Bài 13. Chương II (tiếp theo) Tâm sở tịnh hảo (Sobhanacetasika) _ Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 15.8.2021

Bài 13. Chương II (tiếp theo) Tâm sở tịnh hảo (Sobhanacetasika) _ Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma _ Bài học ngày 15.8.2021

Chủ nhật, 15/08/2021, 08:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma

Bài học ngày 15.8.2021


Bài 13. Chương II (tiếp theo)

Tâm sở tịnh hảo (Sobhanacetasika)

Tâm sở tịnh hảo có 25 thứ, gồm 19 tâm sở biến hành và 6 tâm sở biệt cảnh.

Phần I. Tâm sở tịnh hảo biến hành (sobhanasādhāraṇacetasika) có 19 thứ là:

1. Tín (saddhā)

2. Niệm (sati)

3. Tàm (hiri)

4. Quý (ottappa)

5. Vô tham (alobha)

6. Vô sân (adosa)

7. Trung hoà (tatramajjhattatā)

8. Tịnh thân (kāyapassaddhi)

9. Tịnh tâm (cittapassaddhi)

10.Khinh thân (kāyalahutā)

11.Khinh tâm (cittalahutā)

12.Nhu thân (kāyamudutā)

13.Nhu tâm (cittamudutā)

14.Thích thân (kāyakammaññatā)

15.Thích tâm (cittakammaññatā)

16.Thuần thân (kāyapāguññatā)

17.Thuần tâm (cittapāguññatā)

18.Chánh thân (kāyujukatā)

19.Chánh tâm (cittujukatā)

Giải thích:

- Tâm sở tịnh hảo là những tâm sở có đặc tính tốt đẹp; chúng tương ưng với ba căn tịnh hảo (ba căn thiện, ba căn vô ký) là vô tham căn, vô sân căn và vô si căn; Chúng phối hợp tạo ra những tâm tịnh hảo dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế. Tâm sở tịnh hảo là hành uẩn.

- Tâm sở tịnh hảo có hai thành phần: tịnh hảo biến hành và tịnh hảo biệt cảnh.

- Tâm sở tịnh hảo biến hành là những thứ tâm sở đẹp phối hợp phổ thông trong tất cả tâm tịnh hảo, không có tâm tịnh hảo nào thiếu những tâm sở nầy.

- Tâm sở tịnh hảo biệt cảnh là những thứ tâm sở đẹp mặc dù phối hợp với tâm tịnh hảo nhưng chỉ hợp với những tâm tương thích, một số tâm tịnh hảo chúng không phối hợp.

Tâm sở tịnh hảo biến hành có 19 thứ:

(1) Tín (saddhā) chỉ nên hiểu đơn thuần là một tính chất đẹp tạo thành tâm tịnh hảo, chứ chưa phải đây là một đức tin tam bảo …v.v… vì một tín đồ ở tôn giáo khác làm điều thiện vẫn có tâm sở tín phối hợp, hoặc như trong giấc ngủ tâm hữu phần (bhavaṅga) diễn ra vẫn có tâm sở tín phối hợp …v.v… thì tín tâm sở trong trường hợp ấy không thể là đức tin tam bảo. Ở đây, tâm sở tín một thuộc tánh tịnh hảo biến hành chỉ có nghĩa là tính chất giúp tâm trong sáng, như đồ lọc nước làm cho nước trở nên sạch. Tâm sở tín có tướng trạng là sự thanh khiết (saddahanalakkhaṇā), có biểu hiện là không bẩn đục (akālussiyapaccupaṭṭhānā), nhân gần cho tín tâm sở là có cái cần thanh lọc (saddheyyavatthupadaṭṭhānā).

(2) Niệm (sati) cũng chỉ nên hiểu đơn thuần là một tính chất đẹp của tâm tịnh hảo, chưa nói đến khái niệm tu hành, vì tất cả tâm tịnh hảo đều có thuộc tánh niệm (saticetasika). Ở đây niệm tâm sở có nghĩa là nhận biết đối tượng (cảnh) một cách chính xác. Tướng trạng của niệm là tỉnh táo, không lơ là (apilāpanalakkhaṇā), có nhiệm vụ là không nhầm lẫn (asammosarasā), có biểu hiện là trông chừng cảnh (ārakkhapaccupaṭṭhānā), nhân gần là sự nhớ chắc (thirasaññāpadaṭṭhānā).

(3) Tàm (hiri) cũng chưa nói đến khái niệm đạo đức mà chỉ nên nói đặc tính đơn thuần là một thuộc tánh của tâm tịnh hảo. Tàm tâm sở có nghĩa như là chất miễn nhiễm cái xấu (phiền não) của tâm tịnh hảo. Tàm tâm sở không được Luận trình bày bốn ý nghĩa thực tính, mà chỉ mượn bốn ý nghĩa của tàm pháp trong khái niệm đạo đức: Tàm có tướng trạng là gớm điều ác (pāpato jigucchanalakkhaṇā), có nhiệm vụ là không làm ác do hổ thẹn (lajjākārena pāpānaṃ akaraṇarasā), có biểu hiện là chối bỏ điều ác do hổ thẹn (lajjākārena pāpato saṅkocanapaccupaṭṭhānā), có nhân gần là tự trọng (attagāravapadaṭṭhānā).

(4) Quý (ottappa) cũng như tâm sở tàm (hiri), là một thuộc tánh của tâm tịnh hảo, chỉ đơn thuần là tính chất làm cho các pháp đồng sanh miễn nhiễm cái xấu; Tâm sở quý cũng không được Luận trình bày bốn ý nghĩa thực tính mà chỉ mượn bốn ý nghĩa của thiện pháp Quý trong khái niệm đạo đức: Quý có tướng trạng là sợ điều ác (pāpato uttāsanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là không làm ác do sợ (uttāsākārena pāpānaṃ akaraṇarasaṃ), có biểu hiện là chối bỏ điều ác do sợ (uttāsākārena pāpato saṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ), có nhân gần là trọng người khác (paragāravapadaṭṭhānaṃ).

(5) Vô tham (alobha) chính là căn vô tham (alobhamūla). Tâm sở vô tham là tố chất của tâm tịnh hảo, đặc tính của vô tham là không dính mắc, không mê đắm đối tượng. Tâm sở vô tham có tướng trạng là sự không bám dính cảnh (ārammaṇe alaggabhāvalakkhaṇo), có nhiệm vụ là không giữ lấy (apariggaharaso), có biểu hiện là không dính (anallīnabhāvapaccupaṭṭhāno), nhân gần là khéo tác ý (yonisomanasikārapadaṭṭhāno).

(6) Vô sân (adosa) chính là căn vô sân (adosamūla). Tâm sở vô sân là tính chất mát mẻ của tâm tịnh hảo, có tướng trạng là không hung hăn (acaṇdikkalakkhaṇo), có nhiệm vụ là bài trừ nóng bức (pariḷāhavinayaraso), có biểu hiện là thái độ hiền hoà (somabhāvapaccupaṭṭhāno), nhân gần là khéo tác ý (yonisomanasikārapadaṭṭhāno).

(7) Trung hoà (tatramajjhattatā) là tính chất điều hoà các pháp đồng sanh ở mức độ vừa phải, không thái quá. Tâm sở trung hoà có tướng trạng là đem lại thăng bằng cho tâm và tâm sở (cittacetasikānaṃ samavāhitalakkhaṇā), có nhiệm vụ là ngăn chận sự thái quá kém hoặc hơn (ūnādhikatānivāraṇarasā) có biểu hiện là tình trạng trung bình (majjhattabhāvapaccupaṭṭhānā), nhân gần là các pháp tương ưng (sampayuttadhammapadaṭṭhānā).

(8) Tịnh thân (kāyapassaddhi)(9) Tịnh tâm (cittapassaddhi). Sự yên tĩnh của thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn, gọi là tịnh thân; sự yên tĩnh của thức uẩn gọi là tịnh tâm. Thân và tâm ở đây phải hiểu là ám chỉ tứ danh uẩn. Hai tâm sở nầy có cùng đặc tính là trạng thái yên bình của danh uẩn, đối lập với phiền não trạo hối làm xao động thân tâm. Tướng trạng của hai tâm sở nầy là lắng yên sự bồn chồn của thân tâm (kāyacittadarathavūpasamalakkhaṇā), nhiệm vụ chúng là trấn áp sự rạo rực của thân tâm (kāyacittadarathanimmaddanarasā), có biểu hiện là sự yên bình mát mẻ của thân tâm (aparipphandanasītibhāvapaccupaṭṭhānā), nhân gần cho chúng là có thân tâm _ tâm sở và tâm _ (kāyacittapadaṭṭhānā).

