- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 12.12.2022
Phần II: Phật Pháp
NGHIỆP BÁO
CÁC LOẠI NGHIỆP
Nghiệp được phân loại với nhiều bảng liệt kê trong Tam Tạng kinh điển. Ba phạm trù sau đây có thể được xem là thường thấy và là căn bản để hiểu về nghiệp theo Phật Pháp. Những phân loại nầy dù tương đối dễ hiểu trên phương diện văn tự nhưng mang nhiều ý nghĩa tế nhị cần được đào sâu.
Nghiệp chia theo căn cội (hetu)
Căn cội hay nhân là chữ dịch của thuật ngữ hetu. Có tất cả sáu nhân là tham (lobha), sân (dosa), si (moha), vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha). Ba nhân đầu là tham, sân, si thuộc về nhóm bất thiện. Ba nhân sau là vô tham, vô sân, vô si thuộc về nhóm thiện. Ba nhân thiện không phải chỉ đơn giản là không tham, không sân, không si mà còn mang ý nghĩa đối ngược xa hơn: vô tham là trạng thái không vướng mắc, vô sân là trạng thái hoà dịu mát mẽ, vô si là trí tuệ sáng suốt.
Không có sự tạo tác hay nghiệp nào nằm ngoài căn cội bất thiện hay thiện. Nói cách khác đã là nghiệp thì chỉ có thể là bất thiện hay là thiện chứ không thể nằm ngoài hai trạng thái nầy. Nghiệp theo Phật Pháp không có trung tính trên phương diện căn cội.
Sự khéo léo hay thiện xảo trong tạo tác được xem là do căn cội. Những thể hiện nào bắt nguồn từ tham, sân, si đều là vụng về được xem là ô nhiễm. Trái lại những hành động nào bắt nguồi từ vô tham, vô sân, vô si là thiện xảo hay được xem là trong sạch.
Nghiệp chia theo cửa ngõ (dvāra)
Có ba cửa thể hiện sở hành của chúng sanh là thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp. Thân nghiệp (kāyakamma) là hành động của thân như sát sanh, trộm cắp ..v.v.. Ngữ nghiệp (vacīkamma) là nghiệp thể hiện qua ngôn từ như nói dối, nói chia rẽ ..v.v. Ý nghiệp (manokamma) là nghiệp thể hiện qua tư duy như tham ác, sân ác, tà kiến ..v.v.
Khi phân chia nghiệp theo thân, ngữ, ý thì dễ dàng để nói về bất thiện nghiệp (ba nghiệp bất thiện thuộc thân, bốn nghiệp bất thiện thuộc ngữ, ba nghiệp bất thiện thuộc ý). Nhưng khi nói về thiện nghiệp thì thường là kết hợp cả ba như bố thí, trì giới ..v.v.. Mặc dù thập thiện và thập ác là hai bảng liệt kê theo thân, ngữ, ý nhưng trên phương diện thiện nghiệp thì không nói hết (…)
Chữ khẩu nghiệp ở đây dịch là ngữ nghiệp vì đôi khi sự ăn uống được xem là nghiệp qua cửa miệng nhưng đó thuộc về thân. Trong lúc sự biểu đạt qua ngôn từ như viết lách, email, tin nhắn ngày nay không dùng miệng nói nhưng nên hiểu là tạo tác qua ngôn từ nên dịch là ngữ nghiệp. Chữ vacī trong Phạn ngữ là lời nói.
Trong ba nghiệp vừa kể thì ý nghiệp tạo quả nặng nhất. Trong ý nghiệp thì tà kiến được xem là xấu nhất và mang lại nhiều bất hạnh nhất.
Nghiệp chia theo quả báo (vipāka)
Sự tương quan giữa nhân và quả là một phạm trù cần được hiểu khác hơn với sự phân chia theo căn cội. Ở đây có bốn thứ nghiệp được nói đến:
a. Nghiệp đen kết quả đen. Như hành động sát sanh tạo nên quả chết yểu.
b. Nghiệp trắng kết quả trắng. Như hành động cung kính bậc đáng cung kính tạo quả cao sang.
c. Nghiệp trắng lẫn đen tạo quả đen lẫn trắng. Là hành động mang cả hai bản chất thiện và bất thiện như một người bố thí trong đó có tính cạnh tranh để người khác không làm được như mình. Đa số sở hành của con người thuộc loại nghiệp nầy.
d. Nghiệp không trắng không đen kết quả không đen không trắng. Đây là nghiệp đoạn nghiệp. Nói cách khác là sự tu tập dẫn đến vượt thoát nghiệp lực như tu thất giác chi hay bát chánh đạo.
Sự phân chia nghiệp theo phạm trù nầy có khác với phạm trù đầu tiên ở điểm là nói về hiện tượng hơn là bản chất. Nói về bản chất thì thiện và bất thiện không thể pha trộn. Nói về về hiện tượng thì có sự hỗn hợp.
Khái niệm về thứ nghiệp “không trắng không đen kết quả không đen không trắng” thường ít khi được hiểu chính xác, ngay cả đối với người Phật tử, vì người ta thường nghĩ là trong sự tu tập “công phu tạo nên công đức” mà công đức tương đồng với phước báu. Mặc dù Phật pháp có nói đến “phước vô lậu” nhưng cứu cánh giải thoát là vượt lên trên thiện ác, nghiệp quả.
Bài tiếp theo: Thiện Ác theo Nghiệp Báo
Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn