Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Trung Đạo

Monday, 18/09/2023, 08:15 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 17.9.2023

 

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

 

TRUNG ĐẠO

 

Nếp sống và sự tu tập của người Phật tử đúng nghĩa là “trung đạo”. Phần lớn những sai lầm trong cái nhìn cũng như hành trì do không hiểu rõ ý nghĩa này. Ngay cả sự hiểu biết bằng kiến thức cũng cần được điều chỉnh, khi áp dụng trung đạo một cách cụ thể. Cần lưu ý là, trung đạo không phải là một khái niệm học Phật ban đầu, mà gắn liền với hành trình cho tới đích điểm sau cùng.

 

Trung đạo không phải là trung lập.

 

Ngày nay, người ta thường dùng chữ trung đạo như là điểm giữa với hai bên, là điểm chuẩn. Và như vậy, hai bên dời đổi vị trí thì cái gọi là điểm giữa cũng phải dịch chuyển. Hiểu như vậy không phải là trung đạo. Ngài Payutto gọi đó là “trung đạo giả tạo”.  Trung đạo theo Phật Pháp, là một lối sống và sự tu tập độc lập không y cứ vào bên nầy, bên kia. 

 

Trung đạo là con đường thoát khổ

 

Đức Phật khẳng định, giáo lý của Ngài dạy về sự khổ và sự diệt khổ. Để diệt khổ phải hiểu rõ con đường dẫn đến diệt khổ là gì. Câu trả lời của Đức Phật về con đường diệt khổ là bát chánh đạo, cũng là trung đạo. Tứ diệu đế là nền tảng của Phật Pháp, là đạo đế, hay trung đạo, cần được hiểu một cách sâu rộng và cụ thể, chứ không phải là cách nói thoả hiệp hay để tránh chỉ trích.

Trên phương diện nhận thức, thì giáo lý duyên khởi được hiểu là trung đạo.

 

-- Này Kassapa, (nếu một người nghĩ rằng); khổ do tự mình làm, (từ đó) tạo nên chấp thủ “ người tạo tác cũng là người cảm thọ (kết quả)”. Đây là cái nhìn thường kiến.

-- Này Kassapa, (nếu một người nghĩ rằng); khổ do người khác tạo nên, (từ đó) tạo nên chấp thủ “ người tạo tác khác với người cảm thọ (kết quả)”. Đây là cái nhìn đoạn kiến.

Này Kassapa, từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo: Với vô

minh là duyên, hành sanh khởi; hành là duyên, thức sanh khởi; thức là duyên, danh sắc sanh khởi; danh sắc là duyên, lục nhập sanh khởi; lục nhập là duyên, xúc sanh khởi; xúc là duyên, tho sanh khởi; thọ là duyên, ái sanh khởi; ái là duyên, thủ sanh khởi; thủ là duyên, hữu sanh khởi; hữu là duyên, sinh sanh khởi; sinh là duyên, già, chết, khổ, ưu, ai sanh khởi. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn tập khởi.

Do vô minh diệt hoàn toàn nên hành diệt. Do hành diệt nên thức diệt. Do thức diệt

nên danh sắc diệt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt. Do sáu xứ diệt nên xúc diệt.

Do xúc diệt nên thọ diệt. Do thọ diệt nên ái diệt. Do ái diệt nên thủ diệt. Do thủ

diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sinh diệt. Do sinh diệt nên già, chết, sầu, bi,

khổ, ưu, ai diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này diệt tận.

 

 

Từ bỏ cực đoan.

 

Có một thí dụ về trung đạo, là nếu chúng ta đi trên một “cây cầu khỉ” hay như người hát xiệc đi trên một dây thừng từ điểm A tới điểm B, nếu nghiêng một bên thì mất thăng bằng không thể đi tới.

 

Cực đoan trong cái nhìn như thường kiến hay đoạn kiến, và cực đoan trong lối sống tu tập như lợi dưỡng và khổ hạnh, đều tạo nên những trở ngại cho sự tu tập và khiến đời sống chênh vênh.

 

Ngay cả trong những sức mạnh nội tại như tín, tấn, niệm, định, tuệ cũng cần sự quân bình để đi tới.

 

Có mục tiêu và định hướng rõ ràng.

 

Trung đạo, như đã nói, không đơn thuần là sự trung lập giữa hai bên. Mà là một hành trình có mục đích rõ ràng. Mục tiêu đó là giác ngộ và giải thoát. Giác ngộ là thắp sáng tuệ giác, và giải thoát là vượt khỏi khổ đau. Với định hướng này, thì trung đạo phải được hiểu rõ là sự hành trì cụ thể và có lợi lạc thiết thực.

 

Ngay trong lời mở đầu của bài pháp đầu tiên, được gọi là Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Phật đã dạy:

 

Này các Tỳ kheo, có hai cực đoan mà bậc xuất gia phải tránh: một là lợi dưỡng vốn hạ liệt, tục luỵ, phàm phu, không thánh thiện, không lợi lạc; hai là khổ hạnh cũng không thánh thiện, không lợi lạc lại khổ đau.

Từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thực hành Trung Ðạo chứng đạt pháp nhãn, tuệ giác, tịnh trí, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

 

 

Bát chánh đạo là con đường trung đạo.

 

Đặc điểm của Phật Pháp là tinh thần ứng dụng thực tiễn, chứ không phải là để triết lý như hình thức hý luận. Khi Đức Phật dạy về trung đạo Ngài nói thẳng, nói rõ ràng, và nói trực tiếp như đoạn sau đây cũng từ Kinh Chuyển Pháp Luân:

 

Từ bỏ hai cực đoan này, Như Lai thực hành Trung Ðạo chứng đạt pháp nhãn, tuệ giác, tịnh trí, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

Này các Tỳ kheo, Trung Ðạo đó là gì?

Chính là thánh đạo tám chi phần: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ðây là thánh đạo được Như Lai liễu ngộ với pháp nhãn, tuệ giác, tịnh trí, thắng trí, giác ngộ, niết bàn.

 

 

Trung đạo là con đường tu tập cho cả hai giới xuất gia và tại gia.

 

Có sự ngộ nhận khi nói về trung đạo, là từ bỏ lợi dưỡng và khổ hạnh, thì như vậy trung đạo là cách tu tập dành riêng cho hàng xuất gia. Hiểu như vậy là sai lạc. Người cư sĩ vẫn hành trì bát chánh đạo. Ngay trong những điều nên làm và nên tránh của người cư sĩ, vẫn y cứ trên tinh thần trung đạo, tránh xa những quan niệm mang tính tuyệt đối bất khả thi.