Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - Giá Trị Thực Tiễn Của Sự Hiểu Biết Nghiệp Báo

Monday, 03/04/2023, 17:05 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 3.4.2023


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

Giá Trị Thực Tiễn Của Sự Hiểu Biết Nghiệp Báo

Giá trị của Phật Pháp nằm ở sự thực tiễn “chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc”. Giáo lý nghiệp báo không nằm ngoài phạm vi nầy. Với ảnh hưởng rộng lớn trong dân gian và văn hoá, nghiệp báo thường khi bị hiểu sai như là sự hướng dẫn chấp nhận định mệnh an bài. Sự nhận thức xác thực về nghiệp có tác dụng mạnh mẽ đối với hành động lớn nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.

Niềm tin nhân quả giúp con người thay đổi những dị đoan mê tín trong tín ngưỡng dân gian. Khổ vui tạo nên bởi sở hành thiện ác như vậy nếu muốn được an lạc thì cần thiện pháp trong đời sống hơn là chú trọng những giới cấm thủ hoặc những tin tưởng vào tử vi, phong thuỷ, cúng bái dân gian vốn không thật sự mang lại lợi ích. Nếu học thật kỹ kinh điển sẽ thấy Đạo Phật ngày nay rất khác với Đạo Phật thời Đức Phật tại thế vốn không mang màu sắc của mê tín dị đoan.

Nghiệp báo chỉ rõ làm thế nào thành tựu được những lợi lạc qua hành động cụ thể. Sống với thiện hạnh không phải chỉ tạo quả phước ở tương lai mà với thiện tâm cũng tạo nên phẩm chất an lạc, thanh lương ngay trong hiện tại. Chính tâm lành tạo nên cuộc sống an lành. Một quyển kinh nhỏ nhưng rất phổ cập đó là Kinh Pháp Cú trong Tiểu Bộ với 423 bài kệ do Đức Phật dạy cho chúng ta thấy rõ về vai trò của thiện pháp đối với đời sống an lạc. Đây là giá trị dễ dàng nhận thấy khi học hiểu về nghiệp báo.

Nghiệp báo dạy con người chịu trách nhiệm về hành động của mình. Con người chỉ thật sự trưởng thành khi chịu trách nhiệm về hành động bản thân. Điều nầy rất rõ ràng qua giáo lý nghiệp báo. Chính sở hành thiện ác đưa cuộc sống theo nhiều hướng khác nhau. Từ gốc rễ chính là tư niệm (cetanā) dẫn đến hành động rồi tạo quả. Tư niệm là cái gì mà mỗi người phải tự biết và chịu trách nhiệm. Một khi chúng ta không quy trách ai đó về những khổ vui chính mình thì cuộc sống sẽ khác hơn là những than oán tiếp nối từ ngày nầy qua ngày khác.

Nghiệp báo dạy về sự bình đẳng của con người qua những yếu tố nội tại. Chính sự hiểu biết về nghiệp báo giúp chúng ta vượt qua những thiên chấp về giai cấp, bất đồng trong xã hội. Một khi quay trở về với nội tâm sẽ thấy sự hiển nhiên của gốc rễ an lạc, hạnh phúc là ở chính bên trong chứ không phải là sự hơn thua bên ngoài. Nếu ai cũng có thể huân tập thiện tâm, thiện hạnh thì quan niệm cao thấp của xã hội phải đặt lại. Trong xã hội Ấn Độ, xưa cũng như nay, sự phân chia giai cấp luôn rõ nét. Nhưng khi tất cả vào trong ngôi nhà của giáo pháp thì giống như “nước của muôn sông chảy ra biển cả cùng hoà quyện chỉ còn một vị duy nhất”

Nghiệp báo dạy mỗi người cần hiểu biết nhiều hơn đối với bản thân. Óc tò mò muốn tìm hiểu về thế giới chung quanh là đặc tính của con người và là yếu tố giúp nhân loại khám phá ra nhiều điểm hữu ích từ thiên nhiên. Nhưng phải nhận rằng phần đông sống hướng ngoại và chỉ một số ích tự quay về tìm hiểu thân tâm của mình. Học giáo lý nghiệp báo giúp chúng ta khẳng định về sự cần thiết để hiểu biết bản thân. Bởi vì niềm vui nỗi khổ sẽ không thể chọn lựa nếu mơ hồ về nguyên nhân. Càng hiểu về nghiệp báo thì con người càng thắp sáng hiểu biết sự tác động của nhân quả qua giòng tâm thức.

Nghiệp báo cho con người niềm hy vọng ở tương lai. Phần đông tương lai thường được nghĩ tới qua mộng tưởng và cầu nguyện. Thực tế phủ phàng thường khiến người ta tuyệt vọng. Ở đâu có niềm tin ở nghiệp báo thì ở đó có niềm tin ở tương lai tốt đẹp với thiện hạnh. Câu Phật ngôn: “Nay vui đời sau vui. Người thiện hai đời vui. Vui việc thiện mình làm. Sanh lạc cảnh vui hơn” là thí dụ điển hình về “thông điệp của hy vọng”.

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn