- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 12.8.2021
Bài 12. Chương II (tiếp theo)
Tâm sở bất thiện (Akusalacetasika)
- Tâm sở bất thiện có 14 thứ, gồm 4 tâm sở biến hành và 10 tâm sở biệt cảnh.
· Tâm sở bất thiện biến hành (akusalasādhāraṇacetasika) có 4 thứ là:
1. Si (moha)
2. Vô tàm (ahirika)
3. Vô quý (anottappa)
4. Phóng dật (uddhacca)
- Bốn tâm sở nầy gọi chung là si phần (mocatukacetasika).
· Tâm sở bất thiện biệt cảnh (akusalapakiṇṇakacetasika) có 10 thứ là:
1. Tham (lobha)
2. Tà kiến (diṭṭhi)
3. Mạn (māna)
- Ba tâm sở nầy gọi chung là tham phần (lotikacetasika).
4. Sân (dosa)
4. Tật (issā)
6. Lận (macchariya)
7. Hối (kukkucca)
- Bốn tâm sở nầy gọi chung là sân phần (docatukacetasika).
8. Hôn trầm (thīna)
9. Thuỵ miên (middha)
- Hai tâm sở nầy gọi chung là Hôn phần (thīdukacetasika).
10.Hoài nghi (vicikicchā)
Giải thích:
- Gọi là tâm sở bất thiện vì là đồng bọn với căn bất thiện, chúng phối hợp tạo ra tâm bất thiện. Tâm sở bất thiện đều là hành uẩn.
· Gọi là bất thiện biến hành, vì những tâm sở nầy phổ thông trong tất cả tâm bất thiện không có tâm bất thiện nào thiếu những tâm sở nầy.
Có 4 thứ:
(1) Si (moha) là sự tăm tối, mù quáng, không hiểu biết điều đáng hiểu biết. Tâm sở si có tướng trạng là sự mù quáng của tâm (cittassaandhabhāvalakkhaṇo) hay không hiểu biết (aññāṇalakkhaṇo), có nhiệm vụ là che đậy bản thể thật của cảnh (ārammaṇasabhāvacchādanaraso), có biểu hiện là hành không chân chánh (asammāpaṭipattipaccupaṭṭhāno), nhân gần là không khéo tác ý (ayonisomanasikārapadaṭṭhāno). Si tâm sở chính là căn si (mohamūla).
(2) Vô tàm (ahirika) là không liêm sỉ, không hổ thẹn, không mắc cở. Tâm sở vô tàm có tướng trạng là không e thẹn với thân ác hạnh …v.v… (kāyaduccaritādīhi ajigucchanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là tạo ác hạnh (duccaritakaraṇarasaṃ) có biểu hiện là không ngần ngại làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là không tự trọng (attamagāravapadaṭṭhānaṃ).
(3) Vô quý (anottappa) là không sợ hãi, không kinh cảm, không e ngại. Tâm sở vô quý có tướng trạng là không sợ điều ác (pāpato anuttāsanalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là làm điều ác hạnh (duccaritakaraṇarasaṃ), có biểu hiện là không ngần ngại làm ác (asaṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là không trọng người khác (paramagāravapadaṭṭhānaṃ)
(4) Phóng dật (uddhacca) là sự dao động, sự lao chao, sự tán loạn. Tâm sở phóng dật có tướng trạng là không lắng yên (avūpasamalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là không vững vàng (anavaṭṭhānarasaṃ), có biểu hiện là tình trạng rối tung (bhantattapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là không khéo tác ý (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).
- Bốn bất thiện biến hành nầy có mặt trong tất cả tâm bất thiện.
· Gọi là bất thiện biệt cảnh, vì những tâm sở nầy mặc dù phối hợp với tâm bất thiện nhưng chúng chỉ có mặt trong những tâm bất thiện tương ứng, nên gọi là bất thiện biệt cảnh.
Có 10 thứ:
(1) Tham (lobha) là sự đắm nhiễm, mê luyến cảnh. Tâm sở tham chính là căn tham (lobhamūla) Tâm sở tham có tướng trạng là bám lấy đối tượng (ārammaṇagahaṇalakkhaṇo), có nhiệm vụ là dính chặc (abhisaṅgaraso), có biểu hiện là không buông bỏ (apariccāgapaccupaṭṭhāno), nhân gần là thấy vị ngọt đối với cảnh trói buộc (saṃyojaniyadhammesu assādadassanapadaṭṭhāno). Tâm sở tham chỉ có mặt trong 8 tâm tham.
(2) Tà kiến (diṭṭhi). Diṭṭhi thuộc tánh bất thiện nên hiểu là micchādiṭṭhi tà kiến. Tà kiến là thấy sai lầm, quan điểm không đúng chân lý. Tâm sở tà kiến có tướng trạng là xu hướng phi lý (ayoniso abhinivesalakkhaṇā), có nhiệm vụ là cố chấp (parāmāsarasā), có biểu hiện chấp sai lạc (micchābhinivesapaccupaṭṭhānā), nhân gần là không muốn gặp bậc thánh …v.v… (ariyānaṃ adassanakāmatādipadaṭṭhānā). Tâm sở tà kiến chỉ có mặt trong 4 tâm tham tương ưng tà kiến.
(3) Mạn (māna) là sự kiêu ngạo, khinh khi, so bì, sánh hơn, sánh bằng, sánh thua …v.v… Tâm sở mạn có tướng trạng là sự ngạo nghễ (unnatilakkhaṇo), có nhiệm vụ là tự đề cao (sampaggaharaso), có biểu hiện là muốn khoe khoang (ketukamyatā paccupaṭṭhāno), nhân gần là tham bất tương ưng kiến (diṭṭhivippayuttalobhapadaṭṭhāno). Tâm sở mạn nếu có mặt, chỉ có trong 4 tâm tham ly tà kiến. Tâm sở mạn là tâm sở bất định, khi có khi không.
(4) Sân (dosa) là sự nóng nảy, bực bội. Tâm sở sân chính là sân căn (dosamūla). Có tướng trạng là hung hãn (caṇḍikkalakkhaṇo), có nhiệm vụ là tự đốt nóng (attano nissayadahanaraso), có biểu hiện là huỷ hoại (dūsanapaccupaṭṭhāno), nhân gần là có sự khiêu khích (āghātavatthupadaṭṭhāno). Tâm sở sân chỉ có mặt trong 2 tâm sân và nhất định phải có.
(5) Tật (issā) là sự ghen tức, ganh tỵ, khó chịu với sự thành công của người khác. Tâm sở tật có tướng trạng là ghen tức sự thành công của người khác (parasampattīnaṃ usūyanalakkhaṇā), có nhiệm vụ là không hoan hỷ (anabhiratirusā), có biểu hiện là thái độ quay mặt đi (vimukhabhāvapaccupaṭṭhānā), nhân gần là sự thành công của người khác (parasampattipadaṭṭhānā). Tâm sở tật chỉ có mặt trong 2 tâm sân, nhưng không nhất định phải có.
(6) Lận (macchariya) là sự bỏn xẻn keo kiết, không muốn chia sẻ cho ai. Tâm sở lận có tướng trạng là giấu kính tài sản của mình (sakasampattīnaṃ nigūhanalakkhanaṃ), có nhiệm vụ là không chấp nhận người khác cộng hưởng (parehisādhāraṇabhāvakkhamanarasaṃ), có biểu hiện là vờ đi (saṅkocanapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là tài sản của mình (attasampattipadaṭṭhānaṃ). Tâm sở lận chỉ có mặt trong 2 tâm sân, nhưng không nhất định phải có.
(7) Hối (kukkucca) là sự ray rức, áy náy với chuyện đã qua. Tâm sở hối có tướng trạng là bức rức sau chuyện xãy ra (pacchānutāpalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là phiền muộn vì việc đã làm và không làm (katākatānusocanarasaṃ), có biểu hiện là ân hận (vippaṭisārapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là có chuyện đã làm và không làm (katākatapadaṭṭhāṇaṃ). Tâm sở hối chỉ có mặt trong hai tâm sân, nhưng không nhất định phải có.
(8) Hôn trầm (thīna) là sự dã dượi, lười biếng, không linh hoạt. Tâm sở hôn trầm có tướng trạng là không sốt sắng (anussāhalakkhaṇaṃ), có nhiệm vụ là đánh mất siêng năng (viriyavinodanarasaṃ), có biểu hiện là sự chùn xuống (saṃsīdanapaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là không khéo tác ý (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).
(9) Thuỵ miên (middha) là sự buồn ngủ, sự mơ màng của tâm. Tâm sở thuỵ miên có tướng trạng là không thích ứng hoạt động (akammaññatālakkhanaṃ), có nhiệm vụ là hạn chế lộ tâm (onahanarasaṃ), có biểu hiện là trạng thái bạc nhược (līnatāpaccupaṭṭhānaṃ), nhân gần là không khéo tác ý (ayonisomanasikārapadaṭṭhānaṃ).
- Hai tâm sở hôn trầm và thuỵ miên đi chung với nhau không tách rời, chúng chỉ có mặt trong 5 tâm bất thiện hữu trợ là 4 tâm tham và một tâm sân, nhưng không nhất định phải có.
(10) Hoài nghi (vicikicchā) là sự do dự, hoang mang, ngờ vực. Tâm sở hoài nghi có tướng trạng là sự nghi ngờ (saṃsayalakkhaṇā), có nhiệm vụ là lung lạc lòng tin (kampanarasā), có biểu hiện là không quyết đoán (anicchayapaccupaṭṭhānā), nhân gần là không khéo tác ý (ayonisomanasikārapadaṭṭhānā). Tâm sở hoài nghi chỉ có mặt trong mỗi tâm si tương ưng hoài nghi, và nhất định phải có.
- Si, vô tàm, vô quý, phóng dật là bộ bốn tâm sở có si dẫn đầu nên gọi là si phần (mocatukacetasika).
- Tham, tà kiến, mạn là lộ ba tâm sở có tham dẫn đầu nên gọi là tham phần (lotikacetasika).
- Sân, tật, lận, hối là bộ bốn tâm sở có sân dẫn đầu nên gọi là sân phần (docatukacetasika).
- Hôn trầm và thuỵ miên là bộ hai tâm sở có hôn trầm dẫn đầu nên gọi là hôn phần (thīdukacetasika).
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu