Môn học: PHẬT PHÁP CƠ BẢN || Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy - Chánh Niệm

Tuesday, 06/02/2024, 09:11 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 29.1.2024

Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy

CHÁNH NIỆM - III

Này chư Tỳ Khưu, thế nào là quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển khiến cho tứ niệm xứ được viên mãn?

Này chư Tỳ Khưu, khi thở vô dài vị ấy biết: đang thở vô dài; khi thở ra dài vị ấy biết: đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn vị ấy biết: đang thở vô ngắn; khi thở ra ngắn vị ấy biết: đang thở ra ngắn. Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm toàn thân; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm toàn thân. Vị ấy thực hành: thở vô với an tịnh thân hành; vị ấy thực hành: thở ra với an tịnh thân hành. Trong khi ấy, hành giả quán thân là thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời. Ta nói rằng hơi thở ra vào chính là thân trong các thân. Đó là tại sao trong khi ấy, hành giả quán thân là thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời.

Chú thích:

Chữ “sabbakaya – toàn thân” có hai cách giải thích. Một là toàn thời gian thở vô và thở ra (từ lúc bắt đầu tới khi kết thúc (theo các ngài Ñānamoli, 1998, Nyanaponika, Buddhadasa và Visuddhimagga [1991, pp. 266–267]. Hai là toàn thân, nghĩa là toàn bộ châu thân do ảnh hưởng của hơi thở (theo ngài Bodhi, ngài Piyadassi). Ý nghĩa này có liên hệ tới chữ “parimukkha” trong đoạn trước, được dịch là “hướng niệm trước mặt”. Trước đây, theo một số thiền sư là chót mũi, ngực, hay bụng (phồng xệp). Nhưng theo một số các vị thiền sư khác, thì “chữ toàn thân” cho thấy chánh niệm không đặt riêng một tiêu điểm như vậy.

Câu “Kāyesu kāyaññatarāhaṁ, bhikkhave, evaṁ vadāmi yadidaṁassāsapassāsā- Ta nói rằng hơi thở ra vào chính là thân trong các thân”, được chú thích theo bản Sớ Giải, có hai ý nghĩa một là chánh niệm hơi thở là một trong bốn đại thuộc về phong đại. Hai là xúc giác cảm nhận hơi thở ra vào. Điều này hàm ý là muốn nắm kéo một tấm mền lớn thì trước hết nắm một góc nào đó - từ đó kéo được tất cả.

Câu “quán thân là thân” có nghĩa là “thấy vậy biết vậy không suy diễn khác hơn (bản Anh ngữ của Ngài Bodhi dịch là “a bhikkhu abides contemplating the body as a body”), nói cách khác là quán sát thân là thân “không tô hồng chuốc lục”. Ý nghĩa này, được tìm thấy tương tự trong kinh Vô Ngã Tướng (Anattalakkhanasutta), với những câu “vị ấy thấy sắc chỉ là sắc, thấy thọ chỉ là thọ, thấy tưởng chỉ là tưởng, thấy hành chỉ là hành”. Ở những đoạn sau, có các mệnh đề “quán thọ là thọ”, “quán tâm là tâm”, “quán pháp là pháp” cũng mang ý nghĩa tương tự. (Bản dịch của HT Thích Minh Châu là “quán thân trên thân” có thể được hiểu khác hơn là với ý nghĩa “muốn biết cái nào thì nhìn thẳng vào cái đó”).

Này chư Tỳ Khưu, khi hành giả thực hành: thở vô với trải nghiệm hỷ thọ; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm hỷ thọ. Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm lạc thọ; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm lạc thọ. Vị ấy thực hành: thở vô với an tịnh tâm hành; vị ấy thực hành: thở ra với an tịnh tâm hành. Trong khi ấy, hành giả quán cảm thọ là cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời. Ta nói rằng quán niệm hơi thở ra vào một cách tinh tế chính là cảm thọ trong các cảm thọ. Đó là tại sao trong khi ấy, hành giả quán cảm thọ là cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời.

Chú thích:

Theo Sớ Giải thì cụm từ “sādhukaṃ manasikāraṃ - tác ý một cách tinh tế”, tự nó không phải là cảm thọ, mà mang ngụ ý là khi sự chánh niệm hơi thở ở mức độ thuần thục, thì hành giả có thể cảm nhận cảm giác thoải mái, khó chịu khi theo dõi hơi thở. Sự cảm nhận cảm giác ở đây như là một “phó sản (by-product)” của chánh niệm hơi thở.

Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm thái; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm thái. Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm tập chú; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm tập chú. Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm thanh thản; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm thanh thản. Trong khi ấy, hành giả quán tâm là tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời. Ta không nói rằng có sự tu tập quán niệm hơi thở ra vào đối với người thất niệm hay không chánh niệm hoàn toàn. Đó là tại sao trong khi ấy, hành giả quán tâm là tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời.

Chú thích:

Theo Sớ Giải, thì tâm quán niệm xứ ở đây lấy tâm thái chung quanh chánh niệm làm đối tượng ghi nhận. Với chánh niệm đủ tinh tế trong lúc niệm hơi thở, hành giả có thể nhận ra ngay lúc ấy chánh niệm tập chú cao độ hay không, hay thanh thản hoặc bận rộn. Nói cách khác là biết được trạng thái đang có của chánh niệm (Xem thêm ý nghĩa ở phần kế tiếp).

Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán vô thường; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán vô thường. Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán biến hoại; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán biến hoại. Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán tịch tịnh; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán tịch tịnh. Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán từ bỏ; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán từ bỏ.

Trong khi ấy, hành giả quán pháp là pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời. Thấy với minh sát từ bỏ ham muốn hay phiền muộn vị ấy nhìn bằng sự bình tâm. Đó là tại sao trong khi ấy, hành giả quán pháp là pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời.

Chú thích:

Theo Sớ Giải, thì chữ “pháp -dhamma” ở đây mang hai ý nghĩa: một là cảnh của ý thức hay cảnh không thuộc năm giác quan thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác. Pháp ở đây cũng hàm nghĩa là những đề tài pháp như năm triền cái, sáu nội xứ, tứ diệu đế … được trải nghiệm trên thực tại.

Theo Ngài Bhaddanta Āciṇṇa (Pa-Auk Sayadaw), thì từ sự thành thạo chánh niệm hơi thở ra vào, hành giả dần dà thấy được ba khía cạnh khác là cảm thọ (thọ quán), tâm thái (tâm quán) và cảnh của tâm (pháp quán). Tâm và cảnh là hai đối tượng chủ quan và khách quan. Điều này tương tự như tài xế khi đang lái xe, có ý thức rõ tình trạng của xe cùng lúc với hành trình.

Này chư Tỳ Khưu, đó là quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển khiến cho tứ niệm xứ được viên mãn

Chú thích:

Trên phương diện thực hành, thường có ý kiến khác biệt giữa các vị thiền sư về điểm này, là 16 phép niệm hơi thở và bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp), nên được tu tập đồng thời (concurrently) hay theo trình tự trước sau (sequentially). Đa số các ngài dạy rằng, tuỳ theo căn cơ. Nhưng một số ít khẳng định là phải có căn bản chỉ tịnh trước khi đi xa hơn, tức là phải lão luyện chánh niệm hơi thở ra vào. Phần lớn hướng dẫn chánh niệm hơi thở nếu có cảm thọ đau nhức, tâm không tập trung, hay khởi sanh phiền não… thì ghi nhận rồi hướng chánh niệm trở lại với hơi thở.

(Còn tiếp)