- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 24.4.2023
Phần II: Phật Pháp
Thế Nào Là Một Chúng Sanh
TỔNG QUAN
Nhân sinh quan chắc chắn có một ảnh hưởng lớn đến cuộc sống. Để có thể quyết định hành động thì phải hỏi “ta là ai?”. Câu tự vấn mới nghe như là một suy tư triết học nhưng lại là một thực tại trăn trở của cả đời người. Để tìm câu trả lời người ta vận dụng những quan niệm được học hỏi từ gia đình, xã hội, văn hoá, sách vở để đưa ra một định nghĩa cụ thể về sự hiện hữu của mỗi con người trong cõi đời nầy.
Tất nhiên cái nhìn đầu tiên đến từ thị dục huyễn ngã. Có một cái tôi mơ hồ nhưng dễ tổn thương và phản ứng mạnh mẽ khi bị xúc phạm. Cái tôi đó tạo nên niềm kiêu hãnh mà cũng là nguyên nhân của lắm đau thương. Từ sự bảo vệ cái tôi là, tôi có đến sự so sánh cái tôi với người khác. Hơn thua từ lời ăn tiếng nói cho đến tranh đoạt quyền cao, chức trọng tất cả chỉ là hiện tượng chấp ngã.
Trong xã hội văn minh hơn người ta đưa ra những hình mẫu về con người đích thực. Đó là những bậc trượng phu quân tử hoặc những anh thư kiệt nữ; những vĩ nhân lưu danh vạn đại hoặc một người cao quý đức hạnh vẹn toàn. Trong kinh điển cũng nói về những bậc đại giác, bậc thiện hữu tri thức, bậc thiên chủ phước hạnh vô song.
Rồi tới quan niệm siêu thực mà qua đó tất cả chúng sanh bình đẳng. Những khác biệt về chủng tộc, giới tính, ngoài hình…chỉ là biểu hiện có tánh giai đoạn. Có mẫu số chung của muôn loài chúng sanh là sanh ra với nghiệp riêng. Trong cuộc luân hồi ai cũng có siêu, đoạ. Gọi là hoàn hảo hay chí thiện chỉ có bậc đạt đến chỗ giải thoát rối ráo.
Từ cảnh giới của nhân ngã bỉ thử mà qua đó phát tâm đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xả, Phật pháp cũng dạy sự sống chỉ là hiện tượng giới. Pháp giởi hữu tình là sự hoạt động của năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới. Không có trời người, nam nữ, sang hèn. Mỗi chúng sanh chỉ là những hỗn hợp hoặc tâm thức, hoặc vật chất, hoặc cả hai. Ở đây chỉ nói về đệ nhất nghĩa đế. Mọi thi thiết trở thành vô nghĩa.
Vấn đề lớn nhất của người học Phật là đôi khi từ kiến thức Phật Pháp trở nên chấp hữu với quan niệm về các sanh loại khả cầu. Ngược lại cũng có quan niệm chấp vô khi cho rằng tất cả là huyễn hoá. Đức Phật dạy cái nhìn trung đạo. Không đơn giản để hiểu, để chấp nhận, và để áp dụng cụ thể.
Bài học nầy sẽ đề cập tới những khía cạnh sau:
Chúng sanh theo Kinh Hiền Ngu
Chúng sanh theo giới tính
Chúng sanh theo lục đạo
Chúng sanh theo 12 hạng người
Chúng sanh theo 5 uẩn
Chúng sanh theo 12 xứ
Chúng sanh theo 18 giới
TK Giác Đẳng biên soạn