Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật _ Bài 7. CHUYỂN PHÁP LUÂN

Monday, 20/09/2021, 19:06 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 20.9.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 7. CHUYỂN PHÁP LUÂN

Dhammacakkapavattana có nghĩa là chuyển Pháp luân. Dịch rõ hơn là khởi chuyển Pháp Luân có nghĩa là bánh xe pháp được khởi sự vận hành hay là thuyết bài pháp đầu tiên. Trong tất cả biểu tượng của các tôn giáo thì biểu tượng bánh xe (cakka) của Phật Pháp mang ý nghĩa đặc biệt. Bánh xe là phát minh quan trọng của nhân loại để sự vận chuyển dễ dàng hơn. Phật Pháp là phương tiện chuyển mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc. Bánh xe nói lên sự thực dụng và thực tiễn là bản sắc cố hữu của Phật Pháp. Giáo lý tứ đế mà Đức Phật giảng dạy trong Kinh Chuyển Pháp Luân hàm chứa toàn bộ tinh thần cốt tuỷ của giáo pháp xuyên suốt 45 năm hoằng pháp sau nầy. Người con Phật không thể không biết về tính cách quan trọng của bài pháp đầu tiên mang tên. Kinh Chuyển Pháp Luân.


Thỉnh Phật Chuyển Pháp Luân

Chuyển Pháp Luân là đại sự nhân duyên ở đời và phạm thiên Sahampati đã cung thỉnh Phật hoằng truyền giáo pháp. Tất cả sự kiện trọng đại trong đời của chư Phật toàn giác đều là đại sự nhân duyên biểu tỏ qua sự thỉnh cầu. Trong tuần lễ thứ bảy sau khi thành đạo Đức Thế Tôn tự hỏi chính mình “Pháp đã giác ngộ thật thâm sâu vi diệu, liệu chúng sanh nghe có lãnh hội được chăng?” Phạm thiên Sahampati đã đến bạch Phật về khả tính giác ngộ của chúng sanh và thỉnh cầu Đức Phật chuyển Pháp luân.

Thông điệp của hy vọng. Sau lời thỉnh cầu của phạm thiên Sahampati, Đức Thế Tôn dùng Phật nhãn quán sát thế gian. Ngài nhận thấy rằng chúng sanh ở đời giống như hoa sen: có những mầm còn trong bùn, có búp sen đã mọc lên trong nước, có hoa sen đã vươn khỏi mặt nước, cũng có hoa đã mãn khai hứng ánh sáng ban mai. Đó là cái nhìn và thông điệp của hy vọng.

Cánh cửa bất tử rộng mở cho những ai muốn nghe. Đó là hứa khả chuyển pháp luân của Đức Phật. Lời tuyên bố nầy mang hai ý nghĩa trọng đại một là cứu cánh vượt thoát sanh tử trầm luân; hai là chánh pháp độ người hữu duyên, hữu chí.

Đi đường dài chỉ để gieo duyên lành cho một người. Chư Phật toàn giác đều dùng thần lực siêu nhiên đi đến chỗ chuyển Pháp luân. Đức Phật Gotama là một ngoại lệ. Ngài khởi hành đi bộ tới Lộc Uyển từ Bodh Gaya. Trên đường đi Ngài gặp một du sĩ ngoại đạo tên Upaka. Nhìn thấy hảo tướng phi phàm của Đức Phật dụ sĩ nầy đã đến hỏi có phải Ngài là một tiên nhân? Khi nghe Đức Phật nói về chính Ngài là vị đoạn tận phiền não, hoàn toàn giải thoát thì Upaka chỉ ghi nhận mà nhất thời không phản ứng gì. Nhưng từ cuộc gặp gỡ sơ khai nầy đã khiến Upaka tìm đến Đức Phật tại Sāvatthī sau nầy để xin xuất gia và chứng đạo quả. Câu trả lời của Đức Phật cho Upaka thường được trích thuật rất nhiều trong các sách vỡ nhưng không xem là bài pháp đầu tiên.

