Môn học: Phật Pháp Cơ Bản - Phần II: Phật Pháp _ TỨ DIỆU ĐẾ, phần 1

Thứ hai, 04/04/2022, 18:00 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 4.4.2022


Phần II: Phật Pháp

TỨ DIỆU ĐẾ, phần 1

Không phải là một đề tài giữa bao nhiêu đề tài Phật pháp

Bất cứ một hành trình hay nỗ lực lớn lao nào đều cần có cái nhìn toàn diện. Điều nầy có nghĩa là sự nhận thức rõ ràng về thực trạng, nguyên nhân của vấn đề, giải pháp và phương cách thực hiện. Không có cái nhìn nhất quán thì chẳng những phí phạm thời gian, công sức cho những thứ vô ích mà còn dẫn đến sự thất bại vì hiểu biết sai lạc.

Tứ diệu đế được Đức Phật giảng trong bài pháp tiên khởi hay Kinh Chuyển Pháp Luân và được nhấn mạnh là trọng tâm của giáo pháp cho đến khi Đức Thế Tôn viên tịch. Điều cho thấy tầm quan trọng của tứ diệu đế. Không nên quan niệm tứ diệu đế là một đề tài pháp số trong hàng trăm đề tài khác của Phật pháp. Người học Phật không thể không có cái nhìn nghiêm túc về điểm nầy.

Tứ diệu đến được thí dụ là dấu chân voi trong rừng với chiều kích rộng lớn bao hòm tất cả dấu chân con vật khác cũng như tứ diệu đế bao hàm những gì được Đức Phật giảng dạy. Đây là tổng quan của giáo pháp. Nếu hiểu bất cứ điều nào đó trong kinh điển mà xem như nằm ngoài tứ diệu đế đều đi ngược lại những gì Phật dạy. Thí dụ trong kinh Singālovādasutta Đức Phật dạy những pháp mà người chồng nên thực hành đối với vợ và ngược lại có những pháp mà người vợ nên có đối với chồng. Thoạt nghe thì những điều nầy mang tính thế tục không liên quan gì tới tứ diệu đế. Trên thực tế thì tất cả đều nói về những hệ luỵ của kiếp nhân sinh (khổ đế) và giải pháp dù ngắn hạn hay dài hạn.

Diệu đế không có nghĩa là sự thật cao siêu của triết lý

Chữ diệu đế thường được ngộ nhận là chân lý cao siêu theo cách ca ngợi. Trong tín ngưỡng cũng như văn hoá người ta thường dùng rất nhiều mỹ từ để nói về những gì mình thích. Trong trường hợp tứ diệu đế – được định nghĩa là bốn sự thật vi diệu – thì chữ vi diệu không mang ý nghĩa ca ngợi. Giống như nói về một phương thuốc rất tốt để chữa chứng bệnh nào đó thì chữ “rất tốt” là nói về công năng chứ không phải là lời khen.

Phải học tứ diệu đế với tinh thần ứng dụng thực tiễn. Phải hiểu tứ diệu đế như tấm bản đồ hay thuốc trị bệnh. Giá trị của tấm bản đồ là hướng dẫn đường đi chứ không phải ở giấy in tốt hay màu sắc đẹp. Giá trị của thuốc trị bệnh cũng vậy. Không nên quan niệm thuốc hay giá tiền, ở bao bì đẹp hay vị thuốc ngon ngọt mà chính ở hiệu năng trị bệnh.

Tứ diệu đế nhấn mạnh tánh cấp thiết của sự tu tập. Một đặc điểm cần lưu ý là tứ diệu đế nhấn mạnh tới nhu cầu cấp thời của sự tu tập để giải quyết vấn đề thiết yếu là giải thoát khổ đau. Những thí dụ về lữa cháy trên đầu hay mủi tên độc cần nhổ ra để trị thương nói rõ tại sao nên có thái độ kíp thời đối với hệ luỵ của cuộc sống.

Từ lý thuyết đến thực hành

Tứ diệu đế không phải khái niệm về giáo pháp hay cái nhìn chung về cuộc sống mà bao hàm cả pháp học, pháp hành, pháp thành. Sẽ là một điều rất sai lầm nếu hiểu tứ diệu đế là phần lý thuyết của Phật pháp. Từ sự học hiểu đến ứng dụng và xuyên suốt hành trình dẫn đến giác ngộ thì tứ diệu đế đều cần được thẩm định như “ba luân mười hay chuyển” được Đức Phật dạy trong Kinh Chuyển Pháp Luân.

Giáo lý tứ đế cho thấy sự tách biệt giữa lý thuyết và thực hành là điều vô nghĩa. Một số lớn Phật tử thường tranh luận về chủ trương nên học hay nên thực hành nhưng hai “trường phái” khác biệt. Thật ra đây là cái nhìn phiến diện. Cũng như khi người ta muốn trị Covid mà không hiểu về covid thì là hoang tưởng. Không có gì để phải tranh cải về lợi ích cả hai lý thuyết và thực hành. Bốn sự thật về khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ, con đường đưa đến sự diệt khổ là một kết hợp nhuần nhuyễn giữa sự hiểu biết và thực hành cụ thể.

Có một liên hệ trọng yếu giữa tổng quát và chi tiết. Như một hành trình dài đòi hỏi các nhìn chung về đường đi điểm đến đồng thời cũng cần tập chú vào từng giai đoạn. Không có cái nhìn chung thì mất phương hướng. Thiếu hiểu về chi tiết sẽ tạo nên nhiều vấp váp. Giáo lý tứ diệu đế hàm chứa cả hai cái nhìn tồng quan và sự ứng dụng cụ thể.

Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng

Ý kiến bạn đọc