Môn học: Phật Pháp Cơ Bản | Phần II: Phật Pháp - NGHIỆP BÁO - VÀI QUAN NIỆM VỀ NGHIỆP TRÁI VỚI GIÁO LÝ NGHIỆP BÁO

Thứ hai, 06/02/2023, 18:35 GMT+7

Lớp Phật Pháp Buddhadhamma

Môn học: Phật Pháp Cơ Bản

Bài học ngày 6.2.2022


Phần II: Phật Pháp

NGHIỆP BÁO

VÀI QUAN NIỆM VỀ NGHIỆP TRÁI VỚI GIÁO LÝ NGHIỆP BÁO

Nghiệp là từ ngữ tương đối phổ thông đại chúng. Ngày nay trong ngôn ngữ ở Phương Tây người ta cũng thường nói về karma hay nghiệp. Một số cách nói về nghiệp thoạt nghe “rất là nghiệp” nhưng đi ngược lại với giáo lý nghiệp báo được Đức Phật dạy. Người Phật tử có học Phật Pháp cần hiểu rõ những điểm nầy.

Nghiệp không phải là định mệnh

Do niềm tin ở chiêm tinh, bói toán người ta thường nghĩ là tất cả những gì xẩy ra trong cuộc sống là do số phần đã định sẳn từ nghiệp quá khứ. Từ quan niệm nầy hay khái niệm nghiệp và tiền định được ghép chung. Nói gọn là những gì tạo tác trong kiếp trước quyết định tất cả những gì xẩy ra ở hiện tại. Đây là quan niệm rất khác với giáo lý nghiệp báo và duyên khởi được Đức Phật dạy.

Theo Phật Pháp, tất cả những gì xẩy ra trong cuộc sống là sự pha trộn của cả hai quá khứ và hiện tại. Giáo lý duyên khởi nêu rõ sự hiện hữu của mỗi chúng sanh bao gồm cả quả do nhân quá khứ cùng với nhân hiện hiện tại cho quả ở tương lai. Thắng Pháp Tạng nêu rõ hầu hết diễn trình tâm là sự hỗn hợp của cả hai thứ quả và nhân. Nếu tin vào nhân quả nghiệp báo mà phủ nhận vai trò của ý chí tạo tác trong hiện tại là niềm tin hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý nghiệp báo theo Phật Pháp. Nói cách khác, một người đi vào giấc ngủ hay thức dậy với tâm từ khiến nội tâm sinh hoạt trong ngày khác đi. Một người thường làm các việc thiện hay chuyên tâm học hỏi cũng khiến cuộc sống khác hẳn với lối sống thụ động.

Nghiệp không đi với niềm tin thiên định

Trước sự đa dạng và phước tạp trong cuộc sống thường tạo nên niềm tin là có một đấng toàn năng tạo ra tất cả. Dù vậy người ta cũng mơ hồ nhận thấy hành vi thiện ác của một người tạo nên những ảnh hưởng trong cuộc sống. Kết quả là một sự kết hợp của nghiệp báo và sự phán xét của thượng đế. Một thí dụ rõ nhất là nhiều người tin rằng lối sống tốt xấu hiện tại của mỗi người sẽ được đem ra xét xữ trong một cuộc “đại thẩm pháp” khi thượng đế tái xuất hiện trên mặt đất nầy. Hoặc giả niềm tin một người làm thiện hay làm ác sau khi chết sẽ đi vào địa ngục nhận sự phán xét của thập điện phán quan (của Diêm Vương) trước khi được đầu thai kiếp kế tiếp. Những phán xét như vậy không có cơ sở trong Phật pháp.

Theo lời Phật dạy thì tất cả nhân quả là hiện tượng tự nhiên. Ở đây không có sự phán xét lấy cái nầy bù trừ cái kia. Có thể hiểu như hạt giống của hoa cỏ bay theo gió rơi trên mặt đất. Gặp chỗ thích hợp thì sanh sôi nảy nở; nếu không thì tàn lụn biết mất. Sự lớn mạnh hay mai một của những hạt giống nầy không cần sự phán xét của bất cứ ai. Nếu hiểu điều nầy sẽ thấy lý lẽ: lưu hồ sơ của mỗi chúng sanh rồi đem ra xét xữ từng trường hợp đối với vô số những sự việc xẩy ra trong cuộc đời là điều hoàn toàn bất khả.

Không phải tất cả những gì xẩy ra trong cuộc sống đều do nghiệp

Có những niềm tin là tất cả những gì xẩy ra đều do nghiệp. Và từ quan điểm nầy dẫn đến chủ thuyết duy tâm hay duy linh, mà nhiều người lầm tưởng là Phật giáo. Trong cái nhìn nầy, người ta cho rằng tất cả những hiện tượng vui buồn, tốt xấu, đúng sai đều do nghiệp quá khứ quyết định. Nên biết rõ nghiệp báo trong Phật Pháp không dạy như vậy.

Trong năm định luật vận hành thế gian theo Phật dạy thì nghiệp (kamma niyāma) chỉ làm một. Có những sự việc xẩy ra đơn giản vì tính tự nhiên như định luật về chủng tử, định luật về thời tiết, định luật về tâm, định luật về pháp. Nghiệp có liên đới nhưng không phải là tất cả. Cũng giống như trong cuộc sống người ta nói sự an toàn khi lái xe là do tài xế giỏi. Thực tế thì sự lái xe an toàn cũng được quyết định bởi tình trạng tốt xấu của chiếc xe, đường xá, thời tiết, xe cộ chung quanh ..v.v..

Trong Kinh Devadaha (Trung Bộ 101) Đức Phật đề cập cả ba giáo thuyết tiền định (pubbekata-vāda), thiên mệnh (issaranimmita-vāda), và ngẫu nhiên (ahetuvāda) đều dẫn đến sự phủ nhận ý chí tu tập trong hiện tại và những tu sĩ của bất cứ đạo giáo nào tin vào những giáo thuyết nầy thì rơi vào tình trạng “tự mình mâu thuẫn” bởỉ vì nếu ý chí chuyển hoá không có giá trị thì sự tu hành đâu có giá trị gì.

Bài tiếp theo: Chuyển nghiệp

Tỳ khưu Giác Đẳng biên soạn

Ý kiến bạn đọc