- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Giáo trình Thắng Pháp Abhidhamma
Bài học ngày 4.7.2021
Bài 1.
PHẦN DẪN NHẬP
Hai sự thật (Dve saccāmi)
Có hai sự thật: (1) Sự thật theo thường thức gọi là tục đế (sammutisacca). (2) Sự thật theo bản thể gọi là chân đế (paramatthasacca).
Tục đế (sammutisacca)
Trong sinh hoạt của cuộc sống, bất cứ sự vật gì cũng gán một cái tên để gọi cho biết như tên người, tên quốc độ, tên loài hoa, tên loài vật, tên sự kiện, kể cả đặt tên gọi cho pháp thực tính như tâm thiện, tâm bất thiện, cảnh sắc, cảnh thinh …v.v… gọi là danh chế định (nāmapaññatti).
Một sự định đặt khác, là đặt ra tính cách của sự vật để hình dung, để được hiểu như thời giờ, mùa tiết, hình thể, phương hướng, dấu hiệu …v.v… Đây gọi là nghĩa chế định (atthapaññatti).
A. Danh chế định (nāmapaññatti) là sự định đặt danh từ, tên gọi cho sự vật.
Có 6 loại danh chế định, là:
1. Danh chơn chế định (vijjamānapaññatti) đặt tên gọi cái có thật theo siêu lý, như sắc, thọ, tưởng, hành, thức …v.v…
2. Phi danh chơn chế định (avijjamānapaññatti) đặt tên gọi cái không thật có theo siêu lý, như đất, đá, sông, núi …v.v…
3. Danh chơn phi danh chơn chế định (vijjamānena avijjamānapaññatti) đặt tên gọi gồm hai tính chất thực và giả. Thí dụ: maggapuggalo (người đạo)_Magga (thánh đạo) là thực; puggala (người) là giả.
4. Phi danh chơn danh chơn chế định (avijjamānena vijjamānapaññatti) đặt tên gọi gồm hai tính chất “Giả và Thực”. Thí dụ: Itthīsaddo (tiếng nữ)_ Itthī (nữ) là giả; Saddo (tiếng cảnh thinh) là thực.
5. Danh chơn danh chơn chế định ( vijjamanena vijjamānapaññatti) đặt tên gồm hai tính chất “Thực và Thực” Thí dụ: cakkhuviññāṇaṃ (nhãn thức)_cakkhu (nhãn, thần kinh nhãn) là thực; viññāṇaṃ (thức, thức uẩn) cũng là thực.
6. Phi danh chơn phi danh chơn chế định (avijjamānena avijjamānapaññatti) đặt tên gọi gồm hai tính chất “Giả và Giả”. Thí dụ: Rājaputto (hoàng tử, con vua) _ Rāja (hoàng, vua) là giả; putto (con, con trai) cũng là giả.
B. Nghĩa chế định (atthapaññatti) là sự định đặt cái vóc dáng, cái tính thể của sự vật để hiểu.
Có 7 loại nghĩa chế định, là:
1. Hình thức chế định (saṇṭhānāpaññatti) là sự chế định theo hình thể sự vật, như vuông, tròn, dài, ngắn, cao, thấp, lớn, nhỏ …v.v…
2. Hiệp thành chế định (samūhapaññatti) là sự chế định theo cách kết hợp của sự vật, như nhà, xe, làng, rừng …v.v…
3. Chúng sanh chế định (sattapaññatti) sự chế định theo năm uẩn hiện khởi, như con người, con thú, thiên nhân, phạm thiên …v.v…
4. Phương hướng chế định (disāpaññatti) sự chế định theo chuyển dịch của quả đất, như hướng đông, hướng tây, hướng nam, hướng bắc …v.v…
5. Thời gian chế định (kālapaññatti) sự chế định theo vận hành của mặt trời, mặt trăng, như ban ngày, ban đêm, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối …v.v…
6. Không gian chế định (ākāsapaññatti) sự chế định theo khoảng trống, không xúc chạm, như hầm, hố, lỗ, hang, giếng, ao, sông, hồ …v.v…
7. Ấn tướng chế định (nimittapaññatti) sự chế định theo ký hiệu, dấu hiệu, như ký tự, bảng hiệu, biển báo, đề mục tu thiền …v.v…
Danh chế định và và nghĩa chế định là sự định đặt tên gọi và tướng nghĩa sự vật, định đặt thế nào thì gọi và hiểu cho đúng thế ấy, nên gọi là tục đế, sự thật của qui định.
Chân đế (paramatthasacca)
Sự thật thứ hai gọi là sự thật bản thể. Danh từ paramatthasacca, chiết tự có 3 từ: parama (tuyệt đối, đệ nhất, tột cùng); Attha (nghĩa lý, ý nghĩa); Sacca (đế, sự thật). Paramatthasacca có nhiều cách dịch: siêu lý đế, đệ nhất nghĩa đế, chân đế …v.v… Tóm lại là sự thật theo nghĩa tuyệt đối, bản thể thật không thể nói khác được.
Có bốn pháp chân đế:
1. Tâm (citta)
2. Tâm sở (cetasika)
3. Sắc (rūpa)
4. Níp_bàn (nibbāna)
1/ Tâm (citta)
Tâm là pháp thực tính có tướng trạng biết cảnh (ārammaṇavijānanalakkhaṇaṃ); có nhiệm vụ dẫn đầu, hướng đạo tâm sở cùng biết cảnh (pubbhaṅgamarasaṃ); có biểu hiện là tiếp nối sanh diệt (sandahanapaccuppaṭṭhāṇaṃ); Nhân cần thiết là danh và sắc.
Tâm có tướng trạng biết cảnh, vì tâm là năng tri cảnh (ārammaṇaṃ cintetī ’ti cittaṃ).
Tâm có nhiệm vụ hướng đạo, dẫn đầu các tâm sở, vì nhờ tâm mà các pháp tương ưng như thọ, tưởng, hành _ biết cảnh (cintenti sampayuttadhammā etenā ’ti cittaṃ)
Tâm có biểu hiện là tiếp nối sanh diệt, vì tâm diển tiến thành lộ trình (cittavīthi) nối tiếp nhau mãi thành đời sống tư tưởng.
Tâm có nhân cần thiết là danh sắc, tức là có danh uẩn tâm sở (thọ, tưởng, hành) và sắc nghiệp 6 vật làm chổ trú.
Lại nữa, cần phải hiểu Tâm là pháp thực tín tạo ra sự đa dạng loài hữu tình và vật vô tri, như câu cittī koroti ’ti cittaṃ.
2/ Tâm sở (cetasika)
Tâm sở là pháp thực tính tương ưng với tâm, là thuộc tánh của tâm; vì tâm là thức uẩn và tâm sở là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn. Bốn danh uẩn này luôn luôn đồng sanh (ekuppādā), đồng diệt (ekanirodhā), đồng biết cảnh (ekārammaṇā) và đồng nương vật (ekavatthukā).
Gọi là đồng sanh tức là khi tâm sanh khởi thì các tâm sở tương ưng cũng sanh khởi.
Gọi là đồng diệt, tức là khi tâm ấy diệt mất thì các tâm sở tương ưng cũng diệt mất.
Gọi là đồng biết cảnh, tức là khi tâm sanh biết cảnh nào thì các tâm sở tương ưng cũng biết cảnh đó.
Gọi là đồng nương vật, tức là nhãn thức trú nhãn vật thì các tâm sở tương ưng với nhãn thức cũng nương trú nhãn vật … ý giới và ý thức giới trú ý vật thì các tâm sở tương ưng ý giới và ý thức giới cũng nương trú ý vật. Cõi vô sắc, tâm không nương vật thì các tâm sở tương ưng cũng không nương vật.
Có những câu pāli chú giải như sau:
Cetasi bhavaṃ cetasikaṃ, Thuộc tánh của tâm gọi là tâm sở.
Cetasi niyuttaṃ cetasikaṃ, tương ưng với tâm gọi là tâm sở.
Tóm lại, tâm sở có đặc tính là nương đỗ tâm (cittanissitalakkhaṇaṃ).
3/ Sắc (rūpa)
Đây là sắc siêu lý (rūpaparamattha) hay sắc pháp (rūpadhamma) để không nhầm lẫn với cảnh sắc (sắc, thinh …v.v…)
Sắc pháp là pháp thực tính có tướng trạng biến hoại, đổi dạng (ruppanalakkhaṇaṃ)
Sắc pháp là thành phần vật chất bên trong thân và ngoài thân. Sắc trong thân như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân …v.v… Sắc ngoài thân như cỏ cây, đất, đá, kim loại …v.v… Tất cả sắc pháp ấy đều có tính chất biến đổi do yếu tố xung khắc như gió, nắng, nóng, lạnh, thời tiết, dưỡng tố …v.v… Như có câu pāli chú giải: Sītuṇhādivirodhipaccayehi ruppatī ’ti rūpaṃ (biến đổi do những yếu tố xung khắc như nóng, lạnh …v.v… gọi là sắc pháp).
4/ Níp bàn (nibbāna)
Níp bàn là pháp chơn đế có trạng thái tịch tịnh (santilakkhaṇaṃ), có vị bất tử (accutarasaṃ), một thực tại vượt ngoài thế giới hiện tượng (animittapaccupaṭṭhāṇaṃ).
Níp bàn không còn bị phiền não khuấy động, nên gọi là trạng thái tịch tịnh bình yên.
Níp bàn không còn ngủ uẩn sanh khởi, không sanh thì không diệt, nên gọi là bất tử.
Níp bàn là pháp vô vi, không còn bị tạo tác, không có duyên trợ sanh, không có hiện tượng sanh diệt nên gọi là một thực tại vượt ngoài thế giới hiện tượng. Ngũ uẩn là thế giới hiện tượng vì ngũ uẩn là hữu vi.
Giải tự danh từ nibbāna:
Trước hết do hai thành tố ni + vāna. Tiếp đầu ngữ ni là phụ âm vang (ghosa) khi ghép với một danh từ khác nó làm tăng cường phụ âm đầu của danh từ (Thí dụ: ni + dukkha = niddukkha; ni + gāha = niggāha …v.v…), cũng vậy ni + vāna = nivvāna, như thế làm sao đọc? phải đổi “v” (âm môi) thành “b” (cũng âm môi), rồi ni + bāna = nibbāna.
Chữ vāna: sự đan kết, bện thắt _ có pāli giải tự “vināti saṃsibbatī ’ti vānaṃ, đan kết, gọi là dệt; ái dệt hay ái bện, nói chung là chỉ cho tham ái.
Và, “vānato nikkhantaṃ ’ti nibbānaṃ”, thoát khỏi ái tham, gọi là níp bàn.
Tiếng “níp bàn” là đọc âm, từ nibbāna; Đọc âm từ nirvāna thì là “niết bàn”. Nibbāna là ngôn ngữ pāli; Nirvāna là ngôn ngữ saṇskrit. Hai từ này đồng nghĩa.
Tâm, tâm sở, sắc pháp, níp bàn là bốn pháp chân đế hay đệ nhất nghĩa đế hay Siêu lý.
Đức Phật khi thuyết pháp thuộc kinh tạng và luật tạng thì Ngài dùng ngôn ngữ tục đế, ngôn ngữ thường thức, để chúng sanh dể nhận hiểu; khi Ngài thuyết vi diệu pháp thì Ngài dùng ngôn ngữ pháp chơn đế, ngoại trừ bộ puggalapaññatti phần thứ 6.
Do vậy, ở đây sẽ bàn sâu về Bốn Pháp Chân đế và những gì có liên quan.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Tuệ Siêu