Mười bốn sự chỉ có mười sở:

1. Sở tái tục là sát na khởi đầu của kiếp sống

2. Sở hữu phần là sát na tiềm thức trong đời sống khi chưa sanh tâm khách quan bắt cảnh mới, còn gọi là dòng hộ kiếp.

3. Sở khai môn là sát na tâm sanh mở đầu cho diễn trình tâm bắt cảnh mới.

4. Sở ngũ là sát na nhãn thức (việc thấy), hoặc nhĩ thức (việc nghe), hoặc tỷ thức (việc ngửi), hoặc thiệt thức (việc nếm), hoặc thân thức (việc đụng), vị trí sanh khởi sau tâm khai ngũ môn và trước tâm tiếp thâu.

5. Sở tiếp thâu là vị trí tâm sanh sau ngũ song thức và trước tâm quan sát.

6. Sở quan sát là vị trí tâm sanh sau tâm tiếp thâu và trước tâm xác định.

7. Sở xác định là vị trí tâm sanh sau tâm quan sát và trước tâm đổng lực.

8. Sở đổng lực là vị trí tâm sanh sau tâm xác định và trước tâm mót cảnh (nếu có). Lộ trình tâm có trường hợp diễn ra tâm mót cảnh, có trường hợp không diễn ra tâm mót cảnh nên khi kết thúc sở đổng lực thì đến sở hữu phần.

9. Sở mót cảnh là vị trí tâm sanh sau tâm đổng lực và trước tâm hữu phần.

10. Sở tử là vị trí tâm kết thúc đời sống, gọi là tâm tử.

[Bài học tiếp theo: Toát yếu về môn (Dvārasaṅgaha)]

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc