- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 13.6.2022
Phần II: Phật Pháp
Đạo Đế (phần Chánh ngữ)
Đạo đế nói một cách ngắn gọn là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Kinh văn nêu rõ:
Idaṃ kho pana bhikkhave dukkhanirodhagāminī paṭipadā ariyasaccaṃ ayameva ariyo aṭṭhaṅgiko maggo seyyathīdaṃ: sammādiṭṭhi sammāsaṅkappo sammāvācā sammākammanto sammā’ājīvo sammāvāyāmo sammāsati sammāsamādhi.
Nầy các Tỳ khưu, đây là diệu đế về con đường dẫn đến diệt khổ: chính là thánh đạo tám chi phần tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.
Nên hiểu “đạo” là con đường đưa đến. Không nên hiểu khổ đau và hạnh phúc trong giáo lý tứ đế theo cách đối xứng. Khổ và nguyên nhân sanh khổ rất khác với sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ. Tập đế, tức ái dục, là nhân sanh ra khổ nhưng đạo đế không phải là cội nguồn của hạnh phúc mà là con đường dẫn đến Niết bàn giống như con đường dẫn tới ngọn núi chứ không phải là con đường “tạo nên” hòn núi. Sự tương quan giữa đạo đế và diệt đế không nằm trong định lý nhân duyên hay nhân quả.
Có hai cách dịch chữ ariya là “chánh” hay “thánh”. Mang ý nghĩa của sự vượt lên trên phàm tình. Không đơn thuần là chánh đạo theo quan niệm đối đãi hoặc là nếp sống của các bậc thánh mà là con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát.
Bát chánh đạo là “con đường đúng” gồm có tám chi phần chứ không phải là tám con đường chánh. Cấu trúc từ ngữ cho chữ Hán ở đây có thể bị ngộ nhận là có tám con đường đều dẫn đến mục tiêu tối hậu giống như cách nói “con đường nào cũng dẫn đến La Mã”. Ở đây hoàn toàn không phải là 8 con đường riêng rẽ mà là hành trình có 8 yếu tố hoà quyện.
Bát chánh đạo không phải là quan niệm luân lý mà là sự kết hợp của tám pháp thực tính hay bản thể. Nói đến chánh tà người ta thường nghĩ là khái niệm theo đạo đức. Ở đây phải được hiểu là “làm đúng cách”. Thí dụ như nấu cơm phải biết lửa và nước như thế nào mới có cơm ngon. Làm đúng cách thì kết quả tốt. Về điểm nầy Thắng Pháp Abhidhamma còn nêu rõ là “bát chi đạo có bản thể là 8 thuộc tánh (cetasika)” trong hành uẩn. Tám thuộc tánh nầy đối với phàm tâm thì không thể đồng sanh trong một sát na tâm nhưng một khi cùng lúc sanh khởi thì là tuệ giác đoạn tận hay giảm thiểu vĩnh viễn kiết sử”. Đây là pháp thực tính chứ không phải khái niệm của tư duy.
Con số “8” ở đây phải được hiểu là “ắt có và đủ”. Trong pháp số có trường hợp cố định và bất định. Trong trường hợp bất định thì con số có thể gia giảm thí dụ khi nói về cảm thọ có thể nói là 3 hay 5 hoặc nhiều hơn nữa. Có trường hợp cố định thì không thể thêm hay bớt. Bát chánh đạo là trường hợp cố định. Không thể là 7 hay là 9 hoặc khác hơn. Đây là điểm rất quan trọng người học Phật cần lưu tâm.
Chánh kiến là cái nhìn chính xác. Thí dụ một người khởi sự hành trình nhận rõ đường đi, điểm đến và tình trạng giao thông. Chánh kiến trong Phật Pháp được hiểu qua ba phương diện:
a. Chánh kiến là cái nhìn đối lập với tà kiến. Nói cách khác là không chấp thường kiến tiêu biểu như không chấp thủ đây là của ta, là ta, là tự ngã của ta và không chấp đoạn kiến cụ thể là không chấp sai lạc không có đời sau, không có các loại hoá sanh, hành vi thiện ác không có quả báo.
b. Chánh kiến là nhận thức các pháp hữu vi đều có ba đặc tính là hằng chuyển (vô thường), hệ luỵ (khổ não), vô chủ (vô ngã). Chấp thủ ngược lại là tà kiến.
c. Chánh kiến là cái nhìn thực tại qua hệ luận tứ đế: đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường dẫn tới diệt khổ.
Chánh kiến trong bát chánh đạo thuộc phạm trù thứ ba kể trên vì sự tương quan nhuần nhuyễn với bảy chi đạo còn lại.
Chánh tư duy là ý hướng hiền thiện trong suy nghĩ. Tâm thức với tập tánh cố hữu của chúng sanh luôn hướng đến cái gì đó. Ba tư duy được xem là đưa chúng sanh vào hệ luỵ là dục tư duy hay ý hướng di tìm những thứ thoả mãn thị hiếu; sân tư duy là ý hướng tập chú vào sự bất bình bực tức; hại tư duy là ý hướng gây phiền luỵ khổ đau cho chúng sanh do hiềm hận. Những ý hướng nầy luôn tồn tại hằng trong tâm tư chúng sanh trở thành tập tánh nhiều lâu đời. Tuy vậy không phải là không có cách hoán chuyển. Để huân tu chánh tư duy không phải chỉ “nói không” mà cần tích cực huân tu pháp đối trị. Ba pháp tích cực tạo nên chánh tư duy là:
a. Ly tham tư duy hay ý hướng buông xả. Là thường xuyên ý thức về “nguy hiểm nhiều hơn vị ngọt” đối với sự dính mắc. Đây chính là một trong những điểm tế nhị của người tu tập so với quan điểm thường tình. Có thể thí dụ như có rất nhiều người “ghiền” nước ngọt phải mất thời gian dài thay đổi để thật sự thoải mái với thức uống không đường.
b. Ly sân tư duy là ý hướng thân thiện từ mẫn. Đây là trạng thái của tâm từ. Thay vì soi mói tìm lỗi hay bất mãn điều nầy điều kia thì hàm dưỡng tâm hoà ái luôn mong mõi muôn loài được an lành.
c. Ly hận tư duy là ý hướng cảm thông bi mẫn. Đây là trạng thái của tâm bi. Tâm bi mẫn là sự cảm thông đủ sức hoá giải những gút mắc oán hận, thù nghịch. Tâm bi mẫn mong chúng sanh thoát khố đương nhiên không mong ai bị khổ.
Khi ba chánh tư duy kể trên được tu tập thuần thục sẽ cảm nhận được nội tâm nhẹ nhàng, ít bị chi phối. và ở trong trạng thái sẳn sàng cho những thiện pháp sanh khởi và tăng trưởng.
[Nội dung bài học ngày 13.6.2022]
Chánh ngữ là ngôn từ hiền thiện, không sai quấy. Sự biểu đạt qua ngôn ngữ là một phần quan trọng trong cuộc sống. Đa số nói năng theo thói quen mà không nhận ra cách sử dụng lợi nói ảnh hưởng sâu xa cuộc sống và sự tu tập. Chánh ngữ ở đây nên được hiểu là tất cả những gì được sử dụng để truyền thông dù là lời nói bằng miệng hay viết lách…
a. Trên phương diện kiêng tránh, chánh ngữ là không nói dối, không nói chia rẽ, không nói lời cay nghiệt, không nói lời nhảm nhí vô ích.
b. Trên phương diện huân tập lời nói tốt đẹp thì nên thường áp dụng 5 nguyên tắc: nói đúng thời, nói sự thật, nói với lời hoà nhã, nói điều lợi ích, nói với lòng từ
c. Trên phưong diện ý thức sự nguy hiểm của ngôn từ nên nhớ lời Phật dạy: Như Lai nói rằng người cố tình nói dối thì không có ác hạnh nào không làm được.
d. Người tu tập với dụng tâm tránh xa tà ngữ cũng là một cách thanh tịnh hoá bản thân như Phật ngôn trong Tăng chi bộ.
e. Người con Phật nên suy tư về chánh ngữ của Đức Phật: chỉ nói sự thật và chỉ nói sự thật liên hệ tới giải thoát giác ngộ.
Chánh ngữ không phải chỉ là đề tài lớn trong cuộc sống hằng ngày mà còn trong sự tu tập rất riêng tư và thậm chí là một chi đạo trong thời khắc tuệ giác bừng khai.
(còn tiếp)
Biên soạn: Tỳ khưu Giác Đẳng