(10) Khinh thân (kāyalahutā)(11) Khinh tâm (cittalahutā). Sự nhẹ nhàng của ba uẩn tâm sở gọi là khinh thân; Sự nhẹ nhàng của thức uẩn gọi là khinh tâm. Hai tâm sở nầy cùng có đặc tính là trạng thái nhẹ nhàng của bốn danh uẩn, đối lập với phiền não hôn thuỵ làm nặng nề thân tâm. Hai tâm sở nầy có tướng trạng là vắng lặng sự nặng nề của thân tâm (kāyacittagarubhāvavūpasamalakkhaṇā), có nhiệm vụ là trấn áp sự nặng nề của thân tâm (kāyacittagarubhāvanimmaddanarasā), có biểu hiện là sự không trì trệ của thân tâm (kāyacittānaṃ adandhatapaccupaṭṭhānā), nhân gần là thân và tâm (kāyacittapadaṭṭhanā).

(12) Nhu thân (kāyamudutā)(13) Nhu tâm (cittamudutā). Sự mềm dẻo của ba uẩn tâm sở là nhu thân; Sự mềm dẻo của thức uẩn là nhu tâm. Hai tâm sở nầy có cùng đặc tính là trạng thái nhu nhuyến của bốn danh uẩn, đối lập với phiền não tà kiến và kiêu mạn làm cho thân tâm cứng ngắt. Hai tâm sở nầy có tướng trạng là giải toả sự cứng ngắt của thân tâm (kāyacittathambhavūpasamalakkhaṇā), có nhiệm vụ là trấn áp sự cứng cỏi của thân tâm (kāyacittathaddhabhāvanimmaddanarasā), có biểu hiện là không đối kháng (appaṭighātapaccupaṭṭhāna), nhân gần là thân và tâm (kāyacittapadaṭṭhāna).

(14) Thích thân (kāyakammaññatā) (15) Thích tâm (cittakammaññatā). Sự thích ứng của ba uẩn tâm sở gọi là thích thân; Sự thích ứng của thức uẩn gọi là thích tâm. Hai tâm sở nầy cùng có đặc tính là tính cách thích ứng hoạt động, đối lập với các triền cái còn lại mà gây nên sự bất xứng của thân tâm. Hai tâm sở nầy có tướng trạng là giải toả sự không tương thích của thân tâm (kāyacittākammaññabhāvavūpasamalakkhaṇā), có nhiệm vụ là dẹp trừ cách không thích ứng của thân tâm (kāyacittākammaññabhāvanimmaddanarasā), có biểu hiện là thành công sự bắt cảnh (ārammaṇakaraṇasampattipaccupaṭṭhānā), nhân gần là có thân và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(16) Thuần thân (kāyapāguññatā)(17) Thuần tâm (cittapāguññatā). Sự thuần thục của ba uẩn tâm sở gọi là thuần thân; Sự thuần thục của thức uẩn gọi là thuần tâm. Hai tâm sở nầy cùng có đặc tính là cách điêu luyện của thân tâm, đối lập với sự bất tín …v.v… mà gây nên sự bệnh hoạn của thân tâm. Hai tâm sở nầy có tướng trạng là tính cách vô bệnh của thân tâm (kāyacittānaṃ agelaññabhāvalakkhaṇā), có nhiệm vụ là dẹp trừ sự bệnh hoạn của tâm (kāyacittagelaññamimmaddanarasā), có biểu hiện là không có tổn hại (nirādīnavapaccupaṭṭhānā), nhân gần là có thân và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

(18) Chánh thân (kāyujukatā)(19) Chánh tâm (cittujukatā). Tính cách ngay thẳng của ba danh uẩn tâm sở gọi là chánh thân; Tính cách ngay thẳng của thức uẩn gọi là chánh tâm. Hai tâm sở nầy cùng có đặc tính ngay thẳng, đối lập với hư nguỵ, man trá …v.v… gây nên tính xảo quyệt của thân tâm. Hai tâm sở nầy có tướng trạng là sự trung thực của thân tâm (kāyacitta_ajjiavalakkhaṇā), có nhiệm vụ là dẹp trừ sự xảo quyệt của thân tâm (kāyacittakuṭilabhāvanimmaddanarasā), có biểu hiện là tính thẳng ngay (ajimhatāpaccupaṭṭhānā), nhân gần là có thân và tâm (kāyacittapadaṭṭhānā).

Mười chín tâm sở tịnh hảo biến hành đều có mặt trong 91 tâm tịnh hảo là 24 tâm dục giới tịnh hảo, 27 tâm đáo đại, 40 tâm siêu thế.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu

Ý kiến bạn đọc