Bài 13. Chương II (tiếp theo) Tâm sở tịnh hảo (Sobhanacetasika) _ Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 19.8.2021

Bài 13. Chương II (tiếp theo) Tâm sở tịnh hảo (Sobhanacetasika) _ Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 19.8.2021

Thứ năm, 19/08/2021, 08:43 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 19.8.2021


Bài 13. Chương II (tiếp theo)

Tâm sở tịnh hảo (Sobhanacetasika)

Phần II.

Tâm sở tịnh hảo biệt cảnh (sobhanapakiṇṇakacetasika) có 6 thứ là:

1. Chánh ngữ (sammāvācā)

2. Chánh nghiệp (sammākammanta)

3. Chánh mạng (sammā_ājīva)

- Ba tâm sở nầy gọi chung là ngăn trừ phần (viraticetasika)

4. Bi (karuṇā)

5. Tuỳ hỷ (muditā)

- Hai tâm sở nầy gọi chung là vô lượng phần (appamaññācetasika)

6. Tuệ quyền (paññindriya)

Giải thích:

Tâm sở tịnh hảo biệt cảnh có 6 thứ:

(1) Chánh ngữ (sammāvācā), (2) Chánh nghiệp (sammākammanto)(3) Chánh mạng (sammā_ājīvo) sự ngăn trừ khẩu ác hạnh, gọi là chánh ngữ; Sự ngăn trừ thân ác hạnh, gọi là chánh nghiệp; Sự ngăn trừ ba ác hạnh nuôi mạng, gọi là chánh mạng. Ba tâm sở nầy đều là đặc tính ngăn trừ ác hạnh, nên gọi chung là tâm sở ngăn trừ phần (viraticetasika). Tâm sở ngăn trừ phần có tướng trạng là không vi phạm thân khẩu ý ác hạnh (kāyaduccaritādivatthūnaṃ avītikkamalakkhaṇā), có nhiệm vụ là chối bỏ thân khẩu ý ác hạnh (kāyaduccaritādivatthuto saṅkocanarasā), có biểu hiện là không làm ác hạnh (duccaritānaṃ akiriyapaccupaṭṭhānā), nhân gần là những đức tính như tín, tàm, quý, thiểu dục …v.v… (saddhāhirottappāppicchādiguṇapadaṭṭhānā).

- Ba tâm sở ngăn trừ phần có mặt trong 48 tâm là 8 tâm thiện dục giới và 40 tâm siêu thế. Ba tâm sở ngăn trừ phần có mặt trong 8 tâm thiện dục giới không nhất định phải có và có riêng từng thứ. Nhưng trong 40 tâm siêu thế thì nhất định phải có và có cùng lúc ba thứ.

(4) Bi (karuṇā) là lòng trắc ẩn trước sự khổ của chúng sanh khác, đang bị khổ hay sẽ bị khổ. Đặc tính của bi là đem lại sự giảm khổ (dukkhāpanayanākārappavattilakkhaṇā), có nhiệm vụ là không chịu được nỗi khổ của người khác (paradukkhāsahanarasā), có biểu hiện là sự không tàn bạo (avihiṃsāpaccupaṭṭhānā), nhân gần là thấy sự khốn đốn của những chúng sanh bị đau khổ (dukkhābhibhūtānaṃ anāthabhāvadassanapadaṭṭhānā).

(5) Tuỳ hỷ (muditā) là sự vui mừng với thành công của người khác, đang hưởng quả tốt hay tạo nhân tốt. Đặc tính của hỷ là vui mừng với người khác (pamodanalakkhaṇā), hỷ có nhiệm vụ là không ganh tỵ (anissāyanarasā), có biểu hiện là sự từ bỏ sự ghen tức (arativighātapaccupaṭṭhānā), nhân gần là thấy sự thành công của người khác (sattānaṃ sampattidassanapadaṭṭhānā).

- Hai tâm sở bi và tuỳ hỷ gọi chung là tâm sở vô lượng phần (appamaññācetasika) vì có đối tượng là chúng sanh không hạn lượng. Cũng gọi là tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả).

Nhưng sao tâm sở vô lượng phần chỉ có hai mà không là bốn?

- Vì Từ (mettā) và Xả (upekkhā) đã nêu trong nhóm tâm sở tịnh hảo biến hành; Từ (mettā) chi pháp là tâm sở vô sân (adosacetasika) và xả (upekkhā) chi pháp là tâm sở trung hoà (tatramajjhattatācetasika).

Như vậy thì Từ và Xả là biến hành tất cả tâm tịnh hảo, còn bi và tuỳ hỷ thì biệt cảnh một số tâm phải không?

- Không phải! cả bốn vô lượng tâm đều là biệt cảnh; Bốn pháp nầy là đức hạnh phạm trú (brahmavihāra) chỉ có mặt trong 8 tâm thiện dục giới (Khi một người an trú hạnh cao cả), trong 8 tâm tố dục giới hữu nhân (Khi vị A la hán an trú biến mãn) và trong 15 tâm sắc giới (khi hành giả niệm đề mục phạm trú). Còn riêng đặc tính của vô sân tâm sở (adosacetasika) và trung hoà tâm sở (tatramajjhattatācetasika) mới là biến hành, có mặt trong tất cả tâm tịnh hảo.

[Nói thêm về ý nghĩa của từ vô lượng tâm (mettā) và xả vô lượng tâm (upekkhā)].

- Từ (mettā) là đức tánh hài hoà thân thiện. Đặc tính của Từ là mong đem lại lợi lạc (hitākārappavattilakkhaṇā), nhiệm vụ là ban rãi lợi lạc (hitūpasaṃhārarasā), biểu hiện là xoá tan ưu phiền (āghātavinayapaccupaṭṭhānā), nhân gần là thấy hài lòng đối với chúng sanh (sattānaṃmanāpabhāvadassanapadaṭṭhānā).

- Xả (upekkhā) là đức tính bình thản trước sự đời. Đặc tính của xả là thái độ trung lập đối với chúng sanh (sattesu majhattākārappavattilakkhaṇā), nhiệm vụ là thấy bình đẳng trong chúng sanh (sattesu samabhāvadassanarasā), biểu hiện là xua tan hận thù (paṭighānusayavūpasamapaccupaṭṭhānā), nhân gần là thấy chúng sanh sinh diễn do sở hữu nghiệp (pavattakammassakatādassanapadaṭṭhānā)].

- Tâm sở vô lượng phần có mặt trong 16 tâm đổng lực dục giới tịnh hảo và 12 tâm sắc giới thọ hỷ cũng là bất định và đi riêng từng thứ.

(6) Tuệ quyền (paññindriya) hay tâm sở trí tuệ, là căn vô si (amohamūla). Trí tuệ (paññā) là sự hiểu biết, sự sáng suốt của tâm. Có tướng trạng là sự hiểu biết đúng đắn (yathābhūtapaṭivedhalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là làm cho đối tượng sáng tỏ (visayobhāsanarasaṃ), có biểu hiện là không si ám (asammohapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là khéo tác ý (yonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ). Tâm sở tuệ quyền có mặt trong 79 tâm tịnh hảo là 12 tâm dục giới tương ưng trí, 27 tâm đáo đại và 40 tâm siêu thế. Phối hợp nhất định.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc