Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - NHỮNG HIỂU BIẾT CĂN BẢN VỀ NGHIỆP

Monday, 05/12/2022, 19:28 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 5.12.2022


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

NHỮNG HIỂU BIẾT CĂN BẢN VỀ NGHIỆP

Nghiệp là một danh từ phổ thông mang nhiều ý nghĩa dị biệt tuỳ theo chỗ dùng và cách dùng. Ngay cả với người Phật tử thuật ngữ nghiệp (kamma) thường khi hiểu không chính xác theo Phật học. Một thí dụ điển hình là chữ nghiệp thường được hiểu mà “nghiệp xấu” như trong câu nói “làm việc đó sẽ mang nghiệp” hay một câu trong Truyện Kiều “đã mang lấy nghiệp vào thân”. Những cách dùng như vậy rất phiến diện theo Phật học.

Ý nghĩa tinh xác nhất của nghiệp là chủ tâm tạo tác hay “tư – cetanā. Thuộc tánh “tư – cetanā” nằm trong hành uẩn, là một trong 52 thuộc tánh của tâm thức được Đức Phật dạy chính là nghiệp. Tư ở đây mang nghĩa chủ trương tạo tác. Giống như trong một hãng xưởng có nhiều nhân sự như vị giám đốc điều hành (CEO) là người chịu trách nhiệm cho đường hướng hoạt động.

Trong ý nghĩa phổ quát thì nghiệp là sở hành qua thân, ngữ, ý. Đây là những biểu lộ của nghiệp. Đôi khi cũng được gọi là hành (saṅkhāra) hay hữu (bhava) như trong duyên khởi. Những từ thuật ngữ nầy nêu lên “nghiệp đã định hình” qua những hành vi như lời nói, hành động, ý nghĩ ..v.v..

Mặc dù nghiệp lực có cả hai biệt nghiệp và cộng nghiệp nhưng trong Phật Pháp thường nhấn mạnh nghiệp là sở hành của mỗi chúng sanh ngay cả trong sự kết hợp với chúng sanh khác. Đây là điểm rất tế nhị trong sự khác biệt trong cách dùng giữa Phật Pháp và thường thức. Người đời thường nghĩ tới nghiệp lực như sự đưa đẩy đối với vận mệnh chung của một dân tộc, một đất nước, một thời đại mà gần như cá nhân không làm gì khác hơn được. Trong lúc theo Phật học thì nghiệp báo thường được đề cập như nhân quả của mỗi cá nhân mà mỗi chúng sanh phải chịu trách nhiệm và có thể thay đổi qua hành động tích cực.

Định luật về nghiệp là một trong năm định luật của vũ trụ do đó không nên hiểu tất cả đều do nghiệp. Năm định luật là: 1. Định lý về Utu (utu–niyāma) chỉ chung cho năng lượng, nhiệt lượng, vật lý, thời tiết. 2. Định lý về chủng tử (bīja–niyāma) là sự truyền chủng, tái tạo, giống nào tạo loại đó. 3. Định lý về tâm (citta–niyāma) là định lực cố nhiên của tâm thức như về tiềm thức, hoạt thức, thứ lớp sanh diệt của các thứ tâm trong một diễn trình tâm. 4. Định lý về nghiệp (kamma–niyāma) là sự tương quan nhân quả giữa hành động tạo tác và quả nghiệp. 5. Định lý về pháp tánh (dhamma–niyāma) là nguyên tắc chung của vạn hữu thí dụ sự sanh diệt là bản chất của tất cả pháp hữu vi.

Trong văn hoá Tây Phương ngày nay chữ karma (viết theo Sanskrit) mang ý nghĩa là sự tạo tác trong đời quá khứ. Ý nghĩa nầy rất hẹp theo Phật học. Mặc dù được dùng phổ thông, đặc biệt là trong khoa bói toán, nhưng không nên nhầm lẫn với ý nghĩa chữ nghiệp trong Phật Pháp. Cũng nên nói thêm là trong văn hoá Ấn Độ – nơi khởi nguồn của dòng lịch sử Đạo Phật – chữ nghiệp được dùng hết sức phổ thông. Có những khác biệt lớn lao giữa cái hiểu về nghiệp giữa Phật Pháp và Bà la môn giáo mà người học Phật cần lưu tâm.

Bài tiếp theo: Các Loại Nghiệp

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn