Phần I. Đức Phật _ Bài 1. HÀNH TRÌNH DẪN ĐẾN PHẬT QUẢ _ Môn học : Phật Pháp Cơ Bản Ngày 9.8.2021 _ Bài học ngày 9.8.2021

Thứ hai, 09/08/2021, 19:39 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 9.8.2021


Phần I. Đức Phật

Bài 1. HÀNH TRÌNH DẪN ĐẾN PHẬT QUẢ

Có hai hình ảnh về Đức Phật qua cái nhìn của đa số quần chúng ngày nay. Một là hình ảnh của một thần linh trong tín ngưỡng tôn giáo mà ở đó người ta cầu nguyện ban phúc lành trong các đền thờ Phật. Hai là hình ảnh của một bậc hiền triết có những lời dạy ý vị cho cuộc sống qua một số các Phật ngôn tìm thấy đó đây. Kỳ thật cả hai hình ảnh nầy đều có nhiều điểm bất cập. Trước hết hãy đi tìm những ghi nhận về Đức Phật qua Tam Tạng kinh điển. Những chi tiết về Đức Phật dù trong trong kiếp ra đời thành đạo rồi hoằng hoá hay những kiếp tiền thân có thể tìm thấy trong cả Tam Tạng Pāli và Sớ giải. Những bộ kinh như Jataka (Câu Chuyện Tiền Thân), Caritapitaka (Hạnh Tạng), Buddhavaṃsa (Phật Tông) chứa đựng nhiều chi tiết về hành trình xuyên qua nhiều kiếp tiền thân hành trì ba la mật hạnh (pārami) trong lúc những bộ kinh khác ghi lại nhiều chi tiết về những tháng ngày trước khi thành đạo.

Hành trình khởi sự từ cảm nhận sâu sắc nỗi khổ của kiếp nhân sinh

Đau khổ vốn quá quen thuộc với hầu hết chúng sanh. Đó là thứ nghiệt ngã không ai tránh khỏi và thường cam phận tin vào sự an bài của định mệnh hay thiên mệnh. Tuy nhiên không phải tất cả đều nhìn như vậy. Có những chúng sanh sau khi thấm thía nỗi khổ phát tâm tìm phương thoát khổ. Trong kinh gọi những chúng sanh đó là Bodhisatta (bồ tát hay bồ đề tát đoả). Kinh điển chữ Hán cũng dịch chữ Bodhisatta là “giác hữu tình” nghĩa là chúng sanh có cái nhìn tỉnh thức khác với cách suy nghĩ rập khuôn của thường tình. Theo Phật Bản Hạnh thì trong kiếp rất xa xưa một thương buôn đi trên biển cả bị chìm tàu. Trong lúc mọi người kêu khóc thảm thiết thì một người đã leo lên cột buồm nhìn quanh rồi tới khi chìm xuống lấy tất cả nghị lực cố bơi giữa trùng dương mênh mông cho đến khi thiếp đi. Khi người nầy tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên bãi cát của một hoang đảo. Hồi tưởng những giây phút hãi hùng khi tàu chìm và những giờ phút cố bơi trên biển cả người nầy cảm nhận sâu sắc nỗi khổ của kiếp nhân sinh và phát nguyện tìm ra con đường thoát khổ. Vị ấy sau nầy thành Phật chính là Đức Thế Tôn Gotama trong hiện kiếp.

Ba la mật hạnh và những kiếp trầm luân

Cuộc tu trước khi thành đạo của chư Phật chánh đẳng chánh giác là một hành trình dài. Trong suốt thời gian đó phần lớn những gì mà các Ngài thực hành là tự thân tìm kiếm và kiên trì áp dụng. Những điềm mà các Ngài thực hành gọi là Pārami hay ba la mật có nghĩa là pháp đưa đến bờ giải thoát (đáo bỉ ngạn): cũng có nghĩa là pháp hoàn thiện để đạt đến chỗ viên mãn giác hạnh. Có tất cả 10 ba la mật hạnh (Dasapāramī):

1. Bố thí Ba la mật (Dānapāramī) buông xả tư hữu để ban bố.

2. Trì giới Ba la mật (Sīlapāramī) sống với những nguyên tắc tu tập.

3. Xuất ly Ba la mật (Nekkhammapāramī) từ bỏ cái tầm thường cho đạo giải thoát.

4. Trí tuệ Ba la mật (Paññāpāramī) dùng lý trí dựa trên nhân quả, sự thật tự nhiên để thẩm xét.

5. Tinh tấn Ba la mật (Viriyapāramī) huân tu nghị lực phi thường.

6. Nhẫn nại Ba la mật (Khantipāramī) an nhẫn để sống tốt và sống đẹp.

7. Chân thật Ba la mật (Saccapāramī) tôn trọng sự thật trong mọi tình huống.

8. Chí nguyện Ba la mật (Adhiṭṭhānapāramī) luôn sống với thái độ hướng thiện và hướng thượng.

9. Từ tâm Ba la mật (Mettāpāramī) hành xử bằng tâm từ mẫn với muôn loài chúng sanh.

10. Hành xả Ba la mật (Upekkhāpāramī) khả năng an nhiên trong thuận cũng như nghịch.

Sự thực hành pháp Ba la mật có ba cấp độ:

a) Ba la mật bình thường (Pāramī) là thực hành với hùng tâm bỏ tất cả vật ngoại thân

b) Ba la mật bậc trung (Upapāramī) là thực hành với hùng tâm dám hy sinh cả tứ chi và xa lìa những thứ thân thiết trong đời như vợ, con.

c) Ba la mật tối thượng (Paramatthapāramī) là thực hành với hùng tâm dám hy sinh cả mạng sống.

Khuynh hướng chủ đạo

Mặc dù cứu cánh giác ngộ giải thoát giống nhau nhưng trên hành trình của sự tu tập chư vị bồ tát hướng cầu Phật quả toàn giác có ba khuynh hướng thiên nặng khác nhau:

- Thiên về trí tuệ (Paññadhika bodhisatta) là bậc bồ tát thường dùng khả năng thẩm định suy xét trong mọi sở hành. Đây là hạng bồ tát có hành trình ngắn nhất trong ba hạng bồ tát.

- Thiên về đức tin (Saddhaādhika bodhisatta) là bậc bồ tát thường dùng niềm tin là điểm tựa trong sự tu tập. Bậc bồ tát nầy có hành trình tu tập lâu gấp đôi bậc thiên về trí tuệ.

- Thiên về tinh tấn (Viriyādhika bodhisatta) là bậc bồ tát thường trông cậy vào nỗ lực của bản thân trong sự tu tập. Bậc bồ tát nầy có hành trình tu tập lâu gấp đôi bậc thiên về đức tin.

Ba khuynh hướng nầy có thể hiểu qua thí dụ như khi đi đường có người khi cần thì hỏi đường ở người khác (thiên về niềm tin); có người không muốn hỏi mà chỉ muốn từ mình ra sức tìm đường (thiên về tinh tấn); cũng có người thường sử dụng những phương tiện kỹ thuật để xác định đường đi. Tuy với thí dụ nầy nên hiểu là cả ba khuynh hướng chỉ là “thiên nặng” chứ cả ba đều có dùng trí tuệ, đức tin và tinh tấn. Cũng nên nhớ rằng dùng khuynh hướng trong sự tu tập có khác nhưng khi thành tựu Phật quả vô thượng thì các Ngài hoàn toàn giống nhau.

Những giai đoạn của hành trình

Có ba giai đoạn trong hành trình giác ngộ của chư bồ tát hướng cầu quả vị toàn giác:

1. Giai đoạn ước nguyện trong tâm

2. Giai đoạn phát nguyện ra lời

3. Giai đoạn được chư Phật thọ ký

- Giai đoạn thứ nhất kéo dài cho đến khi đủ mạnh để phát nguyện bằng lời; giai đoạn hai, ngắn hơn, nhưng vẫn còn chưa cố định (Aniyatabodhisatta) vì vẫn còn có thể thối chuyển; giai đoạn thứ ba khi được chư Phật thọ ký được gọi là bồ tát cố định (Niyatabodhisatta). Theo Phật Tông (Buddhavaṃsa) thì Đức Phật Gotama trong kiếp tiền thân được thọ ký lần đầu tiên khi gặp khi gặp Đức Thế Tôn Dīpaṅkara (Nhiên Đăng). Lúc bấy giờ Ngài là đạo sĩ Sumedha phát tâm tình nguyện bồi đắp một đoạn đường vào làng để đóng Đức Phật Dīpaṅkara và Tăng chúng. Dù cố gắng tối đa nhưng còn một đoạn ngắn thì Đức Phật đi tới. Đạo sĩ Sumedha đã nằm xuống xin dùng thân mình để trãi đường. Ngay sau đó đã nói lên đại nguyện hướng cầu Phật quả và được Đức Thế Tôn Dīpaṅkara thọ ký. Từ đó Đức Bồ Tát trở thành bậc được xác định là sẽ chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc