Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp - Tập Đế

Sunday, 01/05/2022, 18:04 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 1.5.2022


Phần II: Phật Pháp

Tập Đế

Tập đế có nghĩa là sự thật về nguyên nhân căn cội của đau khổ. Dùng chữ “căn cội” có nghĩa là nguồn gốc chính yếu, sâu xa nhất chứ không phải chỉ là nguyên nhân nhất thời trong một giai đoạn nào đó. Thí dụ virus là nguyên nhân chính của sự chết chứ sự khó thở chỉ là lý do trước mắt.

Nguyên nhân của đau khổ chính là taṇhā. Taṇhā có thể dịch là khát ái. Đây là sự khao khát không bao giờ thoả mãn. Có thể hiểu qua hai cách: bao nhiêu cũng không đủ hoặc cứ muốn lập đi lập lại. Trạng thái nầy là căn bệnh muôn thuở của chúng sanh không thể đoạn trừ bằng sự áp đảo thông thường.

Nói về tập đế, đôi khi cũng dịch là khổ tập, Kinh Chuyển Pháp Luân ghi như sau:

Idaṁ kho pana, bhikkhave, dukkhasamudayaṃ ariyasaccaṃ yāyaṃ taṇhā ponobbhavikā nandirāgasahagatā tatratatrābhinandinī, seyyathidaṃ kāmataṇhā, bhavataṇhā, vibhavataṇhā.

Ðây là Thánh đế về Khổ tập, này các Tỷ-kheo, chính là khát ái đưa đến tái sanh, câu hữu với hỷ và tham, tìm cầu dục lạc chỗ này chỗ kia; như dục ái, hữu ái, vô hữu ái. Này chư Hiền, như vậy gọi là Khổ tập Thánh đế.

(Trích Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattanasutta), Tương Ưng Bộ, bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Khát ái đưa đến tái sanh – taṇhā ponobbhavikā – chính là động lực chủ yếu tạo nên trầm luân sanh tử. Không có khát ái thời không có sự tạo thành năm uẩn; nói cách khác là không có luân hồi trong tam giới.

Câu hữu với hỷ và tham – nandirāgasahagatā – có nghĩa là đi chung với hai trạng thái sung sướng và ham muốn. Tức sự hưởng thụ và mong ước. Hỷ là sự tận hưởng cái khả ái, khả ý. Tham là sự mong cầu. Thí dụ một người được tiền cảm thấy sung sướng vì cảm giác có tiền đó là hỷ. Từ cảm giác sung sướng ước mong có được thật nhiều tiền đó là tham. Cả hai xuất hiện như cặp bài trùng.

Tìm cầu dục lạc chỗ này chỗ kia – tatratatrābhinandinī – là sự truy cầu cái ưa thích. Như một người thích mua sắm lang thang trong chợ: không phải do nhu cầu mà do sở thích mua sắm.

Dục ái – Kāmataṇhā – là sự ham muốn đối với thị dục. Đó là sự khao khát đối sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, ý tưởng yêu thích.

Hữu ái – Bhavataṇhā – là khao khát được là, được có, được trở thành. Như khát vọng ở tương lai hay mong trở thành một hình tượng nào mà bản thân xem là “được”.

Phi hữu ái – Vibhavataṇhā – là sự khao khát để không có cái nầy, không là cái kia. Trạng thái nầy là sự đối đãi tự nhiên đối với hữu ái. Một người mong được giàu thì tha thiết vượt qua cái nghèo. Một người muốn có được khuôn mặt kiểu kia thì muốn không còn kiểu nầy.

Không nên lẫn lộn ba thứ ái kể trên với ba thứ ái dục ái, sắc ái, vô sắc ái. Sắc ái và vô sắc ái luôn luôn đi với ái chấp với thiền chứng và sự mong mõi tái sanh vào các cõi thiền trong lúc hữu ái và vô hữu ái không nhất thiết như vậy.

Tất cả những gì được đề cập trong khổ đế bao gồm cả bản chất tự nhiên và phản ứng hay thái độ tạo nên sự khổ. Như bản chất của năm uẩn là có những hệ luỵ mà chấp thủ năm uẩn khiến khổ đau tăng gấp nhiều lần. Rất khó tin khi nói rằng một trong những điều khiến chúng ta đau khổ nhiều là vì nhận thức sai lầm.

Người tu Phật không hiểu sự đau khổ trong tâm trạng bi quan mà lấy đau khổ để thắp sáng tuệ giác. Trên phương diện pháp học, giáo nghĩa về khổ đế giúp khai thông cái nhìn toàn diện về thế giới và cứu cánh giác ngộ giải thoát. Trên phương diện pháp hành, quán niệm khổ đế giúp hành giả thấy được bản chất tự nhiên của sự bất toàn đối với thân tâm và cả cuộc sống.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng