Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Như Lý Tác Ý

Monday, 01/04/2024, 19:18 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 1.4.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

NHƯ LÝ TÁC Ý

 

Đây là một đề tài lớn và quan trọng trong Phật học. Bài viết này chia thành bốn phần cho lớp học:

  1. Định nghĩa thuật ngữ “yoniso manasikāra”
  2. “Yoniso manasikāra” và nếp sống hiền thiện
  3. “Yoniso manasikāra” và sự huân tu tuệ quán
  4. Ba vai trò quan trọng của “yoniso manasikāra”

 

  1. ĐỊNH NGHĨA THUẬT NGỮ “YONISO MANASIKĀRA”

 

Rất khó để chuyển ngữ chữ “yoniso manasikāra” một cách chính xác hoàn toàn. Các bản dịch xưa nay dùng cách cụm từ: như lý tác ý, chánh tư niệm, khéo tác ý, tác ý thiện xảo ...

Chữ “yoniso” bắt nguồn từ chữ “yoni” có nghĩa là nguồn cội, thai bào, điểm tập khởi. Sớ giải định nghĩa từ này với những ý nghĩa: nguyên nhân, căn cội, minh triết, hợp lý, phương tiện, đạo hay con đường.

Chữ “manasikāra” được dịch là tác ý, quan niệm, cái nhìn, phản ứng ...

Sự kết hợp của hai từ “yoniso manasikāra” được hiểu là cái nhìn sáng suốt, phản ứng khôn khéo, nhận thức tích cực.

Bản Sớ Giải nêu bốn nhận thức được gọi là “yoniso manasikāra”:

  1. “Upāya manasikāra” – suy nghĩ hợp lý - tức là sự nhận thức y cứ trên sự thật và không cả quyết đối với những tồn nghi. Thí dụ, như một người bị bệnh thì tìm ra nguyên nhân qua sự truy nguyên hợp lý theo y học, chứ không suy diễn do thần thánh quở phạt.

 

  1. “Patha manasikāra” - Suy nghĩ hợp cách – là suy tư y cứ có phương pháp đúng theo hệ luận tự nhiên. Thí dụ, như cũng trồng cây nhưng có người thành công và có người không thành công. Điều này phải xem lại cách gieo giống, bón phân, tưới nước …

 

  1. “Kāraṇa manasikāra” - Suy nghĩ với sự phân tích - Đa số vấn đề khi được chia chẻ, sẽ xoá đi những ảo tưởng thường gây ngộ nhận. Đây là cách suy nghĩ mà khoa học ngày nay thường áp dụng.

 

  1.  “Uppādaka manasikāra” - suy nghĩ tích cực – suy tư với mục đích tốt đẹp, thí dụ như khi gặp những vấn đề cần giải quyết, thì luôn có ý hướng tìm ra giải pháp tốt đẹp nhất cho mọi người, hơn là chống người này, hại người kia theo bản năng ích kỷ hẹp hòi.

 

(xem các bản Sớ Giải DA. II. 459, 643; DA. III. 777 = VbhA. 270 = MA. I. 64, 281; ItA. I. 62; SA. II. 21)

 

(Còn tiếp)

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.