Gặp lại năm đạo sĩ Kondañña với câu nói làm thay đổi thái độ. Từ Bodh Gaya, Đức Phật quyết định khai thị nhóm năm đaọ sĩ đã từng theo Ngài. Biết các vị đang ở Lộc Uyển gần Baranasi, Đức Phật đã đến đó và Ngài đã nói với họ về sự thành đạo của mình nhưng họ không tin. Cuối cùng Đức Thế Tôn hỏi: Trước đây có bao giờ các thầy nghe Như Lai nói như vậy chăng?. Câu hỏi đầy sức thuyết phục khiến họ chịu ngồi xuống lắng nghe giáo pháp.


Bài Pháp Đầu Tiên

Con đường trung đạo nhấn mạnh đến sự vừa phải không thái quá. Trong bài pháp đầu tiên Đức Thế Tôn dẫn nhập với sự nhấn mạnh đời sống tu tập cần tránh xa hai cực đoan là lợi dưỡng và khổ hạnh. Cả hai đều được thế gian ưa chuộng nhưng là cực đoan không dẫn đến tuệ giác.

Bốn sự thật vi diệu, hay tứ diệu đế, là nền tảng của giáo pháp mà người tu tập cần hiểu biết tường tận. Đó là sự thật về khổ, về nhân sanh khổ, về sự diệt khổ và con đường dẫn đến sự diệt khổ. Khổ đế là bản chất bất toàn của cuộc sống như sanh, già, bệnh, chết …v.v… vốn là những hệ luỵ mà chúng sanh trong đời không ai tránh khỏi. Tập đế là nguyên nhân của đau khổ chính là bản năng khao khát không bao giờ thoả mãn bên trong mỗi chúng sanh và do khát ái nầy là động lực đưa đẩy tạo nên bao hệ luỵ. Diệt đế sự dập tắt hoàn toàn khát ái hay niết bàn là cứu cánh thoát khổ. Đạo đế là con đường dẫn đến thoát khổ gồm tám chi phần: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

Sự lãnh hội và ứng dụng tứ đế được đề cập qua ba luân mười hai chuyển. Ba luân là pháp học, pháp hành và pháp thành. Ba luân áp dụng cho bốn đế thành mười hai chuyển: Đây là khổ đế; khổ đế cần được hiểu biết; khổ đế đã được hiểu biết; đây là tập đế; tập đế cần được đoạn diệt; tập đế đã được đoạn diệt; đây là diệt đế; diệt đế cần được chứng ngộ; diệt đế đã được chứng ngộ; đây là đạo đế; đạo đế cần được tu tập, diệt đế đã được tu tập.

Đức Phật không là Phật nếu Ngài không quán triệt tứ đế. Bốn sự thật vi diệu không phải là giáo thuyết của suy diễn mà là những gì được thực sự thấy biết, áp dụng và thực chứng trong cuộc sống của chính Ngài. Tất cả được kết tinh với giác ngộ và giải thoát hoàn toàn. Đức Thế Tôn khẳng định điều đó với thế giới nhân thiên và tuyên bố về sự chứng đắc vô thượng quả vị toàn giác.


Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkappavattana Sutta)

Như vầy tôi nghe

Một thời Thế Tôn ngự tại Lộc Uyển, ở I Si Pa Ta Na gần Ba Ra Na Si. Ðức Phật giảng cho năm thầy Tỳ kheo nghe như vầy:

Nầy các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà bậc xuất gia phải tránh: một là lợi dưỡng vốn hạ liệt, tục luỵ, phàm phu, không thánh thiện, không lợi lạc; hai là khổ hạnh cũng không thánh thiện, không lợi lạc lại khổ đau.

Từ bỏ hai cực đoan nầy, Như Lai thực hành Trung Ðạo chứng đạt pháp nhãn, tuệ giác, tịnh trí, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

Nầy các Tỳ kheo, Trung Ðạo đó là gì?

Chính là thánh đạo tám chi phần: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là thánh đạo được Như Lai liễu ngộ vơí pháp nhãn, tuệ giác, tịnh trí, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

Nầy các Tỳ kheo, đây là diệu đế về sự khổ: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu bi khổ ưu não là khổ, ghét phải gần là khổ, thương phải xa là khổ, muốn không được là khổ. Tóm lại năm thủ uẩn là khổ.

Nầy các Tỳ kheo, đây là diệu đế về nhân sanh khổ: khát ái dẫn đến tái sanh, cùng với hỷ và tham, tầm cầu dục lạc đó đây. Chính là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.

Nầy các Tỳ kheo, đây là diệu đế về diệt khổ: yểm ly đọan diệt các dục, chấm dứt hệ luỵ, không còn dư y, hoàn toàn giải thoát mọi thằng thúc.

Nầy các Tỳ kheo, đây là diệu đế về con đường dẫn đến diệt khổ: chính là thánh đạo tám chi phần tức chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

"Ðây là sự thật về khổ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Khổ đế cần được lãnh hội" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Khổ đế đã được lãnh hội" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Ðây là sự thật về nhân sanh khổ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Tập đế cần được đoạn diệt" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Tập đế đã được đoạn diệt" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Ðây là sự thật về diệt khổ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Diệt đế cần được chứng ngộ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Diệt đế đã được chứng ngộ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Ðây là sự thật về con đường diệt khổ" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Ðạo đế cần được tu tập" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

"Ðạo đế đã được tu tập" là điều mà Như Lai chưa từng được nghe nay khởi lên với sự thấy, biết, hiểu, xác chứng và thấu triệt.

Nầy các Tỳ kheo, cho đến khi nào bốn diệu đế nầy chưa được Như Lai hoàn toàn giác ngộ với ba luân, mười hai chuyển thì Như Lai không tự nhận cùng thiên giới, ma vương giới, phạm thiên giới, hội chúng sa môn, bà la môn, chư thiên và nhân loại rằng ta đã chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Nầy các Tỳ kheo, chính khi bốn diệu đế nầy được Như Lai hoàn toàn giác ngộ với ba luân, mười hai chuyển nên Như Lai tự nhận cùng thiên giới, ma vương giới, phạm thiên giới, hội chúng sa môn, bà la môn, chư thiên và nhân loại rằng ta đã chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Và nhận thức nầy khởi lên trong Như Lai: sự giải thoát của ta không lay chuyển. Ðây là kiếp chót, không còn luân hồi nữa.

Ðức Thế Tôn thuyết giảng như vậy, năm thầy Tỳ kheo hoan hỷ tín thọ. Khi pháp thoại nầy được tuyên thuyết, Tôn giả Kon Ðan Nha khởi sanh pháp nhãn thanh tịnh vô cấu hiểu rằng: phàm vật gì do nhân tập khởi tất cả pháp ấy đều bị hoại diệt.

Khi đức Phật chuyển Pháp luân nầy thì chư thiên trên địa cầu reo mừng: Pháp luân vi diệu! Những điều nầy chưa bao giờ được giảng dạy bởi bất cứ ai dù là sa môn, bà la môn, chư thiên, ma vương, phạm thiên nay được Thế Tôn tuyên thuyết tại Lộc Uyển, ở I Si Pa Ta Na gần Ba Ra Na Si.

Ðược nghe vậy chư thiên cõi tứ thiên vương, đạo lợi, dạ ma, đấu suất, hoá lạc, tha hoá tự tại cùng các cõi phạm thiên đồng thanh vui mừng.

Trong phút chốc cả mười ngàn thế giới chấn động. Một hào quang vô lượng vượt xa hào quang của chư thiên chiếu diệu cùng khắp thế giới. Ngay khi ấy đức Phật lên tiếng: Kon Ðan Nha đã liễu ngộ, Kon Ðan Nha đã liễu ngộ. Từ ấy Tôn giả Kon Ðan Nha được gọi là An Nha Kon Ðan Nha. (lạy)

Dịch giả: Tỳ kheo Giác Đẳng


Ba Ngôi Báu

Ở cuối bài pháp đầu tiên Đức Thế Tôn tuyên bố Kondañña đã chứng ngộ. Đây là sự xác nhận bằng sự biết rõ của Phật trí đối với vị đệ tử giác ngộ đầu tiên trong giáo pháp. Từ đó vị tôn giả nầy được biết với tên gọi Aññakondañña (A nhã kiều trần như) có nghĩa là Kiều Trần Như Người Tỏ Ngộ.

Ngay sau đó Đức Phật chính thức cho nhóm năm thầy Kondañña thọ đại giới chính thức là những tỳ kheo đệ tử Phật như vậy là sự ra đời tròn đủ của Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo) tại Lộc Uyển, Isipatana. Sau đó không lâu bà Sujātā và chồng trên đường đi tìm người con trai tên Yasa đã gặp Đức Phật, cũng tại Lộc Uyển. Họ trở thành hai đệ tử cư sĩ đầu tiên trong giáo pháp và cả hai đều chứng quả tu đà huờn.

Tại Lộc Uyển, Isipatana, Đức Phật an cư mùa hạ đầu tiên. Kinh Chuyển Pháp Luân được thuyết vào ngày rằm tháng Āsāḷha tương đương với ngày trăng tròn tháng sáu âm lịch theo lịch Việt Nam. Và Đức Thế Tôn cùng chư đệ tử lưu lại đây ba tháng.

Lời kêu gọi hoằng hoá giáo pháp

Trong ba tháng an cư, Đức Phật đã khai thị tổng cộng sáu mươi đệ tử xuất gia. Con số nầy gồm 5 tỳ kheo nhóm Kondañña, tỳ kheo Yasa và 54 người bạn thân. Tất cả đều là những cá nhân ưu tú, trí thức, xuất thân cao quý. Cả 60 vị đệ tử đầu tiên nầy đều chứng quả vị ứng cúng A la hán.

Cuối mùa mưa năm đó Đức Phật đã đưa ra lời kêu gọi:

"Này hỡi các Tỳ Khưu, Như Lai đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay các cảnh Trời.

"Các con cũng vậy, này hỡi các Tỳ Khưu, các con cũng đã thoát ra khỏi mọi trói buộc, dầu ở cảnh người hay các cảnh Trời.

"Hãy ra đi, các Tỳ Khưu, đem sự tốt đẹp lại cho nhiều người, đem hạnh phúc đến nhiều người. vì lòng từ bi, hãy đem sự tốt đẹp, lợi ích và hạnh phúc lại cho chư Thiên và nhân loại. Mỗi người hãy đi một ngã. Này hỡi các Tỳ Khưu, hãy hoằng dương Giáo Pháp, toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn cuối cùng, toàn hảo trong cả hai, tinh thần và văn tự. Hãy công bố đời sống thiêng liêng cao thượng, toàn thiện và thanh tịnh.

Có những chúng sanh còn vướng ít nhiều cát bụi trong mắt và nếu không nghe được Giáo Pháp sẽ sa đọa. Cũng có những người sẽ am hiểu Giáo Pháp.

Chính Như Lai cũng đi. Như Lai sẽ đi về hướng Uruvela ở Senanigama để hoằng dương Giáo Pháp.

Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí. Hãy truyền dạy Giáo Pháp cao siêu. Hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác. Được vậy, là các con đã hoàn tất nhiệm vụ". (Trích Đức Phật và Phật Pháp - bản dịch của Phạm Kim Khánh)

Đó là thông điệp kêu gọi xiển dương giáo pháp của Bậc Đạo Sư.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng