Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Phần I. Đức Phật _ Bài 12. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (I)

Monday, 01/11/2021, 18:13 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 01.11.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 12. GIÁO HOÁ VỚI NHIỀU PHƯƠNG TIỆN (I)

Đức Thế Tôn là Phật. Là bậc giác ngộ và khai ngộ chúng sanh hiểu rõ lẽ thật. Lãnh hội sự thật không đơn giản như phát khởi lòng tin ở thần linh hay cá nhân nào đó. Chúng sanh vốn dị biệt về căn cơ, không đồng đẳng về phúc đức, đa dạng trong khả năng nhận thức. Để chuyển hoá và khai ngộ cuộc đời, Đức Phật đã phải dùng rất nhiều phương tiện khác nhau. Bá gia thì bá tánh. Muôn người thì muôn bệnh. Trăm cái khổ không cái nào giống cái nào. Kho tàng mênh mông của ba tạng kinh điển đã ghi lại rất nhiều câu chuyện, mà qua đó, cho chúng ta thấy được tâm đại bi vô lượng của Đức Thế Tôn trong sự giáo hoá chúng sanh ngộ nhập tri kiến giải thoát.


Mặc cảm với sự thật

Một số lớn chúng sanh không hiểu được sự thật không phải vì thiếu trí tuệ mà do mặc cảm với sự thật. Người ta chỉ muốn nghe những điều thuận tai, hợp ý với sở thích hay khuynh hướng cố hữu của mình. Khi đang tuổi thanh xuân hoặc trong thời vận hanh thông của sự nghiệp rất khó để nghe và hiểu về bản chất vô thường của cuộc sống.

Khemā là thứ phi của vua Bimbisāra nổi tiếng với sắc đẹp nguyệt thẹn hoa nhường luôn dị ứng khi nghe tới những lời dạy của Đức Phật. Lý do đơn giản là vị hoàng phi nầy được nghe những cung nhân nói lại là Đức Thế Tôn dạy về bản chất bất tịnh, vô thường, khổ, vô ngã của thân tâm. Dù được khuyến khích nhiều lần nhưng Khemā luôn né tránh không bao giờ muốn nghe pháp của Đức Phật. Vua Bimbisāra biết vị hoàng phi nầy ưa thích thi ca và thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên nên cho các văn nhân thi sĩ sáng tác những bài thơ và ca từ mô tả cảnh đẹp của Trúc Lâm Tịnh Xá nơi Đức Phật và chư Tăng cư trú. Điều nầy đã khiến hoàng phi tìm đến chùa để ngoạn cảnh nhưng chỉ đứng xa nhìn Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho hội chúng.

Biết hoàng phi Khemā không muốn nghe pháp Dức Phật đã hiển hoá thần thông tạo cảnh tượng hai thiếu nữ xuân sắc quạt hầu trong phút chốc trở thành già nua và trở thành xác chết. Hình ảnh vô thường hiện ra ngay trước mắt dù trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng đã thắp sắng tuệ giác ở vị hoàng phi nầy. Bà tỉnh ngộ xin xuất gia sau nầy trở thành bậc đệ nhất trí tuệ trong hội chúng tỳ kheo ni.


Tưởng là thật nhưng thật chỉ là tưởng

Bāhiya vốn là một đạo sĩ bất đắc dĩ nhưng do sự sùng kính của dân chúng sau nầy tin thật là mình đã chứng quả a la hán thanh tịnh cao quý. Tất cả chỉ vì ban đầu đi buôn bị đắm thuyền trôi dạt vào một bìa rừng không mãnh vải che thân phải lấy vỏ cây làm y phục tạm. Những người đi rừng gặp vị nầy ngỡ là đạo sĩ tu hạnh cao siêu nên đem lòng quy ngưỡng. Sự cung kính lễ bái của người đời đã khiến Bāhiya lộng giả thành chân đến đỗi sau nầy cũng nghĩ mình là đạo sĩ đã đắc đạo.

Nhờ túc duyên tiền kiếp Bāhiya được cảnh tỉnh và lên đường đến Sāvatthī gặp Đức Phật để cầu mong khai thị. Do duyên và nghiệp quá khứ, vị nầy gặp Đức Thế Tôn khi Ngài đang đi khất thực. Tuy vậy vẫn một mực khẩn khoản cầu pháp khai tâm. Đức Phật đã dùng một lời dạy ngắn gọn dạy về thiền quán. Tuy sự hướng dẫn cô đọng nhưng quá đủ để Bāhiya giác ngộ.

Điều mà Đức Phật dạy là sự quán chiếu minh sát vượt ngoài tất cả định kiến, thành kiến cố hữu: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bāhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bāhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bāhiya, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”. Chỉ chừng đó đã khiến Bāhiya vĩnh viễn không còn ảo tưởng về cá nhân, về cuộc sống và về bản chất thật của thế gian.


Đau khổ quá nhiều về sự thật nhưng vẫn chưa hiểu sự thật

Có rất nhiều người trãi qua nhiều khổ nạn của cuộc sống với tâm trạng đầy đau khổ nhưng không phải vì vậy mà liễu ngộ khổ đau. Đây là một sự thật khó hiểu của cuộc sống: một khi còn đau khổ thì có nghĩa là chưa hiểu rõ bản chất của khổ đau. Cũng như một người còn phiền muộn với thời tiết nóng lạnh đổi thay có nghĩa là chưa chấp nhận được nóng lạnh vốn là tự nhiên của khí trời.

Patācārā vốn là một tiểu thư con cưng của gia đình giàu có trãi qua nhiều khổ nạn trong thời gian ngắn nên hoá thành điên loạn. Ban đầu là chồng chết rồi hai con yêu quý cũng chết. Tất cả do một cơn giông bão. Cũng chính thiên tai nầy đã khiến cha mẹ của nàng cũng mất mạng. Khổ đau chồng lên đau khổ đã khiến Patācārā cuồng tâm loạn trí. Nàng lang thang trên đường phố, tự xé nát xiêm y với tâm tư điên loạn. Như túc duyên quá khứ đưa đẩy nàng đến Kỳ Viên Tịnh Xá. Đức đại bi của Phật khiến nàng lắng dịu và lắng nghe pháp ngữ.

Đức Phật đã hỏi Patācārā rằng: con có biết nước mắt đã khóc vì sanh ly tử biệt từ vô lượng kiếp nhiều như nước đại dương?. Câu hỏi đó khiến nàng tỏ ngộ. Sau khi khi xuất gia trở thành tỳ kheo ni Patācārā trở thành một đệ tử Phật lỗi lạc hoá độ rất nhiều người vực dậy từ những đau thương.

(Còn tiếp)


 

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng