Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Như Lý Tác Ý Và Sự Huân Tu Tuệ Quán

Monday, 15/04/2024, 06:02 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 1.4.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

NHƯ LÝ TÁC Ý

 

Đây là một đề tài lớn và quan trọng trong Phật học. Bài viết này, chia thành bốn phần cho lớp học:

  1. Định nghĩa thuật ngữ “yoniso manasikāra”.
  2. “Yoniso manasikāra” và nếp sống hiền thiện.
  3. “Yoniso manasikāra” và sự huân tu tuệ quán.
  4. Ba vai trò quan trọng của “yoniso mamasikāra”.

………………….

C. NHƯ LÝ TÁC Ý VÀ HUÂN TU TUỆ QUÁN

Sự tích tập như lý tác ý để có được nếp sống hiền thiện, chỉ có ảnh hưởng tạo nên đời sống tốt đẹp ở mức độ bình thường, như trong gia đình hoặc ngoài xã hội. Một người muốn tiến xa hơn trong sự tu tập, cần sử dụng như lý tác ý để làm điểm tựa huân tu giới, định, tuệ ở trình độ cao hơn, mà các bản dịch chữ Hán, dịch là tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ.

  1. Huân tu tăng thượng giới (adhisīla-sikkhā) bao gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Ở đây ngôn ngữ, hành động và sự nuôi mạng, phải đạt đến trình độ bất hại hoàn toàn. Điều này thường y cứ trên giới bổn của người xuất gi Người cư sĩ cũng có thể thực hành, nhưng rất hiếm hoi và khó khăn vì tự thân mưu sinh.
  2. Huân tu tăng thượng tâm (adhicitta-sikkhā) bao gồm chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Ba pháp này, chỉ thật sự được huân tu đối với người tu tập thiền chỉ và quán. Nói cách khác là tích cực phát huy niệm và định.
  3. Huân tu tăng thượng tuệ (adhipaññā-sikkhā) là khả năng nhìn các pháp đúng bản chất tự nhiên. Tự tánh thế nào thì nhìn như vậy. Và cũng có khả năng nhìn xuyên thấu sự liên hệ giữa nguyên nhân và hệ quả, đối với những gì xảy ra nơí thân và tâm.

Cả ba sự tu tập trên, được y cứ trên hai nguồn lực: một là sự hướng dẫn từ người khác kể cả kinh điển; hai là như lý tác ý.

Vai trò quan trọng của như lý tác ý được Đức Phật dạy trong rất nhiều trường hợp. Đây là một trích đoạn: “Ta không thấy một pháp nào khác, khiến cho thiện pháp chưa sanh được sanh và bất thiện pháp đã sanh bị đoạn tận như là như lý tác ý”  (Tăng Chi I, 13.)

Điều này được nêu chi tiết hơn trong một đoạn kinh khác khi Đức Phật dạy: Với như lý tác ý, những triền cái là tham dục, sân độc, hôn thuỵ, trạo hối, nghi hoặc chưa sanh không sanh khởi; nếu đã sanh sẽ bị đoạn diệt. Do như lý tác ý niệm giác chi, trạch pháp giác chi, cần giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, xả giác chi chưa có được thành tựu. (Tương Ưng Bộ V, 85)

Đức Phật dạy về sự dao động của tâm ý trong sự mô tả vĩ mô: Khi tâm tiếp xúc cảnh (phassa) khiến cảm thọ (vedanā) sanh khởi; kích động sự nhận thức do kinh nghiệm tích lũy hay tưởng (saññā), để rồi miên man với những suy tư hay tầm (vitakka) (Tương Ưng Bộ II, 21). Đây là hiện tượng dao động của tâm thức. Sự dao động tạo nên bất an. Nhưng vì tập tánh nhiều đời và thiếu tu tập, nên chúng sanh luôn sống với tâm trạng như vậy.

Nếu nói về diễn trình này qua giáo lý duyên khởi, thì một đoạn khác trong Tương Ưng Bộ II,30: Xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái tạo nên khổ đau. Có thể thí dụ, một người thấy người khác có những cái mình không có, nên hoá ra buồn khổ và khao khát rồi tạo nên những áp lực trong cuộc sống.

Khi hành giả tu tập, tiến trình trên được ghi nhận như sau: Tâm tiếp xúc với cảnh tạo nên cảm thọ; như lý tác ý đối với cảm thọ tạo nên sự hiểu biết sáng suốt; với trí tuệ không tạo nên những đau khổ thường có (Tương Ưng Bộ V. 89). Tiến trình này, rất thường tìm thấy trong sự tu tập khi hành giả có khả năng hoá giải những chướng duyên, nghịch pháp như thời tiết nóng lạnh, lời khen tiếng chê. Với cái nhìn sáng suốt thì an nhiên thấy rằng, tất cả chỉ là bản chất tự nhiên có sanh có diệt, không lấy đó là bi luỵ.

 

(Còn tiếp)

Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và biên soạn.