- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 20.12.2021
Phần I. Đức Phật
Bài 18. CON NHÀ TÔNG … Phần I
Đức Thế Tôn ra đời mang ánh sáng giác ngộ giải thoát đến muôn loài chúng sanh. Những đệ tử đã lãnh hội và thành tựu được sự chuyển hoá kỳ diệu có thể nói là vô số. Trong những vị nầy đã có nhiều thể hiện cho thấy sự trưởng thành thật sự trong giáo pháp và góp phần hoằng hoá lợi sanh. Mặc dù khả năng hữu hạn so với bậc Đạo Sư nhưng con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Những giai thoại về các đệ tử Phật cho thấy sự vô uý khi tuyên thuyết chánh pháp; hiệu năng khai thị dù người thuyết giáo xuất thân tầm thường. Tất cả đã ghi lại một thời hoàng kim của chánh pháp khi giá trị của chân lý vượt qua tất cả hạn cuộc của giai cấp, giới tính, giàu nghèo. Hiểu biết về các đệ tử cũng là sự cảm nhận tánh cách cao cả về sự ra đời của một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.
Trung ngôn mà không nghịch nhĩ
Những lời nói đẹp không nhất thiết thuận tai. Đối với một xã hội có quá nhiều tập quán tín ngưỡng lâu đời thì đa số những hành trì thuộc giới cấm thủ hay là những hũ tục duy trì bởi niềm tin mù quáng. Mặc dù vậy vì được phần đông trong xã hội chấp nhận và trân trọng nên người ta vẫn thường tin vào những gì xưa bày nay làm là chân lý. Những lời nói thẳng về sự vô bổ của các lề thói tín ngưỡng dân gian thường tạo nên va chạm lớn trong xã hội.
Punnikā là một thiếu nữ thuộc giai cấp cùng đinh lại dám nói với một vị bà la môn về nghi thức tác tịnh bằng cách tắm sông thiêng. Sự thấp kém về giai cấp, giới tính cộng thêm sự va chạm nặng với một tín lý tôn giáo cố hữu quả thật không dễ dàng để một thiếu nữ tầm thường phê phán. Nhưng là đệ tử Phật lại là một bậc thánh sơ quả, Punnikā đã khẳng khái nói lên sự thật. Lời nói thật ấy lại có một hiệu năng chuyển hoá nhiệm mầu.
Bài kinh sau đây thuật lại câu chuyện thiếu nữ xuất thân cùng đinh đã cảm hoá vị bà la môn đang thực hành tín lý tác tịnh bằng nước sông:
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sāvatthi, trong gia đình ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc) con gái của một người nô lệ. Nàng chứng được quả Dự lưu khi nghe kinh Sư tử hống (Trung Bộ Kinh, kinh số 11 hay 12). Về sau, sau khi nàng hóa độ được một Bà-la-môn tin tưởng nhờ nước làm cho thanh tịnh:
237. Hỡi này Bà-la-môn,
Ngươi sợ hãi vì ai?
Luôn luôn xuống dòng nước,
Tay chân run cầm cập.
Ngươi phải chịu cảm thọ,
Rét lạnh quá độ vậy?
238. Và nàng có biết chăng
Hỡi này Punnikà?
Sao nàng lại đến hỏi
Vị làm các nghiệp lành,
Vị đã chận đứng lại,
Các nghiệp ác bất thiện.
239. Vị ấy già hay trẻ,
Làm các nghiệp ác độc,
Người ấy nhờ rảy nước,
Ðược giải thoát ác nghiệp.
240. Ai nói với ngươi vậy,
Kẻ ngu với kẻ ngu,
Người tin nhờ rảy nước,
Ðược giải thoát ác nghiệp.
241. Tất cả những ếch, rùa,
Sẽ được lên cõi trời,
Cùng các rắn cá sấu,
Và các thủy vậy khác.
242. Kẻ giết bò giết heo,
Kẻ đánh cá sanh thú,
Các kẻ cướp giết người,
Các người làm ác khác,
Họ nhờ có rảy nước,
Có thể thoát ác nghiệp.
243. Nếu những con sông này,
Có thể làm trôi mất,
Ác nghiệp xưa ngươi làm,
Chúng cũng làm trôi luôn,
Các thiện nghiệp ngươi làm,
Khiến ngươi thành rỗng không.
244. Phạm chí vì cái gì,
Ngươi sợ phải xuống nước,
Cái ấy chớ có làm,
Chớ để lạnh hại da.
245. Ta đi theo tà đạo,
Nàng hướng ta Thánh đạo,
Thưa nàng ta cho nàng,
Cái áo thấm nước này.
246. Ngươi giữ cái áo lại,
Ta không muốn cái áo!
Nếu ngươi sợ đau khổ,
Nếu ngươi không thích khổ.
247. Chớ làm các điều ác,
Công khai hay kín đáo,
Nếu ngươi làm sẽ làm,
Làm các điều ác nghiệp.
248. Ngươi không thoát đau khổ,
Dầu thấy đến, ngươi chạy,
Nếu ngươi sợ đau khổ,
Không ưa thích đau khổ.
249. Hãy đến quy y Phật,
Quy y Pháp và Tăng,
Hãy chấp nhận Giới luật,
Ngươi sẽ được lợi ích.
250. Ta đến quy y Phật,
Quy y Pháp và Tăng,
Ta chấp nhận Giới luật,
Ta sẽ được lợi ích,
251. Trước ta là bà con,
Với tộc họ Phạm thiên,
Nay ta là Phạm chí,
Chân thật là như vậy,
Ta chứng ngộ Ba minh,
Ðầy đủ trí Vệ-đà,
An ổn đến với ta,
Tâm tư được gột sạch.
Vị Bà-la-môn quy y và thọ năm giới. Về sau được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp trở thành một thiện nam và xuất gia. Nhờ tinh cần tu tập không bao lâu chứng được Ba minh, và nghĩ đến quả chứng của mình, nói lên bài kệ này.
Và được sự cho phép của ông chủ, nàng được thoát ly khỏi giới nô lệ và xuất gia. Về sau nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng quả A-la-hán.
Trích Trưởng Lão Ni Kệ (LXV) Punnikā (Therī. 146)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
Biết rằng ai độ ai đây?
Khi chánh pháp lan toả trong trần gian có những hình ảnh rất lạ. Người thế gian thường nhận định mọi việc theo giá trị rất đời. Phải thấy được diệu năng của chánh pháp mới có thể nhận ra những cái đẹp vượt ngoài cái nhìn thường tình. Ngay cả mãi đến ngày nay, tại những vùng đất có hạt bồ đề gieo trồng thì không hẳn mọi việc đều được đón nhận dựa trên giá trị của đạo chân thực.
Dhammadinnā là một phu nhân trong gia đình quý tộc đến với Phật Pháp do người chồng sau nầy lại là người giảng dạy đạo lý cho người đã tạo duyên tu tập ban đầu. Từ vị thế một người vợ khi thấy chồng không còn mặn nồng vì đã chứng thánh quả, Dhammadinnā không cho con đường bước sang thuyền khác mà xuất gia trở thành một tỳ kheo ni lỗi lạc. Sau nầy chính Visākha nguyên là người chồng, người thầy đã đến để hỏi đạo cao siêu. Những lời thâm sâu của vị thánh ni sau đó đã được Đức Thế Tôn chuẩn thuận.
Câu chuyện sau đây ghi lại một hình ảnh rất ngược đời nhưng đẹp đạo:
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Rājagaha (Vương Xá) và trở thành vợ của Visākha, một người có địa vị trong xã hội. Một ngày kia, chồng nàng đi nghe đức Phật thuyết pháp, chứng được quả Bất lai. Khi Visākha về, Dhammadinnā đưa tay ra đỡ chồng lên gác, nhưng người chồng không nắm tay và không nói với nàng trong bữa ăn chiều. Nàng hỏi chồng duyên cớ, người chồng nói không phải vì lỗi gì của nàng, nhưng nay vì đã hiểu được Chánh pháp nên không còn những cử chỉ như trước nữa. Người chồng trả quyền tự do cho nàng, một là ở lại gia đình người chồng, hai là lấy tiền bạc rồi về lại gia đình cha mẹ, nhưng nàng không chịu, và xin được xuất gia. Visàkha đưa nàng đến các Tỷ-kheo-ni trong một chiếc kiệu vàng. Ðược cho phép xuất gia, nàng xin sống nhập thất, không muốn sống chung đụng ồn ào và đi đến một tinh xá ở làng. Tại đấy, nhờ những thiện nghiệp quá khứ, nàng chế ngự thân, miệng, ý, chứng được quả A-la-hán, với Tứ vô ngại giải: Nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải. Rồi nàng đi về Ràjagaha (Vương Xá), với các Tỷ-kheo-ni. Visākha chồng cũ của nàng đến hỏi pháp, nàng như đã được diễn tả trong kinh Tiểu Vedalla (M.i. 299), nàng trả lời rất rõ ràng đúng đắn các câu hỏi của Visàkha và được đức Phật tán thán. Nàng trở thành thuyết pháp đệ nhất trong hàng các Tỷ-kheo-ni. Chính trong khi nàng ở lại một tinh xá ở làng và nàng nói lên bài kệ này:
12. Trong ai, lòng ước muốn,
Ðạt được quả vô sanh,
Ðược sanh khởi tỏa rộng,
Ðầy tràn cả tâm ý,
Tâm không bị trói buộc,
Trong các dục chi phối,
Vị ấy được tên gọi
Là bậc vào dòng trên.
Trích Trưởng Lão Ni Kệ (XII) Dhammadinnā (Therī. 124)
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
Những điều khiến thay đổi không ngờ
Đi vào cảnh giới của đạo là phải nói đến tâm thuật. Một nữ tỳ của hoàng hậu thường ăn bớt tiền mua hoa hằng ngày tự nhiên một bữa kia thay đổi bất ngờ. Nguyên nhân vì được nghe Phật pháp và chứng sơ đạo. Vị hoàng hậu không những cảm kích hiệu năng của chánh pháp mà còn làm một pháp toà để mời người nữ tỳ đăng đàn trùng tuyên những gì đã được Phật dạy.
Tỳ nữ Khujjhuttarā vốn ngoại hình xấu và tâm cũng xấu nhưng do lãnh hội Phật pháp đã chuyển hoá chính mình và tất cả người chung quanh mình. Mặc dù đa số khi nói về sự mầu nhiệm của tôn giáo thường nói về phép lạ hơn là sự chuyển hoá bằng giáo dục. Đức Phật đã cho cuộc đời cái nhìn khác hơn. Chính sự giáo dục chân chánh khiến tâm thức hướng thượng, hướng thiện đó mà một thứ “thần lực nhiệm mầu”.
Dưới đây là trích một đoạn trong tựa của bản dịch kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka) tuy cô đọng nhưng nói về một con người đáng nhớ:
Tập kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khudaka Nikāya), là một tập hợp 112 bài kinh ngắn, có tựa đề bắt nguồn từ câu "Ðức Thế Tôn thuyết giảng như vầy" (Itivuttaṃ). Tập kinh chia thành bốn chương: chương một pháp, chương hai pháp, chương ba pháp, và chương bốn pháp.
Tập kinh nầy do một vị nữ cư sĩ tên là Khujjuttarā kết hợp sau khi thuật lại các lời giảng của Ðức Phật, cho Hoàng hậu Samavati và các cung nữ khác của Vua Udena, xứ Kosambi. Hoàng hậu không thể rời hoàng cung để đến nơi Phật ngụ nghe Phật thuyết giảng, cho nên Hoàng hậu sai bà Khujjuttarā đi nghe thuyết giảng, ghi nhớ, rồi trở về hoàng cung để thuật lại cho bà và 500 vị cung phi khác nghe. Bà Khujjuttarā có trí nhớ lạ thường và rất thông minh, khéo giảng pháp, nên Ðức Phật đã từng khen ngợi rằng bà là vị Ðệ Nhất Thanh Văn trong hàng nữ đệ tử cư sĩ (Tăng Chi Bộ I.14). Bà cũng là một vị thầy tài giỏi để hướng dẫn hoàng hậu và các cung phi khác trong việc hành trì Chánh Pháp.
Bản dịch của HT Thích Minh Châu
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng