- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Abbot: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Website: chuaphapluan.com
- View Map
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 29.1.2024
Phần III: Ứng Dụng Lời Phật Dạy
CHÁNH NIỆM
Chánh niệm là phương pháp tu tập vô cùng quan trọng trong Phật Pháp. Trên cả ba phương diện từ ngữ, ý nghĩa và sự ứng dụng đều cần nắm rõ. Không thể hiểu chánh niệm qua một bài kinh, mà cần có sự tổng hợp nhiều Phật ngôn đó đây trong Tam Tạng. Riêng bài này, đặc biệt lựa chọn Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Trung Bộ, kinh số 118. Đây là bài kinh rất nổi tiếng với nhiều tựa đề khác nhau. Bản kinh chữ Hán cổ xưa gọi là Kinh An Ban Thủ Ý, vừa phiên âm vừa dịch. Một số bản dịch hiện đại gọi là Kinh Nhập Tức Xuất Tức Niệm. Dù là “An Ban Thủ Ý” hay “Nhập Tức Xuất Tức Niệm” đều chỉ cho niệm hơi thở. Điều này cho thấy sự quan trọng của phương pháp tu tập này trong Phật học.
(Vì bài kinh dài nên chia làm hai phần. Phần I chỉ là giới thiệu đại cương. Những chú thích qua trọng sẽ có trong phần II)
118. KINH QUÁN NIỆM HƠI THỞ (Ānāpānasati Sutta)
Tỳ khưu Giác Đẳng dịch và chú thích
Tôi được nghe như vầy,
Một thuở Đức Thế Tôn ngự ở Savatthi (Xá-vệ), tại Ðông Viên (Pubbarama), giảng đường Lộc Mẫu (Migaramatupasade), với tôn giả danh tiếng như Tôn giả Sariputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahamoggallana (Ðại Mục-kiền-liên), Tôn giả Mahakaccayana (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahakotthita (Ðại Câu-hy-la), Tôn giả Mahakappina (Ðại Kiếp-tân-na), Tôn giả Mahacunda (Ðại Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật), Tôn giả Revata (Ly-bà-đa) và Tôn giả Ananda (A-nan) cùng nhiều vị được biết nhiều khác nữa.
Bấy giờ, chư tôn giả hướng dẫn các tỳ khưu mới tu. Một số tôn giả hướng dẫn mười tỳ khưu; một số hướng dẫn hai mươi… ba mươi… bốn mươi tỳ khưu. Những tỳ khưu mới tu được hướng dẫn đạt được sở chứng cao siêu theo tuần tự.
Vào một ngày rằm bố tát ngày tự tứ Pavāraṇā, Đức Thế Tôn ngồi giữa với đại chúng tỳ khưu Tăng vây quanh. Đức Thế Tôn nhìn Tăng chúng tỳ khưu tịnh lặng và nói rằng:
--Này chư Tỳ Khưu, Ta thật sự bằng lòng với đạo lộ này. Tâm ta thật sự thoả mãn với đạo lộ này. Hãy nỗ lực đạt những gì chưa đạt; chứng những gì chưa chứng. Ta sẽ ở đây tại Sāvatthi cho đến ngày rằm Komudī, tháng tư.
Những tỳ khưu trong vùng được nghe “Đức Thế Tôn sẽ ở tại Sāvatthi cho đến ngày rằm Komudī, tháng tư” nên vân tập về Sāvatthi để diện kiến Đức Thế Tôn.
Chư tôn giả dành nhiều thì giờ hơn hướng dẫn các tỳ khưu mới tu. Một số tôn giả hướng dẫn mười tỳ khưu; một số hướng dẫn hai mươi… ba mươi… bốn mươi tỳ khưu. Những tỳ khưu mới tu được hướng dẫn đạt được sở chứng cao siêu theo tuần tự.
Vào một ngày rằm bố tát tháng Komudī, Đức Thế Tôn ngồi giữa với đại chúng tỳ khưu Tăng vây quanh. Đức Thế Tôn nhìn Tăng chúng tỳ khưu tịnh lặng và nói rằng:
-- Này chư Tỳ Khưu, hội chúng này không có phiếm luận, không có hý luận. Chỉ thuần là cốt lõi. Tăng chúng như vậy thật là hội chúng xứng đáng được trọng vọng, xứng đáng được trân quý, xứng đáng được cúng dường, xứng đáng được chấp tay đảnh lễ, là phước điền vô thượng ở đời. Hội chúng này khi cúng dường dù ít, mang lại quả phúc lớn; cúng dường nhiều, thì phúc quả càng nhiều hơn. Hội chúng như vậy là hiếm có trong đời. Một hội chúng như vậy, xứng đáng được đi nhiều dặm đường với hành trang trên vai để bái kiến.
Hội chúng này có những tỳ khưu đã chứng quả a la hán lậu tận - những vị đã viên mãn phạm hạnh, đã làm những gì nên làm, đặt xuống gánh nặng, chứng đạt cứu cánh, đoạn tận kiết phược, thành tựu tuệ giác tối hậu. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.
Hội chúng này có những tỳ khưu đã đoạn tận năm hạ phần kiết sử, sẽ hoá sanh (vào cõi tịnh cư). Tại đấy cuối cùng chứng niết bàn, không còn trở lại đời này nữa. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.
Hội chúng này có những tỳ khưu đã đoạn trừ ba kiết sử, giảm thiểu tham, sân, si là bậc nhất lai, trở lại cõi đời này một lần và sẽ đoạn tận khổ đau. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.
Hội chúng này có những tỳ khưu đã đoạn trừ ba kiết sử, là bậc dự lưu, không còn đọa vào ác đạo, chắc chắn sẽ giác ngộ. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.
Này chư Tỳ Khưu, hội chúng này có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tứ niệm xứ; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tứ chánh cần; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tứ như ý túc; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu ngũ căn; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu ngũ lực; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu thất giác chi; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu bát chánh đạo. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.
Này chư Tỳ Khưu, hội chúng này có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tâm từ; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tâm bi; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu tâm hỷ; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu quán bất tịnh; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu quán vô thường; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu thất giác chi; có những tỳ khưu dốc lòng chuyên tu quán niệm hơi thở. Những tỳ khưu như vậy có mặt trong Tăng chúng này.
(Quán niệm hơi thở)
Đây là phần đặc biệt quan trọng về từ vựng và ý nghĩa, đối với cả hai pháp học và pháp hành. Rất dễ có những ngộ nhận, nhất là về dịch thuật. Người tu tập nếu có thể, nên tham khảo chi tiết chánh kinh Phạm văn để không lầm lẫn. Mỗi đoạn sẽ có chú thích riêng với chữ nghiêng. Rất tiếc khi post lên Facebook không viết chữ nghiêng để phân biệt với chánh văn. Người đọc cần cố gắng lưu tâm.
Khởi đầu, hành giả chỉ làm thế nào ghi nhận rõ hơi thở ra vào. Khi đã thuần thục thì tiến xa hơn, thấy được hơi thở dài ngắn, thấy rõ toàn bộ hơi thở.
Đi xa hơn, là sự gắn kết giữa hơi thở và những trạng thái khác. Điều này có thể hiểu như sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa niêm luật và tứ thơ đối với một thi sĩ, hay sự hài hoà giữa lời ca và điệu nhạc đối với một ca sĩ. Trong cách nói chuyên môn của Phật học là sự dung hợp của chỉ (samatha) và quán (vipassana). Bản Sớ giải chú thích là sự an tịnh của tâm hành (tầm tứ) và an tịnh của thân hành (hơi thở) ở cao điểm là sự thành tựu các thiền chứng (…)
Này chư Tỳ Khưu, quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn. Quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển khiến cho tứ niệm xứ được viên mãn. Tứ niệm xứ được tu tập, được khai triển, khiến cho thất giác chi được viên mãn. Thất giác chi được tu tập, được khai triển, khiến cho minh giải thoát được viên mãn.
Những chữ bhāvitā (được tu tập), bahulīkatā (được khai triển), paripūreti (làm cho viên mãn) là ba công đoạn tôi luyện, đẩy mạnh và thuần thục.
Này chư Tỳ Khưu, thế nào là quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn?
Khi thở vô dài vị ấy biết rõ: đang thở vô dài; khi thở ra dài vị ấy biết rõ: đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn vị ấy biết rõ: đang thở vô ngắn; khi thở ra ngắn vị ấy biết rõ: đang thở ra ngắn.
Các bản dịch thường dịch câu “dīghaṃ vā assasanto ‘dīghaṃ assasāmī’ti pajānāti, dīghaṃ vā passasanto ‘dīghaṃ passasāmī’ti pajānāti” là: “Khi thở vô dài vị ấy biết tôi thở vô dài; khi thở ra dài vị ấy biết tôi thở ra dài”. Hai chữ cần lưu ý là là chữ pajānāti là biết rõ, biết một cách tỉnh táo. Chữ “tôi” không cần dịch vì trong Phạm văn luôn chia động từ một trong ba ngôi. Thêm chữ “tôi” có thể khiến hiểu lầm (xem chú thích các đoạn sau)
Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm toàn thân; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm toàn thân.
Cụm từ sabbakāyapaṭisaṃvedī gồm ba thành tố sabba+kāya+paṭisaṃvedī. Sabba+kāya > toàn thân chỉ cho toàn bộ hơi thở trên cả hai phương diện: tác động hơi thở đối với toàn thân như “phồng xẹp” và thời gian từ lúc bắt đầu, đến lúc ngưng lại đối của hơi thở ra hoặc vào. Chữ paṭisaṃvedī là trải nghiệm, cảm nhận, nhiều bản dịch là cảm giác.
Vị ấy thực hành: thở vô với an tịnh thân hành; vị ấy thực hành: thở ra với an tịnh thân hành.
Cụm từ passambhayaṃ kāyasaṅkhāraṃ được dịch là “an tịnh thân hành” theo cách dùng thuật ngữ. Kāyasaṅkhāra – thân hành - chỉ cho hơi thở. Passambhaya chỉ cho sự bình thường, không gượng gạo, không điều khiển. Ở đây, Hán tạng dịch là “điều tức” hay “thở tự nhiên”.
Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm hỷ thọ; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm hỷ thọ.
Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm lạc thọ; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm lạc thọ.
Pīti là vui hay hỷ. Sukha là sướng hay lạc. Hai trạng thái hạnh phúc khác biệt. Hỷ lạc ở đây là thành phẩm của sự tu tập, chứ không phải sự vui sướng ngoài chánh niệm. Nói cách khác là sự vui sướng do giảm thiểu phiền não.
Vị ấy thực hành: thở vô với an tịnh tâm hành; vị ấy thực hành: thở ra với an tịnh tâm hành.
Cụm từ passambhayaṃ cittasaṅkhāraṃ được dịch là “an tịnh tâm hành” theo cách dùng thuật ngữ. Cittasaṅkhāra – tâm hành - chỉ cho sự suy tư và thẩm sát cảnh hay tầm tứ. An tịnh tâm hành là chánh niệm mà “không vật lộn, hay vận dụng suy tư”, giống như người lái xe thành thạo chỉ lái xe mà không cố gắng điều khiển. An tịnh tâm hành chỉ cho trạng thái thật sự thư giãn khi quán niệm hơi thở không còn suy tư điều này điều kia.
Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm thái; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm thái.
Cụm từ “cittapaṭisaṃvedī - trải nghiệm tâm thái” ở đây là sự cảm nhận nội tại hay tâm thức, đối lập với “dhammapaṭisaṃvedī - trải nghiệm pháp” hay cảnh của tâm. Quán sát tâm thái và quán sát tâm cảnh (pháp) là cảm nhận thế giới chủ quan và thế giới khách quan.
Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm hân hoan; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm hân hoan.
Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm tập chú; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm tập chú.
Tâm hân hoan (abhippamodaya citta) chỉ cho trạng thái thư thới; tâm tập chú (samādaha citta) chỉ cho tâm trụ bền bỉ; tâm thanh thản (vimocaya ctta) là tâm thái vượt thoát sự chi phối của phiền não.
Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán vô thường; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán vô thường.
Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán sự tan biến; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán sự tan biến.
Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán tịch tịnh; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán tịch tịnh.
Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán từ bỏ; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán từ bỏ.
Này chư Tỳ Khưu, đó là quán niệm hơi thở được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, lợi ích lớn.
Vô thường là sự thay đổi không giữ nguyên trạng của pháp thế gian hay pháp hữu vi. Biến hoại là sự tan biến của dục tham (đôi khi dịch là ly tham). Tịch tịch là sự chấm dứt khổ đau. Từ bỏ là sự buông xả những chấp thủ, để thể nhập đạo và chứng giải thoát. Bốn pháp này là sự quán niệm đối với tâm cảnh.
(còn tiếp)
Này chư Tỳ Khưu, thế nào là quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triển khiến cho tứ niệm xứ được viên mãn?
Này chư Tỳ Khưu, khi thở vô dài vị ấy biết: đang thở vô dài; khi thở ra dài vị ấy biết: đang thở ra dài. Khi thở vô ngắn vị ấy biết: đang thở vô ngắn; khi thở ra ngắn vị ấy biết: đang thở ra ngắn. Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm toàn thân; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm toàn thân. Vị ấy thực hành: thở vô với an tịnh thân hành; vị ấy thực hành: thở ra với an tịnh thân hành. Trong khi ấy, hành giả quán thân là thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời. Ta nói rằng hơi thở ra vào chính là thân trong các thân. Đó là tại sao trong khi ấy, hành giả quán thân là thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời.
Này chư Tỳ Khưu, khi hành giả thực hành: thở vô với trải nghiệm hỷ thọ; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm hỷ thọ. Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm lạc thọ; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm lạc thọ. Vị ấy thực hành: thở vô với an tịnh tâm hành; vị ấy thực hành: thở ra với an tịnh tâm hành. Trong khi ấy, hành giả quán cảm thọ là cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời. Ta nói rằng quán niệm hơi thở ra vào chính là cảm thọ trong các cảm thọ. Đó là tại sao trong khi ấy, hành giả cảm thọ là cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời.
Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm thái; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm thái. Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm tập chú; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm tập chú. Vị ấy thực hành: thở vô với trải nghiệm tâm thanh thản; vị ấy thực hành: thở ra với trải nghiệm tâm thanh thản. Trong khi ấy, hành giả quán tâm là tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời. Ta không nói rằng có sự tu tập quán niệm hơi thở ra vào đối với người thất niệm hay không chánh niệm hoàn toàn. Đó là tại sao trong khi ấy, hành giả quán tâm là tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời.
Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán vô thường; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán vô thường. Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán biến hoại; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán biến hoại. Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán tịch tịnh; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán tịch tịnh. Vị ấy thực hành: thở vô với tùy quán từ bỏ; vị ấy thực hành: thở ra với tùy quán từ bỏ.
Trong khi ấy, hành giả quán pháp là pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời. Thấy với minh sát từ bỏ ham muốn hay phiền muộn vị ấy nhìn bằng sự bình tâm. Đó là tại sao trong khi ấy, hành giả quán tâm là tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, bỏ một bên sự ham muốn hay phiền muộn đối với cuộc đời.
Này chư Tỳ Khưu, đó là quán niệm hơi thở được tu tập, được khai triểnkhiến cho tứ niệm xứ được viên mãn.
(Còn tiếp)