Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp | DUYÊN SINH - Những “chồng chéo” trong giáo lý duyên khởi

Monday, 14/11/2022, 18:45 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 14.11.2022


Phần II: Phật Pháp

DUYÊN SINH

Những “chồng chéo” trong giáo lý duyên khởi

Những rối rắm của giáo lý duyên khởi có thể nói nằm ở khái niệm “cakka”. Cakka có nghĩa là bánh xe, huyền cơ (bộ máy), quỹ đạo, chu kỳ. Sự tồn tại của pháp hữu vi giống như những thiên thể trong vũ trụ thường đi theo những quỹ đạo vần xoay. Do có nhiều phạm trù luân chuyển nên thứ tự của 12 mắt xích không phải là trình tự duy nhất mà phải hiểu đó là cách trình bày đơn cử dễ hiểu nhất. Sau đó là những liên hệ chồng chéo qua nhiều phương diện khác nhau.

Luân chuyển của thời gian. Nói tới thời gian phải nói tới quá khứ, hiện tại, tương lai. Quá khứ đã từng là tương lai, từng là hiện tại. Hiện tại và tương lai cũng vậy: đều đã là những thời điểm được gọi là sẽ xẩy ra, đang xẩy ra, và đã xẩy ra. Dù đưa ra luận điểm thế nào thì giáo lý duyên khởi vẫn có cơ sở được chia theo tam sinh:

Kiếp quá khứ gồm có vô minh và hành

Kiếp hiện tại gồm có thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, và hữu

Kiếp tương lai gồm có sanh và lão tử.

Luân chuyển nghiệp báo. Sự tạo tác hay nghiệp đưa đến quả dị thục tạo thành vòng xoay của nghiệp báo do sự kết nói của phiền não. Sự xoay vần nầy có ba cột mốc:

Phiền não luân (kilesavaṭṭa) gồm vô minh, ái, thủ

Nghiệp luân (kammavaṭṭa) gồm hành, hữu

Quả luân (vipākavaṭṭa) thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ

Luân chuyển của năng duyên sở duyên. Đây là lãnh vực tế nhị được đề cập chi tiết theo duyên hệ (paccayo) của Thắng Pháp Abhidhamma. Mỗi mắt xích trong 12 duyên sinh đều vừa là năng duyên vừa là sở duyên (trợ tạo và bị tạo). Định lý nầy kể luôn cả vô minh. Giáo lý duyên khởi không nói về “một khởi thủy tự sanh mà không có trợ tạo”. Chính vì vậy tất cả đều diễn ra trong vòng tròn tạo nên “bộ máy vĩnh cữu” (nếu không có sự can thiệp của tuệ giác giải thoát). Nên hiểu nguyên nhân và hệ quả không phải chỉ có nghiệp và quả dị thục của nghiệp mà còn có nhiều thứ năng duyên sở duyên khác thí dụ sự tương quan giữa thọ duyên ái ..v.v..

Luân chuyển của sự hiện hữu trong vòng sanh tử. Mỗi khoảnh khắc tồn tại của chúng sanh trong đời đều là sự hỗn hợp phức tạp của nhiều đầu mối như một bản nhạc giao hưởng. Phải nhận ra được kết cấu tế nhị nầy mới hiểu phần nào sự chồng chéo của thập nhị duyên khởi. Bản liệt kê sau đây cho thấy tánh cách phức tạp nầy:

A. Năm nhân quá khứ: vô minh, hành, ái, thủ, hữu

B. Năm quả hiện tại: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ

C. Năm nhân hiện tại: vô minh, hành, ái, thủ, hữu

D. Năm quả tương lai: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ (nằm giữa sanh và lão tử)

Bảng liệt kê trên được gọi là 20 thành tố (ākāra).

Phần tiếp theo: Áp dụng hiểu biết giáo lý duyên khởi vào sự tu tập

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn