Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - QUẢ CỦA NGHIỆP

Monday, 26/12/2022, 19:41 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 26.12.2022


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

QUẢ CỦA NGHIỆP

Quả của nghiệp là đề tài gây nhiều ngộ nhận và tranh luận. Quan niệm “làm lành được vui, làm ác bị khổ” thường rất phổ biến khi nói về quả của nghiệp. Nhưng chính điều nầy tạo nên những hoài nghi vì trên thực tế nhiều người sống với nhiều thủ đoạn ác độc vẫn thành công thăng tiến trong cuộc sống trong lúc cũng có nhiều người hiền lương lại lận đận.

Để làm rõ điều nầy trước hết cần nói về bốn phạm trù chiêu cảm của nghiệp quả.

a. Trên bình diện nội tâm. Một người tạo thiện nghiệp với thiện tâm đúng nghĩa thì tâm thanh thản, an lạc. Chính hành động hiền thiện tác động sanh khởi những tâm thái nhẹ nhàng mà sau nầy khiến người đó vẫn tiếp tục an lạc. Thí dụ như một người ra sức giúp đở những người khốn khó. Sau nầy nghĩ tới thường thấy hạnh phúc khi mình đã làm được việc đó. Hệ quả nầy thường dễ nhận ra trong đời hiện tại.

b. Trên bình diện cá tính. Nghiệp thường làm tạo nên thói quen hay tập tính. Thường nghiệp tốt đẹp tạo thói quen tốt, và từ đó, tạo nên cá tánh tốt đẹp. Do tập tính tốt mà trong giòng sanh tử chúng sanh có cá tánh hiền thiện hay hung ác.

c. Trên bình diện bối cảnh sống sung túc hay thiếu thốn. Đây là điểm mà người ta thường nghĩ tới. Sự giàu sang, được yêu thương, ngoại hình xinh đẹp, thông minh … là những quả dị thục của nghiệp Những quả nầy trỗ sanh trong nhiều trường hợp khác nhau đôi khi hoàn toàn không tương thích với hiện tại. Thí dụ một người lười biếng bất tài nhưng trúng số độc đắc nên có nhiều tiền bạc. Lười biếng không tạo nên tài sản. Phước do nghiệp quá khứ nào đó trỗ sanh thì phút chốc giàu có.

d. Trên bình diện xã hội. Vận mệnh của một quốc gia hay trào lưu của thời đại chịu chi phối bởi một cá nhân như nhà độc tài, hay nhà văn hoá có ảnh hưởng lớn. Như trường hợp Khổng tử có sức dẫn đạo lớn trong văn hoá Đông phương xuyên suốt nhiều thế hệ.

Sự hiện hữu luôn là hỗn hợp của nhiều yếu tố. Những trộn lẫn các quy luật về thời tiết, chủng tử, nghiệp lực, tâm, và pháp tạo nên sự phức tạp hết sức khó nhận thức rõ ràng.

Nghiệp lực ảnh hưởng tâm và cá tánh là điều mà một người tu tập có thể chuyển hoá trong lúc hai điều sau thường nằm ngoài khả năng chuyển đổi. Theo Phật Pháp thì mỗi chúng sanh vốn tạo vô số nghiệp thiện và bất thiện nhưng sự trỗ quả lành tuỳ thuộc vào một số lý do như sống ở vùng đất tốt lành (paṭirūpadesavāsa), có thiện hữu (kalyāṇamittatā), và thường lui tới những người đức hạnh (sappurisūpassaya).

Phải hiểu về những yếu tố xa gần, nội tại ngoại tại, trực tiếp gián tiếp thì mới có cái nhìn tương đối chính xác về quả của nghiệp. Cái nhìn chung vẫn y cứ trên điểm chính như Phật ngôn:

“Yādisaṃ vapate bījaṃ

Tādisaṃ labhate phalaṃ

Kalyāṇakārī kalyānaṃ

Pāpakārī pāpakaṃ.

“Hạt giống nào đã gieo

Quả kết thành từ đấy

Người thiện gặt quả lành

Người ác gặt quả dữ.

Tương Ưng Bộ I, 272

Nhìn đại lược thì kệ ngôn ngắn gọn bao gồm cả những định lý về chủng tử, về tâm, về nghiệp. Để nhận rõ chính xác ý nghĩa bài kệ nầy cần có những khía cạnh được bàn trong phần tiếp theo.

Bài tiếp theo: Những yếu tố chi phối quả của nghiệp

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn