THANH TỊNH ĐẠO YẾU LƯỢC - Biên soạn: Tỳ kheo Giác Giới

Thứ hai, 21/02/2022, 18:27 GMT+7

LỜI NÓI ĐẦU

Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo do ngài Buddhaghosa biên soạn hồi tiền bán thế kỷ V, là một bộ sách gối đầu cho chư tăng các nước Phật giáo Nam truyền, và là tư liệu quý giá của giới học giả nghiên cứu kinh điển Pāli.

Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo được dịch ra nhiều thứ tiếng: Tích-lan, Miến, Thái, Anh… Ở Việt Nam, thì Thanh Tịnh Đạo được dịch Việt ngữ từ bản tiếng Anh của ngài Ñāṇamoli, do ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch; Từ bản tiếng Thái do tỳ-kheo Ngộ Đạo dịch dưới sự hướng dẫn của hòa thượng Tịnh Sự.

Tác phẩm Thanh Tịnh Đạo được đưa vào chương trình giảng dạy ở Học viện Phật giáo, trường Cao đẳng Phật học, trường Trung cấp Phật học…

Để làm giáo trình giảng dạy, hòa thượng Thích Phước Sơn đã tóm tắt thành quyển Thanh Tịnh Đạo toản yếu.

Ở đây, chúng tôi soạn riêng giáo trình giảng dạy môn học này, gọi là Thanh Tịnh Đạo yếu lược.

Chúng tôi giản lược nội dung, lấy phần tinh yếu của tác phẩm Thanh Tịnh Đạo qua nguyên bản Pāli.

Chúng tôi chú thích thêm Pāli trong những đoạn, những từ Phật học, để người học tham khảo và không hiểu sai với nguyên bản.

Về hình thức, Thanh Tịnh Đạo yếu lược chỉ gồm bốn chương, với chương thứ năm là tóm tắt tiểu sử tác giả.

Chương I. Dẫn nhập Thanh Tịnh Đạo

Chương II. Yếu lược phần giới

Chương III. Yếu lược phần định

Chương IV. Yếu lược phần tuệ

Bản Thanh Tịnh Đạo thì có 23 chương: Phần Giới 2 chương; Phần Định 11 chương; Phần Tuệ 10 chương.

Mặt khác, các tiết mục trong bản Thanh Tịnh Đạo cũng được sắp đặt lại cho tiện tham khảo, và nhất là để ứng dụng tu tập. Vì mục đích của chúng tôi, ngoài việc giúp học giả nghiên cứu học Phật, còn giúp cho hành giả thực hành giáo pháp nữa.

Biên soạn Thanh Tịnh Đạo yếu lược có thể sẽ có người cho rằng chúng tôi làm cái việc dư thừa và mạo muội. Dư thừa vì đã có người đi trước dịch và tóm lược rồi; Mạo muội vì tùy tiện chỉnh sửa bản dịch và sắp đặt theo ý riêng.

Không sao cả, bởi chúng tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để chúng tôi đọc hiểu tác phẩm Thanh Tịnh Đạo, làm giàu kiến thức Phật pháp cho chính bản thân mình.

Nếu có bậc thiện tri thức nào đọc và gật đầu với quyển Thanh Tịnh Đạo yếu lược này, thì đó là niềm vui và lời khích lệ cho chúng tôi vậy.

Mong sao Phật pháp được thạnh hành, chúng sanh an vui tiến hóa.

Mùa hạ Phật lịch 2565

Tỳ-kheo Giác Giới

Ý kiến bạn đọc