Phần I _ Đức Phật Bài 4. QUẢNG ĐỜI NIÊN THIẾU CỦA BẬC ĐẠI SĨ _ Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Bài học ngày 30.8.2021

Monday, 30/08/2021, 19:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 30.8.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 4. QUẢNG ĐỜI NIÊN THIẾU CỦA BẬC ĐẠI SĨ

Trong kiếp sau cùng của một bậc đại bồ tát trước khi viên thành quả vị vô thượng chánh giác luôn trãi qua thời niên thiếu với những đặc điểm tương ứng với quảng đời của một bậc đại giác sau nầy. Ngài chào đời với sự hân hoan của chư thiên và nhân loại. Những người thân thích liên hệ đều sanh ra với túc duyên đã tạo từ bao kiếp trước. Những dự báo về con đường thoát tục trong tương lai như một cái bóng bao trùm lên cách yêu thương săn sóc của gia đình. Ngài nhận được đời sống sung túc về cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần với đời sống nhung lụa và nền giáo dục tốt nhất thời bấy giờ. Ngài có một thể lực khanh kiện và trí tuệ mẫn tiệp. Định lực và lòng từ bi vô hạn cũng biểu hiện rõ nét. Sự thành tựu Phật quả không phải là ngẫu nhiên thì quảng đời niên thiếu có nhiều đặc điểm mang tánh quyết định với phần đời còn lại của Đức Phật.

Những dấu ấn trong sự ra đời của một bậc đại bồ tát

Đức Phật sanh ra, thành đạo và viên tịch giữa thiên nhiên. Hoàng hậu Mayā theo phong tục thời bấy giờ khi sanh con đầu lòng đã làm một hành trình về cố hương để được mẹ ruột chăm sóc. Khi hoàng hậu đi gần tới biên giới đã dừng chân tại ngự viên Lumbini. Tại đây Đức Bồ Tát chào đời dưới cây Sālā hoa nở sái mùa.

Ngài ra đời trong mùa xuân, mùa sen nở giữa niềm hân hoan vô hạn của chư thiên và nhân loại. Đó là ngày trăng tròn tháng Vesak, tháng đầu tiên trong năm theo lịch Ấn Độ.

Phật mẫu sau khi sanh Bậc Đại Sĩ không bao giờ trở lại đời sống với quan hệ nam nữ bình thường. Hoàng hậu từ trần bảy ngày sau khi sanh nở. Thứ phi Mahāpajāpatī Gotamī vừa là dì ruột vừa là kế mẫu của Đức Bồ Tát đã chăm sóc và yêu thương Ngài như mẹ ruột. Sau nầy di mẫu xuất gia trở thành vị tỳ kheo ni đầu tiên trong giáo pháp.

Sự chào đời cùng lúc của công nương Yasodhara và hoàng tử Ānanda cũng được ghi nhận. Cả hai đều có sự gắn kết đặc biệt với Đức Bồ Tát trong nhiều tiền kiếp cũng như hiện kiếp. Yasodhara không phải chỉ là bạn đời một kiếp mà trong rất nhiều đời. Ānanda là thị giả của Đức Phật và là người có trọng trách trong việc kết tập kinh điển.

Dự báo về con đường thoát tục

Đạo sĩ Asita một bậc có thiền chứng rất cao đã tự thân đến thành diện kiến thái tử sơ sinh với lời báo trước về sự ra đời của Bậc Đại Giác hoằng hoá độ sinh. Hai biểu cảm thoạt vui thoạt buồn của vị đạo sĩ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng vua Suddhodana.

Siddattha là cái tên được đặt từ lời tiên tri. Trong “lễ đặt tên” có bảy vị bà la môn thông thái đã tiên tri là thái tử sau nầy sẽ thành tựu nguyện vọng cao cả: nếu làm vua sẽ là đại đế; nếu xuất gia sẽ là bậc chân sư vĩ đại. Vị bà la môn thông thái trẻ nhất là Kondañña khẳng định thái tử sẽ từ bỏ thế tục trở thành bậc Đại giác độ đời. Sau nầy Kondañña trở thành đệ tử đầu tiên của Đức Phật và nhóm năm thầy Kondañña được thọ đại giới đánh dấu sự ra đời của Tăng Bảo.

Tâm trạng của vua cha khi được nghe những lời dự báo là quyết tâm giữ chân người con yêu quý của mình thừa kế ngai vàng. Với tâm trạng nầy vua Suddhodana đã có những quyết định quan trọng đối với Đức Bồ Tát mặc dù trong vài trường hợp vua cha cũng cảm nhận cái gì đó rất thiêng liêng cao cả mà chính mình cũng chấp tay kính trọng.

Bao phủ bởi hạnh phúc thế gian là điều có thể dùng để mô tả đời sống của Bồ Tát trong thời niên thiếu. Một phần do phước quá khứ, một phần do vua cha mong con mình thừa kế ngai vàng. Sau nầy khi nói về con đường trung đạo, Đức Phật khẳng định chính Ngài đã trãi nghiệm đầy đủ cả hai nếp sống lợi dưỡng và khổ hạnh. Không phải chỉ thấy sự bất cập của hai cực đoan nầy bằng suy tư mà do chính kinh nghiệm trực tiếp.

Biểu hiện của một nội tâm phi phàm

Trãi nghiệm quý báu về cuộc sống tịch mặc. Năm lên bảy tuổi Đức Bồ Tát từng ngồi một mình an tịnh dưới gốc cây đại thụ để nhập định. Sau nầy chính kỷ niệm thơ ấu đó đã là một gợi ý quan trọng khi Ngài kết hợp chỉ và quán trong sự dung thông tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Lòng từ bi vô hạn được ghi lại như đặc tính cố hữu của Đức Bồ Tát đối với người, vật chung quanh. Trong nếp văn hoá của giai cấp chiến sĩ sát đế lỵ thì sự săn bắn như một tiêu khiển vương giả thì Ngài có cái nhìn hoàn toàn trái ngược.

Vô song về thể lực, trí tuệ và nhân cách. Đức Bồ Tát có được một nền giáo dục ưu việt với những bậc thầy bác lãm kinh Veda được xem là kho tàng tri thức thời đó. Ngài rất khoẻ mạnh cường tráng. Trong một cuộc thi năm lên mười sáu tuổi Bồ tát đã chứng tỏ khả năng vượt xa những hoàng tử ưu tú khác về thể lực cũng như võ nghệ. Ngài đặc biệt có tư cách rất cao sang và thánh thiện.

Tư duy về hạnh phúc và khổ đau. Sống trong nhung lụa của cung đình nhưng Bồ Tát thường trầm tư về hai mặt của cuộc sống. Ngài không đơn giản đón nhận hạnh phúc mà tự hỏi sự vô thường có phải là chung cuộc của tất cả? Không dễ để một người có quá nhiều lại nghĩ tới bản chất sanh diệt.

Khi hạnh phúc trần gian không giữ chân được bậc xuất thế

Những hình ảnh rất thực của của kiếp nhân sinh. Trong một lần ra ngoại thành ngoạn cảnh Bồ tát mục kích bốn cảnh: già, bệnh, chết và một sa môn. Những hình ảnh đó tác động sâu sắc tâm tư của Ngài. Nếu cuộc sống là một hành trình của sanh, già, bệnh, chết thì có nên xem sự xây dựng cuộc sống phồn hoa là cứu cánh?

Niềm hạnh phúc mang tên trói buộc. Rồi trong ngày rằm tháng Āsāḷha Ngài quyết định rời bỏ cuộc sống vương giả. Một người trong hoàng cung đến báo là hoàng hậu Yasodhara vừa hạ sanh một hoàng tử. Ngài đã thốt lên câu “Lại là sự buộc ràng (rāhula)”. Không có tình thương thì sao gọi là buộc ràng. Không có sự ra đi thì sao gọi là vương vấn.

Sự khước từ vĩ đại là mô tả của những sử gia nói về hình ảnh một bậc quân vương từ bỏ ngai vàng để chọn con đường thoát tục. Tự mình chọn lựa và quyết định. Trước mắt vẫn là con đường vô định. Sau lưng là cuộc sống đầy ắp tình thương yêu và tiện nghi vật chất. Ngài lên đường với sự khẳng định là tất cả những gì mình đang có đều sẽ vô thường theo thời gian.

Hai đời sống hoàn toàn khác biệt sau khi rời Kapilavatthu. Ngay ngày hôm sau Đức Bồ Tát đã sống một mình không người hầu hạ. Ngài sống bằng thực phẩm khất thực vốn rất bình thường của các vị sa môn bấy giờ. Không có nhà cửa Ngài sống dưới cội cây hay trong hang đá. Năm đó Ngài 29 tuổi.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng