- 13913 S. Post Oak Rd, Houston TX 77045
- Phone: (281) 838-0535. Fax: (832) 550-2889
- Trụ Trì: Tỳ khưu Giác Đẳng
- Email: phapluan@gmail.com
- Web: chuaphapluan.com
- Xem bản đồ
Lớp Phật Pháp Buddhadhamma
Môn học: Phật Pháp Cơ Bản
Bài học ngày 28.3.2022
Phần II: Phật Pháp
TỔNG QUAN
Phật Pháp và Đạo Phật
Có sự khác biệt giữa khái niệm về Đạo Phật và Phật Pháp. Nói đến Đạo Phật có nghĩa là một tôn giáo theo cách nói chung bao gồm cả những gì được chính Đức Phật dạy – hay Phật Pháp – cộng chung với nhiều hình thái du nhập theo thời gian mang tánh cách văn hoá, tín ngưỡng, xã hội ..v.v.. Một người theo Đạo Phật không nhất thiết hiểu và hành trì Phật pháp chân thực.
Phật pháp – Buddhadhamma – là lời dạy đích thực của Đức Phật. Những lời dạy nầy được gìn giữ trong Tam Tạng kinh điển. Người Phật tử cần cân nhắc một cách nghiêm túc để vượt qua những ngộ nhận do những du nhập ngoại lai, hoặc sự sai lạc do văn tự và ngay cả những nhầm lẫn vì trình độ nhận thức cá nhân.
Phật pháp không phải là sản phẩm của suy tư – dù là lập thuyết của Đức Phật. Pháp ở đây là sự thật được Đức Phật giác ngộ và truyền dạy. Khác hẳn với giá trị của chủ nghĩa hay trường phái trong học thuật. Dù chư Phật có ra đời và thuyết giảng không thì chân pháp vẫn vậy. Chữ Buddhism (Phật giáo) trong Anh ngữ là là cách nói mang nghĩa lệch lạc. Phật pháp không nên gắn liền với chữ -ISM. (Chính vì vậy trong Anh ngữ người là gọi Ki Tô Giáo là Christianity). Phật pháp không phải là một sản phẩm trí tuệ do Đức Phật sáng tạo.
*
Pháp Môn và Tông Phái
Sự phân hoá là điều tất nhiên trong tất cả tôn giáo mà Phật giáo không là ngoại lệ. Người Phật tử cần nhận ra tính cách tự nhiên trong những khác biệt và có thái độ cởi mở, thân thiện, hoà ái hơn là thù nghịch nặng nề. Nên nhớ một điều là ngay cả một tông phái, một sơn môn thì vẫn có những dị biệt to lớn trong sự nhận thức và hành trì.
Tam Tạng Pāli không có bất cứ đề cập gì về sự phân chia tông phái như giáo thuyết ngũ thừa trong Phật giáo Mật tông (Kim Cang Thừa) và ngữ thời thuyết giáo của Phật giáo Bắc Tông (Đại thừa). Đức Phật có những lời dạy tuỳ theo căn tánh của người nghe trực tiếp nhưng Ngài chưa bao giờ có chủ trương phân chia tông phái hay tách rời từng nhóm xuất gia, cư sĩ do khuynh hướng dị biệt trong sự tu học.
Quan niệm về tu hành chỉ theo một pháp môn nào đó cũng không phải là tín lý có cơ sở trong Tam Tạng Pāli. Sự tu tập của mỗi cá nhân có thể cùng lúc mang nhiều phương pháp. Một giai đoạn cũng có thể có sự hành trì khác nhau. Sự phân chia bốn chúng đệ tử Phật theo pháp môn hành trì không tìm thấy trong Đạo Phật Nguyên Thuỷ.
*
Lợi Ích Thiết Thực
Đức Phật chỉ dạy những gì có lợi ích thực tiễn chứ không để thoả mãn tri thức. Một lần Đức Phật đưa lên một ít lá simsapa trong tay hỏi chư tỳ khưu là lá trong tay so với lá trong rừng cái nào nhiều hơn. Chư tỳ khưu trả lời lá trong rừng nhiều hơn trong tay Đức Phật. Với so sánh nầy Đức Phật dạy rằng sự hiểu biết của Phật trí bao la như lá trong rừng nhưng những gì Phật dạy như lá trong nắm tay vì Đức Như Lai chỉ dạy những gì có lợi ích thiết thực.
Những lời dạy thiết thực của Đức Phật bao gồm sự hướng dẫn để chúng sanh không làm ác nghiệp, tạo tác hạnh lành và thành tựu sự giác ngộ giải thoát. Điều nầy có nghĩa là mặc dù Đức Phật nhấn mạnh cứu cánh đoạn tận phiền não, chấm dứt khổ đau, không còn sanh tử nhưng Ngài vẫn dạy về phước báu nhân thiên và cách sống hạnh phúc an lạc trong hiện tại kể cả đối với đời sống người cư sĩ tại gia.
Nói đến tinh thần thực tiễn, Đức Phật dạy phần lớn về sự chuyển hoá bản thân, vì vậy, sự tu tập nội tại là trọng yếu. Sống vì tha nhân là điều tốt. Nhưng vì đời mà bản thân phiền não hay tạo nghiệp bất thiện thì không nên làm. Ngay cả nhiều việc rất tốt cho nhân quần, xã hội nhưng khiến tâm ô nhiễm vì hận thù, ngã chấp cũng không nên. Tu tập tâm ý – bhāvanā – là một trọng điểm không thể thiếu trong Phật Pháp.
Biên soạn giáo trình: Tỳ kheo Giác Đẳng