Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần I. Đức Phật - Bài 21. CON NHÀ TÔNG - Phần IV (tiếp theo)

Monday, 24/01/2022, 18:55 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 24.01.2022


Phần I. Đức Phật

Bài 21. CON NHÀ TÔNG … Phần IV (tiếp theo)

Đức Thế Tôn ra đời mang ánh sáng giác ngộ giải thoát đến muôn loài chúng sanh. Những đệ tử đã lãnh hội và thành tựu được sự chuyển hoá kỳ diệu có thể nói là vô số. Trong những vị nầy đã có nhiều thể hiện cho thấy sự trưởng thành thật sự trong giáo pháp và góp phần hoằng hoá lợi sanh. Mặc dù khả năng hữu hạn so với bậc Đạo Sư nhưng con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Những giai thoại về các đệ tử Phật cho thấy sự vô uý khi tuyên thuyết chánh pháp; hiệu năng khai thị dù người thuyết giáo xuất thân tầm thường. Tất cả đã ghi lại một thời hoàng kim của chánh pháp khi giá trị của chân lý vượt qua tất cả hạn cuộc của giai cấp, giới tính, giàu nghèo. Hiểu biết về các đệ tử cũng là sự cảm nhận tánh cách cao cả về sự ra đời của một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.


Sống Với Sự Hiểu Biết

Nghe nhiều hiểu rộng mà không ứng dụng được trong cuộc sống thực thế thì chỉ là con mọt sách. Một kẻ sĩ hay một người trí thức đúng nghĩa không phải chỉ có kiến văn quảng bác mà còn sống lợi lạc cho bản thân và nhân quần. Một người có tài trí mà đủ khả năng sống ung dung giữa đảo điên của thời thế quả là hiếm có mà sống nhiêu ích cả hai phương diện đời lẫn đạo thật khó tìm ở đời.

Bác sĩ y khoa Jīvaka là một y sĩ thiên tài lưu danh vạn đại lại là một đệ tử Phật thâm tín Tam Bảo. Là con nuôi của vương gia và được đào tạo thành một đệ nhất thần y. Là thái y cả hai đời vua Bimbisāra và vua Ajātasattu ông có thường giải quyết những trường hợp rất tế nhị. Giai thoại về sự hướng dẫn vua Ajātasattu trở thành một Phật tử để lại những ý nghĩa rất đẹp vai trò của một cư sĩ thời Phật trụ thế.

Đoạn kinh sau đây ghi lại một sự kiện thay đổi một con người, một khúc quanh lịch sử:

Lúc bấy giờ Ajātasattu (A-xà-thế) con bà Vihehi (Vi-đề-hi) vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà) nhân lễ Bố Tát vào ngày rằm tháng tư Komudi (cây súng) đang ngồi trên lầu cao trang nghiêm, chung quanh có nhiều đại thần hầu hạ. Lúc bấy giờ Ajātasattu con bà Videhi, vua xứ Magadha, nhân ngày Bố Tát cảm hứng nói rằng: "Thật khả ái thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật diễm lệ thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật mỹ miều thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật êm dịu thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Thật điềm lành thay, này các khanh, đêm rằm sáng trăng! Nay chúng ta nên đến chiêm bái vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, nhờ sự chiêm bái này tâm chúng ta được tịnh tín?". Khi nghe nói vậy, một đại thần tâu với Ajātasattu, con bà Videhi vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Pūrana Kassapa (Phú-la Ca-diếp) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Pùrana Kassapa này. Chiêm bái Pùrana Kassapa có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

3. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Makkhali Gosāla (Mặc-già-lê Cù-xá-lợi) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương chiêm bái Makkhali Gosāla này. Chiêm bái vị Makkhali Gosāla có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy. Ajātasattu, con bà Videhi vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

4. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Ajita Kesakambāli (A-kỳ-đa Kỳ-xá-khâm-bà-la) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Ajita Kesakambāli này. Chiêm bái Ajita Kesakambāli có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

5. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Pakudha Kaccāyana (Bà-phù-đà Ca-chiên-nê) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Pakudha Kaccāyana này. Chiêm bái Pakudha Kaccayāna này có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy. Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

6. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Sañjaya Belaṭṭhiputta (Tán-nhã-di Tỳ-la-phê-phất) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Sañjaya Belaṭṭhiputta này. Chiêm bái Sañjaya Belaṭṭhiputta này có thể khiến tâm Ðại vương tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

7. Lại một đại thần khác tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, có Nigantha Nātaputta (Ni-kiền-tử) là vị hội chủ, vị giáo trưởng, vị sư trưởng giáo hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ giáo phái, được quần chúng tôn sùng, dồi dào kinh nghiệm lâu ngày, xuất gia đã lâu năm, đã đến tuổi trưởng thượng. Mong Ðại vương đến chiêm bái Nigantha Nātaputta này. Chiêm bái Nigantha Nātaputta có thể khiến tâm Ðại vương được tịnh tín". Khi nghe nói vậy, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha yên lặng không nói gì.

8. Lúc bấy giờ Jīvaka Komārabhacca ngồi yên lặng cách Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha không xa bao nhiêu. Khi ấy Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, nói với Jīvaka Komārabhacca:

- Này khanh Jīvaka, sao ngươi lại yên lặng như vậy?

- Tâu Ðại vương, chính tại vườn xoài này của chúng con, có Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, hiện đang trú ngụ với đại chúng Tỷ-kheo một nghìn hai trăm năm mươi vị. Thế Tôn Gotama có tiếng đồn tốt đẹp sau đây lan rộng: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn". Ðại vương hãy đến chiêm bái Thế Tôn này. Rất có thể, nhờ chiêm bái Thế Tôn, tâm của Ðại vương được tịnh tín.

- Vậy khanh Jīvaka, hãy cho thắng kiệu voi.

- Vâng, tâu Ðại vương.

9. Jīvaka Komārabhacca vâng theo lời dạy của Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, sai người thắng năm trăm con voi cái, và con vương tượng vua thường cởi, rồi tâu với Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha: "Tâu Ðại vương, các kiệu voi đã sẵn sàng. Ngài hãy làm những gì Ngài xem là phải thời". Khi bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha biểu các cung phi leo lên năm trăm con voi cái mỗi người một con, còn mình thì leo lên vương tượng vua thường cởi, xuất hành ra khỏi Ràjagaha, dưới ánh sáng của các ngọn đuốc được cầm cao, với oai nghi của bậc đại vương, thẳng tiến đến vườn xoài của Jīvaka Komārabhacca.

10. Khi Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha đi đến không xa vườn xoài, ngài bỗng sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên. Lúc bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha sợ hãi, kinh hoàng, tóc dựng lên, nói với Jīvaka Komārabhacca:

- Này khanh Jīvaka, người phản ta chăng? Này khanh Jīvaka, người lường gạt ta chăng? Này khanh Jīvaka, ngươi nạp ta cho kẻ thù chăng? Tại sao trong một đại chúng lớn như thế này gần một nghìn hai trăm năm mươi vị, mà không có một tiếng đằng hắng, không có một tiếng ho, không một tiếng ồn?

- Tâu Ðại vương, thần không phản lại Ngài, thần không lường gạt Ngài, tâu Ðại vương, thần không nạp Ngài cho kẻ thù, tâu Ðại Vương, hãy đi thẳng tới; tâu Ðại vương hãy đi thẳng tới. Tại chỗ kia trong căn nhà tròn chỗ có những ngọn đèn đang thắp sáng.

11. Lúc bấy giờ, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha đi cho đến chỗ voi có thể đi được, rồi xuống voi đi đến cửa căn nhà tròn. Khi đến nơi liền nói với Jìvaka Komàrabhacca:

- Này khanh Jīvaka, Thế Tôn ở tại đâu?

- Tâu Ðại vương, vị ấy là Thế Tôn. Tâu Ðại vương, Thế Tôn ngồi dựa vào cột chính giữa, mặt hướng phía Nam, ngồi trước mặt chúng Tỷ-kheo.

12. Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha liền tiến đến chỗ Thế Tôn. Khi đến rồi, vua đứng một bên. Sau đi đứng một bên, Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha nhìn khắp chúng Tỷ-kheo đang yên lặng an tịnh như một hồ nước trong, cảm hứng nói rằng: "Mong hoàng tử Udāyibhadda (Ưu-đà-di-bạt-đà) cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của các vị Tỷ-kheo này vậy".

- Ðại vương, hình như tâm trí của Ðại vương nặng nhiều về tình thương thì phải?

- Bạch Thế Tôn, con thương hoàng tử Udàyibhadda rất nhiều. Mong rằng hoàng tử Udāyibhadda cũng được sự trầm lặng như sự trầm lặng của chúng Tỷ-kheo này vậy.

13. Lúc bấy giờ Ajātasattu, con bà Videhi, vua nước Magadha, đảnh lễ Thế Tôn, chấp tay vái chào chúng Tỷ-kheo, và ngồi xuống một bên.

Trích Trường Bộ, Kinh Sa Môn Quả

Bản dịch của HT Thích Minh Châu


Sống Tích Cực

Bản chất tự nhiên của cuộc sống là vui ít khổ nhiều thế nhưng với người có cái nhìn tích cực thì nghịch cảnh hoá thuận duyên. Ngoại cảnh buồn vui là một lẽ mà thái độ phản ứng riêng của mỗi người khiến sự việc xoay chiều. Đức Phật dạy nhiều về thái độ tích cực qua thuật ngữ “khéo tác ý – yoniso manasikāra”.

Tôn giả Punna – Phú Lâu Na – là một đệ tử xuất gia của Đức Thế Tôn được biết nhiều qua thái độ tích cực trong hạnh nguyện hoằng pháp lợi sinh. Vị tôn giả nầy xin phép Đức Phật sang Miến Điện để hoằng hoá. Những gì được nhắc lại trong cuộc diện kiến nầy của tôn giả để lại một hình ảnh cho nhiều thế hệ mai hậu về tinh thần tích cực trong cuộc sống cũng như sự phụng sự.

Câu chuyện một đệ tử Phật dấn thân hoằng hoá với tinh thần tích cực:

145. Kinh Giáo giới Phú-lâu-na (Punnovāda sutta)

Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà-Lâm), tại tịnh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc).

Rồi Tôn giả Punna (Phú-lâu-na), vào buổi chiều, từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Punna bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, tốt lành thay nếu Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt cho con, để con có thể, sau khi nghe Thế Tôn, sống một mình, nhàn tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

-- Vậy này Punna, hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Tôn giả Punna vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

-- Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy, thời do hoan hỷ tán thưởng, chấp thủ và an trú, dục hỷ sanh; và này Punna, Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ. Này Punna, có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức; có những vị do lưỡi nhận thức; có những cảm xúc do thân nhận thức; có những pháp do ý nhận thức; khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú trong ấy, thời do hoan hỷ, tán thưởng, chấp thủ và an trú tham đắm, dục hỷ sanh; và này Punna. Ta nói rằng, từ sự tập khởi của dục hỷ, là sự tập khởi của khổ.

Này Punna, có những sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả lạc, khả hỷ, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Punna, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ. Này Punna, có những tiếng do tai nhận thức; có những hương do mũi nhận thức; có những vị do lưỡi nhận thức; có những cảm xúc do thân nhận thức; có những pháp do ý nhận thức, khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu Tỷ-kheo không hoan hỷ, không tán thưởng, không chấp thủ và an trú, thời dục hỷ diệt. Này Punna, Ta nói rằng, từ sự diệt tận dục hỷ là sự diệt tận đau khổ.

Này Punna, Ông sẽ sống ở quốc độ nào, nay Ông đã được Ta giáo giới với lời giáo giới vắn tắt?

-- Bạch Thế Tôn, nay con đã được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt, có một quốc độ tên là Sunaparanta (Tây Phương Du-na Quốc), con sẽ sống tại đấy.

-- Này Punna, người nước Sunaparanta là hung bạo. Này Punna, người nước Sunaparanta là thô ác. Này Punna, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc Ông, nhục mạ Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ như thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunaparanta mắng nhiếc con, nhục mạ con, thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: "Thật là hiền thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ như thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy tay đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: ""Thật là thiện, người nước Sunaparanta này! Thật là chí thiện, người nước Sunaparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy! Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunapa ranta lấy các cục đất ném đánh Ông, thời này Punna, tại đấy Ông sẽ nghĩ thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy cục đất ném đánh con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: "Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy gậy đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: "Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunapa ranta lấy dao đánh đập Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao đánh đập con; thời tại đấy, con sẽ nghĩ như sau: "Thật là hiền thiện, các người nước Sunaparanta! Thật là chí thiện, các người nước Sunaparanta! Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.

-- Nhưng này Punna, nếu các người nước Sunaparanta lấy dao sắc bén đoạt hại mạng Ông, thời này Punna, tại đấy Ông nghĩ thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, nếu các người nước Sunapa ranta sẽ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng con; thời tại đấy con sẽ nghĩ như sau: "Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy". Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy. Bạch Thiện Thệ, tại đấy, con sẽ nghĩ như vậy.

-- Lành thay, lành thay, này Punna! Này Punna, Ông có thể sống trong nước Sunaparanta, khi Ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Punna, Ông nay hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Tôn giả Punna, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, dọn dẹp sàng tọa, lấy y bát, rồi ra đi, đi đến nước Sunaparanta. Tiếp tục du hành, Tôn giả Punna đi đến nước Sunaparanta. Tại đây, Tôn giả Punna sống trong nước Sunaparanta. Rồi Tôn giả Punna nội trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp được khoảng năm trăm nam cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, nhiếp độ khoảng năm trăm nữ cư sĩ; cũng trong mùa an cư mùa mưa ấy, chứng được Tam minh. Sau một thời gian, Tôn giả Punna mệnh chung.

Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thiện nam tử Punna ấy, sau khi được Thế Tôn giáo giới với bài giáo giới vắn tắt đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Ðời sau của vị ấy là thế nào?

-- Này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử Punna là bậc Hiền trí. Vị ấy thực hành pháp và tùy pháp. Vị ấy không phiền nhiễu Ta với những câu hỏi về pháp. Này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử Punna đã nhập Niết-bàn.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Trích Trung Bộ, Kinh Phú Lâu Na

Bản dịch của HT Thích Minh Châu


Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng