Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Để Hiểu Bát Chánh Đạo

Tuesday, 31/10/2023, 09:15 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 30.10.2023

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

ĐỂ HIỂU BÁT CHÁNH ĐẠO

Bài này đúng ra cần nhiều trưng dẫn từ Tam Tạng, nhưng có thể là khiến người đọc phân tâm, nên ở đây chỉ nêu một số điểm chính, để là bố cục tổng quát cho bài giảng.

Bát chánh đạo thường được hiểu rất đại lược, vì trên phương diện từ ngữ và ý nghĩa không khó hiểu. Người ta thường chú trọng cái gì mang vẻ triết lý cao xa hay ngôn từ bí ẩn khó hiểu.

Bát chánh đạo cũng được hiểu như quan niệm luân lý đạo đức, như trong ý nghĩa “chánh thắng tà” hơn là “đúng phương pháp, đúng cách, đúng công thức”.

Bát chánh đạo cũng được hiểu một cách rời rạc, vì mỗi chi pháp đều có những đặc điểm riêng. Thậm chí, có nhiều người chỉ đề cao chánh niệm mà không cần đến chánh kiến, như một số người đề cao pháp tu tứ niệm xứ hay cách tu quán niệm (…).

Bát chánh đạo thường bị hiểu một cách cục bộ đơn giản, chỉ là một đề tài pháp số, trong rất nhiều đề tài pháp số, thậm chí ngang bằng với những đề pháp như tứ thần túc, ngũ căn, thất giác chi…

Trước hết nên hiểu những pháp như kiến, tư duy, ngữ, nghiệp, mưu sinh… vốn là những pháp tồn tại tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày. Nói theo Thắng Pháp, thì những pháp này nói một cách vĩ mô là những thuộc tánh (cetasika) của tâm. Ngay cả những chi phần được gọi là “tịnh hảo” như “niệm”, thì chỉ sanh khởi và tan biến nếu không được hàm dưỡng đúng cách. Ví như chất kẽm (zinc) hay chất sắt (iron) trong ngành dinh dưỡng, không thể hiểu theo cái biết về kim loại theo quan niệm bình thường.

Tám pháp trong bát chánh đạo, phải mang cả hai yếu tố huân tu và kết hợp. Sự kết hợp này là yếu tố “ắt có và đủ”, không thể ít hơn mà không thể nhiều hơn. Cả tám pháp phải kết hợp như một nhóm người trong “team work”, không thể thiếu bất cứ vai trò nào.

Trên phương diện ứng dụng, thì tám pháp này có thể được thực hành như đời sống hiền thiện trong sinh hoạt hằng ngày của người cư sĩ; mà cũng là pháp nền tảng cho tu tập cao hơn trong ý nghĩa “tăng thượng giới, tăng thượng định, tăng thượng tuệ; và tám pháp này cũng đồng sanh một cách hạn hữu trong khoảnh chứng đạo, sát trừ kiết sử với vai trò đạo chi (magaṅga). Cả ba trường hợp đều có những khác biệt to lớn.

Phải nắm vững lãnh vực ứng dụng thực tế, thì mới có định nghĩa chính xác. Thí dụ, chánh mạng của người xuất gia, rất khác với chánh mạng của người cư sĩ hoặc chánh định của người tu “tăng thượng giới, tăng thượng định, tăng thiện tuệ” với các thiền chứng, rất khác với chánh định trong đời sống bình thường.

Ngay cả sự đồng sanh, cùng hiện hữu của tám chi đạo trong khoảnh khắc chứng đạo, cũng là điều bất khả, vì là những thiện pháp khác biệt không thể đồng sanh như ba pháp chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.

Có bát chánh thì cũng có bát tà. Mặc dù những chi pháp như niệm là thuộc tánh tịnh hảo, nhưng cũng có tà niệm, hay trí là pháp tịnh hảo nhưng cũng có tà trí hay liệt tuệ. Chánh tà ở đây, không thể hiểu quá đơn giản dù là theo Kinh Tạng hay Thắng Pháp Tạng.