Phần I. Đức Phật _ Bài 3. ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ _ Môn học: Phật Pháp Cơ Bản _ Ngày 23.8.2021

Thứ hai, 23/08/2021, 19:42 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 23.8.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 3. ĐỨC PHẬT LỊCH SỬ

Đức Phật là nhân vật lịch sử vĩ đại. Cuộc đời và lời dạy của Ngài được ghi lại trong Tam Tạng kinh điển đồ sộ. Một tôn giáo khởi đầu đương thời với Đức Phật là Đạo Jain có nhiều ghi chép về Đức Phật với tên gọi Đại Sa Môn Gotama. Ngay sau khi Đức Phật viên tịch không lâu, Ấn Độ trãi qua những thay đổi lớn về chính trị, văn quá để rồi ra đời triều đại Mauriyan (Khổng Tước) mà vị đại đế nổi bật nhất của triều đại nầy chính là vua Asoka. Những trụ đá được vua Asoka tạo dựng đánh dấu những nơi liên hệ tới cuộc đời của Đức Phật được tìm thấy tướng Alexander Cunningham vào cuối thế kỷ 19 xác lập những giá trị lịch sử về cuộc đời của Đức Phật. Mặc dù những người Phật tử, hay không phải Phật tử, có xem Đức Phật là một thần linh, một nhân vật thần thoại, một ngẫu tượng huyền học thì một Đức Phật lịch sử vẫn hiển nhiên với đầy đủ những chi tiết rõ nét.

Niên đại

Có nhiều cách xác định niên đại về Đức Phật. Một cách tính đơn giản nhất là Phật lịch. Phật lịch tính từ năm Đức Thế Tôn viên tịch. Sau khi Đức Phật viên tịch có hai di sản lớn Ngài để lại là giáo pháp và Tăng lữ. Chư tăng có truyền thống là tôn trọng nhau qua hạ lạp. Mỗi mùa an cư kiết hạ hằng năm vị trưởng lão trong mỗi chùa phải nêu rõ: “Đây là mùa mưa Phật lịch năm thứ… kể từ khi Phật viên tịch” để ghi nhớ về tuổi đạo của chư tỳ kheo. Đây là niên lịch duy nhất được sử dụng trước khi có Tây lịch (Gregorian calendar).

Để tính năm đản sinh của Phật lấy Phật lịch cộng 80 năm trụ thế. Thí dụ năm Phật lịch 2565 như vậy Đức Phật ra đời cách đây 2645 năm.

Tính một cách cố định theo Tây lịch thì Đức Phật ra đời năm 624 trước công nguyên (B.C.E). Ngài thành đạo năm 589 B.C.E. Ngài viên tịch năm 544 B.C.E.

Những con số về niên đại theo Hán tạng của Phật giáo Trung Hoa hoàn toàn không khả tín và không có cơ sở như Đức Phật hoằng hoá 49 năm, rời hoàng cung năm 19 tuổi … Ngay cả ba ngày vía đản sanh rằm tháng tư, thành đạo rằm tháng chạp và niết bàn rằm tháng hai theo Âm lịch đều không có cơ sở lịch sử.

Địa lý

Ấn độ là quốc gia có nhiều thay đổi lớn về biên giới xuyên suốt từ cổ đại đến đương đại. Đã có thời Ấn độ bao gồm Afghanistan, Pakistan, Nepal, Bhutan, Banghadesh. Đó là một đại lục với hình thoi mà ba phần tư bao bọc bởi biển. Phía bắc là bức tường sừng sững của rặng Himalaya. Phía tây là sa mạc mênh mông. Tất cả tạo nên một cô lập địa dư trong nhiều thiên niên kỷ hình thành một nền văn hoá rất riêng.

Theo các nghiên cứu về nhân chủng học thì thời thái cổ nên văn minh Ấn khởi nguồn từ lưu vực sông Ấn Hà (Indus), sang thời cổ đại nền văn minh chuyển sanh châu thổ sông Hằng (Ganga). Chính tại nơi nầy Đức Thế Tôn ra đời cách đây hơn 26 thế kỷ. Lúc bấy giờ có 16 quốc độ trong lưu vực sông Hằng.

Đức Phật ra đời trong vương quốc Sakya (Thích Ca), một chư hầu của Kosala (Kiều Tát La). Kosala cùng với Magadha (Ma Kiệt Đà là hai vương quốc lớn mạnh nhất trong lưu vực sông Hằng thời bấy giờ. Vưong quốc Sakya nằm dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn cùng với 3 quốc độ khác là Koliya, Malla và Vajji.

Vùng đất trong châu thổ sông Hằng được gọi là Trung Thổ hay Trung Độ (Majjhadesa). Điều nầy có liên hệ đặc biệt đến Đức Phật, giáo pháp và Tăng chúng mặc dù ngày nay những trung tâm Phật giáo đã thiên di sang các quốc gia lân cận. Người học Phật cần biết rõ những điểm liên hệ (…)

Thân thế

Đức Phật sanh trong dòng Sát đế lỵ (khattiya), một giai cấp cao trong xã hội Ấn. Sát đế lỵ là giai cấp thống trị mang hai ý nghĩa là thành phần chiến sĩ và thành phần vua chúa. Có những điểm giai cấp bà la môn vượt trội hơn giai cấp sát đế lỵ nhưng ngược lại có những mặt giai cấp sát đế lỵ có ưu thế hơn.

Cha của Ngài là vua Suddhodana (Tịnh Phạn). Mẹ là hoàng hậu Mayā Gotamī. Giòng Sakya (Thích Ca) là bên nội. Giòng Koliya là bên ngoại của Đức Phật.

Năm 16 tuổi Đức Bồ Tát đăng quang vương vị (lễ quán đãnh sát đế lỵ) trở thành vị vua của vương quốc nhưng không chấp chính vì vua Suddhodana lo sợ Ngài sẽ từ bỏ ngai vàng (…) vì những phiền luỵ của việc chăn dân trị nước. Cũng trong dịp nầy Ngài kết hôn với công nương Yasodhara sau nầy hạ sanh một con trai là hoàng tử Rahula.

Năm 29 tuổi Ngài rời bỏ hoàng cung sau một chuyến tuần du ngoại thành chứng kiến cảnh già, bệnh, chết, mà một người xuất gia.

Danh tánh

Đức Phật mang họ mẹ là Gotama vì văn hoá Ấn theo mẫu hệ (…). Tên của Ngài là Siddhattha (Sĩ Đạt Ta hay Tất Đạt Đa).

Khi liệt kê danh tánh của chư Phật thì Đức Thế Tôn được gọi là Đức Phật Gotama (âm là Cồ Đàm, Cù Đàm hay Kiều Đàm) một danh gọi ít quen thuộc với Phật tử Việt Nam. (Trong văn hoá Phật giáo Việt Nam chữ Kiều Đàm phổ thông như là tên gọi di mẫu của Đức Phật, vị ni trưởng đầu tiên của Phật giáo).

Tên gọi Phật Thích Ca Mâu Ni hay Sakya Muni thật ra có ý nghĩa là “bậc hiền thánh dòng Thích Ca” là cách gọi tôn kính bắt nguồn từ thời vua Asoka (A Dục) không phải là danh gọi trực tiếp như người Phật tử dùng ngày nay. Thời Phật tại thế Người Phật tử nói đến Đức Phật thường dùng chữ Bhagava (Đức Thế Tôn) trong lúc ngoại giáo thường gọi Đức Phật là Sa môn Gotama.

Tại các quốc gia Phật giáo khi nói “Đức Phật” thì được mặc nhiên hiểu là Đức Phật lịch sử, Đức Phật Gotama. Cách gọi “Đức Bổn Sư” hay Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là cách gọi “rất Đại Thừa” vì thường đề cập nhiều vị Phật khác nhau trong nghi lễ và sự tu học.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc