- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 13.9.2021
Phần I. Đức Phật
Bài 6. VIÊN THÀNH CHÁNH GIÁC
Những gì được ghi lại về sự chứng đắc quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác của Đức Thế Tôn và những tuần lễ ngay sau đó tương đối có nhiều chi tiết rõ ràng. Nhưng với phần đông Phật tử lại học hiểu hay quan niệm không chính xác với lịch sử. Không giống với những bậc thinh văn đệ tử, đêm thành đạo của Đức Thế Tôn khởi đầu là thể nhập tam muội định rồi quán chiếu rõ nét quá trình trầm luân sanh tử cho tới khi tuệ giác tối thượng bừng khởi. Những tuần lễ sau đó của Đức Thế Tôn cũng ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng. Một điểm nên lưu ý là người ta thường đề cập đến những chi tiết phụ thuộc trong lúc điểm chính yếu ít khi được nhắc và nhớ.
Ngày Rằm Tháng Vesak
Ngày Đức Thế Tôn thành đạo cũng là ngày rằm tháng Vesak. Sáng hôm đó Ngài ngồi trầm tư dưới cội cây ajapāla với sự sung mãn thể lực và nội tâm sau thời gian từ bỏ khổ hạnh và lựa chọn con đường trung đạo.
Một thiếu phụ tên Sujatā mang lễ phẩm đến cội cây để cúng thọ thần đã gặp Đức Bồ Tát và phát tâm cúng dường cơm đề hồ. Đó là bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng. Ngài đã thọ thực và sau đó nhiều tuần lễ không ăn uống gì khác.
Rời cội cây ajapāla Đức Bồ Tát quyết định băng ngang dòng sông cạn Nirañja để đến khu rừng bên kia sông. Một người ba la môn gặp Ngài bên bờ sông đã cúng dường ba bó cỏ tranh. Ngài mang những cỏ tranh nầy đi ngang dòng sông cạn đến một khu rừng hoang dã bên kia và chọn một chỗ tĩnh toạ dưới cội cây. Về sau nầy cội cây được gọi là bodhi (cây bồ đề) vì dưới tàng cây nầy Ngài chứng thành Phật quả vô thượng.
Đêm Thành Đạo
Khi ánh trăng rằm khởi sáng trong đêm cũng là lúc Đức Bồ Tát thể nhập vào thiền chứng tam muội định ở mức độ xả niệm thanh tịnh và thành tựu tuệ giác đầu tiên là túc mạng minh. Với tuệ giác siêu việt nầy Ngài nhớ lại rất nhiều kiếp quá khứ với đầy đủ chi tiết về danh tánh, gia thế, sở hành. Hành trình sanh tử trầm luân trãi qua bao kiếp sống hiện rõ trong tâm tư của Ngài như một bức tranh đặt ngay trong tầm mắt có thể nhìn bất cứ phần nào với đầy đủ chi tiết.
Từ sự nhớ biết quá khứ của túc mạng minh kéo dài trong canh đầu Ngài nhận ra những đầu mối nhân quả của cuộc trầm luân. Những hiện tượng khổ vui trong cuộc sống không là những mảng rời rạc mà là sự liên đới chằng chịt của nhân quả dù khác biệt thời gian, không gian. Không có gì xảy ra trong cuộc sống là ngẫu nhiên tình cờ hay bí mật dưới ánh sáng của tuệ giác quán chiếu được gọi là sanh tử minh. Thời gian Ngài thể nhập sanh tử minh kéo dài trọn canh hai.
Từ sự bừng khai của sanh tử minh Đức Bồ Tát đã quán sâu vào nguyên nhân của sự khổ là phiền não nội tại. Ngài nhận ra vai trò tạo tác của khát ái (tanhā) và sự mù quáng của vô minh (avijjā) trong tiến trình duyên khởi. Không còn chút mảy may hoang tưởng nào đối với thực tại; tất cả phiền não thô tế bị xua tan, tận diệt ngay cả những tập khí tế nhị nhất. Tâm trí Ngài hoàn toàn mới với nhất thiết chủng trí. Đó là giai đoạn thể nhập lậu tận minh trong canh ba.
Khi sao mai vừa mọc Bậc Đại Sĩ viên thành quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác. Ngài tự mình đại ngộ và tự thân biết rõ những gì đã thành tựu. Chính Đức Phật ngay sau khi ba canh thể nhập tam minh đã thốt lên lời nầy:
"Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi, đi mãi.
Như Lai mãi đi tìm mà không gặp, Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này.
Lặp đi lặp lại đời sống quả thật là phiền muộn.
Này hỡi người thợ làm nhà,
Như Lai đi tìm được ngươi.
Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa.
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Cây đòn dong của ngươi dựng lên cũng bị phá tan.
Như Lai đã chứng nghiệm Quả Vô Sanh Bất Diệt và Như Lai đã tận diệt mọi Ái Dục".
(Kinh Pháp Cú câu 153, 154. Bản dịch Việt của Phạm Kim Khánh)
Bảy tuần lễ sau khi chứng thành Phật quả
Sau khi thành đạo Đức Thế Tôn đã lưu tại chung quanh cội bồ đề ngoại trừ tuần thứ năm và tuần thứ sáu. Ngài là bậc toàn giác nên hành trạng rất khác biệt so với các bậc thánh khác.
Tuần lễ đầu tiên Đức Thế Tôn tĩnh toạ bất động suốt bảy ngày thể nghiệm quả vị giải thoát (Vimutti Sukha). Trong ngày cuối cùng của tuần lễ nầy Ngài quán chiếu định lý duyên khởi.
Trong tuần lễ thứ nhì Đức Thiện Thệ đã đứng nhìn cội cây bồ đề không chớp mắt. Ngài Narada viết về khoảng thời gian nầy với những dòng chữ sau: “Trong sự yên lặng ấy Đức Phật đã ban truyền cho thế gian một bài học luân lý quan trọng. Để tỏ lòng tri ân sâu xa đối với cây Bồ Đề vô tri vô giác đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thành đạt Đạo Quả. (Đức Phật Và Phật Pháp - bản dịch của Phạm Kim Khánh)
Trong tuần lễ thứ ba Đức Thế Tôn đi kinh hành suốt bảy ngày trên con đường do Ngài hoá hiện (ratana caṇkamana). Ngài làm vậy vì đọc được tâm của chư thiên thắc mắc không biết Ngài đã viên thành Phật quả hay chưa.
Trong tuần lễ thứ tư, Đức Phật ngự trong "bảo cung" (ratanaghara) hay “pháp lâu” để quán chiếu về duyên hệ. Đây là tinh yếu của Thắng Pháp Abhidhamma sau nầy được ghi lại trong bộ Patthana. Khi quán sát kết cấu tinh vi nầy từ châu thân Phật phát sáng hào quang sáu màu. Tất cả hiện tượng pháp giới như một lâu đài vĩ đại mà Đức Thế Tôn đi lại với sự tinh tường mọi ngõ ngách vì Ngài thấu triệt định lý duyên hệ.
Trong tuần thứ năm, Đức Phật rời cội bồ đề đến tĩnh toạ dưới tàng cây ajapāla bên kia giòng sông nơi Ngài đã nhận sự cúng dường của Sujatā trước đêm thành đạo. Trong tuần lễ nầy người đầu tiên gặp Ngài là một ông bà la môn đến nêu lên câu hỏi thế nào là một phạm chí thực sự. Đức Phật dạy đó là người đã đoạn tận phiền não nội tại. Trong tuần lễ nầy có ba thiên ma là Tanha, Arati và Raga đến để tìm cách gợi lên những phiền não nơi Ngài. Tất nhiên không có gì có thể khiến tâm tư của một vị Phật uế nhiễm được.
Trong tuần lễ thứ sáu Đức Thế Tôn đến một bờ hồ tĩnh toạ. Mưa dông liên tục nhiều ngày nhưng Ngài vẫn vô sự vì long vương Mucalinda dùng thân che chắn giữ khô ráo cho Ngài suốt thời gian nầy. Tuần lễ kết thúc với sự khai thị của Đấng Thiên Nhân Sư dành cho long vương.
Trong tuần lễ thứ bảy, Đức Phật trở lại khu vực gần cây bồ đề và ngồi dưới cội cây Rajayatana và thể nghiệm hạnh phúc giải thoát. Cuối thời gian nầy có hai sự kiện được ghi nhận. Trước hết là hai thương buôn Tapassu và Bhallika từ Ukkala đến đảnh lễ và cúng dường bữa ăn đầu tiên sau khi Đức Thế Tôn thành đạo. Cũng trong tuần lễ nầy phạm thiên Sahampati đã cầu thỉnh Phật chuyển pháp luân độ đời.
Vài điểm thường ngộ nhận chung quanh thời gian thành đạo
Câu chuyện cúng dường cơm sữa đề hồ có những điều thường hiểu sai. Bà Sujatā xuất thân từ ngôi làng gần cội bồ đề vốn có lời khấn nguyện khi còn là một thiếu nữ mong cầu một hôn nhân viên mãn và đã đắc kỳ sở nguyện. Khi đứa con trai, sau nầy là tôn giả Yasa, đã thành nhân bà đã trở về cố hương để tạ lễ. Bấy giờ là một phu nhân đứng tuổi không còn là thiếu nữ. Bà chuẩn bị thực phẩm tinh khiết thượng vị với ý định cúng thọ thần để trả lễ nhưng khi gặp Đức Bồ Tát phát tâm kính ngưỡng cúng dường chứ không phải lầm tưởng đó là thọ thần. Bà là người hữu duyên cúng dường trước đêm thành đạo chứ không phải sau khi Bồ Tát từ bỏ khổ hạnh. Lúc bấy giờ Đức Bồ Tát đã hoàn toàn hồi phục thể lực. Đức Bồ Tát đã thọ thực đầy đủ chứ không giữ lại “49 vắt cơm để ăn trong bảy tuần lễ sau đó”. Bà Sujatā là một người đại diễm phúc vì đời sống thiếu thời sung túc, có hôn nhân viên mãn, được cúng dường bữa cơm trước khi Bậc Đại Giác thành đạo, là người cư sĩ đầu tiên quy y tam bảo và là đệ tử cư sĩ đầu tiên chứng thánh quả tu đà huờn.
Đức Thế Tôn không tu 49 ngày mới đắc đạo như nhiều người thường nói mà những gì được ghi lại là bảy tuần lễ sau ngày thành đạo.
Đức Thế Tôn sau ba canh quán chiếu bằng tam minh đã viên thành Phật quả toàn giác khi sao mai vừa mọc. Điều nầy có nghĩa là Ngài chứng đạt nhất thiết chủng trí ở canh cuối chứ không phải đầu hôm.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng