- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 22.11.2021
Phần I. Đức Phật
Bài 15. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (IV)
Đức Thế Tôn là Phật. Là bậc giác ngộ và khai ngộ chúng sanh hiểu rõ lẽ thật. Lãnh hội sự thật không đơn giản như phát khởi lòng tin ở thần linh hay cá nhân nào đó. Chúng sanh vốn dị biệt về căn cơ, không đồng đẳng về phúc đức, đa dạng trong khả năng nhận thức. Để chuyển hoá và khai ngộ cuộc đời, Đức Phật đã phải dùng rất nhiều phương tiện khác nhau. Bá gia thì bá tánh. Muôn người thì muôn bệnh. Trăm cái khổ không cái nào giống cái nào. Kho tàng mênh mông của ba tạng kinh điển đã ghi lại rất nhiều câu chuyện, mà qua đó, cho chúng ta thấy được tâm đại bi vô lượng của Đức Thế Tôn trong sự giáo hoá chúng sanh ngộ nhập tri kiến giải thoát.
Độ người cuồng sát
Không phải bất cứ ai trước khi bước vào ngưỡng cửa giác ngộ giải thoát đều là những người hiền thiện, minh mẫn. Tam tạng kinh điển ghi lại có những người trước khi giác ngộ là người ác, thậm chí cực ác. Trong lúc sự đánh giá của người đời chỉ dựa trên cách suy nghĩ rất bình thường là chỉ có người tốt mới trở nên thánh nhân. Phải nhận rằng chỉ có Đức Phật hay những bậc có trình độ tu chứng rất cao mới nhận ra tiềm năng giác ngộ ở những người bất hảo. Và dĩ nhiên Đức Phải dùng phương tiện thích hợp để chuyển hoá.
Ahimsa là tên một công tử con một vi quan thượng thư của xứ Kosala. Lúc sanh ra có điềm bất tường nên cha mẹ đặt tên là Ahimsa (Vô Hại) để mong con mình sau nầy là người hiền lương. Để yên lòng hơn, khi tuổi vừa lớn, cha mẹ của Ahimsa gởi con mình sang xứ Takkasila thụ huấn với một danh sư. Vốn là người có tư chất thông minh, sức khoẻ tráng kiện nên Ahimsa nhanh chóng trở thành một học trò ưu tú khiến nhiều bạn học ganh tỵ. Một số học trò tìm cách vu cáo là Ahimsa tự mãn sau nầy sẽ vượt mặt thầy dạy. Vị danh sư nghe tin lời siểm nịnh đã nghĩ ra cách trừ hậu hoạn với việc dạy Ahimsa học tiên thuật mà qua đó cần một tràng chuỗi kết bằng xương lóng tay của 1000 người phải do chính Ahimsa sát hại. Quá tin ở vị thầy, Ahimsa không lâu sau đó trở thành người cuồng sát với quyết tâm luyện thành pháp thuật. Người ta gọi Ahimsa bằng hổn danh Aṅgulimāla nghĩa là người đeo tràng chuỗi bằng ngón tay.
Đức Phật với Phật nhãn biết Ahimsa có đủ tiềm chất giác ngộ và Ngài đã đến gặp kẻ cuồng sát nầy. Đoạn kinh sau đây kể lại chuyện Đức Phật khai thị Ahimsa
Một thời Thế Tôn trú tại Sāvatthi, Jetavana, ở tinh xá ông Anāthapiṇḍika (Cấp cô độc). Lúc bấy giờ, trong lãnh thổ của quốc vương Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala, có tên cướp Aṅgulimāla một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Sāvatthi để khất thực. Sau khi khất thực ở Sāvatthi, ăn xong, dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, Ngài quay trở về và đi trên con đường dẫn đến tên cướp Aṅgulimāla. Các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người bộ hành thấy Thế Tôn đang đi trên con đường dẫn đến tên cướp Aṅgulimāla, thấy vậy liền bạch Thế Tôn: “Thưa Sa-môn, chớ có đi trên con đường này. Thưa Sa-môn, trên con đường này có tên cướp Aṅgulimāla, là một thợ săn, tay vấy máu, sát hại, bạo tàn, không có lòng từ mẫn đối với chúng sanh. Vì nó, các làng trở thành không làng, các thị trấn trở thành không thị trấn, các quốc độ trở thành không quốc độ. Do nó luôn luôn giết người, nó mang một vòng hoa làm bằng ngón tay người. Thưa Sa-môn, trên đường này, có mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi. Tuy vậy, họ vẫn rơi vào tay của tên cướp Aṅgulimāla”. Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.
Lần thứ hai, các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người đi đường bạch Thế Tôn: “Thưa Sa-môn, chớ có đi con đường ấy … rơi vào tay của tên cướp Aṅgulimāla”. Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.
Lần thứ ba, các người chăn bò, các người chăn thú, các người làm ruộng, các người đi đường bạch Thế Tôn: “Thưa Sa-môn, chớ có đi con đường ấy … rơi vào tay của tên cướp Aṅgulimāla”. Thế Tôn giữ im lặng, vẫn tiếp tục đi.
Tên cướp Aṅgulimāla thấy Thế Tôn từ xa đi lại, sau khi thấy liền nghĩ: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Con đường này, cho đến mười người, hai mươi người, ba mươi người, bốn mươi người, năm mươi người tụ họp lại, tụ họp lại rồi cùng đi; tuy vậy, chúng vẫn rơi vào tay của ta. Nay người Sa-môn này, chỉ có một mình, không có người thứ hai, lại đi đến, hình như do một sức mạnh gì? Vậy ta giết hại mạng sống của người Sa-môn này! ” Rồi tên cướp Aṅgulimāla lấy kiếm và tấm khiên, đeo cung và tên vào, và đi theo sau lưng Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn hiện thần thông lực một cách làm cho tên cướp Aṅgulimāla, dầu cho đi với tất cả tốc lực của nó cũng không có thể bắt kịp Thế Tôn đang đi với tốc lực bình thường. Rồi tên cướp Aṅgulimāla suy nghĩ: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta trước đây đuổi theo con voi đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo con ngựa đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo chiếc xe đang chạy và bắt kịp nó, đuổi theo con nai đang chạy và bắt kịp nó. Nay dẫu ta đi với tất cả tốc lực của ta cũng không thể bắt kịp Sa-môn này đang đi với tốc lực bình thường”. Nó thưa với Thế Tôn
—Hãy đứng lại, Sa-môn! Hãy đứng lại, Sa-môn!
—Ta đã đứng rồi, này Aṅgulimāla! Và ngươi hãy đứng lại!
Rồi tên cướp Aṅgulimāla suy nghĩ: “Những Sa-môn Thích Tử này là những người nói sự thật và chấp nhận sự thật. Và Sa-môn này dẫu cho đang đi lại nói: “Ta đã đứng rồi, này Aṅgulimāla! Và ngươi hãy đứng lại”. Vậy ta hãy hỏi vị Sa-môn này”. Rồi tên cướp Aṅgulimāla với bài kệ nói với Thế Tôn
—Người đi lại nói: “Ta đã đứng rồi”,
Ta đứng, Ngươi nói: “Sao ta không đứng?”
Sa-môn, ta hỏi về ý nghĩa này,
Sao Ngươi đứng lại, còn ta không đứng?
—Angulimala, Ta đã đứng rồi.
Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm,
Còn ngươi hữu tình, không tự kiềm chế,
Do vậy, Ta đứng, còn Ngươi chưa đứng.
—Ðã lâu tôi kính, bậc Ðại Tiên Nhân,
Nay Sa-môn này bước vào Ðại Lâm.
Không lâu, tôi sẽ đoạn trừ ác pháp,
Sau khi được nghe pháp kệ của Ngài.
Nói xong tên cướp liền quăng bỏ kiếm, quăng bỏ khí giới xuống vực thâm sâu đảnh lễ dưới chân Thiện Thệ,ngay tại chỗ ấy, xin được xuất gia.
Ðức Phật từ bi, bậc Ðại Tiên Nhân, Ðạo Sư Nhân giới, cùng với Thiên giới, Ngài đã trả lời: “Thiện lai Tỷ-kheo”. Pháp tánh Tỷ-kheo được Ngài xác chứng.
Trích Trung Bộ _ 86. Kinh Aṅgulimāla (Aṅgulimāla Sutta) _ Bản dịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu
Khai thị cho người tuyệt vọng
Những người mang tâm trạng tuyệt vọng thường khó tiếp nhận ánh sáng của chánh pháp. Có những hoàn cảnh mà con người dùng có nhiêu quyền lực hay tiền bạc cũng không thể làm gì khác như cái chết của một người thân yêu trong đời. Khi bất lực hoàn toàn nhiều người hoá thành tuyệt vọng và hoàn toàn không thể tiếp nhận bất cứ lời khuyên can nào.
Kisāgotamī là một người mẹ tuyệt vọng khi đứa con yếu dấu bị bạo bệnh chết đi. Với nàng, đứa con là tất cả. Nhờ đứa con mà nàng được nhà chồng đối xử tốt hơn so với khi mới về làm dâu. Nhờ đứa con mà nàng tìm thấy lẽ sống giữa đời sống tẻ nhạt bên nhà chồng. Nhờ đứa con mà nàng thấy mình tìm được địa vị quan trọng trong ánh mắt người chung quanh. Cái chết bất ngờ của đứa con trai duy nhất khiến nàng thấy cả bầu trời sụp đổ. Nàng không muốn tin mình đã vĩnh viễn mất con. Nàng từ chối không cho ai chôn cất thi thể hài nhi mà nàng bồng xác con trai đi khắp nơi tìm danh y cứu sống con mình. Không ai cứu được một bé trai đã chết. Một lương y thương xót nàng chỉ điểm hãy đến Kỳ Viên Tịnh Xá cầu Phật giúp đỡ.
Nghe lời chỉ dẫn như tìm thấy ánh sáng le lói sau cùng trong cơn tuyệt vọng Kisā Gotamī tìm đến Đức Phật với lời cầu khẩn: 'Hãy cho con trai của con thuốc'. Bậc Ðạo Sư thấy được hy vọng tu chứng nơi nàng bèn nói: 'Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và đem lại một hột cải! Nàng vâng lời, đi vào nhà đầu tiên và yêu cầu như vậy, nhưng bị từ chối, vì trong nhà có người chết. Nàng đi vào nhiều nhà khác, được trả lời như vậy và nàng nghĩ: 'Ðây có thể là bậc Ðạo Sư dạy khéo cho ta', nên nàng đem dặt con nàng ở nghĩa địa và nói:
Pháp này không riêng làng,
Không riêng thành, gia tộc,
Không riêng cho một ai,
Cho đến toàn thế giới,
Kể cả các chư Thiên,
Ở tại mọi từng trời,
Pháp nhĩ là như vậy.
Tất cả là vô thường.Rồi nàng đi đến bậc Ðạo Sư, và khi ngài hỏi có tìm được hột cải không, nàng trả lời: 'Việc làm đã làm xong về hột cải. Hãy xác nhận cho con'.
Thế Tôn nói:
Tâm còn bị đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ
(Pháp cú, 287)Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được Sơ quả (quả Dự lưu) và xin được xuất gia. Ðức Phật chấp nhận và nàng được các Tỷ-kheo-ni cho thọ giới. Sau đó, không bao lâu nàng nghiên cứu về nguyên nhân của sự vật và khiến thiền quán tăng trưởng. Rồi bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ:
Người sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
(Pháp Cú, 113)Trích Trưởng Lão Ni Kệ _ Kinh 143 _ Bản dịch của HT Thích Minh Châu
Thuyết pháp cho người mang nặng tín ngưỡng dân gian
Có một thứ tôn giáo rất phổ biến dù ít khi có cơ sở hay giới tu sĩ đó là tín ngưỡng dân gian. Từ những quan niệm rất bản năng của con người như sợ hãi trước thiên nhiên hay đối diện với những điều vượt tầm hiểu biết người ta thường tự tạo ra linh thần rồi cầu nguyện khấn vái mong được ban phước tha tội. Những niềm tin nầy ăn sâu vào tâm khảm của con người trong nhiều nền văn hoá thậm chí kể cả trong các tôn giáo chính thống.
Thôn trưởng Asibandhakaputta có lần gặp Đức Phật bạch hỏi về sự cúng tế cầu siêu cho người đã chết. Vị nầy đã nêu lên nghi vấn trong lòng: Bạch Thế Tôn, Những người thờ lửa đối với người trực vãng tây phương (người đã chết), đã mệnh chung các vị Bà-la-môn mang theo bình nước, đeo vòng hoa huệ (sevàla), nhờ nước được thanh tịnh, họ nhắc bổng thi hài và mang vị ấy ra ngoài (uyyàpenti), kêu tên vị ấy lên, và dẫn vị ấy vào Thiên giới. Còn Thế Tôn, bạch Thế Tôn, là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Thế Tôn có thể làm như thế nào cho toàn thể thế giới, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?
Đức Phật đã trả lời bằng những câu hỏi mà qua đó Ngài dạy về lý nhân quả. “—Vậy, này Thôn trưởng, ở đây, Ta sẽ hỏi Ông. Nếu Ông kham nhẫn hãy trả lời.
Này Thôn trưởng, Ông nghĩ thế nào? Ở đây, một người sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!” Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ví như, này Thôn trưởng, có người lấy một tảng đá lớn ném xuống một hồ nước sâu. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Hãy đứng lên, tảng đá lớn! Hãy nổi lên, tảng đá lớn! Hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn!” Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, tảng đá lớn ấy do nhân cầu khẩn của đại quần chúng ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, có thể trồi lên, hay nổi lên, hay trôi dạt vào bờ không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Cũng vậy, này Thôn trưởng, người nào sát sanh, lấy của không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này!” Nhưng người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân hận, có chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: “Mong người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!” Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, người ấy do nhân cầu khẩn của quần chúng đông đảo ấy, hay do nhân tán dương, hay do nhân chấp tay đi cùng khắp, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Ví như, này Thôn trưởng, có người nhận chìm một ghè sữa đông (sappi) hay một ghè dầu vào trong một hồ nước sâu rồi đập bể ghè ấy. Ở đây, ghè ấy trở thành từng miếng vụn, hay từng mảnh vụn và chìm xuống nước. Còn sữa đông hay dầu thời nổi lên trên. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: “Hãy chìm xuống, này sữa đông và dầu! Hãy chìm sâu xuống, này sữa đông và dầu. Hãy chìm xuống tận đáy, này sữa đông và dầu!”. Ông nghĩ thế nào, này Thôn trưởng, sữa đông ấy, dầu ấy, có do nhân cầu khẩn của đám quần chúng đông đảo ấy, do nhân tán dương, do nhân chấp tay đi cùng khắp của quần chúng đông đảo ấy nên bị chìm xuống, hay chìm sâu xuống, hay đi xuống tận đáy không?
—Thưa không, bạch Thế Tôn.
—Cũng vậy, này Thôn trưởng, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không có tham, không có sân, theo chánh tri kiến. Rồi một quần chúng đông đảo, tụ tập, tụ họp lại, cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói: “Mong rằng người này, sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục!” Nhưng người ấy sau khi thân hoại mạng chung, sẽ sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.
Khi nghe nói vậy, thôn trưởng Asibandhakaputta bạch Thế Tôn:
—Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con nay xin quy y Phật, Pháp và chúng Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay trở đi cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
Trích Tương Ưng Bộ _ 42.6. Kinh Người Ðất Phương Tây hay Người Ðã Chết _ Bản dịch của HT Thích Minh Châu
Bài đã học: Bài 14. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (III)
Bài học tiếp theo: Bài 16. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (V)
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng