- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 4.3.2024
Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy
CHÁNH NIỆM - V
Thực Tập Chánh Niệm Trong Đời Sống Hằng Ngày
Tránh cái nhìn là tu tập chánh niệm chỉ dành cho người căn cơ rất cao. Rất nhiều người luôn có ý nghĩ là tu thiền chỉ dành cho hàng xuất gia hay người có căn cơ cao. Thực tế thì khó biết được ai là căn cơ cao hay thấp. Có điều chắc chắc chắn là chánh niệm rất có lợi cho đời sống. Ngày nay càng ngày càng có nhiều người hành trì chánh niệm đối với thân tâm mà không cần những điều kiện “tự gây khó cho bản thân”.
Niệm hơi thở luôn là pháp thiết yếu để huân tu chánh niệm. Chánh niệm là khả năng quan sát, ghi nhận những gì xẩy ra ở thân tâm. Điều nầy có nghĩa là không nhất thiết chỉ có hơi thở là đối tượng của chánh niệm. Tuy vậy niệm hơi thở đặc biệt rất cần để bắt đầu “bài học vỡ lòng” cho đến những giai đoạn thuần thục sau nầy vì hơi thở lúc nào cũng có và có hai nhịp điệu ra vào nên là thiền án lý tưởng để huân tu chỉ và quán.
Nên tu tâm từ, đầy đủ hơn là tứ vô lượng tâm, để quân bình cảm xúc. Người tu chánh niệm cần sự quân bình cảm xúc. Những buồn vui thường đến từ cái nhìn đối với tha nhân. Nên dành ít thì giờ mỗi ngày để nuôi dưỡng tâm từ (sự thân thiện), tâm bi (sự cảm thông), tâm hỷ (sự hoà hài), tâm xả (sự điềm đạm) để đời sống tinh thần được ổn định. Khi tâm ít xáo trộn thì chánh niệm dễ vững mạnh.
Hiểu biết, chấp nhận, và sống với ý thức bản chất vô thường để tâm tự tại. Cuộc sống là dòng chảy của sinh diệt. Có thể chấp nhận bản chất đồi thay thì tâm ý bớt những đòi hỏi đi ngược với tự nhiên, và nhờ vậy, giảm thiểu những phiền muộn không cần thiết. Khả năng sống tự tại trước hiện tượng vô thường có thể là thước đo của chánh niệm. Người tu chánh niệm là người đối diện bền bỉ với thực tại và sự thật thế nào thì chấp nhận như vậy. Đây là chìa khoá quan trọng để sống tỉnh thức.
Tập nhìn mà không phê phán. Chánh niệm đúng nghĩa là tỉnh táo ghi nhận mà không phản ứng hay đưa ra ý kiến phê phán. Đối với hơi thở vào hay ra chỉ ghi nhận như vậy chứ không có gì phải có ý kiến thế nầy thế kia. Chính ý kiến, hay sự phê phán, hoặc nphản ứng khiến chánh niệm bị đánh mất. Lặng lẽ nhìn một cách tỉnh táo là trạng thái tốt nhất của chánh niệm.
Giảm thiểu thói quen “tìm việc để làm”. Do văn hoá và hoàn cảnh xã hội, đa số con người có mặc cảm ở không là lười biếng xấu xa. Thay vào đó là thái độ luôn làm cái gì đó, dù là trong đời sống tu tập, thì mới xoá đi mặc cảm vô tích sự. Điều trớ trêu là nếu lúc nào cũng tìm việc để làm hay tìm cách để bận rộn thì là điều khiến chánh niệm không huân tu được. Thắp sáng ý thức về những gì đang xẩy ra ở thân tâm không phải là một thứ thủ tục phải làm để không mặc cảm. Các bậc thánh sống tịnh mặc không là vì sự bắt buộc mà vì khi không có việc cần thiết bận rộn thì có khả năng sống với an tịnh.