Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần IV: Ôn Cố Tri Tân || Lôi Đầu Đi... Gặp Phật (Ghaṭikārasutta)

Monday, 16/09/2024, 05:51 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 16.9.2024

Phần VI: ÔN CỐ TRI TÂN

LÔI ĐẦU ĐI… GẶP PHẬT

Ghaṭīkārasutta

‘imaṁ nu tvaṁ, samma ghaṭikāra, dhammaṁ suṇanto atha ca pana agārasmā anagāriyaṁ na pabbajissasī’ti?

Này bạn thân, tại sao gặp được chánh pháp lại không xuất gia cầu đạo?

Câu chuyện xa xưa

Ngày xưa rất xưa, có hai người bạn chí thân là Ghaṭikāra và Jotipāla. Họ có xuất thân và cuộc sống hoàn toàn khác biệt nhau. Jotipāḷa thuộc giới thượng lưu, trí thức, giàu sang. Ghaṭikāra ngược lại thuộc giai cấp bình dân, cuộc sống thanh đạm, nghiêng nặng về cuộc sống tinh thần. Vậy mà họ lại rất thân nhau trong thâm tình tri âm, tri kỷ.

Có một ngày cả hai rủ nhau đi tắm sông. Sau khi tắm thoả thích giữa dòng nước trong mát, Ghaṭikāra lên tiếng: “Này bạn, chỗ này không xa trú xứ của Đức Thế Tôn Kassapa. Chúng ta hãy đến diện kiến Ngài”. Jotipāla trả lời không chút suy nghĩ: “Thôi đi. Gặp làm gì những thầy tu đầu trọc”. Dù nhận câu trả lời như vậy, nhưng Ghaṭikāra vẫn không bỏ cuộc mà lập lại đề nghị lần thứ hai. Rồi lần thứ ba.

Không thuyết phục được bạn thân đi gặp Phật, Ghaṭikāra dùng tới “hạ sách” là nắm lấy búi tóc Jotipāla kéo đi. Đó là điều rất táo bạo. Vì trong xã hội bấy giờ rất kỵ ai chạm vào đầu, hơn nữa người nắm đầu là không cùng giai cấp xã hội. Ghaṭikāra đã thách thức xem tình bạn chí thân tới mức nào.

Jotipāla bị nắm đầu lôi đi lẽ ra nổi nóng, nhưng lại suy nghĩ với cái nhìn của một người trí thức: “Thật lạ lùng. Sao chỉ gặp ông thầy tu thôi mà bạn mình dám đánh bạo như vậy”. Nghĩ vậy Jotipāla lên tiếng: “Thôi được rồi tôi sẽ đi theo bạn”.

Cả hai đến diện kiến Đức Phật Kassapa và được nghe pháp. Sau khi thính pháp, Jotipāla nói với người bạn của mình: “Tại sao bạn được nghe pháp như vậy mà không xuất gia cầu đạo?”. Ghaṭikāra trả lời: “Này bạn, tôi còn có cha mẹ già mù loà phải phụng dưỡng”. Jotipāla đã một mình xuất gia theo Phật.

Câu chuyện trong thời của Đức Phật

Một thời, Thế Tôn đi du hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo.

Rồi Thế Tôn bước xuống bên lề đường, đến tại một địa điểm rồi mỉm cười. Tôn giả Ānanda suy nghĩ: “Do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại mỉm cười. Không phải không lý do, Như Lai lại mỉm cười”. Rồi Tôn giả Ānanda đắp y về phía một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì Thế Tôn lại mỉm cười? Không phải không lý do, Như Lai lại mỉm cười.

—Thuở xưa này Ānanda, tại địa điểm này là một thị trấn tên là Vebhalinga, phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Này Ānanda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sống ở đây, dựa vào thị trấn Vebhalinga. Ở đây, này Ānanda, là tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính tại đây, này Ānanda. Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ngồi giảng dạy cho chúng Tỷ-kheo.

Rồi Tôn giả Ānanda gấp tư y sanghati (tăng-già-lê), trải ra rồi bạch Thế Tôn:

—Bạch Thế Tôn, thỉnh Thế Tôn ngồi xuống. Chính tại địa điểm này, hai bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác sẽ sử dụng.

Thế Tôn ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Ānanda

—Thuở xưa, này Ānanda, tại địa điểm này là thị trấn tên Vebhalinga, phồn thịnh, giàu có và dân cư đông đúc. Này Ānanda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã sống dựa vào thị trấn Vebhalinga. Chính tại đây, này Ānanda, là tu viện của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính tại đây, này Ānanda, Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ngồi giảng dạy cho chúng Tỷ-kheo.

Này Ānanda, chính tại thị trấn Vebhalinga, có người thợ làm đồ gốm tên là Ghaṭikāra, người này là người đàn tín của Thế Tôn Kassapa, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, vị đàn tín đệ nhất. Thanh niên Jotipāla là người bạn chí thân của thợ gốm Ghaṭikāra.

—Này Ānanda, rất có thể Thầy suy nghĩ như sau: “Lúc bây giờ, thanh niên Jotipāla có thể là một người khác”. Nhưng này Ānanda, chớ có nghĩ như vậy. Lúc bấy giờ, Ta chính là thanh niên Jotipāla.

(phần “Câu chuyện trong thời của Đức Phật” trích từ Trung Bộ II. Kinh số 81. Kinh Ghaṭikāra. Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Tỳ khưu Giác Đẳng phóng tác từ Kinh Bổn Sanh.